VÕ SĨ (Samurai) TAKAYAMA UKON

Ngày 7 tháng 2 tới đây, lễ phong chân phước cho Võ sĩ Takayama Ukon sẽ được tổ chức tại Osaka Joo Hall do Đức Hồng Y Angelo Amato chủ tế.

Ukon sinh năm 1552 trong thời kỳ chiến quốc tại làng Takayama Nodocho Osaka. Năm 1564 Ukon (12 tuổi) lãnh nhận bí tích rửa tội và được đặt tên thánh là Justo. Ông trở thành lãnh chúa (Daimyo) thành (lâu đài) Takatsuki từ năm 1573 đến mùa hè năm 1585, sau đó ông trở thành lãnh chúa thành Funage (Hyogo-ken) 2 năm. Năm 1587 Toyotomi Hideyoshi (1537-1589) ra lệnh cấm đạo, phế chức các võ sĩ không bỏ đạo; lúc bấy giờ Ukon chọn cuộc sống lưu đày chứ không phản bội đức tin.

Tokunaga Ieyasu (1543-1616) thống nhất đất nước và ra lệnh trục xuất Ukon khỏi Nhật Bản. Lúc bấy giờ Ukon mới ngoài 60 tuổi. Mùa đông năm 1614 ông cùng gia đình bị đày sang Phi Luật Tân và từ trần ngày 3 tháng 2 năm 1615 sau 40 ngày khi đến Phi.

Nhưng quá trình phong chân phước cho Võ sĩ Ukon giống như một vị tử đạo.

Ngày 5 tháng 2 năm 1597 Giáo Hội Nhật Bản đã được cả thế giới biết đến qua hung tin 26 giáo dân, linh mục và tu sĩ Công giáo bị xử tử tại Nagasaki vì tin theo đạo Công giáo. Hầu hết các vị tử đạo tiên khởi tại Nagasaki đã bị bắt tại Osaka và Kyoto, Võ sĩ Takayama Ukon đã góp phần rất lớn cho việc truyền giáo và xây dựng cộng đoàn Kitô hữu nơi này. Các Ngài bị xẻo tai bên trái, sau đó bị sỉ nhục, giày xéo, bỏ đói khát, phơi lạnh và làm trò cười cho thiên hạ gần 1 tháng (28 ngày) trên đoạn đường dài 900 cây số từ Kyoto, Osaka, Himeji, Okayama, Hiroshima, Yamaguchi, Hakata đến Nagasaki.

Takayama Ukon có tên trong danh sách trên, nhưng có hai lý do mà tên ông “bị” xóa đi. Một là: vì nếu giết ông sẽ có nhiều giáo dân theo gương ông xin được phúc tử đạo hay có thể gây bạo loạn. Hai là: giết ông sẽ mất đi một nhân tài và chính quyền cũng hy vọng cái chết kinh hoàng của 26 người Công giáo sẽ làm ông bỏ đạo.

Nhưng người có đức tin thì có lý do khác, đó là lý do thứ ba: Tên Takayama Ukon “bị” xóa khỏi danh sách các vị tử đạo đầu tiên, vì không một ai có thể quyết định quyền sinh tử của ông ngoài Thiên Chúa.

Sau 27 ngày sống lưu đày trong quần đảo Nhật như “Con Người không có chổ gối đầu” (Lc 9,58), đến năm 1614 chính quyền Tokugawa Ieyasu không thuyết phục được Takayama Ukon bỏ đạo và không ai dám quyết định sinh tử mệnh của ông, nên họ tìm cách trục xuất Ukon ra khỏi lãnh thổ Nhật bản.

Ngày 25 tháng 2 năm 1614 tuyết phủ trắng đường phố Kanazawa, nhưng đám đông không ngại trận mưa tuyết; họ tụ tập trước cổng thành Kanazawa vì tò mò về tin đồn về bản án cho Ukon. Có kẻ đến để ngạo mạn Ukon, có người hiện diện để thông cảm và an ủi, còn quân lính thì vội vả giống như họ đang đóng lại đoạn kịch sau khi Giuda hôn Chúa Giêsu (Mt 26,47-56).

