Fratelli Tutti-Tất cả là Anh Chị Em của Đức Thánh Cha Phanxico- Chương V

CHƯƠNG V

MỘT THỂ THỨC CHÍNH TRỊ TỐT ĐẸP HƠN

154. Sự tiến triển của cộng đồng huynh đệ hoàn cầu dựa trên việc thực thi tình hữu nghị xã hội từ phía các dân tộc và quốc gia, kêu mời một loại hình chính trị tốt đẹp hơn, một thể thức chính trị thật sự phục vụ thiện ích chung. Đáng buồn thay, nền chính trị ngày nay thường mang đậm hình thức cản trở sự thăng tiến hướng tới một thế giới khác.

CÁC LOẠI HÌNH DÂN TÚY VÀ TỰ DO CHỦ NGHĨA

155. Hiện trạng thiếu quan tâm đến những người dễ bị tổn thương có thể ẩn nấp phía sau chủ nghĩa dân túy, nhằm mị dân bóc lột họ vì các mục đích riêng, hoặc ẩn tàng đằng sau chủ nghĩa tự do chuyên phục vụ lợi ích kinh tế của những ai nắm quyền. Trong cả hai trường hợp này, thật khó để dự kiến một thế giới cởi mở, kiến tạo không gian cho mọi người, bao gồm những ai dễ bị tổn thương nhất, và biểu lộ lòng tôn trọng đối với các nền văn hóa khác nhau.

Người được lòng dân đối trọng với người theo chủ trương dân túy 

  1. Những năm gần đây, cụm từ “chủ nghĩa dân túy” và “người theo chủ trương dân túy” đã xâm nhập vào các phương tiện truyền thông và chuyện trò hằng ngày. Vì vậy, chúng đánh mất bất cứ giá trị nào mà họ có thể sở hữu, và trở thành nguồn phân cực khác biệt trong xã hội vốn đã chia rẽ bấy lâu. Mọi nỗ lực đưa ra nhằm phân loại toàn bộ các dân tộc, các nhóm, các xã hội và chính phủ như thể “theo chủ trương dân túy” hay chăng. Ngày nay, không ai có thể bày tỏ quan điểm về bất cứ chủ đề nào mà không bị phân loại theo dạng này hay dạng khác, hoặc bị mất uy tín một cách bất công, hoặc được tung hô lên tận trời cao.

    157. Mưu toan xem chủ nghĩa dân túy như chìa khóa biện giải thực tại xã hội có vấn đề theo một cách khác: nó coi thường ý nghĩa chính đáng của hạn từ “nhân dân”. Bất kỳ nỗ lực nào loại bỏ khái niệm này ra khỏi cách nói thông thường đều dẫn đến việc loại trừ chính ý niệm dân chủ như là “chính phủ do nhân dân”. Nếu chúng ta ước muốn duy trì xã hội vượt lên trên một tập hợp đơn thuần gồm các cá thể, thì thuật ngữ “nhân dân” được minh định cần thiết. Những hiện tượng xã hội tạo ra nhiều khối đa số, cũng như xu thế lớn lao và biết bao khát vọng cộng đồng đang tồn tại. Đàn ông cũng như phụ nữ có khả năng đưa ra các mục tiêu chung vượt hẳn đặc điểm khác biệt của họ, do đó họ có thể tham gia vào diễn trình nỗ lực chung. Nhưng sẽ rất khó thực hiện một đề án dài hạn, trừ phi nó trở thành nguyện vọng tập thể. Mọi nhân tố này ẩn sâu dưới những từ ngữ mà chúng ta sử dụng như “nhân dân” và “được lòng dân”. Trừ phi chúng được xem xét – cùng với lời phê bình đúng đắn về trò mị dân – thì khía cạnh căn bản của thực tại xã hội sẽ bị làm ngơ.

    158. Tuy nhiên, một sự hiểu lầm có thể hiện hữu ở đây. “‘Nhân dân’ chẳng phải là phạm trù luận lý học, cũng không phải là phạm trù huyền bí, nếu qua đó chúng ta muốn ám chỉ rằng mọi việc dân chúng làm đều tốt đẹp, hoặc nhân dân là một thực tại ‘như thiên thần’. Đúng hơn, nó là phạm trù huyền thoại…Khi phải giải thích điều bạn muốn nói với cụm từ nhân dân, bạn sử dụng các phạm trù luận lý học để giải nghĩa, và nhất thiết phải như vậy. Tuy nhiên, theo cách này, bạn chẳng thể nào giải thích ý nghĩa của việc thuộc về một dân tộc. Hạn từ ‘dân tộc’ mang ý nghĩa sâu sắc hơn, mà không thể phát biểu bằng các thuật ngữ luận lý học thuần túy. Trở nên một phần của dân tộc là trở thành bộ phận của bản sắc chung, phát sinh từ mối dây liên kết xã hội-văn hóa. Và đây chẳng phải tự động mà có, đúng hơn là một diễn trình tiệm tiến đầy khó khăn…hướng tới một dự án chung” [132].

    159. Các nhà lãnh đạo “được lòng dân” hiện hữu, họ là những người có khả năng giải thích cảm quan, động lực văn hóa của một dân tộc, và các xu hướng quan trọng trong xã hội. Với mọi nỗ lực, việc họ phục vụ nhằm hợp nhất và lãnh đạo có thể trở thành nền tảng cho một viễn kiến lâu dài, ngõ hầu biến đổi và tăng trưởng, mà cũng bao gồm cả việc tạo không gian cho những người khác theo đuổi lợi ích chung. Nhưng điều này có thể thoái hóa thành một “chủ nghĩa dân túy” không lành mạnh, trong lúc các cá nhân khai thác nền văn hóa của một dân tộc trên bình diện chính trị, dưới bất cứ biểu ngữ ý thức hệ nào, vì lợi thế bản thân của họ hoặc nhằm tiếp tục nắm quyền. Vào những thời khắc khác, khi họ tìm kiếm sự nổi danh bằng cách kêu gọi các khuynh hướng đê hèn và ích kỷ nhất của một số bộ phận dân chúng. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nó đều dẫn đến việc chiếm đoạt các định chế và luật lệ, dưới bất cứ hình thức thô thiển hay tinh vi nào.

    160. Những nhóm dân túy khép kín bóp méo hạn từ “nhân dân”, vì lẽ họ chẳng đề cập đến một dân tộc chân chính. Trên thực tế, “nhân dân” là một khái niệm bỏ ngỏ. Người dân năng nổ sinh động, hay một dân tộc có tương lai, luôn không ngừng cởi mở đón nhận xu hướng tổng hợp mới, thông qua khả năng hoan nghênh mọi đặc tính khác biệt. Bằng cách này, nó chẳng hề phủ nhận bản sắc riêng, nhưng mở ra với những ai đang vận động, thách thức, nới rộng và làm phong phú thêm, do đó, nó được tăng trưởng và phát triển hơn.

    161. Một dấu hiệu khác của sự suy giảm khả năng lãnh đạo được lòng dân là mối quan tâm lợi thế ngắn hạn. Lợi thế đáp ứng nhu cầu thu được nhiều phiếu bầu hay ủng hộ, nhưng lại không thúc đẩy trong nỗ lực miệt mài liên tục nhằm tạo ra các nguồn tài nguyên mà người dân đang cần để phát triển, cũng như mưu sinh bằng chính nỗ lực và óc sáng tạo của họ. Về phương diện này, tôi đã nói rõ rằng “Tôi không có ý định đề xướng một chủ nghĩa dân túy vô trách nhiệm nào” [133]. Xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng đòi hỏi khả năng tăng trưởng kinh tế, mà nó hỗ trợ khai thác tiềm năng của từng khu vực, và như vậy bảo đảm sự bình đẳng lâu dài [134]. Đồng thời, “đề án phúc lợi vốn đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nào đó, chỉ nên được xem như các đối ứng tạm thời” [135].

    162. Vấn đề lớn lao nhất là công ăn việc làm. Điều thật sự “được lòng dân” – bởi lẽ nó cổ vũ lợi ích của nhân dân – cung cấp cho mọi người cơ hội dưỡng nuôi những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo vào trong mỗi chúng ta: các tài năng, sáng kiến và nguồn lực bẩm sinh của chúng ta. Đây là hỗ trợ tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể chia san với người nghèo, là chặng đường tối ưu nhất dẫn tới cuộc sống phù hợp nhân phẩm. Do đó, tôi xin nhấn mạnh rằng “giúp đỡ người nghèo về mặt tài chính luôn phải là một giải pháp tạm thời trước những nhu cầu cấp bách. Mục tiêu rộng lớn hơn là trợ giúp họ có cuộc sống xứng đáng thông qua công ăn việc làm” [136]. Bởi lẽ những hệ thống sản xuất có thể thay đổi, nên các hệ thống chính trị phải tiếp tục hoạt động để định hình cấu trúc xã hội theo cách mà hết thảy mọi người đều có cơ hội đóng góp tài năng và nỗ lực của riêng mình. Vì “chẳng có cái nghèo nào tồi tệ hơn việc lấy mất việc làm và phẩm giá công việc” [137]. Trong xã hội phát triển đích thật, công ăn việc làm là một khía cạnh thiết yếu của đời sống xã hội, vì nó không chỉ là phương tiện kiếm cơm hàng ngày, mà còn là cách thức phát triển bản thân, xây dựng các mối tương quan lành mạnh, tự biểu đạt và trao đổi quà tặng thiên phú. Công ăn việc làm mang lại cho chúng ta ý thức về trách nhiệm chung đối với sự nghiệp phát triển thế giới, và sau cùng, đối với cuộc sống của chúng ta như một dân tộc.

    Lợi ích và giới hạn của các phương thức tự do

    163. Khái niệm “nhân dân” bao hàm tự nhiên quan điểm tích cực về các mối liên kết cộng đồng và văn hóa, thường bị những phương thức tự do của chủ nghĩa cá nhân bác bỏ, mà chúng vốn coi xã hội đơn thuần là tổng số của mọi lợi ích cùng tồn tại với nhau. Người ta nói tới sự tôn trọng tự do, nhưng nó lại không bén rễ sâu vào một trình thuật chung; trong bối cảnh nào đó, những ai bênh vực quyền lợi của mọi thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội thường bị chỉ trích là kẻ theo chủ nghĩa dân túy. Ý niệm nhân dân bị coi như một cấu trúc trừu tượng, điều gì đó chẳng thật sự tồn tại. Nhưng điều này tạo ra lưỡng phân cực không cần thiết. Chẳng thể nào đánh giá khái niệm “nhân dân” hay “người lân cận” đơn giản chỉ là trừu tượng hoặc lãng mạn thuần tuý, bằng cách thức mà tổ chức xã hội, các định chế khoa học và dân sự vốn có thể bị bác bỏ hoặc bị khinh miệt đối xử [138].

    164. Mặt khác, đức ái hợp nhất cả hai chiều kích – trừu tượng và định chế – vì nó đòi hỏi một diễn trình hữu hiệu thay đổi lịch sử bao trùm mọi sự: định chế, luật pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm, chuyên môn nghề nghiệp, phân tích khoa học, thủ tục hành chính, v.v…Đối với vấn đề đó, “cuộc sống riêng tư không thể tồn tại, trừ phi nó được bảo vệ bởi trật tự công cộng. Mái ấm gia đình sẽ chẳng thực sự ấm áp, nếu nó không được bảo vệ nhờ pháp luật, bởi một trạng thái yên bình dựa trên luật pháp, và được hưởng mức an sinh tối thiểu mà cách phân công lao động, trao đổi thương mại, công bằng xã hội và quyền công dân chính trị đảm bảo” [139].

    165. Bác ái chân chính có khả năng kết hợp mọi yếu tố này lại trong mối quan tâm của nó đối với tha nhân. Trong trường hợp gặp gỡ cá nhân, thậm chí những dịp liên quan đến anh chị em ở xa hoặc bị lãng quên, thì nó có thể diễn ra như vậy nhờ vận dụng mọi nguồn liệu mà các định chế của xã hội quy cũ, tự do và sáng tạo khả dĩ hình thành. Chẳng hạn, ngay cả người Sa-ma-ri-a Nhân hậu cũng cần quán trọ gần đó để ra tay giúp đỡ, mà bản thân ông không thể cung cấp. Mến yêu người lân cận thật cụ thể và chẳng lãng phí bất cứ nguồn liệu nào cần thiết nhằm mang lại lịch sử đổi thay, mà nó có thể sinh lợi cho người nghèo và ai bị thiệt thòi. Tuy nhiên, đôi lúc các ý thức hệ cánh tả hoặc những học thuyết xã hội liên kết với phương thức hành động cá nhân chủ nghĩa và thủ tục vô hiệu quả chỉ ảnh hưởng đến thiểu số, trong khi phần lớn những ai bị bỏ quên vẫn lệ thuộc vào thiện chí của người khác. Điều này chứng tỏ nhu cầu phải có tinh thần huynh đệ cao cả, nhưng cũng cần một tổ chức thế giới hữu hiệu hơn nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề nan giải gây tai họa cho những người bị bỏ rơi đang đau khổ và thoi thóp tại các nước nghèo. Nó cũng cho thấy không một giải pháp, không phương pháp luận duy nhất có thể được chấp nhận, không công thức kinh tế nào được áp dụng cho tất cả theo cách phân biệt đối xử. Ngay cả các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt nhất cũng chỉ có thể đề xướng hướng hành động khác nhau mà thôi.

    166. Như vậy, mọi sự đều phụ thuộc vào khả năng của chúng ta nhìn ra nhu cầu thay đổi tâm hồn, thái độ và lối sống. Nếu không, tuyên truyền chính trị, phương tiện truyền thông và những kẻ định hình công luận sẽ tiếp tục cổ vũ một nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa không hề phê phán, lệ thuộc lợi ích kinh tế và định chế xã hội tự tung tự tác nhằm phục vụ những ai đã thụ hưởng quá nhiều quyền lực. Các lời chỉ trích của tôi về mô hình kỹ trị bao hàm hơn cả lối suy nghĩ đơn giản cho rằng nếu chúng ta kiểm soát được những thái quá của nó thì mọi sự sẽ yên ổn. Nguy cơ lớn hơn không phát sinh từ các đối tượng chuyên biệt, thực tại hay thể chế vật chất, nhưng đến từ cách thức mà chúng được sử dụng. Nó liên quan đến sự yếu đuối con người, xu hướng thiên về thói ích kỷ, vốn là một phần của điều mà truyền thống Ki-tô giáo gọi là “tư dục”: khuynh hướng cá vị chỉ quan tâm đến bản thân, nhóm, tư lợi nhỏ nhen của mình. Tư dục chẳng phải là một thiếu sót được giới hạn ở thời đại chúng ta. Nó đã có mặt từ thuở sơ khai của nhân loại, chỉ thay đổi và khoác lên những hình dạng khác nhau qua các thời đại, vận dụng bất kể phương tiện nào mà mỗi khoảnh khắc lịch sử mang lại thôi. Tuy nhiên, chúng ta có thể vượt qua tư dục với sự trợ lực của Thiên Chúa.

    167. Giáo dục và dưỡng nuôi, biết quan tâm đến tha nhân, nhìn đời toàn diện và trưởng thành tâm linh: tất cả những điều này đều thiết yếu đối với các mối tương quan con người phẩm hạnh và tạo điều kiện cho chính xã hội chống lại mọi bất công, lầm lạc và lạm dụng kinh tế, kỹ thuật, chính trị cũng như quyền lực truyền thông. Một số phương thức tự do phớt lờ nhân tố của sở đoản con người này; chúng dự kiến thế giới tuân theo nền trật tự đã được định sẵn, và tự nó khả dĩ bảo đảm tương lai tươi sáng, cũng như cung cấp giải pháp cho mọi vấn đề.

    168. Thị trường tự nó chẳng thể nào giải quyết mọi vấn đề, bất luận chúng ta được yêu cầu tin vào tín điều này của tín ngưỡng theo trường phái tân tự do ra sao. Dù thử thách là gì đi chăng nữa, trường phái tư tưởng nghèo nàn lặp đi lặp lại này luôn đưa ra những công thức giống nhau. Chủ nghĩa tân tự do chỉ tự tái tạo mình bằng cách dùng đến các lý thuyết ma thuật “chảy tràn” hoặc “nhỏ giọt” – mà không dùng danh xưng – như giải pháp duy nhất cho những vấn đề xã hội. Nó ít đánh giá được thực tại này là điều viện dẫn “chảy tràn” không giải quyết tính bất bình đẳng, mà nó từng làm gia tăng loại hình bạo lực mới, đe dọa chính kết cấu của xã hội. Vì vậy, nhất thiết phải có chính sách kinh tế chủ động nhằm “cổ vũ một nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho đặc tính đa dạng chế tác và sự sáng tạo kinh doanh” [140], cũng như tạo khả thể cho công ăn việc làm luôn được dồi dào, chứ không bị cắt giảm. Về mặt căn bản, đầu cơ tài chính nhắm tới lợi nhuận nhanh chóng tiếp tục gây hại, tàn phá. Thật vậy, “nếu không có các hình thức liên đới nội bộ và tin cậy lẫn nhau, thì thị trường chẳng thể nào hoàn thành đầy đủ chức năng kinh tế tương ứng của nó. Và ngày nay sự tin tưởng này đã không còn hiện hữu” [141]. Câu chuyện chẳng hề kết thúc theo cách của nó, còn các công thức giáo điều nơi lý thuyết kinh tế hiện hành được minh định không phải là bất khả ngộ. Tính mong manh của những hệ thống hoàn cầu khi đối mặt với trận đại dịch đã lộ ra: chẳng phải mọi sự đều có thể được giải quyết bằng tự do thị trường. Ngoài việc khôi phục cuộc sống chính trị lành mạnh không bị bức chế tài chính chi phối, thì nó cũng lột tả rằng “chúng ta phải đặt nhân phẩm trở lại trọng tâm và xây dựng trên trụ cột đó các cấu trúc xã hội thay thế mà chúng ta vốn cần đến” [142].

