TÌNH và HIẾU

BÊN TÌNH BÊN HIẾU, BIẾT CHỌN BÊN NÀO?

Lm. Bosco Dương Trung Tín

 

 Có nhiều người đặt vấn đề bên tình, bên hiếu; sự nghiệp và gia đình, sẽ chọn thế nào cho phải?

 Đây là hai cặp phạm trù không cùng một phạm trù, nói đúng ra là 4 phạm trù mà người ta liên kết thành một cặp Tình và hiếu; sự nghiệp và gia đình hay công việc và vợ (chồng). Ta phải tách riêng chúng ra từng thứ riêng lẻ thì mới giải quyết được, không thì có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

 Tình và hiếu.

Đây là hai phạm trù không cùng một phạm trù; có nghĩa là tình là tình và hiếu là hiếu, không thể một chọn trong hai; chọn cái này mà bỏ cái kia. Người xưa có câu: “Trai thì chữ hiếu làm đầu”. Nghĩa là đặt nặng chữ hiếu. Ta có thể hiểu ý nghĩa của câu này là : Con trai thì nối dõi tông đường, nên có trách nhiệm lo cho cha mẹ khi về già cũng như khi đã qua đời. Đó là bổn phận của một người con trai. Nhất là con trai cả. Con gái thì về nhà chồng, lo cho bên chồng rồi.

 Nhưng điều đó không có nghĩa là đặt chữ hiếu trên chữ tình. Không phải lấy cớ lo cha mẹ mà bỏ bê vợ mình. Cái gì cũng ưu tiên cho cha mẹ, rồi không lo lắng gì cho vợ con cả. Không thể lập gia đình rồi bỏ mặc mẹ cha; cũng không vì mẹ cha mà bỏ mặc vợ con. Phải có cả hai, phải lo cho cả hai mới tròn đầy và viên mãn.

 Nếu anh muốn lấy chữ hiếu làm đầu, thì anh đừng lấy vợ, cứ ở vậy mà báo hiếu, cho đến khi cha mẹ chết thì anh cũng ở vậy cho đến chết luôn, vì đến tuổi đó ai mà lấy anh nữa.

Rõ ràng là không anh nào muốn cảnh này; cũng không cha mẹ nào khi nhắm mắt mà sung sướng khi thấy con mình chưa “yên bề gia thất”. Thế nhưng khi con cái lập gia đình thì lại đòi báo hiếu hay trả hiếu. Thế có phải là mâu thuẫn không? Đây là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Lấy vợ, lấy chồng là một điều tự nhiên và đương nhiên; cha mẹ phải lo trước khi nhắm mắt. Người có vợ, có chồng thì cũng phải lo báo hiếu, lo giúp đỡ cha mẹ đôi bên. Như thế không ai trách. Có lo cho cha mẹ thì cũng phải lo cho vợ cho con. Như thế thì ai mà nói. Tại vì cứ lo hú hí với nhau mà bỏ mặc cha mẹ già, đau yếu hoặc cứ lo cho cha mẹ mà bỏ mặc vợ con nên mới bị trách, bị mắng.

Không có cha mẹ thì làm gì có mình bây giờ mà hú hí; nhưng không có vợ con mà cha mẹ chết thì mình sống làm sao; làm sao nối dõi tông đường?

Một vấn nạn được đưa ra là cả cha mẹ và vợ cùng bị bệnh thì sẽ thăm ai trước? Nguyên tắc là ai bệnh nặng và cần giúp đỡ trước thì lo thăm trước. Thăm trước chứ không phải ưu tiên hay bỏ mặc. Một người “nhập tử nhất sinh”, một người bị cảm sơ sơ thì phải lo cho người bệnh nặng trước chứ. Nếu cả hai cùng cảm sơ sơ thì sao? Thì phải lo cha cha mẹ trước, không phải ưu tiên mà để cho các cụ khỏi tủi thân. Nếu cả hai cùng lâm bệnh nặng như nhau thì sao? Thì tùy khả năng và khôn ngoan mà lo cho ai trước, vì không thể thăm một lúc hai nơi được.