Justo Ukon từ tốn nhưng hiên ngang, chuyển vội chân ra khỏi cổng thành Kanazawa rồi lặng lẽ đi giữa hai bức tường người của đám đông tự nguyện. Vợ Ukon Justa, con và các cháu bước theo vết chân in trên tuyết của người chồng, người cha và cũng là người ông để lại. Lúc bấy giờ cháu gái nhỏ nhất vừa lên tám phải vội chân lắm mới kịp ông nội được. Theo lệnh trên, Ukon cùng gia đình đi về hướng Kyoto, Osaka với đường dài 300 cây số. Nhưng Ukon hài lòng vì đã nhiều lần ông đã đi 14 chặng đàng Thánh giá trong khuôn khổ nhà thờ và dùng bản kinh để ngắm. Nhưng lần này,Ukon hãnh diện được sống lại với 14 chặng đàng Thánh giá nơi công cộng, giữa công chúng với những lời nguyện ngắm từ con tim của Ukon thổ lộ với trái tim Chúa.

Sự lên đường của đại gia đình Ukon làm cho chúng ta liên tưởng đến lời chia sẻ kinh nghiệm đức tin của Thánh Phaolô: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo…. Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,31-39).

Hôm trước ngày rời thành Kanazawa, bạn bè đến chia tay, tặng quà, khuyên Ukon “giả vờ” bỏ đạo để khỏi bị trừng phạt. Nhưng Ukon từ chối quà tặng, từ chối “giả vờ” bỏ đạo. Ông đáp: Tôi kính trọng thiên hoàng, nhưng tôi không thể phản bội Đấng tạo nên tôi và trời đất. Đêm ấy ông đem 60 thẻ vàng và nhờ cận vệ mang biếu cho những ân nhân ông đội ơn và bạn bè, ông nói: Ta không thể phục vụ nhân dân như một người công chức nữa, nên của cải này xin hoàn lại cho anh em.

Sau 10 ngày đàng, Ukon nhận được lệnh mới từ Ieyasu: 1-Cưỡng chế đàng ông đến Nagasaki. 2-Phụ nữ có quyền chọn Kyoto làm quê hương. 3-Giải tán đội cận vệ của Ukon. Nghe bản án, Ukon cảm nghiệm được nổi đau buồn đổ mồ hôi máu của Chúa Giêsu trong vườn Getsemani! Ông kinh nghiệm được tại sao mồ hôi có thể hòa chung với máu được! (Mc14.32-41). Lòng trí Ukon tuy não nề, nhưng ông xác tín rằng: “Thiên Chúa sẽ dự liệu của lễ toàn thiêu” (St 22,1-19). Nên Ukon suy nghĩ như Chúa Giêsu, “các ngươi hãy bắt ta, và hãy để cho những người này đi (Yn 18,8).

Ukon nhìn Justa vợ ông, rồi chuyển người về phía Kyoto thầm nghĩ: phụ nữ và các con cháu cần phải sống… Một lần nữa Ukon hướng người về phía Justa, nói khẽ: Em cố gắng dưỡng dục các con, cháu. Justa nắm nhẹ tay chồng, tuyên hứa: Anh đi đâu là em ở đó… Ukon cắn môi, gật đầu nhè nhẹ rồi thêm một bước nữa về hướng cảng Osaka. Justa nối theo bước chân chồng, các con cháu nhanh bước mẹ và bà, …

Ngày 4 tháng 4 gia đình Ukon và đoàn người không bỏ đạo bị tống lên thuyền đang neo bến Osaka để đưa về Nagasaki, sau đó sẽ trục xuất ra khỏi xứ Nhật bản. Ngày 8 tháng 11 năm 1614 tàu chở người bị trục xuất nhổ neo rời Nagasaki. Nhưng tính độc ác của Ieyasu chưa nguôi, vì ông luôn tự mãn và kiêu hãnh về quá khứ bình trị được thiên hạ, thống nhất đất nước; thì tại sao đối với Ukon lại nhu nhược! Ông bèn ra lệnh cho binh lính: Khai hỏa… đánh chìm thuyền của Justo Ukon. Nhưng khi quân lính đến cảng Nagasaki thì tầu của Ukon đã rời bến và biến dạng trong sương gió mù. Một lần nữa, chỉ có Chúa mới là chủ của sự sống và cái chết của Ukon.

“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lại lấy đi.

Xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,21).

Ukon được thiên thần đón về trời ngày 3 tháng 2 năm 1615 sau 40 ngày đến đất Phi Luật Tân.

Nam Du ký (hết)