    169. Thí dụ, trong một số phương thức kinh tế khép kín và đơn sắc, dường như chẳng có chỗ cho các phong trào bình dân nhằm kết hợp những nhân công thất nghiệp, lao động tạm thời và phi chính thức, cũng như nhiều người khác không dễ dàng tìm được chỗ đứng trong các cơ cấu hiện hành. Tuy nhiên, những phong trào ấy quản lý vô số hình thức kinh tế bình dân và sản xuất cộng đồng. Điều chúng ta cần là một mô hình tham gia xã hội, chính trị và kinh tế mà “có thể bao gồm các phong trào bình dân, hầu tiếp thêm sức mạnh cho cơ cấu quản lý địa phương, quốc gia và quốc tế với dòng năng lượng đạo đức phát sinh từ hành động bao gồm cả những ai bị loại trừ trong việc xây dựng một vận mệnh chung”. Trong khi đó cũng bảo đảm để “những cảm nghiệm liên đới lớn lên từ bên dưới, từ tầng đất cái của hành tinh – có thể đến với nhau, được phối hợp nhiều hơn, tiếp tục gặp gỡ nhau” [143]. Tuy nhiên, điều này phải diễn ra theo cách thức không được trái ngược với hoạt động khác biệt của chúng, tựa “những người gieo hạt mà họ biến chuyển, cổ vũ tiến trình thu hút hàng triệu hành động lớn nhỏ, đan xen đầy sáng tạo như lời lẽ trong một bài thơ” [144]. Vậy, các phong trào thế này là “những thi sĩ xã hội”, mà họ đã làm việc, đề xướng, cổ vũ và giải phóng theo cách riêng của bản thân. Họ giúp sự phát triển con người toàn diện thành hiện thực, vượt lên trên “ý niệm xem các chính sách xã hội như chính sáchcho người nghèo, chứ chẳng bao giờ vớingười nghèo và của người nghèo, lại càng không phải là một phần của dự án nhằm tái hợp nhất mọi dân nước” [145]. Họ có thể rầy rà phiền phức, và một số “lý thuyết gia” có lẽ khó phân loại họ, nhưng chúng ta phải đủ can đảm để thừa nhận rằng, nếu không có họ, “dân chủ sẽ teo tóp, biến thành hạn từ đơn lẻ, một lề thói; nó đánh mất đặc tính biểu trưng và vỡ vụn tan rã, vì nó bỏ rơi con người trong cuộc đấu tranh giành phẩm giá hằng ngày, cũng như trong việc xây dựng tương lai của họ”.

QUYỀN LỰC QUỐC TẾ

170. Một lần nữa tôi cho rằng “cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã mang lại cơ hội phát triển nền kinh tế mới, chú ý nhiều hơn đến các nguyên tắc đạo đức, cũng như cách thức mới nhằm điều chỉnh những việc thực hành tài chính đầu cơ tích trữ và của cải ảo. Nhưng đối ứng với cuộc khủng hoảng không liên quan tới vấn đề tái xem xét các tiêu chuẩn lỗi thời, mà chúng vẫn tiếp tục thống trị thế giới” [147]. Thật vậy, dường như những chiến lược thực tế được phát triển khắp thế giới sau cuộc khủng hoảng đã cổ vũ chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, nhưng ít hội nhập hơn và tăng cường tự do cho kẻ nắm quyền thực sự, họ luôn tìm cách trốn thoát mà chẳng hề hấn chi. 

171. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng “trao cho mỗi người phần của họ – trích dẫn định nghĩa cổ điển về công lý – nghĩa là không một cá nhân hay nhóm người nào có thể tự xem mình tuyệt đối, cho mình quyền phớt lờ phẩm giá và quyền lợi của các cá nhân khác hoặc những nhóm xã hội của họ. Sự phân bổ quyền lực hữu hiệu (đặc biệt quyền lực chính trị, kinh tế, quốc phòng và kỹ thuật) giữa tính đa nguyên chủ thể và việc kiến tạo một hệ thống pháp lý nhằm điều chỉnh các yêu sách và lợi ích, là một cách thức cụ thể để hạn chế quyền lực. Tuy nhiên, thế giới ngày nay trình bày cho chúng ta đầy dẫy quyền lợi sai trái và đồng thời nhiều bộ phận rộng lớn dễ bị tổn thương, những nạn nhân của quyền lực bị xử lý một cách tồi tệ” [148].

172. Thế kỷ XXI “đang chứng kiến sự suy yếu quyền lực của các nhà nước quốc gia, chủ yếu vì các bộ phận kinh tế và tài chính mang tính xuyên quốc gia thường lấn lướt bộ phận chính trị. Trước tình hình đó, điều thiết yếu là đặt ra những định chế quốc tế quy cũ hữu hiệu và chặt chẽ hơn, với các viên chức được bổ nhiệm công bằng theo thỏa thuận giữa chính phủ quốc gia, và họ cũng được trao quyền áp đặt những biện pháp trừng phạt” [149]. Khi nói tới khả năng của một số hình thức thẩm quyền thế giới được luật pháp quy định [150], chúng ta không nhất thiết phải nghĩ đến thẩm quyền cá nhân. Tuy nhiên, một cơ quan như vậy ít nhất cần cổ vũ các tổ chức thế giới hữu hiệu hơn, được trang bị với quyền hành cung ứng cho lợi ích chung hoàn cầu, xóa bỏ đói nghèo và bảo vệ chắc chắn mọi nhân quyền căn bản.

173. Về khía cạnh này, tôi cũng xin lưu ý nhu cầu cải tổ “Cơ quan Liên hiệp quốc, tương tự như các định chế kinh tế và tài chính quốc tế, ngõ hầu khái niệm gia đình của mọi quốc gia có thể được thành sự” [151]. Chẳng cần bàn luận, điều này đòi hỏi những giới hạn pháp lý rõ ràng, nhằm tránh quyền hạn chỉ cho một số quốc gia đồng chọn và ngăn chặn các áp đặt văn hóa, hoặc hạn chế quyền tự do căn bản của những nước yếu thế hơn trên cơ sở khác biệt về ý thức hệ. Vì “cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý, được thành lập dựa trên tính chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không bị ràng buộc bởi lệ thuộc mà phủ nhận hoặc hạn chế sự độc lập của quốc gia đó” [152]. Đồng thời, “theo các nguyên tắc nêu trong phần Dẫn nhập và những Điều khoản đầu tiên của Hiến chương thành lập, thì công việc của Liên hiệp quốc có thể được xem như sự phát triển và cổ vũ tính thượng tôn pháp luật, dựa trên nhận thức công lý là điều kiện thiết yếu để đạt được lý tưởng huynh đệ phổ quát…Cần phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật không thể bàn cãi và bền bỉ đàm phán, hòa giải và phân xử như Hiến chương Liên hiệp quốc đã đề xướng, cấu thành nên một chuẩn mực pháp lý nền tảng thật sự” [153]. Cần phải ngăn chặn việc Cơ quan này bị phi hợp pháp hóa, vì các vấn đề cũng như thiếu sót của nó có thể được cùng nhau bàn thảo và giải quyết.

174. Lòng can đảm và quảng đại cần thiết, hầu được tự do thiết lập các mục tiêu chung và đảm bảo tuân thủ những chuẩn mực thiết yếu nhất định nào đó trên toàn thế giới. Để nó thực sự hữu ích thì cần đề cao “nhu cầu trung thành với các thỏa thuận đã được ký kết (phải tuân giữ hiệp ước [pacta sunt servanda])” [154], và tránh “lời cám dỗ nại tới luật sức mạnh hơn là sức mạnh của luật” [155]. Nghĩa là phải củng cố “những công cụ quy chuẩn, ngõ hầu mang lại giải pháp hòa bình cho các cuộc luận chiến…nhằm tăng cường phạm vi và hiệu lực trói buộc của chúng” [156]. Trong số công cụ quy chuẩn này, nên ưu tiên những hiệp định đa phương giữa các quốc gia, hơn là hiệp định song phương, vì lẽ chúng cam đoan cổ vũ cho lợi ích chung phổ quát đích thật và bảo vệ những quốc gia yếu thế hơn.

175. Nhờ Chúa quan phòng, nhiều nhóm và tổ chức trong xã hội dân sự giúp bù đắp các thiếu sót của cộng đồng quốc tế, thiếu sự phối hợp trong những tình huống phức tạp, thiếu quan tâm đến nhân quyền căn bản, cũng như mọi nhu cầu cần kíp của một số nhóm nào đó. Ở đây, chúng ta có thể thấy ứng dụng cụ thể của nguyên tắc phụ đới, mà nó minh giải cho hoạt động và tham gia của các cộng đồng cũng như tổ chức ở cấp thấp, như là phương tiện nhằm tích hợp và bổ sung cho hoạt động quốc gia. Các nhóm và tổ chức này thường tiến hành nỗ lực đáng khen trong việc phục vụ lợi ích chung, và thành viên họ đôi khi biểu lộ tinh thần anh hùng chuyên chính, đồng thời lột tả điều gì đó vĩ đại mà nhân loại chúng ta vẫn có khả năng thực hiện.

BÁC ÁI XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ

176. Đối với nhiều người ngày nay, chính trị là từ ngữ gây khó chịu, thường do những sai lầm, vấn nạn tham nhũng và tính kém hiệu quả của một số chính trị gia. Vô số toan tính làm mất uy tín chính trị tồn tại, thay thế bằng kinh tế học hoặc bóp méo nó thành ý thức hệ này hay ý thức hệ kia. Tuy nhiên, liệu thế giới chúng ta có thể hoạt động mà chẳng cần tới chính trị? Phải chăng một tiến trình tăng trưởng hữu hiệu hướng tới tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội không cần sinh hoạt chính trị lành mạnh? [157]

Nền chính trị chúng ta cần

177. Một lần nữa tôi xin nhận xét ở đây rằng “chính trị không nên lệ thuộc kinh tế, mà kinh tế cũng không nên phụ thuộc vào bức chế của mô hình kỹ trị dựa trên hiệu năng” [158]. Mặc dù phải rõ ràng bác bỏ việc lạm dụng quyền lực, tham nhũng, xem thường luật pháp và tính thiếu hiệu năng, nhưng “kinh tế mà không có chính trị thì không thể xác minh, vì điều này sẽ khiến chúng ta chẳng thể nào ủng hộ các cách thức khác trong việc xử lý vô số khía cạnh của cuộc khủng hoảng hiện nay” [159]. Thay vào đó, “một nền chính trị cần có tầm nhìn xa trông rộng và sở hữu khả năng thực hiện phương thức liên ngành, toàn diện, mới mẻ, nhằm xử lý các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng” [160]. Nói cách khác, một “nền chính trị lành mạnh…có khả năng cải cách và phối hợp các định chế, đồng thời cổ vũ thói quen lệ thường tốt nhất và vượt qua áp lực thái quá, cũng như tính trì trệ quan liêu” [161]. Chúng ta chẳng trông mong kinh tế thực hiện điều này, nhưng cũng không cho phép kinh tế tiếp quản quyền lực thực sự của nhà nước.

178. Đối mặt với nhiều hình thức chính trị nhỏ nhen chỉ biết khư khư vào lợi ích trước mắt, tôi xin nhắc lại rằng “nghệ thuật lãnh đạo đất nước chân chính được bộc lộ trong những thời khắc nguy nan, lúc chúng ta giữ vững mọi nguyên tắc cao cả và nghĩ suy đến lợi ích chung lâu dài. Các thế lực chính trị chẳng nhận thấy việc đảm nhận nhiệm vụ này trong công cuộc xây dựng đất nước là chuyện dễ dàng” [162], lại càng không dễ dàng chút nào khi tạo ra một dự án chung cho gia đình nhân loại, ngay lúc này và trong tương lai. Nghĩ tới những hậu duệ chúng ta, họ sẽ không phục vụ mục đích bầu cử, nhưng đó là điều công lý chân chính đòi hỏi. Như chư huynh Giám mục Bồ Đào Nha từng dạy, trái đất “được mỗi thế hệ vay mượn, tiếp nhận, rồi trao lại cho thế hệ tiếp theo” [163].

179. Xã hội hoàn cầu đang khốn khổ vì những khiếm khuyết nghiêm trọng về cơ cấu, mà chúng không thể được giải quyết bằng các giải pháp từng phần hoặc sửa chữa vội vã. Quá nhiều thứ cần thay đổi, qua lối cải cách nền tảng và canh tân trọng yếu. Chỉ một nền chính trị lành mạnh bao gồm những lĩnh vực và kỹ năng đa dạng nhất mới có khả năng giám sát diễn trình này. Nền kinh tế mà là một bộ phận trọn vẹn của chương trình chính trị, xã hội, văn hóa và đại chúng hướng đến lợi ích chung, mới có thể mở đường cho “các khả thể khác nhau không dính dáng tới việc ngăn cản tính sáng tạo của con người và lý tưởng tiến bộ của nó, nhưng tốt hơn hết là điều hướng năng lực đó theo các khí cụ mới” [164].

Tình yêu chính trị

  1. Thừa nhận rằng mọi người đều là anh chị em của chúng ta, và kiếm tìm các hình thức hữu nghị xã hội chấp nhận tất cả, chẳng đơn thuần là điều không tưởng. Nó đòi hỏi lời cam kết dứt khoát nhằm đưa ra những phương thế hữu hiệu cho mục đích này. Bất cứ nỗ lực nào theo đường hướng trên đều trở thành việc thực thi bác ái cao quý. Vì lẽ trong lúc các cá nhân có thể giúp đỡ tha nhân đang gặp khó khăn, khi họ cùng tham gia khởi xướng những tiến trình xã hội cổ vũ tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, thì quả thật họ đã bước vào “lĩnh vực bác ái trên bình diện rộng lớn nhất, tức là bác ái chính trị” [165]. Điều này bao hàm hoạt động cho một trật tự xã hội và chính trị, mà linh hồn của nó chính là bác ái xã hội [166]. Lần nữa, tôi xin kêu gọi sự ngưỡng mộ mới mẻ về chính trị như “một ơn gọi cao quý và là một trong những dạng thức bác ái cao cả nhất, bởi lẽ nó tìm kiếm thiện ích chung” [167].

    181. Mọi cam kết được gợi hứng nhờ học thuyết xã hội của Giáo hội đều “phát xuất từ lòng bác ái, mà theo lời dạy của Đức Giê-su, nó vốn là tổng hợp luận của toàn bộ Lề luật (x. Mt22, 36-40)” [168]. Điều này có nghĩa thừa nhận rằng “tình yêu vốn đầy ắp những cử chỉ bé nhỏ quan tâm lẫn nhau, nhưng thấm đượm tính dân sự và chính trị; hơn nữa, tự nó thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” [169]. Vì vậy, lòng bác ái được biểu lộ không chỉ trong những mối tương quan gần gũi thân thiết, mà còn trong “các liên hệ vĩ mô: mang tính xã hội, kinh tế và chính trị” [170].

    182. Lòng bác ái chính trị này ra đời từ ý thức xã hội vượt trên mọi não trạng chủ nghĩa cá nhân: “‘Bác ái xã hội khiến chúng ta chân quý thiện ích’, nó đưa ta đi tìm kiếm lợi ích của mọi người một cách hữu hiệu, mọi người ở đây không những được xem như các cá thể hay tư nhân, mà còn được đặt trong chiều kích xã hội nhằm hợp nhất họ nữa” [171]. Mỗi chúng ta hoàn toàn là con người khi chúng ta là một phần của dân tộc; đồng thời, chẳng có dân tộc nào mà lại không tôn trọng cá tính riêng của mỗi người. “Dân tộc” và “con người” là thuật ngữ liên quan với nhau. Tuy nhiên, ngày nay tồn tại vô số mưu toan nhằm giản lược con người thành những cá nhân cô lập dễ bị thao túng bởi các thế lực chỉ biết theo đuổi lợi ích giả mạo. Nhưng trên mọi bình diện của đời sống xã hội, nền chính trị đúng đắn sẽ tìm cách xây dựng cộng đồng, nhằm điều chỉnh cũng như định hướng lại việc toàn cầu hóa, và do đó tránh được những hậu quả huỷ hoại nó.