Ví dụ như đi trên truyền, mà bị đắm trong đó có cả vợ và mẹ thì sẽ cứu ai trước? Cứu mẹ thì có thể vợ chết và cứu vợ thì mẹ chết. Vậy sẽ cứu ai trước? Cứu mẹ trước thì được tiếng có hiếu, nhưng lại tuyệt tình; chỉ có một mẹ thôi mà. Còn vợ thì có thể đi lấy vợ khác. Đành rằng anh có thể lấy vợ khác, nhưng người vợ trước cũng chỉ có một mà thôi. Nếu cứu vợ trước thì được tiếng có tình nhưng lại bất hiếu.

Đằng nào cũng chọn có một, được cái này thì mất cái kia; thế nên một là không cứu ai; hai là cùng chết chùm. Làm như thế vừa bất hiếu, vừa tuyệt tình lại vừa ngu. Thà cứ được một hơn là mất tất.

Nên theo nguyên tắc cứu hộ, phải cứu trẻ em, người già, và phụ nữ trước. Vì người già và trẻ em không có sức tự cứu được, nên được ưu tiên cứu trước. Theo nguyên tắc này thì phải cứu cha mẹ trước, vợ sau. Không có on đơ gì hết. Quả thật đây chỉ là những trường hợp hy hữu, nên không đem ra làm nguyên tắc trong đời sống gia đình được.

Bởi đó mà cũng nên suy nghĩ cho các bậc làm cha, làm mẹ, đừng có đòi hỏi con cái phải ưu tiên cho mình. Lấy lý là “Tao đẻ ra mày”. Bảo nó lấy vợ, nó cứ nghe theo vợ mà chẳng nghe mình gì. Trời! Nó nghe vợ nó thì phúc quá, chứ nó mà nghe người khác thì nguy to chứ đòi hỏi gì. Vợ chồng nó thì chúng nó nghe nhau chứ nghe ai. Phải để cho chúng nó giải quyết những vấn đề của chúng nó chứ. Như thế gia đình nó mới hạnh phúc. Mà vợ chồng nó hạnh phúc thì mình cũng hạnh phúc. Nếu mà nghe mình mà vợ chồng nó lục đục có phải là khổ cho mình và khổ cả cho chúng có không. Cái nào hơn ?

Có người lại nói “Đàn ông chọn sự nghiệp hơn chọn vợ” . Ta nghĩ thế nào cho đúng ?

Sự nghiệp và vợ cũng không cùng một phạm trù; nói nôm na là không cùng một thứ để ta chọn. Vì chọn sẽ lấy cái này và bỏ cái kia. Không chọn thì phải có cả hai, vì con người sống không chỉ vì nghề nghiệp mà còn có hạnh phúc gia đình. Anh mà “công thành danh toại”, mà để vợ ở nhà bơ vơ, không nơi nương tựa thì nó sẽ đi tìm người khác. Thế thì anh có hạnh phúc không? Anh có trách được gì không?

Nếu anh cứ hú hí với vợ ở nhà mà không đi làm thì lấy gì mà ăn, mà sống. Cho nên không thể chọn sự nghiệp hay chọn vợ được. Người đàn ông khi đã lập gia đình thì phải lo làm việc để nuôi sống gia đình, nuôi sống vợ con. Điều đó không có nghĩa là lo sự nghiệp mà bỏ mặc vợ con.

Người xưa có nói: “Có an cư mới lạc nghiệp”. Anh mà có một gia đình hạnh phúc thì anh mới làm việc có kết quả và sự nghiệp của anh mới vững bền. Sự nghiệp của anh mà vững bền thì mới đảm bảo hạnh phúc cho gia đình, cho vợ con anh được.

Thực tế cho thấy những nghệ sĩ tài ba nào mà có hậu phương vững chắc thì “công thành danh toại”, hạnh phúc đến già; hạnh phúc đến khi nhắm mắt. Còn nghệ sĩ nào chỉ lo cho sự nghiệp mà không lo hậu phương, kết cục dù có những tác phẩm nổi tiếng đi nữa cũng sống trong đau khổ và chết trong cô đơn.

Vậy thì phải nói vợ là vợ và sự nghiệp là sự nghiệp. Không thể chọn một trong hai. Nếu có phải ưu tiên thì phải ưu tiên cho gia đình, cho vợ trước.

Trên đây chỉ là một vài điều chia sẻ khách quan, một vài suy tư, nên không là mô phạm cho một vấn nạn nào. Còn tùy ở tâm tư tình cảm mà mỗi người sẽ có cách giải quyết riêng của mình.