    Tình yêu hữu hiệu 

  2. “Bác ái xã hội” [172] khiến chúng ta có thể vươn tới nền văn minh tình thương, mà hết thảy chúng ta đều cảm nhận được lời mời gọi thông phần. Với sự thúc bách hướng tới tính phổ quát, lòng bác ái có khả năng xây dựng một thế giới mới [173]. Chẳng phải cảm tính đơn thuần, mà nó là phương thế tốt nhất nhằm khám phá những nẻo đường lành mạnh cho sự phát triển của mọi người. Bác ái xã hội là một “sức mạnh hữu năng mang nguồn cảm hứng tạo ra nhiều cách thức mới, hầu tiếp cận các vấn nạn của thế giới ngày nay, cũng như đổi mới sâu sắc những cơ cấu, tổ chức xã hội và hệ thống luật pháp từ bên trong” [174].

    184. Bác ái là cốt lõi của mọi xã hội lành mạnh và cởi mở, nhưng ngày nay “nó dễ bị bác bỏ như thể không thích hợp để biện giải và đưa ra định hướng cho trách nhiệm luân lý” [175]. Khi đồng hành với lời cam kết bênh vực sự thật, lòng bác ái vượt trên cảm giác cá nhân, và do đó, chẳng cần “thành mồi nhử cho những xúc cảm và ý kiến chủ quan ngẫu nhiên” [176]. Thật vậy, mối liên hệ chặt chẽ với chân lý cổ vũ tính phổ quát của nó, và bảo toàn khỏi bị “giới hạn trong lĩnh vực hẹp hòi thiếu các mối tương quan” [177]. Còn không, nó sẽ bị “loại trừ khỏi những kế hoạch và tiến trình cổ vũ phát triển con người trên phạm vi hoàn cầu, trong cuộc đối thoại giữa tri thức và tập quán” [178]. Không có chân lý, xúc cảm thiếu vắng nội dung liên hệ và xã hội. Vì vậy, bác ái rộng mở với sự thật sẽ bảo vệ nó khỏi “chủ nghĩa duy tín, vốn tước đoạt chiều kích nhân bản và phổ quát của nó” [179].

    185. Bác ái cần ánh sáng chân lý mà chúng ta không ngừng tìm kiếm. “Ánh sáng đó vừa là ánh sáng của lý trí, vừa là ánh sáng của đức tin” [180], và không thừa nhận bất cứ hình thức nào của thuyết tương đối. Tuy nhiên, nó tôn trọng sự phát triển của các ngành khoa học, cũng như những đóng góp thiết yếu của chúng trong việc tìm ra phương thế thực tiễn chắc chắn nhất để đạt được kết quả mong muốn. Vì khi lợi ích của người khác bị đe dọa, thì những ý định tốt lành thôi chưa đủ. Mọi cố gắng cụ thể phải được thực hiện, ngõ hầu mang lại bất cứ điều gì mà họ và các quốc gia của họ cần để phát triển.

THỰC THI TÌNH YÊU CHÍNH TRỊ

186. Một loại tình yêu “được luận ra” hiện hữu: những hành vi của nó phát xuất trực tiếp từ đức bác ái và hướng tới mọi cá nhân cũng như dân tộc. Mặc khác còn có tình yêu “được lệnh truyền”, mà nó bộc lộ trong hành động bác ái vốn thúc đẩy con người tạo ra các định chế lành mạnh hơn, quy định công bằng hơn, nhiều cơ cấu hỗ trợ hơn [181]. Vì vậy, “đây là một hành động yêu thương trọng yếu, không thể thiếu trong nỗ lực tổ chức và kiến tạo cơ cấu xã hội, ngõ hầu người lân cận sẽ chẳng còn thấy mình đang cơ cực nữa” [182]. Vốn là hành động yêu thương nhằm giúp đỡ ai đau khổ, nhưng nó cũng là hành vi bác ái, ngay cả khi chúng ta không biết đến người ấy, hầu làm thay đổi các điều kiện xã hội đã gây ra khổ đau. Nếu ai đó giúp cụ già qua sông, thì đấy là nghĩa cử bác ái tốt lành. Mặt khác, chính trị gia nào xây dựng bắt cầu, thì đó cũng là hành vi bác ái. Trong khi một người có thể giúp đỡ tha nhân bằng cách mang lại của ăn, thì chính trị gia tạo ra việc làm cho người khác, và thực hành loại hình bác ái cao quý, mà nó tôn vinh hoạt động chính trị của ông/bà ấy.

Hy sinh từ đức mến

  1. Vốn là cốt lõi thiêng liêng của nền chính trị, đức ái luôn là tình yêu ưu tiên dành cho những ai thiếu thốn nhất; nó củng cố mọi việc chúng ta làm thay cho họ [183]. Chỉ một ánh nhìn mà đức ái cải hoá mới có thể giúp nhận ra phẩm giá của tha nhân, do đó, người nghèo được thừa nhận và đánh giá cao trong nhân phẩm, được tôn trọng nơi bản sắc và nền văn hóa của họ, rồi họ thực sự hòa nhập vào xã hội. Cái nhìn này là trọng tâm của tinh thần chính trị chân chính. Nó trông thấy những nẻo đường rộng mở, khác biệt với lối đi của chủ nghĩa thực dụng vô hồn. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng “vụ tai tiếng đói khổ chẳng thể giải nào quyết bằng cách cổ vũ các chiến lược ngăn chặn mà vốn chỉ làm an lòng người nghèo, thuần phục họ và không gây hại. Buồn biết bao khi chúng ta phát hiện đằng sau những công việc được cho là đầy ắp lòng vị tha, lại giản lược, đẩy tha nhân vào tình trạng thụ động” [184]. Các lộ trình mới cần thiết giúp họ tự thể hiện và tham gia vào xã hội. Công cuộc giáo dục phục vụ những điều này bằng cách hỗ trợ mỗi người định hình tương lai của chính mình. Tương tự ở đây, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của nguyên tắc phụ đới, mà nó không thể tách rời khỏi nguyên tắc liên đới.

    188. Những xem xét trên giúp chúng ta nhận ra nhu cầu cấp thiết phải chống lại mọi đe dọa hoặc xâm phạm đến các nhân quyền căn bản. Chính trị gia được kêu gọi “chăm lo nhu cầu của từng cá nhân và cả dân tộc. Phục vụ những ai đang gặp túng thiếu đòi hỏi sức mạnh và sự ân cần, nỗ lực và lòng quảng đại giữa một não trạng duy chức năng và tư hữu hóa, mà nó hiển nhiên dẫn tới ‘nền văn hóa vứt bỏ’…Điều này đòi hỏi tinh thần chịu trách nhiệm với thời hiện tại vốn đầy dẫy tình cảnh bị gạt ra ngoài hoàn toàn và gây ra bao nỗi lo âu xao xuyến, cũng như bao gồm khả năng mang lại phẩm giá cho nó” [185]. Tương tự, nó tạo ra nỗ lực mãnh liệt nhằm bảo đảm rằng “mọi thứ được thực hiện để bảo vệ cương vị xã hội và phẩm giá con người” [186]. Chính trị gia là những người hành động, những nhà kiến thiết với các mục tiêu đầy tham vọng, sở hữu tầm nhìn bao quát, thực tiễn và thực tế, vượt qua biên giới của xứ sở họ. Mối quan tâm lớn lao nhất của chính trị gia chẳng phải kết quả sụt giảm trong các cuộc thăm dò, mà là tìm ra giải pháp hữu hiệu cho “hiện tượng loại trừ kinh tế-xã hội, đầy những hậu quả đáng buồn như: nạn buôn người, buôn bán bộ phận và tế bào mô con người, tình trạng bóc lột tình dục trẻ em gái trai, lao động nô dịch, bao gồm cả nạn mại dâm, buôn bán ma túy vũ khí, khủng bố và tội phạm quốc tế có tổ chức. Mức độ nghiêm trọng của những tình trạng này, và chỉ số sinh mạng vô tội tử vong, mà chúng ta phải tránh mọi cám dỗ, đừng sa vào thuyết duy danh của những kẻ chỉ đưa ra tuyên bố nhằm giải khuây lương tâm của chúng ta. Cần bảo đảm các định chế của chúng ta thực sự hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chống lại tất cả những tai họa này” [187]. Và như vậy, nó đòi hỏi tận dụng khôn khéo các nguồn tài nguyên bao la nhờ những tiến bộ kỹ thuật mang lại.

    189. Chúng ta vẫn còn cách xa với tính hoàn cầu hóa các nhân quyền căn bản nhất. Đó là lý do tại sao chính trị thế giới cần phải biến việc xóa bỏ hữu hiệu nạn đói thành một trong những mục tiêu hàng đầu và cấp bách của nó. Thật vậy, “khi đầu cơ tài chính thao túng giá cả lương thực, xem nó như một loại hàng hóa khác, thì hàng triệu người đau khổ và chết vì đói. Đồng thời, hàng tấn thức ăn bị vứt bỏ. Điều này tạo ra tai tiếng thực sự. Nạn đói là một tội ác; còn thực phẩm là quyền bất khả chuyển nhượng” [188]. Trong khi tiếp tục tranh cãi về ngữ nghĩa hoặc ý thức hệ, thông thường chúng ta đã để anh chị em mình chết vì đói khát, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất hoặc chẳng được chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh những nhu cầu căn bản vẫn chưa được đáp ứng này, nạn buôn người còn biểu trưng cho một căn nguyên tủi nhục khác đối với nhân loại, mà nó mang tầm vóc chính trị quốc tế, vượt lên trên các diễn từ đẹp đẽ và ý hướng tốt lành, ắt hẳn chẳng dễ dàng bỏ qua. Những điều này rất quan trọng và không được trì hoãn nữa.

    Tình yêu hòa nhập và hợp nhất

  2. Bác ái chính trị còn được bộc lộ qua tinh thần cởi mở với hết mọi người. Các nhà lãnh đạo chính phủ nên tiên phong thực thi những hy sinh cổ vũ gặp gỡ và tìm kiếm sự đồng thuận ít nhất về một số vấn đề. Họ nên sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và tạo cơ hội cho mọi người. Qua sự hy sinh và tính nhẫn nại, họ có thể trợ giúp kiến tạo một thực tại đa diện tươi đẹp, mà nơi đó mọi người đều có chỗ đứng. Ở điểm này, các cuộc đàm phán kinh tế không hữu hiệu, đòi hỏi một điều khác, đó là: trao đổi tài năng vì lợi ích chung. Trông nó có vẻ ngây ngô và không tưởng, nhưng chúng ta chẳng thể nào từ bỏ mục tiêu cao cả này.

    191. Vào thời điểm mà vô số loại hình bất khoan dung cực đoan đang gây hại cho các mối liên hệ giữa những cá nhân, nhóm và dân tộc, chúng ta hãy cùng cam kết sống và giảng dạy giá trị của việc tôn trọng tha nhân, một tình yêu sẵn sàng chào đón những khác biệt, cũng như ưu tiên phẩm giá của mỗi con người hơn các ý tưởng, quan điểm, tập quán và ngay cả tội lỗi họ. Thậm chí khi vô số hình thức cuồng tín, sống khép kín và tình trạng phân hóa xã hội-văn hóa ngày càng gia tăng trong xã hội ngày nay, thì một chính trị gia tốt sẽ tiên phong, cũng như nhấn mạnh tới việc chú tâm lắng nghe các tiếng nói khác nhau. Những bất đồng có thể gây ra xung đột, nhưng tính độc dạng lại chứng tỏ ngột ngạt và dẫn đến suy đồi văn hóa. Ước gì chúng ta đừng an vị với tình cảnh tự đóng khung trong một phân mảnh thực tại.

    192. Về khía cạnh này, vị Imam Đáng kính Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã kêu gọi “các kiến trúc sư của chính sách quốc tế và nền kinh tế thế giới làm việc tích cực, hầu truyền bá nền văn hóa khoan dung và chung sống trong hòa bình; cũng như can thiệp sớm nhất có thể nhằm ngăn chặn việc đổ máu người vô tội” [189]. Khi một chính sách chuyên biệt nhân danh phúc lợi quốc gia mình mà gieo rắc hận thù và sợ hãi đối với các quốc gia khác, thì cần quan tâm tới nó, ngõ hầu phản ứng kịp thời và ngay lập tức để hiệu chỉnh đường lối.

    KẾT QUẢ LÀ THỨ YẾU SO VỚI TÍNH ĐƠM HOA KẾT TRÁI 

  3. Ngoài hoạt động không mệt mỏi, các chính trị gia cũng là những người đàn ông và phụ nữ bình thường. Nhưng họ được mời gọi thực thi bác ái trong các mối tương quan liên ngã hàng ngày. Là tư cách con người, họ cần cân nhắc: “thế giới hiện đại, với những tiến bộ kỹ thuật, ngày càng thiên về vận hành tính thỏa mãn khát khao của con người, hiện được xếp loại và phân chia giữa nhiều dịch vụ khác nhau. Người ta ngày càng ít được gọi bằng tên, hữu thể độc nhất này ít được đối xử như một con người có những xúc cảm, buồn đau, vấn đề nan giải, niềm vui và gia đình họ. Bệnh tình của họ chỉ được biết đến để chữa trị, tài chính của họ chỉ cần lo chu cấp, hiện trạng thiếu mái ấm gia đình chỉ mang lại cho họ nơi tá túc, mong muốn tiêu khiển và giải trí của họ chỉ là để thỏa mãn chúng”. Tuy nhiên, không bao giờ được quên rằng “yêu thương những ai tầm thường nhất như người anh em/chị em, như thể chẳng có ai khác trên thế giới này ngoài anh/chị ấy, thì không thể bị coi là lãng phí thời gian” [190].

    194. Chính trị cũng phải dành chỗ cho tình mến tha nhân dịu dàng. “Nét dịu dàng là gì? Đó là đức ái gần gũi và trở thành hiện thực. Một chuyển động bắt đầu từ con tim chúng ta, rồi đến đôi mắt, đôi tai và đôi tay…Sự dịu dàng là lộ trình ưu tuyển của những người đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ, can đảm nhất” [191]. Giữa lo toan thường nhật nơi đời sống chính trị, “người bé mọn nhất, người yếu đuối nhất, người nghèo khổ nhất ắt hẳn đánh động tâm hồn chúng ta: quả thật, họ có ‘quyền’ thỉnh cầu con tim và linh hồn chúng ta. Họ là anh chị em chúng ta, như vậy, chúng ta phải yêu thương và chăm sóc họ” [192].

    195. Tất cả sự việc này có lẽ giúp chúng ta nhận ra điều quan trọng chẳng phải là liên tục đạt được những kết quả lớn lao, vì đâu hẳn lúc nào chúng cũng khả hữu. Trong hoạt động chính trị, chúng ta nên nhớ rằng, “bất luận diện mạo ra sao, mỗi người đều hết sức tốt lành và đáng được chúng ta yêu mến. Do đó, nếu tôi có thể giúp đỡ ít nhất một người có cuộc sống tốt đẹp hơn, thì điều đó đã minh chứng cho sự cống hiến đời tôi. Được trở nên dân Chúa tín trung quả là điều kỳ diệu. Chúng ta đạt tới mức trọn vẹn khi giật sập tường luỹ và tâm hồn ta tràn ngập bao nhân diện và danh tánh!” [193]. Các mục tiêu to lớn trong ước mơ và kế hoạch của chúng ta có thể chỉ đạt được một phần. Tuy nhiên trên cả điều này, những ai yêu mến, và những người không còn xem chính trị đơn thuần là truy tìm quyền lực, thì “có lẽ chắc rằng chẳng một hành vi bác ái, cũng như bất cứ hành động quan tâm chân thành nào của chúng ta đối với người khác lại bị mất hút. Không một hành vi yêu thương nào đối với Thiên Chúa sẽ mất đi, không nỗ lực quảng đại nào là vô nghĩa, không có sự chịu đựng đau đớn nào bị lãng phí cả. Tất cả những điều này đều bao quanh thế giới chúng ta như một sinh lực” [194].

    196. Vì lý do này, thật sự cao thượng khi đặt niềm hy vọng vào sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống thiện hảo chúng ta gieo trồng, và do đó, khởi đầu các diễn trình mà thành quả của chúng sẽ được người khác gặt hái. Nền chính trị tốt đẹp kết hợp tình yêu với lòng hy vọng và với niềm tin trong kho thiện hảo vốn hiện diện nơi tâm hồn con người. Thật vậy, “được xây dựng trên việc tôn trọng luật pháp và đối thoại thẳng thắn giữa các cá nhân, đời sống chính trị chân chính liên tục được đổi mới, bất cứ lúc nào nhận ra mỗi phụ nữ và đàn ông, cũng như mỗi thế hệ nối tiếp, đều mang lại hứa hẹn của vô vàn năng lực mới mẻ đậm chất liên kết, trí thức, văn hóa và tâm linh” [195].

    197. Theo lối nhìn này, chính trị là một điều gì đó cao quý hơn những kiểu tạo dáng, tiếp thị và truyền thông xoay quanh. Các trò này chẳng gieo rắc gì ngoài sự chia rẽ, xung đột và thói hoài nghi ảm đạm không thể huy động mọi người theo đuổi mục tiêu chung. Lúc nghĩ đến tương lai, đôi khi chúng ta nên tự hỏi bản thân, “Tại sao tôi làm điều này?”, “Mục tiêu thực sự của tôi là gì?” Vì thời gian trôi qua, ngẫm lại quá khứ, các nghi vấn sẽ chẳng phải là: “Bao nhiêu người tán thành tôi?”, “Bao nhiêu người đã bỏ phiếu cho tôi?”, “Bao nhiêu người sở hữu hình ảnh tích cực về tôi?” Nhưng câu hỏi thực sự, và ẩn tàng nỗi đau sẽ là, “Tôi đã đặt bao nhiêu tình yêu thương vào công việc của mình?” “Tôi đã làm gì cho sự tiến bộ của dân tộc chúng ta?” “Tôi đã để lại dấu ấn gì trong đời sống xã hội?” “Tôi đã tạo ra mối liên kết thực sự nào?” “Tôi đã giải phóng những năng lượng tích cực nào?” “Tôi đã gieo hạt giống an bình xã hội ít nhiều ra sao?” “Tại chức vụ được giao phó, tôi đã hoàn thành được điều gì tốt đẹp?”

Chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng

CHÚ THÍCH:

[132] ANTONIO SPADARO, S.J., Le orme di un pastore. Una conversazione con Papa Francesco [tạm dịch: Dấu chân Mục tử. Hội đàm với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô], trong JORGE MARIO BERGOLIO – GIÁO HOÀNG PHAN-XI-CÔ, Nei tuoi occhi è la mia parola. Omelie e discorsi di Buenos Aires 1999-2013 [tạm dịch: Lời tôi trong đôi mắt bạn. Bài giảng và Diễn thuyết tại Bu-ê-nos Ai-res 1999-2013], Rizzoli, Milan 2016, XVI; x. Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 220-221: AAS 105 (2013), 1110-1111.

[133] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 204: AAS 105 (2013), 1106.

[134] x, Nt: AAS 105 (2013), 1105-1106.

[135] Nt, 202: AAS 105 (2013), 1105.

[136] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 128: AAS 107 (2015), 898.

[137] Diễn văn dành cho các Phái bộ Ngoại giao tại Tòa Thánh (12/1/2015): AAS 107 (2015), 165; x. Diễn văn dành cho Tham dự viên Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân Thế giới (28/10/2014): AAS 106 (2014), 851-859.

[138] Điểm tương tự có lẽ được trưng dẫn về phạm trù Kinh Thánh của Nước Thiên Chúa.

 
[139] PAUL RICOEUR, Histoire et Verité (Lịch sử và Chân lý), Le Seuil biên soạn, Paris, 1967, 122.

[140] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 129: AAS 107 (2015), 899.

[141] Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 35: AAS 101 (2009), 670.

[142] Diễn văn dành cho Tham dự viên Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân Thế giới (28/10/2014): AAS 106 (2014), 858.

 
[143] Nt.

[144] Diễn văn dành cho Tham dự viên Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân Thế giới (5/11/2016): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 7-8/11/2016, tr. 4-5.

[145] Nt.

[146] Nt.

[147] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 189: AAS 107 (2015), 922.

[148] Diễn văn dành cho các Thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25/9/2015): AAS 107 (2015), 1037.

[149] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 175: AAS 107 (2015), 916-917.

[150] x. Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 67: AAS 101 (2009), 700-701.

[151] Nt: AAS 101 (2009), 700.

[152] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 434.

[153] Diễn văn dành cho các Thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25/9/2015): AAS 107 (2015), 1037, 1041.

[154] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 437.

[155] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 2004, 5: AAS 96 (2004), 117.

[156] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 439.

[157] x. Ủy ban Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Pháp, Tuyên ngôn Réhabiliter la Politique [tạm dịch: Phục hồi Chính sách] (17/2/1999).

[158] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 189: AAS 107 (2015), 922.

[159] Nt, 196: AAS 107 (2015), 925.

[160] Nt, 197: AAS 107 (2015), 925.

[161] Nt, 181: AAS 107 (2015), 919.

[162] Nt, 178: AAS 107 (2015), 918.

[163] Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, Thư Mục vụ Responsabilidade Solidária pelo Bem Comum [tạm dịch: Trách nhiệm Hợp nhất vì Thiện ích chung] (15/9/2003), 20; x. Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 159: AAS 107 (2015), 911.

[164] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 191: AAS 107 (2015), 923.

[165] Giáo hoàng Pi-ô XI, Diễn văn với Liên đoàn Sinh viên Đại học Công Giáo Ý (18/12/1927): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 23/12/1927, tr. 3.

[166] x. Giáo hoàng Pi-ô, Thông điệp Quadragesimo Anno (15/5/1931): AAS 23 (1931), 206-207.

[167] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 205: AAS 105 (2013), 1106.

[168] Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[169] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 231: AAS 107 (2015), 937.

[170] Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[171] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 207.

[172] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptor Hominis (4/3/1979), 15: AAS 71 (1979), 288.

[173] x. Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/3/1967), 44: AAS 59 (1967), 279.

[174] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 207.

[175] Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 2: AAS 101 (2009), 642.

[176] Nt, 3: AAS 101 (2009), 643.

[177] Nt, 4: AAS 101 (2009), 643.

[178] Nt.

[179] Nt, 3: AAS 101 (2009), 643.

[180] Nt: AAS 101 (2009), 642.

[181] Theo giáo huấn của Thánh Tô-ma A-qui-nô, giáo thuyết luân lý Công Giáo phân biệt giữa các hành vi “được luận ra” và “được lệnh truyền”; x. Tổng luận Thần học, I-II, câu hỏi 8-17; M. ZALBA, S.J., Theologiae Moralis Summa. Theologia Moralis Fundamentalis. Tractatus de Virtutibus Theologicis [tạm dịch: Tổng luận Thần học Luân lý. Thần học Luân lý Đại cương. Luận văn về Nhân đức Đối Thần], BAC biên soạn, Madrid, 1952, tập I, 69; A. ROYO MARÍN, Teología de la Perfección Cristiana [tạm dịch: Thần học của việc Nên trọn của Ki-tô hữu], BAC biên soạn, Madrid, 1962, 192-196.

[182] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, 208.

[183] x. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987), 42: AAS 80 (1988), 572-574; Thông điệp Centesimus Annus (1/5/1991), 11: AAS 83 (1991), 806-807.

[184] Diễn văn dành cho Tham dự viên Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân Thế giới (28/10/2014): AAS 106 (2014), 852.

185] Diễn văn tại Nghị viện Âu Châu, Strasbourg (25/11/2014): AAS 106 (2014), 999.

[186] Diễn văn tại cuộc Gặp gỡ các Chính quyền và Ngoại giao đoàn ở Cộng Hòa Trung Phi, Bangui (29/11/2015): AAS 107 (2015), 1320.

[187] Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, New York (25/9/2015): AAS 107 (2015), 1039.

[188] Diễn văn dành cho Tham dự viên Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân Thế giới (28/10/2014): AAS 106 (2014), 853.

[189] Văn thư về Tình huynh đệ Nhân bản cho Nền hòa bình Thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (4/2/2019): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 4-5/2/2019, tr. 6.

[190] RENÉ VOILLAUME, Frères de tous [tạm dịch: Anh em hết thảy mọi người], Cerf biên soạn, Paris, 1968, 12-13.

[191] Diễn văn Video dành cho Hội nghị TED tại Vancouver (26/4/2017): Tờ Quan sát viên, 27/4/2017, tr. 7.

[192] Yết kiến chung (18/2/2015): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 19/2/2015, tr. 8.

[193] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 274: AAS 105 (2013), 1130.

[194] Nt, 279: AAS 105 (2013), 1132.

[195] Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế giới 2019 (8/12/2018), 5: Tờ Quan sát viên Rô-ma, 19/12/2018, tr. 8.

Fratelli Tutti- Tất cả là Anh Chị Em- Của Đức Thánh Cha Phanxico- Chương III&IV

CHƯƠNG III

TIÊN KIẾN VÀ DỰNG XÂY MỘT THẾ GIỚI CỞI MỞ

87. Con người được tạo dựng theo cách họ không thể sống, phát triển và tìm ra sự trọn vẹn, trừ phi họ “trở nên món quà tự hiến chân thành cho tha nhân” [62]. Họ cũng chẳng thể nào hiểu biết đầy đủ về bản thân, nếu không gặp gỡ người khác: “Tôi chỉ thông đạt hữu hiệu với chính mình trong chừng mực tôi thông đạt với người khác mà thôi” [63]. Không ai có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp chân chính nơi cuộc sống mà không kết nối với tha nhân, và cũng không thực sự yêu thương. Đây chính là một phần mầu nhiệm của hiện sinh nhân vị đích thật. “Sự sống hiện hữu ở nơi chứa chan tình gắn bó, niềm hiệp thông, tình mến huynh đệ; và sự sống thì mạnh liệt hơn cái chết khi nó được kiến tạo dựa trên những mối liên hệ đúng đắn và kết nối thủy chung. Trái lại, sự sống sẽ chẳng tồn tại khi chúng ta tự cho mình độc lập và sống như những hòn đảo: trong các thái độ này, sự chết chiếm ưu thế” [64].

VƯỢT LÊN CHÍNH CHÚNG TA

88. Trong sâu thẳm mỗi tâm hồn, tình mến tạo ra mối gắn kết và mở rộng hiện hữu, vì nó lôi kéo con người ra khỏi chính mình và hướng tới tha nhân [65]. Vì chúng ta được tạo dựng để yêu thương, nên trong mỗi chúng ta xem ra đều có “luật ra khỏi bản thân” (ekstasis) vận hành: “người yêu ‘bước ra khỏi’ chính mình để tìm thấy sự hiện hữu trọn vẹn hơn nơi một người khác” [66]. Vì vậy, “con người luôn phải đón nhận thách đố vượt lên chính bản thân” [67].

89. Tôi không thể giản lược cuộc sống mình thành các mối liên hệ với một nhóm nhỏ, thậm chí với gia đình riêng; tôi chẳng thể nào biết bản thân nếu nằm ngoài mạng lưới kết nối rộng lớn hơn, bao gồm cả những mối tương quan trước đây định hình cho cuộc đời tôi. Mối liên hệ của tôi với những ai tôi tôn trọng phải lưu ý đến thực tế là họ không sống chỉ vì tôi, và tôi cũng không sống chỉ vì họ. Những mối tương quan của chúng ta, nếu lành mạnh và chân thật, sẽ giúp chúng ta cởi mở đón nhận người khác, mà họ vốn giúp chúng ta rộng mở và phong phú hơn. Ngày nay, cảm thức xã hội cao quý nhất của chúng ta dễ dàng bị giản lược thành những cuộc tán gẫu đặt mình làm trung tâm mà lại chuộng vẻ bề ngoài của các mối quan hệ sâu sắc. Trái lại, tình yêu đích thực và trưởng thành, cũng như tình bạn chân chính chỉ có thể bén rễ sâu trong tâm hồn rộng mở, hầu thăng tiến nhờ vào các mối tương quan với người khác. Với vai trò vợ chồng hay bạn hữu, chúng ta nhận thấy con tim mình mở rộng một khi ra khỏi bản thân mà đón nhận tha nhân. Các nhóm khép kín và nhiều cặp vợ chồng chỉ quan tâm đến mình, tự xác nhận đối lập với người khác, thì họ lại thường bộc lộ tính ích kỷ và đơn thuần chỉ bảo toàn bản thân.

  1. Đáng lưu ý là nhiều cộng đồng nhỏ lẻ cư ngụ tại các vùng sa mạc đã phát triển một hệ thống nổi bật tiếp đón khách hành hương như thực thi nghĩa vụ hiếu khách thánh thiêng. Các cộng đoàn đan tu thời Trung cổ cũng làm tương tự, như chúng ta thấy trong Luật Dòng của Thánh Bê-nê-đíc-tô. Dù thừa nhận rằng điều này có lẽ làm sao lãng kỷ luật và bầu khí tĩnh lặng nơi các đan viện, nhưng Thánh nhân vẫn nhấn mạnh: “người nghèo và khách hành hương phải được đối xử hết sức ân cần và chu đáo” [68]. Niềm nở hiếu khách là một phương cách đặc thù chấp nhận thách thức và trở nên tặng phẩm hiện diện trong cuộc gặp gỡ với những ai bên ngoài vòng kết nối của mình. Các đan sĩ nhận ra rằng những giá trị họ tìm cách vun trồng phải song hành với tinh thần sẵn sàng vượt lên bản thân, ngõ hầu cởi mở với tha nhân.Giá trị độc đáo của lòng bác ái
  2. Người ta có thể phát triển một số thói quen nào đó trông giống các giá trị đạo đức: mạnh mẽ, tiết độ, cần mẫn và những nhân đức tương tự. Tuy nhiên, nếu các hành vi nhân đức luân lý khác nhau được hướng dẫn đúng đắn, thì cần phải lưu ý đến mức độ mà chúng cổ vũ tính cởi mở và kết hiệp với tha nhân. Điều này khả hữu nhờ đức ái mà Thiên Chúa đã trao ban. Không có bác ái, chắc chúng ta chỉ sở hữu nhân đức biểu kiến, chẳng thể nào duy trì đời sống chung được. Vì vậy, Thánh Tô-ma A-qui-nô đã nói, khi trích dẫn lời Thánh Âu-gus-ti-nô, rằng tính khí của người tham lam không cách nào trở nên nhân đức được [69]. Về phần mình, Thánh Bô-na-ven-tu-ra giải thích nếu không có đức ái, thì các nhân đức khác nói đúng ra là chưa chu toàn các giới răn “theo cách Chúa muốn chúng được hoàn thành” [70].92. Tầm vóc tinh thần của đời người được đo bằng lòng bác ái, mà sau cùng nó vẫn là “tiêu chuẩn quyết định dứt khoát về giá trị hay vô giá trị của đời người” [71]. Tuy nhiên, một số tín hữu nghĩ rằng nó hệ tại ở việc áp đặt ý thức hệ riêng của họ lên hết thảy mọi người, hoặc bao gồm hành động bảo vệ chân lý một cách bạo lực, hay trong những cuộc biểu dương sức mạnh đầy ấn tượng. Trong tư cách tín hữu, tất cả chúng ta cần phải nhìn nhận lòng bác ái chiếm vị trí hàng đầu: bác ái chẳng bao giờ được đặt vào thế nguy biến, và nguy hiểm cam go nhất chính là việc không yêu thương (x. 1Cr 13, 1-13).

    93. Thánh Tô-ma A-qui-nô đã tìm cách mô tả tình yêu mà nhờ ơn thánh Chúa biến chuyển chúng ta dám ra khỏi bản thân hướng tới tha nhân, bằng cách nhìn nhận “họ được kết hợp phần nào với chính mình” “[72]. Xúc cảm chúng ta dành cho người khác khiến mình tự do khao khát tìm kiếm điều tốt lành cho họ. Tất cả những điều này bắt nguồn từ cảm thức quý trọng, ngưỡng mộ giá trị nơi tha nhân. Nói cho cùng, đây chính là ý niệm ẩn sâu của cụm từ “bác ái”: những ai được yêu quý quá “trìu mến” với tôi, “họ được đánh giá rất cao” [73]. Và “nhờ tình yêu đó mà người làm đẹp lòng (grata) người khác là lý do tại sao người này trao lại một thứ gì đó cách nhưng không (gratis)” [74].

    94. Như vậy, bác ái hơn cả một chuỗi hành động từ thiện. Những hành động này bắt nguồn từ sự kết hợp tiệm tiến hướng tới tha nhân, coi trọng giá trị, tính xứng đáng, hoà nhã và đẹp đẽ nơi họ, bất chấp dáng vẻ thể lý hay đạo đức của họ. Lòng mến của chúng ta đối với người khác, với chính con người hiện thực của họ, thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống họ. Chỉ bằng cách vun đắp phương thức liên hệ này với nhau, chúng ta mới tạo ra tình hữu nghị xã hội không loại trừ ai và tình mến huynh đệ rộng mở chào đón mọi người.

    TÌNH MẾN LUÔN MÃI RỘNG MỞ HƠN

    95. Lòng mến cũng thúc đẩy chúng ta hướng tới niềm hiệp thông phổ quát. Không ai có thể trưởng thành hoặc tìm thấy sự trọn vẹn tròn đầy bằng cách tự cô lập mình cả. Bởi lẽ tự bản chất, tình mến gọi mời trưởng thành trong tính cởi mở, và khả năng chấp nhận tha nhân như thể một phần của chặng đường phiêu lưu bền bỉ, mà nó hướng mọi vùng ngoại vi tới cảm thức cao quý hơn của việc thuộc về nhau. Như Đức Giê-su từng nói với chúng ta: “Các con đều là anh (chị) em” (Mt 23, 8).

    96. Nhu cầu vượt lên giới hạn bản thân cũng áp dụng thực tế tại các khu vực và quốc gia khác nhau. Thật vậy, “số lượng kết nối tương tác và truyền thông trong thế giới hôm nay ngày càng gia tăng, khiến chúng ta ý thức mạnh mẽ hơn về tính hiệp nhất và vận mệnh chung của mọi dân nước. Trong những biến động lịch sử, cũng như sự đa dạng từ các nhóm sắc tộc, xã hội và nền văn hóa, chúng ta chứng kiến vô vàn hạt giống ơn gọi ươm trồng, hình thành nên một cộng đồng bao gồm hết thảy anh chị em biết đón nhận và chăm sóc lẫn nhau” [75].

    Xã hội cởi mở giúp mọi người hòa nhập

  3. Một số vùng ngoại vi ở gần chúng ta, tại các trung tâm đô thị hoặc trong gia đình chúng ta. Và khía cạnh cởi mở phổ quát trong tình mến mang tính hiện sinh hơn khoảng cách địa lý. Nó liên quan đến nỗ lực hằng ngày của chúng ta, mong muốn mở rộng vòng xoay nối kết bạn bè, vươn tới những ai, cho dù thân cận với tôi, nhưng không hiển nhiên tôi xem họ như một phần thuộc về mối quan tâm khép kín của tôi. Mỗi anh chị em gặp khó khăn, khi bị xã hội nơi tôi đang sống bỏ rơi hoặc phớt lờ, đều trở thành một người ngoại kiều đang hiện hữu, mặc dù được sinh ra trong cùng một đất nước. Có thể họ là công dân với đầy đủ quyền lợi, nhưng họ bị đối xử như khách ngoại kiều ngay trong chính đất nước họ. Phân biệt chủng tộc là một loại vi-rút đột biến nhanh chóng và thay vì biến mất, nó chỉ ẩn mình và chờ tái xuất.98. Tôi muốn đề cập đến một số “người lưu vong giấu mặt” bị đối đãi như những bộ phận ngoại nhân trong xã hội [76]. Nhiều người khuyết tật “cảm thấy họ hiện hữu nhưng không thuộc về ai và chẳng được dự phần nào cả”. Họ hầu hết vẫn bị ngăn cản quyền bầu cử hoàn toàn. Mối quan tâm của chúng ta không những chỉ chăm sóc họ mà còn phải bảo đảm cho họ “tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự và giáo hội. Đây là một diễn trình đòi hỏi và thậm chí mệt mỏi chán chường, nhưng nó sẽ dần dần góp phần vào công cuộc đào tạo lương tâm, trang bị khả năng biết nhìn nhận mỗi cá nhân là một con người độc nhất vô nhị”. Tôi cũng nghĩ tới “những cụ già, do họ khuyết tật nên đôi khi bị coi như gánh nặng”. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ có thể cống hiến “một đóng góp độc đáo cho lợi ích chung qua các câu chuyện cuộc đời phi thường của họ”. Tôi xin nhắc lại: chúng ta cần “can đảm mang lại tiếng nói cho những ai bị kỳ thị do họ khuyết tật, bởi lẽ thật đáng buồn tại một số quốc gia ngay cả hiện nay, người ta vẫn thấy khó thừa nhận họ là những con người có phẩm giá bình đẳng” [77].

    Những hiểu biết bất cập về tình mến phổ quát

  4. Một tình yêu có khả năng vượt qua biên giới là cơ sở cho điều được gọi là “tình hữu nghị xã hội” ở mọi thành phố và quốc gia. Tình bạn xã hội chân chính trong một xã hội khiến cho tính cởi mở phổ quát đích thật trở nên khả hữu. Điều này khác xa với chủ nghĩa phổ quát sai lầm của những ai thường xuyên đi du lịch nước ngoài, bởi lẽ họ không thể bao dung hoặc yêu thương người dân của chính họ. Ai xem thường đồng bào mình hay có xu hướng tạo ra các chủng loại hạng nhất và hạng hai trong xã hội, những người có phẩm giá cao hơn hoặc kém hơn, những người được hưởng nhiều quyền hơn hoặc ít hơn, thì bằng cách này, họ phủ nhận nơi chốn dành cho hết thảy mọi người.100. Chắc chắn, tôi không đề xuất chủ nghĩa phổ quát độc đoán và trừu tượng, mà nó được một nhóm nhỏ bày ra hoặc lên kế hoạch và được trình bày như lý tưởng nhằm để san bằng, thống trị và cướp bóc. Thực thế, mô hình toàn cầu hóa “rõ ràng nhắm tới sự đồng nhất phiến diện và tìm cách xóa bỏ mọi khác biệt cũng như truyền thống trong cuộc mưu cầu hợp nhất thiển cận… Nếu một loại toàn cầu hóa nào đó đòi biến mọi người trở nên đồng dạng, khiến ai nấy ngả nghiêng, thì thứ toàn cầu hóa ấy sẽ huỷ diệt những món quà phong phú cũng như nét độc đáo nơi mỗi con người và mỗi dân tộc” [78]. Chủ nghĩa phổ quát sai lầm này kết thúc với hành động tước đoạt thế giới đầy sắc màu đa dạng, vẻ đẹp xinh tươi và tận cùng là nhân tính của nó. Vì “tương lai không hề đơn sắc; nếu can đảm, chúng ta có thể chiêm ngắm nó trong mọi vẻ phong phú và đa dạng của những gì mà mỗi cá nhân nên cống hiến. Gia đình nhân loại chúng ta cần học hỏi chung sống hòa thuận và bình an nhiều dường bao, song tất cả chúng ta chẳng cần phải giống hệt nhau!” [79].

VƯỢT LÊN MỘT THẾ GIỚI “ĐỒNG HỘI, ĐỒNG THUYỀN”

101. Bây giờ chúng ta hãy trở lại dụ ngôn người Sa-ma-ri-a Nhân hậu, vì nó vẫn còn nhiều điều thông diễn cho chúng ta. Một người bị thương nằm bên vệ đường. Ai ai đi tới bước qua, nhưng chẳng hề lắng nghe lời hiệu triệu bên trong phải hành động như người lân cận; họ quan tâm đến nghĩa vụ, địa vị xã hội, vị thế nghề nghiệp trong xã hội. Họ cho mình là người quan trọng đối với xã hội đương thời, và lo lắng đóng vai trò thích hợp của bản thân. Người nằm bên vệ đường, đầy thương tích và bị bỏ rơi, là điều sao lãng, gián đoạn với tất cả chuỗi sự kiện đó; nhưng dù vậy đi nữa, ông ấy đâu có quan trọng gì. Ông ta “không là ai cả”, chẳng có gì nổi trội, chẳng can hệ gì đến kế hoạch tương lai của họ. Người Sa-ma-ri-a Nhân hậu vượt lên trên những phân loại hạn hẹp ấy. Bản thân ông không phù hợp với bất cứ phạm trù nào trong số đó; ông chỉ đơn thuần là một người ngoại kiều, chẳng có chỗ đứng trong xã hội. Thoát khỏi mọi nhãn hiệu và địa vị, ông có thể làm gián đoạn hành trình, thay đổi kế hoạch của mình và bất ngờ đến cứu một người bị thương đang cần ông giúp đỡ.

102. Ngày nay, phản ứng sẽ như thế nào trước câu chuyện tương tự như vậy, trong một thế giới không ngừng chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của những nhóm xã hội bám riết vào một danh tính ngăn cách họ với những người khác? Nó sẽ ảnh hưởng ra sao với những ai tự mình tổ chức nhằm ngăn chặn bất kỳ dân ngoại kiều nào hiện diện, mà nó có thể đe dọa danh tính, các cơ cấu khép kín và tự quy chiếu của họ? Ở đây, ngay cả khả thể hoạt động như một người lân cận cũng bị loại trừ; chỉ làm hàng xóm láng giềng với những ai phục vụ mục đích của họ. Cụm từ “thân cận” mất hết mọi ý nghĩa; chỉ còn lại những “người đồng hội đồng thuyền”, các đối tác theo đuổi quyền lợi riêng tư mà thôi [80].

Tự do, bình đẳng và tình huynh đệ

103. Tình huynh đệ không những ra đời từ môi trường tôn trọng các quyền tự do cá nhân, hoặc thậm chí từ chính sách bình đẳng nào đó được chính phủ bảo đảm. Tình huynh đệ nhất thiết kêu gọi điều cao quý hơn, mà đến lúc nó nâng cao tự do và bình đẳng. Điều gì xảy ra khi tình huynh đệ không được vun đắp một cách có ý thức, khi thiếu ý chí chính trị cổ vũ nó qua việc giáo dục tình huynh đệ, qua đối thoại và qua việc công nhận các giá trị nơi tính hỗ tương và làm giàu lẫn nhau? Tự do lúc ấy sẽ chẳng là gì ngoài biến thành điều kiện sống cô lập như chúng ta mong muốn, hoàn toàn độc lập chọn lựa mình thuộc về ai hay điều gì, hoặc đơn giản là chiếm hữu hay lợi dụng. Lối hiểu nông cạn này chẳng ảnh hưởng đến sự phong phú của tự do, mà trên hết niềm tự do này hướng chúng ta tới tình mến.

104. Bình đẳng cũng không đạt được nhờ vào một bản tuyên ngôn trừu tượng cho rằng “tất cả mọi người, nam và nữ, đều bình đẳng như nhau”. Thay vào đó, nó là kết quả của nỗ lực vun đắp tình huynh đệ một cách ý thức và thận trọng. Những ai chỉ có khả năng làm “người đồng hội đồng thuyền” tạo ra các thế giới khép kín. Trong khuôn khổ ấy, đâu là nơi dành cho những người không thuộc nhóm đồng hội đồng thuyền của mình, nhưng vẫn mong muốn một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ?

105. Chủ nghĩa cá nhân không làm chúng ta tự do hơn, bình đẳng hơn, huynh đệ hơn. Nguyên tổng số quyền lợi cá nhân mà thôi chưa đủ khả năng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn thể gia đình nhân loại được. Nó cũng không thể cứu chúng ta khỏi nhiều tệ nạn đang ngày càng lan rộng toàn cầu. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan là loại vi-rút cực kỳ khó tận diệt, vì nó rất khôn khéo. Nó khiến chúng ta tin rằng mọi sự hệ tại ở việc thả lỏng các tham vọng riêng, như thể hễ cứ theo đuổi tham vọng lớn hơn bao giờ hết và tạo ra những mạng lưới an toàn, là chúng ta sẽ phục vụ lợi ích chung cách nào đó.

TÌNH MẾN PHỔ QUÁT THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

106. Tình hữu nghị xã hội và tình huynh đệ phổ quát nhất thiết kêu gọi thừa nhận giá trị của mỗi con người nhân vị, luôn luôn và ở mọi nơi. Nếu mỗi cá nhân đều có giá trị cao quý như vậy, thì hẳn phải tuyên bố rõ ràng và chắc chắn rằng “nguyên thực trạng mà một số người sinh ra tại những nơi quá ít tài nguyên hơn hoặc kém phát triển hơn không biện minh cho thực tế mà trong đó họ đang sống với phẩm giá thấp hơn” [81]. Đây là nguyên tắc căn bản của đời sống xã hội, một đời sống có xu hướng bị làm ngơ qua vô vàn cách thức khác nhau, do những ai cảm thấy không phù hợp với thế giới quan của họ hoặc chỉ phục vụ các mục đích riêng mình.

107. Mọi hữu thể nhân vị (con người) đều có quyền được sống xứng đáng với nhân phẩm và phát triển toàn diện; quyền căn bản này không thể bị bác bỏ bởi bất kỳ quốc gia nào. Mọi người sở hữu quyền này ngay cả khi họ không sản xuất được chi, hoặc phát triển hay được sinh ra với nhiều hạn chế. Điều này chẳng làm giảm phẩm giá tuyệt vời nơi họ là những con người nhân vị, một phẩm giá không dựa trên hoàn cảnh, mà dựa trên giá trị nội tại của hữu thể con người họ. Trừ phi nguyên tắc căn bản này được đề cao, sẽ chẳng có tương lai cho tình huynh đệ hay cho sự tồn vong của nhân loại.

108. Một số xã hội chấp nhận phần nào nguyên tắc trên. Họ đồng ý cho rằng cơ hội nên dành cho mọi người, nhưng sau đó lại nói mọi sự tùy thuộc vào cá nhân. Từ quan điểm lệch lạc này, dễ dàng dẫn tới “hành vi chiếu cố đầu tư nỗ lực giúp đỡ những ai yếu thế hoặc kém tài năng, ngõ hầu họ tìm được cơ hội trong cuộc sống”, đây là điều vô nghĩa [82]. Các khoản đầu tư hỗ trợ những người dễ bị tổn thương có lẽ chẳng sinh lợi gì; chúng có thể làm cho mọi sự kém hiệu năng đi. Không. Điều thực sự cần thiết là các nhà nước và định chế dân sự, đang hiện diện và hoạt động, phải có tầm nhìn vượt lên trên cách vận hành tự do và hiệu năng của hệ thống kinh tế, chính trị hoặc ý thức hệ nào đó, đồng thời quan tâm chủ yếu đến từng cá nhân và công ích.

109. Một số được sinh ra trong các gia đình ổn định về kinh tế, hấp thụ nền giáo dục tốt, lớn lên được nuôi nấng chu đáo hoặc đã sở hữu tài năng thiên bẩm. Chắc chắn họ sẽ không cần đến một nhà nước chủ động; họ chỉ đòi hỏi tự do bản thân. Song, quy tắc tương đồng này hiển nhiên chẳng đời nào được áp dụng cho người khuyết tật, người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, những ai không có giáo dục tốt và ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe thỏa đáng. Nếu một xã hội được điều hành chủ yếu bởi các tiêu chuẩn tự do và hiệu năng của thị trường, thì sẽ chẳng có chỗ nào cho những người như vậy, và tình huynh đệ mãi mãi chỉ là lý tưởng mơ hồ khác nữa mà thôi.

110. Thật vậy, “đòi hỏi tự do kinh tế trong lúc những điều kiện thực tế ngăn cản người dân thật sự tiếp cận được với nó, và khi các khả thể công ăn việc làm tiếp tục bị thu hẹp, chính là lối thực hành kiểu nói nước đôi” [83]. Những từ ngữ như tự do, dân chủ hay tình huynh đệ trở nên vô nghĩa, vì lẽ thường tình “chỉ khi nào hệ thống kinh tế và xã hội chúng ta không còn tạo ra dù chỉ một nạn nhân, một người duy nhất bị gạt sang một bên, thì chúng ta mới có thể cử hành lễ hội tình huynh đệ phổ quát” [84]. Một xã hội thực sự nhân bản và huynh đệ sẽ có khả năng đảm bảo ổn định hữu hiệu, ngõ hầu nơi đó mỗi thành viên được đồng hành trong mọi giai đoạn cuộc sống. Chẳng những chu cấp các nhu cầu căn bản của họ, mà còn giúp họ cống hiến hết mình, mặc cho hiệu suất của họ chưa ở mức tối ưu, nhịp độ chậm hoặc hiệu năng của họ có giới hạn.

111. Với các quyền bất khả chuyển nhượng, tự bản chất, con người nhân vị vốn cởi mở với mọi tương quan. Khắc sâu trong chúng ta là lời mời gọi vượt lên chính mình nhờ gặp gỡ tha nhân. Vì vậy, “cần phải thận trọng để tránh rơi vào một số sai sót có thể phát sinh từ việc hiểu nhầm khái niệm nhân quyền và vận dụng sai lầm. Ngày nay xu hướng đòi hỏi các quyền lợi cá nhân – tôi muốn nói quyền lợi cá nhân chủ nghĩa – ngày càng lan rộng hơn. Ẩn sâu trong nó là quan niệm về con người nhân vị tách rời khỏi mọi bối cảnh xã hội và nhân chủng học, như thể con người là một “đơn tử” (monás), càng ngày càng chẳng liên quan đến tha nhân…Trừ phi quyền của mỗi cá nhân được sắp xếp hài hòa cho thiện ích cao quý hơn, thì kết cuộc những quyền ấy sẽ được coi là vô hạn và sau cùng trở thành nguồn gốc của xung đột và bạo động” [85].

CỔ VŨ THIỆN ÍCH ĐẠO ĐỨC

112. Cũng vậy, chúng ta không thể không đề cập đến việc tìm kiếm và theo đuổi thiện ích nơi tha nhân và toàn thể gia đình nhân loại ngụ ý giúp đỡ những cá nhân và xã hội trưởng thành trong các giá trị đạo đức nhằm thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. Tân Ước mô tả một trong nhiều hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 22) là từ tâm (agathosyne); chữ Hy Lạp này biểu đạt sự gắn bó với điều tốt lành, theo đuổi điều thiện hảo. Hơn nữa, nó còn gợi lên ý chí phấn đấu đạt đến sự tuyệt hảo và những gì tốt nhất cho tha nhân, giúp họ tiến triển trong sự chín chắn trưởng thành và sức khỏe, trau dồi các giá trị chứ không đơn thuần chỉ là phúc lợi vật chất. Một lối diễn tả tương tự cũng tồn tại trong tiếng Latinh: nhân từ (benevolentia). Đây là thái độ “mong muốn điều tốt lành” cho tha nhân; nó nói lên niềm khao khát hướng tới sự thiện hảo, thiên về mọi điều tốt đẹp và tuyệt hảo, mong mỏi làm cuộc sống người khác tràn đầy những gì đẹp đẽ, cao siêu và có tính dựng xây.

113. Đáng tiếc thay ở thời điểm này, tôi cảm thấy phải nhắc lại rằng “chúng ta đã trải qua đủ mọi thứ vô luân và nhạo báng đạo đức, lòng tốt, đức tin và trung thực. Đã đến lúc phải thừa nhận tính hời hợt nhẹ dạ không hề mang lại cho chúng ta điều gì tốt đẹp cả. Một khi nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn, điều xảy ra sau đó là các cuộc đấu đá tranh giành quyền lợi xung đột” [86]. Chúng ta hãy trở lại cổ vũ những gì tốt đẹp cho bản thân và cho cả gia đình nhân loại, từ đó cùng nhau tiến tới sự phát triển chân chính và toàn diện. Mọi xã hội cần bảo đảm để các giá trị được lưu truyền; nếu không, những gì được lưu truyền chỉ là thói ích kỷ, bạo lực, tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau, sự thờ ơ, và sau cùng là một cuộc sống khép kín đối với tính siêu việt, cũng như cố thủ trong quyền lợi cá nhân.

Giá trị liên đới

  1. Tôi muốn đề cập đặc biệt đến tình liên đới, “như là nhân đức luân lý và thái độ xã hội phát sinh từ việc hoán cải bản thân, kêu mời cam kết dấn thân của những ai có trách nhiệm giáo dục và đào tạo. Trước tiên, tôi nghĩ đến các gia đình, họ được mời gọi đảm nhiệm sứ mệnh giáo dục chính yếu và quan trọng. Gia đình là nơi đầu tiên mà các giá trị bác ái và tình mến huynh đệ, tinh thần đoàn kết và chia san, quan tâm ân cần và chăm sóc tha nhân được thực hành và lưu truyền. Gia đình cũng là môi trường ưu tuyển để thông truyền đức tin, khởi sự với những cử chỉ sùng kính giản đơn đầu tiên mà các bà mẹ dạy dỗ con cái. Là những người có nhiệm vụ đầy thách thức trong việc đào tạo trẻ thơ và thanh thiếu niên nơi học đường hoặc tại các môi trường khác, thầy cô cũng ý thức trách nhiệm mình mở rộng đến mọi khía cạnh đạo đức, tinh thần và xã hội của cuộc sống. Những giá trị tự do, tôn trọng lẫn nhau và liên đới có thể được lưu truyền từ khi còn niên thiếu…Người truyền thông cũng có trách nhiệm giáo dục và đào tạo, nhất là ngày nay, khi các phương tiện thông tin và truyền thông hết sức phổ biến” [87].115. Vào lúc mọi sự dường như tan rã và mất đi tính nhất quán, chúng ta nên kêu gọi sự “vững chắc” [88] phát sinh từ ý thức rằng chúng ta chịu trách nhiệm cho tính mong manh của tha nhân, khi cố gắng kiến tạo một tương lai chung. Tình liên đới tự diễn tả cụ thể qua việc phục vụ dưới nhiều hình thức khác nhau, ngõ hầu nỗ lực chăm sóc người khác. Hơn nữa, phục vụ phần lớn có nghĩa là “quan tâm đến tình trạng dễ bị tổn thương, đến những thành viên dễ bị tổn thương trong gia đình, xã hội, dân tộc chúng ta”. Khi dấn thân phục vụ như vậy, mọi cá nhân học cách “gạt bỏ những ước muốn và khao khát riêng, cũng như tham vọng theo đuổi quyền lực của họ, trước ánh nhìn rõ nét của những người dễ bị tổn thương nhất…Phục vụ luôn để ý tới diện mạo, chạm đến cốt nhục, cảm nhận sự gần gũi của họ và thậm chí, trong một số trường hợp, phải ‘chịu đựng’ tính dè dặt ấy mà cố gắng giúp đỡ họ. Phục vụ chẳng bao giờ dính dáng tới ý thức hệ, vì lẽ chúng ta không phục vụ các ý niệm, chúng ta phục vụ con người ” [89].

    116. Người cần giúp đỡ nói chung “thực hành tình liên đới đặc biệt tồn tại giữa những ai nghèo khó và khổ đau, và đó là nền văn minh của chúng ta dường như đã bị lãng quên hoặc muốn được quên hẳn trong thực tế rồi. Tình liên đới là hạn từ không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt; ở một số tình huống nào đó, nó bị biến thành hạn mục nhơ bẩn mà chẳng ai dám nói ra. Ý nghĩa của tình liên đới vượt xa việc tham dự vào những hành vi quảng đại rời rạc. Nó có nghĩa suy nghĩ và hành động theo hướng cộng đồng; nó là cuộc sống của tất cả những ai trước khi chiếm hữu của cải, hàng hoá của thiểu số. Nó cũng mang ý nghĩa chống lại các nguyên nhân cơ cấu của nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu công ăn việc làm, đất đai và nhà cửa, bác bỏ quyền lao động và xã hội. Hơn nữa, nó còn đương đầu với những hậu quả hủy diệt nơi đế chế tiền tài…Hiểu theo nghĩa sâu xa nhất của nó, liên đới chính là phương cách làm nên lịch sử, và đây là điều mà các phong trào bình dân đang thực hiện” [90].

    117. Khi nói đến nhu cầu chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, tức là hành tinh này, chúng ta thắp lên tia sáng ý thức phổ quát và mối quan tâm lẫn nhau này, mà có lẽ nó vẫn còn hiện hữu trong trái tim mọi người. Những ai tận hưởng lượng nước dư dật, song chọn cách bảo tồn nó vì lợi ích của đại gia đình nhân loại lớn hơn, quả thật đã đạt tầm vóc đạo đức giúp họ nhìn xa hơn bản thân cũng như hội nhóm mà họ thuộc về. Ôi thật nhân bản kỳ diệu dường bao! Nếu chúng ta muốn công nhận quyền lợi của hết thảy mọi người, ngay cả những ai chào đời bên ngoài biên giới của chúng ta, thì cũng đòi hỏi thái độ tương tự như thế.

    TÁI DỰ KIẾN VAI TRÒ XÃ HỘI CỦA QUYỀN SỞ HỮU

    118. Thế giới hiện hữu vì mọi người, bởi lẽ tất cả chúng ta sinh ra với cùng một phẩm giá. Khác biệt về màu da, tôn giáo, tài năng, nơi ra đời hoặc cư trú, và nhiều điều khác, không thể dùng chúng để biện minh cho các đặc ân của một số kẻ vượt lên trên quyền lợi của mọi người được. Là cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm để mọi người sống đúng phẩm giá và có đủ cơ hội hầu phát triển toàn diện.

    119. Trong những thế kỷ Ki-tô giáo đầu tiên, nhiều nhà tư tưởng đã khai triển một viễn kiến phổ quát trong các suy tư của họ về đích điểm chung nơi hàng hóa được tạo ra [91]. Điều này khiến họ nhận ra rằng nếu một người thiếu những gì thiết yếu để sống đúng nhân phẩm, thì đó là bởi người khác đã chiếm giữ nó. Thánh Gio-an Kim Khẩu tóm lược điều này như sau: “Không chia sẻ giàu sang của chúng ta với người nghèo là cướp đi sinh kế của họ. Của cải chúng ta sở hữu chẳng phải của riêng, mà là của cả họ nữa” [92]. Theo lời Thánh Grê-gô-ri-ô Cả, “Khi cung cấp các nhu cầu căn bản cho người nghèo, thì chúng ta đang cho họ những gì thuộc về họ, chứ không phải thuộc chúng ta” [93].

    120. Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại tuyên bố của Thánh Gio-an Phao-lô II mà sức mạnh của nó có lẽ chưa được công nhận đầy đủ: “Thiên Chúa trao ban trái đất cho toàn thể nhân loại ngõ hầu nuôi sống mọi thành viên, không loại trừ hay ưu ái bất kỳ ai” [94]. Về phần mình, tôi nhận xét rằng “truyền thống Ki-tô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là tuyệt đối hoặc bất khả xâm phạm, và đã nhấn mạnh đến mục đích xã hội của mọi hình thức tư hữu” [95]. Nguyên tắc sử dụng chung các hàng hóa được tạo ra là “nguyên lý đầu tiên của toàn bộ trật tự xã hội và đạo đức” [96]; nó là quyền tự nhiên và cố hữu, được ưu tiên hơn những quyền khác [97]. Tất cả quyền lợi khác liên quan đến hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sự viên mãn nơi con người, bao gồm quyền tư hữu hoặc bất cứ loại sở hữu nào khác, – theo lời Thánh Phao-lô VI – thì “không được cản trở [quyền này], nhưng nên tích cực tạo điều kiện để thực thi nó ” [98]. Quyền tư hữu chỉ có thể được coi là quyền tự nhiên thứ cấp, xuất phát từ nguyên tắc đích điểm phổ quát của hàng hoá được tạo ra. Và những hậu quả cụ thể này cần được phản ảnh trong hoạt động xã hội. Tuy nhiên, các quyền thứ cấp thường di dời và giẫm đạp lên những quyền bậc nhất, còn trên thực tế nó biến chúng thành bất liên quan.

    Các quyền vượt qua biên giới

  2. Vì vậy, chẳng một ai có thể mãi bị loại trừ do nơi họ sinh ra, lại càng không bị loại trừ vì các đặc ân mà người khác được chào đời tại những vùng đất có nhiều cơ hội tận hưởng. Giới hạn và biên giới của mọi quốc gia cá thể chẳng thể nào cản trở điều này. Khó lòng chấp nhận một số sở hữu ít quyền hơn do họ là phụ nữ, thì tương tự không thể chịu được thực tế người dân sẽ có ít cơ hội hơn cho một cuộc sống phát triển và xứng đáng, chỉ vì do nơi họ sinh ra hoặc nơi cư trú.122. Phát triển không được nhằm thu tích của cải cho một số người, mà phải bảo đảm “các nhân quyền – quyền cá nhân và quyền xã hội, quyền kinh tế và quyền chính trị, bao gồm cả những quyền của các quốc gia và dân tộc” [99]. Quyền của một số người tự do kinh doanh hoặc tham gia thị trường tự do không thể thay thế quyền của các dân tộc và phẩm giá của người nghèo, hay cũng trong vấn đề này, cử chỉ tôn trọng môi trường tự nhiên, bởi lẽ “nếu chúng ta tự làm ra được thứ gì đó, thì chỉ để quản lý nó vì thiện ích của hết thảy mọi người mà thôi” [100].

    123. Về bản chất, hoạt động kinh doanh là “một ơn gọi cao quý, hướng đến việc tạo ra của cải và cải thiện thế giới của chúng ta” [101]. Thiên Chúa khuyến khích chúng ta phát triển các tài năng mà Người đã ban, và Người biến vạn vật thành một vũ trụ có tiềm năng bao la rộng lớn. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi cá nhân được kêu mời cổ vũ sự phát triển của chính họ [102], và điều này bao gồm việc tìm ra các phương tiện kinh tế và kỹ thuật tốt nhất để sản sinh của cải và gia tăng thịnh vượng. Những khả năng kinh doanh vốn là tặng phẩm/hồng phúc của Thiên Chúa, nên luôn được điều hướng rõ ràng vào việc giúp tha nhân thăng tiến và xóa bỏ nghèo đói, đặc biệt nhờ vào khả năng kiến tạo cơ hội làm việc đa dạng. Quyền tư hữu luôn đi kèm với nguyên tắc bậc nhất và tiên nghiệm buộc mọi tư hữu tuỳ thuộc vào điểm đích phân bổ phổ quát của mọi của cải trên trái đất này, và do đó tất cả đều có quyền sử dụng chúng [103].

    Quyền của các dân tộc

  3. Ngày nay, niềm tin vững chắc vào điểm đích chung của mọi của cải trên trái đất đòi hỏi nguyên tắc này cũng phải được áp dụng cho các quốc gia, vùng lãnh thổ và nguồn tài nguyên của họ. Nhìn từ quan điểm không chỉ về tính hợp pháp của quyền tư hữu và quyền công dân, mà còn nguyên tắc đầu tiên về điểm đích chung của hàng hoá, thì chúng ta có thể nói rằng đất nước cũng thuộc về khách ngoại kiều, do đó, không được từ khước chia sẻ của cải nơi lãnh thổ mình với người túng thiếu phát xuất từ một lãnh thổ khác. Như chư huynh Giám mục Hoa Kỳ đã dạy, những quyền căn bản “có trước bất cứ xã hội nào, bởi vì chúng xuất phát từ phẩm giá được ân ban cho mỗi người vốn được Thiên Chúa dựng nên” [104].125. Điều này giả định một lối hiểu khác về những liên hệ và trao đổi giữa các quốc gia. Nếu mỗi con người đều sở hữu phẩm giá bất khả chuyển nhượng, nếu mọi người đều là anh chị em tôi, và nếu thế giới thật sự thuộc về mọi người, thì người lân cận của tôi sinh ra ở nước tôi hay ở nơi khác đâu còn quan trọng nữa. Chính đất nước tôi cũng chia sẻ trách nhiệm đối với sự phát triển của họ, mặc dù nó có thể chu toàn trách nhiệm đó theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể mở rộng vòng tay quảng đại chào đón những ai đang cần kíp, hoặc nỗ lực cải thiện điều kiện sống ở xứ sở họ bằng cách từ chối bóc lột quốc gia hoặc vét cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của họ, bác bỏ ủng hộ hệ thống thối nát vốn cản trở sự phát triển xứng đáng nơi dân tộc họ. Điều gì áp dụng cho các quốc gia cũng phải áp dụng cho mọi khu vực khác nhau trong mỗi đất nước, vì sự bất bình đẳng quá lớn thường tồn tại ở đó. Đôi khi, hiện trạng không thể thừa nhận phẩm giá bình đẳng của con người khiến các khu vực phát triển hơn ở một số quốc gia nghĩ rằng họ có khả năng loại bỏ “những gánh nặng chết người” tại các khu vực nghèo hơn và như vậy làm mức tiêu thụ của họ tăng cao.

    126. Chúng ta thực sự đang nói tới một mạng lưới tương quan quốc tế mới, vì chẳng có cách nào giải quyết vô vàn vấn đề nghiêm trọng của thế giới nếu chúng ta tiếp tục chỉ nghĩ theo sự tương trợ giữa những cá nhân hay các nhóm nhỏ. Chúng ta cũng nên nhớ rằng “tính bất bình đẳng không những ảnh hưởng đến cá nhân mà còn toàn bộ các quốc gia; nó buộc chúng ta xem xét một nền đạo đức tương quan quốc tế ” [105]. Thật vậy, công lý đòi hỏi công nhận và tôn trọng không chỉ các quyền cá nhân, mà còn cả những quyền xã hội và quyền của các dân tộc nữa [106]. Nghĩa là phải tìm ra cách thức bảo đảm “quyền căn bản của mọi dân tộc được sinh sống và phát triển” [107], mà quyền này đôi khi bị hạn chế nghiêm trọng do áp lực nợ nần nước ngoài tạo ra. Trong nhiều trường hợp, việc trả nợ chẳng những không cổ vũ phát triển mà còn hạn chế và đặt điều kiện nghiêm trọng cho nó. Mặc dù tôn trọng nguyên tắc mọi khoản nợ hợp pháp phải được hoàn trả, nhưng cách thức mà trong đó nhiều nước nghèo không đáng phải chịu kết cuộc thoả hiệp về sự tồn vong và phát triển của họ khi chu toàn nghĩa vụ này.

    127. Chắc chắn, tất cả những điều này kêu mời một cách suy nghĩ khác. Nếu không nỗ lực bước vào lối suy nghĩ này, thì điều tôi đang nói đây có vẻ phi hiện thực quá đỗi. Mặt khác, nếu chấp nhận nguyên tắc lớn lao mà nơi đó những quyền phát sinh từ nhân phẩm bất khả chuyển nhượng của bản thân, thì chúng ta có thể đương đầu với thách thức dự kiến một nhân loại tươi mới. Có lẽ chúng ta khát mong một thế giới cung cấp đất đai, nhà cửa và công ăn việc làm cho mọi người. Đây là chặng đường hòa bình đích thật, chẳng phải chiến lược vô nghĩa, đầy thiển cận, gieo rắc sợ hãi và ngờ vực khi đối diện với các mối đe dọa từ bên ngoài. Vì một nền hòa bình chân thật vững bền chỉ có thể thành hiện thực dựa “trên cơ sở đạo đức toàn cầu của tình liên đới và sự hợp tác nhằm phục vụ một tương lai được thành hình nhờ tính liên lập và trách nhiệm chung nơi toàn thể gia đình nhân loại” [108].

Chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng

Chú thích:

 

[62] Công đồng Va-ti-can II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hôm nay Gaudium et Spes, 24.

[63] Gabriel Marcel, Du refus à l’invocation (tạm dịch: Từ lời từ chối đến sự khẩn cầu), được NRF biên soạn, Pa-ris, 1940, 50.

[64] Kinh Truyền Tin (10/11/2019): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 11-12/11/2019, tr. 8.

[65] x. Thánh Tô-ma A-qui-nô: Scriptum super Sententiis (tạm dịch: Cách hành văn), lib. 3, dist. 27, q. 1, a. 1. ad 4: “Dicitur amor extasim facere et fervere, quia quod fervet extra se bullit et exhalat”.

[66] Karol Wojtyła, Love and Responsibility (tạm dịch: Tình yêu và Trách nhiệm), Luân-đôn, 1982, 126.

[67] Karl Rahner, Kleines Kirchenjahr. Ein Gang durch den Festkreis (tạm dịch: Lịch Giáo hội thu nhỏ. Bước qua Chu kỳ Lễ hội), Herderbücherei 901, Freiburg, 1981, 30.

[68] Regula (Sách luật), 53, 15: “Pauperum et peregrinorum maxime susceptioni cura sollicite exhibeatur” (tạm dịch: “Khi tiếp đón người nghèo và khách hành hương, phải biểu lộ sự ân cần và chăm sóc hết mực”).

[69] x. Tổng luận Thần học, II-II, q. 23, a. 7; Thánh Âu-gus-ti-nô, Contra Julianum (Chống lại Bè phái Ju-li-an), 4, 18: PL 44, 748: “How many pleasures do misers forego, either to increase their treasures or for fear of seeing them diminish!” (tạm dịch: “người keo kiệt bỏ biết bao nhiêu thú vui chỉ để tích góp kho báu của họ hoặc sợ nhìn chúng biến mất!”).

[70] “Secundum acceptionem divinam” (Scriptum super Sententiis, lib. 3, dist. 27, a. 1, q. 1, concl. 4) [tạm dịch: “Nhờ vào việc đón nhận Thiên Chúa” (Cách hành văn, cuốn 3, triệt 27, điều 1, câu hỏi 1, kết luận 4)].

[71] Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25/12/2005), 15: AAS 98 (2006), 230.

[72] Tổng luận Thần học II, II, q. 27, a. 2, resp.

[73] x. Nt, I-II, q. 26, a. 3, resp.

[74] Nt, q. 110, a. 1, resp.

[75] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2014 (8/12/2013), 1: AAS 106 (2014), 22.

[76] x. Kinh Truyền Tin (29/12/2013): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 30-31/12/2013, tr. 7; Diễn văn dành cho Phái bộ Ngoại giao tại Toà Thánh (12/1/2015): AAS 107 (2015), 165.

[77] Sứ điệp Ngày Quốc tế dành cho Người thiểu năng (3/12/2019): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 4/12/2019, tr. 7.

[78] Diễn văn tại Hội nghị về Tự do Tôn giáo với Cộng đồng người gốc Nam Mỹ và các nhóm Di dân, Phi-la-del-phi-a, Penn-syl-va-ni-a, Hoa Kỳ (26/9/2015): AAS 107 (2015), 1050-1051.

[79] Diễn văn dành cho Giới trẻ, Tô-ki-ô, Nhật Bản (25/11/2019): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 25-26/11/2019, tr. 10.

[80] Về các nhận định này, tôi lấy nguồn cảm hứng từ tư tưởng của Paul Ricoeur, “Le socius et le prochain” (tạm dịch: “Xã hội và người thân cận”), trong cuốn Histoire et Verité (Lịch sử và Chân lý), Le Seuil biên soạn, Pa-ris, 1967, 113-127.

[81] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 190: AAS 105 (2013), 1100.

[82] Nt, 209: AAS 105 (2013), 1107.

[83] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 129: AAS 107 (2015), 899.

[84] Sứ điệp cho Sự kiện “Nền kinh tế Phan-xi-cô” (1/5/2019): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 12/5/2019, tr. 8.

[85] Diễn văn trước Quốc hội Châu Âu, Strasbourg (25/11/2014): AAS 106 (2014), 997.

[86] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 129: AAS 107 (2015), 937.

[87] Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2016 (8/12/2015), 6: AAS 108 (2016), 57-58.

[88] Theo ngữ học, từ “solidity” (sự kiên vững) liên quan đến từ “solidarity” (sự đoàn kết). Theo nghĩa đạo đức-chính trị mà sử dụng trong hai thế kỷ qua, thì “sự đoàn kết” dẫn tới hiệp ước xã hội an toàn và kiên vững.

[89] Bài giảng, Ha-va-na, Cu-ba (20/9/2015): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 21-22/9/2015, tr. 8.

[90] Diễn văn dành cho Tham dự viên Buổi gặp gỡ các Phong trào Giáo dân (28/10/2014): AAS 106 (2014), 851-852.

 

[91] x. Thánh Ba-si-li-ô, Homilia XXI, Quod rebus mundanis adhaerendum non sit [tạm dịch: Bài giảng XXI, Nỗ lực này không hệ tại vào những gì thế tục], 3. 5: PG 31, 545-549; Regulae brevius tractatae [tạm dịch: Luật tóm lược], 92: PG 31, 1145-1148; Thánh Phê-rô Kim Ngôn, Sermo [Bài giảng] 123: PL 52, 536-540; Thánh Am-brô-si-ô, De Nabuthe [Về ông Na-vốt người Gít-rơ-en], 27. 52: PL 14, 738tt; Thánh Âu-gus-ti-nô, In Iohannis Evangelium [Tin Mừng theo Thánh Gio-an], 6, 25: PL 35, 1436tt.

[92] De Lazaro Concio [Bài giảng về La-za-rô], II, 6: PG 48, 992D.

[93] Regula Pastoralis [Quy định Mục vụ], III, 21: PL 77, 87.

[94] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus Annus (1/5/1991), 31: AAS 83 (1991), 831.

[95] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 93: AAS 107 (2015), 884.

[96] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Laborem Exercens (14/9/1981), 19: AAS 73 (1981), 626.

[97] x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 172.

[98] Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/3/1967): AAS 59 (1967), 268.

[99] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialisi (30/12/1987), 33: AAS 80 (1988), 557.

[100] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 95: AAS 107 (2015), 885.

[101] Nt, 129: AAS 107 (2015), 899.

[102] x. Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26/3/1967): AAS 59 (1967), 265; Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 16: AAS 101 (2009), 652.

[103] x. Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 95: AAS 107 (2015), 884-885; Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 189-190: AAS 105 (2013), 1099-1100.

[104] Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, Thư Mục vụ chống lại Chủ nghĩa Chủng tộc Open Wide Our Hearts: The Enduring Call to Love [tạm dịch: Hãy mở rộng Tâm hồn: Lời mời gọi Không ngừng Yêu thương] (11/2018).

[105] Thông điệp Laudato Si’ (24/5/2015), 95: AAS 107 (2015), 867.

[106] x. Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 6: AAS 101 (2009), 644.

[107] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Centesimus Annus (1/5/1991), 35: AAS 83 (1991), 838.

[108] Diễn văn về Vũ khí Hạt nhân, Na-ga-sa-ki, Nhật Bản (24/11/2019): Tờ Quan sát Viên Rô-ma, 21-26/11/2019, 6.

CHƯƠNG IV

TÂM HỒN MỞ RỘNG TRƯỚC TOÀN THỂ THẾ GIỚI

 

  1. Nếu xác tín cho rằng hết thảy mọi người là anh chị em không còn là ý niệm trừu tượng nữa, mà được hiện thân cụ thể, thì nhiều vấn đề liên quan xuất hiện, buộc chúng ta phải nhìn mọi sự dưới nguồn ánh sáng mới và khai triển ra các ứng đáp mới.CÁC BIÊN GIỚI VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA CHÚNG

    129. Những thách thức phức tạp nảy sinh khi lân cận chúng ta tình cờ là một di dân [109]. Xét theo lý tưởng thì nên tránh tình trạng di dân không cần thiết; nhưng điều này đòi hỏi các quốc gia xuất xứ phải tạo ra những điều kiện thiết yếu cho một cuộc sống xứng đáng và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cho đến lúc mục tiêu này đạt được những tiến bộ đáng kể, thì chúng ta phải tôn trọng quyền của mọi cá nhân, ngõ hầu tìm ra một nơi mà có khả năng đáp ứng các nhu cầu căn bản của họ và gia đình họ, đồng thời, cũng là nơi giúp họ có thể tìm thấy sự viên mãn cá vị. Phản ứng của chúng ta trước làn sóng di dân có lẽ được tóm tắt trong bốn chữ sau đây: chào đón, bảo vệ, phát huy và hòa nhập. Bởi lẽ “đây không phải là trường hợp thực hiện các chương trình phúc lợi từ trên xuống, mà đúng hơn là cùng đảm nhận suốt chặng đường qua bốn hành động này, nhằm kiến thiết các thành phố và quốc gia rộng mở trước mọi khác biệt và biết cách phát huy chúng trong tinh thần huynh đệ nhân bản, trong khi bảo tồn bản sắc văn hóa và tôn giáo tương ứng” [110].

    130. Điều này ngụ ý thực hiện một số bước không thể thiếu được, đặc biệt đối với những ai đang trốn chạy khỏi các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Một số thí dụ điển hình như: gia tăng và đơn giản hóa việc cấp thị thực; chuẩn nhận các chương trình tài trợ cá nhân và cộng đồng; mở hành lang nhân đạo cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất; cung cấp nhà ở phù hợp và xứng đáng; đảm bảo an ninh cá nhân và tiếp cận các dịch vụ căn bản; bảo đảm trợ giúp thỏa đáng ở cấp lãnh sự và quyền được lưu giữ mọi giấy tờ tùy thân; tiếp cận công bằng với hệ thống tư pháp; tính khả thể mở tài khoản ngân hàng và đảm bảo mức tối thiểu cần thiết để sinh tồn; tự do đi lại và có công ăn việc; bảo vệ trẻ vị thành niên và bảo đảm cho họ tiếp cận giáo dục thường xuyên; cung cấp những chương trình giám hộ tạm thời hoặc tạm trú; đảm bảo tự do tôn giáo; cổ vũ việc hội nhập xã hội; hỗ trợ gia đình đoàn tụ; và chuẩn bị các cộng đồng địa phương cho diễn trình hội nhập [111].

    131. Đối với những ai không phải chân nước chân ráo mới tới, mà đã tham gia vào cơ cấu xã hội, thì điều quan trọng là phải áp dụng khái niệm “quyền công dân”, một khái niệm vốn “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó mọi người đều được hưởng công lý. Vì vậy, rất hệ trọng khi thiết lập trong các xã hội chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và bác bỏ việc sử dụng thuật ngữ mang tính kỳ thị nhóm thiểu số, vốn gây ra cảm giác cô lập và tự ti. Tình trạng lạm dụng này mở đường cho mối thù nghịch và bất hòa; nó hủy hoại bất kỳ thành quả nào và tước đoạt các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân, mà từ đó họ bị phân biệt đối xử” [112].

    132. Ngay cả khi họ tiến hành những bước thiết yếu như vậy, nhưng các quốc gia không thể tự mình thực hiện các giải pháp tương xứng, “bởi vì hậu quả từ mọi quyết định của mỗi quốc gia chắc chắn sẽ tác động trở lại với toàn thể cộng đồng quốc tế”. Như vậy, “đáp ứng của chúng ta có lẽ chỉ là kết quả của một nỗ lực chung” [113] nhằm phát triển loại hình quản trị hoàn cầu liên quan đến các phong trào di dân. Vì thế, “cần lên kế hoạch trung hạn và dài hạn, không chỉ hạn chế đáp ứng khẩn cấp. Đặt ra kế hoạch như thế cần bao gồm việc hỗ trợ hữu hiệu, nhằm trợ giúp giới di dân hội nhập vào những quốc gia tiếp nhận họ, trong khi đó cổ vũ phát triển quê hương họ qua nhiều chính sách lấy nguồn cảm hứng từ tình liên đới, chứ không liên kết công việc hỗ trợ với vô số chiến lược và lối thực hành mang tính ý thức hệ xa lạ hoặc trái ngược với nền văn hóa của các dân tộc được hỗ trợ ” [114].

    TẶNG PHẨM HỖ TƯƠNG

    133. Những ai khác biệt, đến từ lối sống và nền văn hóa khác, có thể là một quà tặng, vì “các câu chuyện di dân luôn là cuộc gặp gỡ giữa những cá nhân và giữa nền văn hóa với nhau. Đối với cộng đồng và xã hội nơi giới di dân đến, họ mang tới cơ hội làm giàu và phát triển con người toàn diện cho tất cả mọi người” [115]. Vì lý do này, “Tôi đặc biệt kêu gọi các bạn trẻ đừng chạy theo những ai sai khiến họ chống lại người trẻ khác vừa mới đặt chân tới đất nước họ, và những kẻ cổ vũ xem đây như mối đe dọa, chứ chẳng sở hữu cùng một phẩm giá bất khả chuyển nhượng như bao người khác ” [116].

    134. Thật vậy, khi chúng ta mở lòng ra với những ai khác biệt này thì nó giúp họ phát triển một cách mới mẻ, trong khi vẫn là chính mình. Các nền văn hóa khác nhau, vốn đã đơm hoa kết trái qua nhiều thế kỷ cần được bảo tồn, kẻo thế giới chúng ta trở nên nghèo nàn. Đồng thời, những nền văn hóa này nên được khuyến khích cởi mở trước nhiều cảm nghiệm tươi mới qua việc gặp gỡ các thực tại khác, bởi lẽ nguy cơ sa vào chứng xơ cứng văn hóa luôn hiện diện. Đây là lý do tại sao “chúng ta cần thông đạt với nhau, khám phá quà tặng hồng phúc của mỗi người, cổ vũ hợp nhất và nhìn xem mọi nét khác biệt của chúng ta như một cơ hội trưởng thành trong việc tôn trọng lẫn nhau. Tính kiên trì và niềm tin tưởng được kêu mời cho công cuộc đối thoại như vậy, cho phép các cá nhân, gia đình và cộng đồng lưu truyền những giá trị văn hóa riêng của họ và chào đón điều tốt lành đến từ kinh nghiệm của tha nhân ” [117].

    135. Tôi sẽ đề cập ở đây một số thí dụ mà tôi đã nêu ra trước kia. Nền văn hóa Nam Mỹ/Mỹ La-tinh là “men giá trị và khả thể có thể làm cho Hoa Kỳ giàu có vượt bậc”, sở dĩ vì “tình trạng nhập cư dữ dội luôn đến hồi kết chi phối và biến đổi nền văn hóa ở một nơi…Tại Ar-hen-ti-na, làn sóng di dân lớn lao từ Ý đã để lại dấu ấn trong nền văn hóa xã hội, và sự hiện diện của khoảng 200.000 người Do Thái ảnh hưởng sâu sắc đến ‘phong cách’ văn hóa của thủ phủ Bu-ê-nos Ai-res. Nếu được giúp đỡ hoà nhập, giới di dân là một ơn phúc, một nguồn lợi giàu có và tặng phẩm mới mẻ vốn khích lệ xã hội thăng tiến” [118].

    136. Xết về quy mô rộng lớn hơn, Đại I-mam Ahmad Al-Tayyeb và tôi đã nhận thấy rằng “những mối tương quan tốt đẹp giữa Đông phương và Tây phương rõ ràng thiết yếu cho đôi bên mà chẳng cần bàn cãi. Chúng ta không được sao lãng, hầu mỗi bên có thể được trở nên giàu có nhờ vào nền văn hóa đối tác qua diễn trình trao đổi và đối thoại hữu hiệu. Nơi phương thức trị liệu Đông phương, Tây phương có lẽ khám phá ra những căn bệnh tâm linh và tôn giáo do chủ nghĩa vật chất thịnh hành gây ra. Và Đông phương có thể tìm thấy ở Tây phương nhiều yếu tố giúp thoát khỏi tình cảnh yếu kém, chia rẽ, xung đột, đồng thời suy thoái về khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Tuy nhiên, rất hệ trọng khi chú ý tới mọi nét khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử vốn là cấu thành sống còn trong việc định hình nhân cách, văn hóa và nền văn minh Đông phương. Cũng vậy, không kém phần quan trọng khi củng cố mối dây liên kết các nhân quyền căn bản nhằm giúp bảo đảm cuộc sống xứng đáng cho mọi người, đàn ông lẫn phụ nữ tại Đông và Tây phương, tránh xa nền chính trị hai mặt” [119].

    Cuộc trao đổi đơm hoa kết trái 

  2. Sự tương trợ giữa các quốc gia chứng tỏ họ làm giàu lẫn nhau. Một đất nước tiến triển trong khi vẫn giữ được nền tảng vững chắc trên cơ sở văn hóa nguyên thuỷ của nó chính là kho báu quý giá cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cần phát triển ý thức cho rằng ngày nay tất cả được cứu thoát cùng nhau, hay chẳng một ai được cứu vớt. Nghèo đói, suy đồi và đau khổ ở một phần hoàn cầu là lý chứng thầm lặng nuôi dưỡng các vấn nạn kết cuộc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh này. Nếu chúng ta rối bời trước tình trạng tuyệt chủng của một số loài, thì ắt hẳn chúng ta càng trở nên bối rối hơn khi ở vài khu vực trên thế giới, các cá nhân hoặc dân tộc đang bị kiềm hãm phát triển tiềm năng và nét đẹp của họ do nạn nghèo đói hoặc những hạn chế cơ cấu khác. Cuối cùng, điều này sẽ làm tất cả chúng ta nghèo nàn đi.138. Dẫu rằng luôn luôn đúng, nhưng nó chưa bao giờ rõ ràng hơn trong thời đại chúng ta, khi thế giới được kết nối với nhau bằng chính sách toàn cầu hóa. Chúng ta cần đạt được một trật tự pháp lý, chính trị và kinh tế hoàn cầu mà “có thể gia tăng cũng như định hướng cho sự hợp tác quốc tế nhằm phát triển mọi dân nước trong tình liên đới” [120]. Nói cho cùng, điều này sẽ mang lại ích lợi cho toàn thế giới, bởi vì “viện trợ phát triển cho các nước nghèo” ngụ ý “tạo ra sự thịnh vượng cho mọi người” [121]. Theo quan điểm phát triển toàn diện, điều này giả định “đem lại tiếng nói hữu hiệu cho những quốc gia nghèo hơn trong việc đưa ra quyết định chung” [122] và khả năng “tạo điều kiện tiếp cận thị trường quốc tế cho các quốc gia đang đối diện với nạn nghèo khổ và kém phát triển” [123].

    Tinh thần chia san vô điều kiện rộng mở với tha nhân

  3. Mặc dù vậy, tôi không muốn bài trình bày này bị giới hạn vào lối tiếp cận thực dụng. Nhân tố “cho đi nhưng không”: khả năng thực hiện một số việc đơn giản chỉ vì tự chúng vốn là điều tốt lành, bất luận đến lợi ích hay đền đáp cá nhân. Tinh thần chia san vô điều kiện khiến chúng ta niềm nở chào đón người xa lạ, dẫu nó chẳng mang lại lợi ích hữu hình tức khắc nào cho chúng ta. Tuy nhiên, tại một số quốc gia vẫn giả định chấp nhận các khoa học gia hoặc nhà đầu tư mà thôi.140. Cuộc sống mà chẳng buồn chia san tình huynh đệ nhưng không thì sẽ biến thành một loại hình thương mại điên cuồng, trong đó chúng ta cứ đề cao những gì chúng ta cho đi và những gì chúng ta nhận lại. Tuy vậy, Thiên Chúa lại trao ban một cách tự do, đến mức giúp đỡ ngay cả những kẻ bất trung; Người “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt” (Mt 5, 45). Và có lý do tại sao Đức Giê-su nói với chúng ta: “Khi bố thí, anh em đừng cho tay phải biết việc tay trái làm, để việc anh em bố thí được kín đáo” (Mt 6, 3-4). Chúng ta đã lãnh nhận cuộc sống một cách nhưng không, nhưng chẳng phải trả giá chi cả để nhận lãnh nó. Do đó, hết thảy chúng ta đều có thể cho đi mà không mong nhận lại bất cứ điều gì, làm việc lành cho tha nhân nhưng chẳng đòi hỏi họ đối xử tốt với mình. Như Đức Giê-su đã từng dạy các môn đệ rằng: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8).

    141. Giá trị đích thật của mọi dân nước khác nhau trên thế giới được đo lường bằng khả năng tư duy của họ, không chỉ đơn thuần ở mức độ quốc gia mà còn là một phần của đại gia đình nhân loại. Đặc biệt, điều này được thấy rõ trong thời kỳ khủng hoảng. Các hình thức hạn hẹp của chủ nghĩa dân tộc là biểu hiện cực đoan chẳng thể nào thấu hiểu ý nghĩa của việc chia san nhưng không này. Họ sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể tự phát triển, bất luận hủy hoại tha nhân, bằng phương cách khép kín bản thân, họ sẽ được bảo vệ tốt hơn. Người ta coi giới di dân như những kẻ tiếm quyền, chẳng có gì để cống hiến cả. Điều này dẫn đến niềm tin ngây ngô cho rằng người nghèo nguy hiểm và vô dụng, trong khi những ai nắm quyền lại là nhà hảo tâm hào phóng. Nhưng thật ra, duy chỉ nền văn hóa xã hội và chính trị nào sẵn sàng chào đón người khác một cách “nhưng không” thì mới có tương lai.

ĐỊA PHƯƠNG VÀ HOÀN VŨ

  1. Nên ghi nhớ rằng “tình trạng căng thẳng cố hữu giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa đang tồn tại. Chúng ta cần chú ý đến khía cạnh hoàn cầu, nhằm tránh tính hẹp hòi và tầm thường. Tuy nhiên, cũng nên nhìn đến khía cạnh địa phương, là nơi giữ chúng ta ở thế bám trụ cơ sở thực tiễn. Cả hai phương diện cùng ngăn chúng ta khỏi bị rơi vào một trong hai thái cực sau đây: Thứ nhất, con người bị cuốn vào một vũ trụ toàn cầu hoá trừu tượng… Kế đến, họ tự biến thành viện bảo tàng văn hóa dân gian ẩn dật khép kín, cứ phải lặp đi lặp lại những điều tương tự, chẳng thể nào đối diện với thách đố từ điều mới mẻ lạ thường, hoặc do bởi hành động đánh giá vẻ đẹp mà Thiên Chúa vốn ban tặng vượt xa ranh giới của họ” [124]. Chúng ta cần có lối nhìn bao quát hoàn cầu hầu tự cứu mình khỏi chủ nghĩa tỉnh lẻ nhỏ nhen. Khi ngôi nhà chúng ta không còn là tổ ấm và bắt đầu biến thành khu hàng rào vây quanh, buồng giam, rồi nhân tố hoàn cầu đến giải cứu như một “chính nghĩa cứu cánh”, mà nó kéo lê chúng ta về sự trọn vẹn bản thân. Đồng thời, dù nhân tố địa phương phải được hào hứng đón nhận, vì nó sở hữu vài điều mà nhân tố hoàn cầu không có: nào là khả năng lan rộng, mang lại nét phong phú đa dạng, phát khởi các cơ chế phụ đới. Vì thế, tình huynh đệ phổ quát và tình bạn xã hội là lưỡng cực bất khả phân li và quan trọng như nhau trong mọi xã hội. Tách biệt chúng ắt sẽ làm biến dạng từng dạng thức và tạo ra sự phân cực đầy nguy hiểm.Hương vị địa phương
  2. Giải pháp chẳng phải là sự cởi mở nhằm vứt bỏ tính giàu sang phong phú của nó. Cũng vậy, chẳng thể nào đối thoại được với “những người khác” nếu mất cảm thức về căn tính của chính chúng ta, vì vậy giữa các dân tộc không thể có sự cởi mở, ngoại trừ nó được dựa trên cơ sở tình yêu đối với quê hương, dân tộc và cội nguồn văn hóa riêng. Tôi không thể thực sự gặp gỡ người khác, trừ phi tôi đứng trên những nền tảng vững chắc, vì nhờ dựa trên cơ sở của điều này, tôi mới có thể chấp nhận tặng phẩm mà người khác mang lại và đến lượt mình, tôi hiến trao tặng phẩm đích thật của riêng tôi. Tôi có thể niềm nở chào đón những ai khác biệt, và đánh giá cao việc họ đóng góp cách độc đáo, chỉ khi nào tôi bén rễ vững chắc vào chính dân tộc và văn hóa của mình. Mọi người đều yêu mến và quan tâm đến quê hương, làng mạc của mình, cũng như họ yêu quý và chăm sóc tổ ấm gia đình họ và đích thân chịu trách nhiệm đối với việc duy trì nó. Tương tự, thiện ích chung cũng đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ và yêu thương quê hương mình. Nếu không, các hậu quả của thảm họa tại một quốc gia kết cuộc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh này. Tất cả điều này làm nổi bật ý nghĩa tích cực của quyền tư hữu tài sản: Tôi chăm sóc và vun đắp những gì tôi sở hữu theo cách mà khiến nó có thể đóng góp vào lợi ích của mọi người.144. Nó cũng gia tăng giao lưu trao đổi lành mạnh và phong phú thêm. Kinh nghiệm được lớn lên ở một nơi riêng biệt và chia sẻ nền văn hóa đặc thù mang lại cho chúng ta cách nhìn sâu sắc vào những khía cạnh thực tại mà người khác khó có thể lĩnh hội. Tính chất hoàn vũ không nhất thiết nhạt nhẽo, đồng dạng và đạt tiêu chuẩn, dựa trên mô hình văn hóa đơn nhất thịnh hành, vì sau cùng, điều này sẽ dẫn tới tình trạng đánh mất bảng màu đa dạng gồm nhiều sắc thái và màu sắc, rồi trở nên đơn điệu hoàn toàn. Đây là cơn cám dỗ được nhắc đến trong tích xưa Tháp Ba-bel. Nỗ lực xây tháp cao chọc trời chẳng biểu đạt sự thống nhất giữa các dân tộc khác biệt thông diễn với nhau từ nguồn phong phú đa dạng của họ. Thay vào đó, nó đã là một nỗ lực sai lạc, phát sinh từ thói kiêu căng và tham vọng, muốn tạo ra sự thống nhất khác với tình hiệp nhất mà Thiên Chúa mong muốn trong kế hoạch quan phòng của Người dành cho mọi dân nước (x. St11, 1-9).

    145. Một sự cởi mở có thể sai lầm đối với yếu tố hoàn vũ, phát sinh từ tính nông cạn của những ai thiếu cái nhìn sâu sắc về tinh hoa nơi đất nước họ hoặc chỉ nuôi dưỡng hiềm khích oán hận chưa ngã ngũ nhắm vào dân tộc mình. Dù thế nào đi chăng nữa, “chúng ta phải liên tục mở rộng tầm nhìn và nhận ra điều tốt đẹp hơn sẽ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Nhưng điều này phải được thực hiện mà không lẫn tránh hay trừ tiệt. Chúng ta cần bén rễ sâu hơn vào mảnh đất màu mỡ và lịch sử quê hương, vốn là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể làm việc trên quy mô nhỏ, tại khu vực lân cận, nhưng với viễn cảnh rộng lớn hơn…Yếu tố hoàn cầu không cần kiềm nén, và yếu tố đặc thù cũng chẳng cần chứng tỏ cằn cỗi” [125]; mô hình của chúng ta phải là khối đa diện, trong đó giá trị của mỗi cá nhân được tôn trọng, là nơi “toàn thể lớn hơn bộ phận, nhưng cũng lớn hơn tổng số bộ phận của nó” [126].

    Một chân trời phổ quát

  3. Một loại yêu bản thân thái quá mang tính “địa phương” không chút can dự đến tình yêu lành mạnh dành cho dân tộc và văn hóa riêng mình. Nó phát sinh từ tình trạng bất an và nỗi sợ hãi nào đó về người khác, dẫn đến hành vi bác bỏ và mong muốn dựng lên những bức tường nhằm tự vệ. Tuy nhiên, chẳng thể nào có tính “địa phương” lành mạnh, nếu không cởi mở chân thành với yếu tố phổ quát, không cảm nhận được thách đố do những gì đang xảy ra ở nhiều nơi khác, không mở lòng đón nhận thêm nét phong phú đa dạng nhờ vào các nền văn hóa, hơn nữa, chẳng hề liên đới và quan tâm đến những thảm kịch đang ảnh hưởng đến các dân tộc khác. Thay vào đó, “thói yêu bản thân mang tính địa phương thái quá” chỉ lưu tâm đến một số ý tưởng, phong tục và loại hình an ninh hạn chế; không thể ngưỡng mộ tiềm năng bao la và vẻ đẹp mà thế giới rộng lớn hơn trao tặng, nó thiếu hẳn tinh thần liên đới chân chính và quảng đại. Vì vậy, cuộc sống trên bình diện địa phương ngày càng trở nên ít ân cần hơn, người ta ít cởi mở bổ túc cho nhau hơn. Các khả thể phát triển của nó hẹp dần; nó trở nên mệt mỏi và ốm yếu. Trái lại, một nền văn hóa lành mạnh, tự bản chất nó cởi mở và ân cần; quả vậy, “văn hóa không thấm đượm các giá trị phổ quát thì chưa thực sự là một nền văn hóa” [127].147. Chúng ta cùng nhận ra rằng khi tâm trí chúng ta càng hạn hẹp, thì khả năng hiểu biết về thế giới xung quanh càng yếu kém. Nếu không gặp gỡ và kết nối với những đặc tính khác biệt, thì khó mà đạt được một sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về chính bản thân và quê hương chúng ta. Các nền văn hóa khác chẳng phải là “kẻ thù” mà chúng ta cần phải tự vệ, nhưng là những phản chiếu khác nhau nơi đặc điểm phong phú vô tận của sự sống con người. Nhìn vào bản thân theo quan điểm của tha nhân, của một người khác biệt, chúng ta có thể nhận ra tốt hơn những nét độc đáo của mình và của nền văn hóa chúng ta: sự phong phú, các khả thể và hạn chế của nó. Kinh nghiệm địa phương của chúng ta cần phát triển “tương phản với” và “hài hòa với” những kinh nghiệm của tha nhân đang sống trong các bối cảnh văn hóa đa dạng [128].

    148. Trên thực tế, sự cởi mở lành mạnh chẳng bao giờ đe dọa căn tính của ai. Một nền văn hóa sống động được làm giàu bởi các yếu tố từ những nơi khác, không du nhập bản sao đơn thuần gồm các yếu tố mới ấy, nhưng làm chúng hòa nhập theo cách độc đáo riêng của nó. Kết quả là một cuộc tổng hợp mới cứu cánh có lợi cho mọi người, bởi vì nền văn hóa nguyên thuỷ sau cùng được dưỡng nuôi. Đây là lý do tại sao tôi thúc giục người dân bản địa trân quý ấp ủ cội nguồn và văn hóa tổ tiên của họ. Đồng thời, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tôi không có ý định tiến cử “một ‘chủ nghĩa duy bản địa’ hoàn toàn khép kín, phi lịch sử, tĩnh tại, mà nó bác bỏ bất cứ kiểu pha trộn nào (mestizaje)”. Bởi lẽ “bản sắc văn hóa riêng của chúng ta được củng cố và trở nên phong phú nhờ đối thoại với những ai không giống chúng ta. Ngoài ra, căn tính đính thật của chúng ta cũng chẳng được bảo tồn bởi sự cô lập nghèo nàn” [129]. Thế giới vươn lên tràn trề vẻ đẹp mới, nhờ những cuộc tổng hợp nối tiếp nhau được tạo ra giữa các nền văn hóa mang tính cởi mở và chẳng có bất cứ hình thức áp đặt văn hóa nào.

    149. Đối với mối liên hệ lành mạnh giữa tình yêu quê hương đất nước với cảm thức xác thực thuộc về gia đình nhân loại lớn lao hơn, thì thật hữu ích khi ghi nhớ rằng xã hội hoàn cầu chẳng phải tổng số các quốc gia khác nhau, mà đúng hơn là sự hiệp thông hiện hữu giữa họ. Cảm thức hỗ tương thuộc về nhau có trước việc các nhóm cá thể xuất hiện. Mỗi nhóm đặc thù trở thành một phần của cơ cấu hiệp thông phổ quát và rồi khám phá ra vẻ đẹp của chính nó tại nơi ấy. Mọi cá nhân bất kể nguồn gốc, đều biết rằng họ là một phần của gia đình nhân loại rộng lớn hơn, nếu không có gia đình này, họ sẽ chẳng thể nào hiểu biết trọn vẹn về chính họ.

    150. Nhìn sự việc theo cách này mang lại nhận thức hân hoan cho rằng không một dân tộc, một nền văn hóa hay cá nhân nào có thể tự mình đạt được mọi thứ: chúng ta cần đến tha nhân, ngõ hầu đạt tới sự viên mãn trong đời. Ý thức những hạn chế và bất toàn nơi bản thân, chẳng phải là lời đe dọa, nhưng trở thành chìa khóa vạch ra và theo đuổi một đề án chung. Bởi vì “con người là hữu thể vừa hạn định, vừa vô hạn định” [130].

    Bắt đầu với khu vực của chúng ta

  4. Nhờ việc trao đổi giao lưu vùng miền, mà các nước nghèo hơn lại cởi mở với thế giới rộng lớn, còn tính phổ quát không nhất thiết làm giảm đi các đặc điểm riêng biệt của họ. Cởi mở với thế giới một cách thích hợp và chân chính giả định khả năng rộng mở với hàng xóm của mình trong gia đình các quốc gia. Do đó, hội nhập văn hóa, kinh tế và chính trị với mọi dân tộc láng giềng nên đồng hành với diễn trình giáo dục biết cổ vũ giá trị yêu thương người lân cận, một bước đầu tiên không thể thiếu hướng tới hội nhập hoàn cầu lành mạnh.152. Ở một số nơi tại thành phố chúng ta, vẫn còn cảm thức xóm làng sống động. Mỗi người chẳng ngượng ngập nhận ra bổn phận mình phải đồng hành và giúp đỡ người lân cận. Tại những nơi mà các giá trị cộng đồng này được duy trì, thì người ta cảm nghiệm sự gần gũi ghi dấu nhờ lòng biết ơn, tình liên đới và tính hỗ tương. Tình xóm làng mang lại cho họ một cảm thức về bản sắc chung [131]. Ước chi các quốc gia lân bang có thể khích lệ tinh thần láng giềng tương tự giữa các dân tộc của họ! Tuy nhiên, tinh thần cá nhân chủ nghĩa cũng ảnh hưởng đến mối tương quan giữa nhiều quốc gia. Nguy cơ của lối suy nghĩ cho rằng chúng ta phải tự vệ chống lại nhau, coi người khác là đối thủ cạnh tranh hoặc là kẻ thù nham hiểm, cũng ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa các dân tộc trong cùng khu vực. Có lẽ chúng ta đã được huấn luyện trong kiểu sợ hãi và ngờ vực này.

    153. Có những quốc gia hùng mạnh và các doanh nghiệp to lớn hưởng lợi từ sự cô lập này và ưa chuộng đàm phán riêng biệt với từng quốc gia. Mặt khác, các nước nhỏ hoặc nghèo có thể ký hiệp định với những nước láng giềng trong khu vực, mà sẽ cho phép họ thương lượng như thể một khối và do đó tránh bị cắt đứt, cô lập và phụ thuộc vào các cường quốc. Ngày nay, không quốc gia nào có thể bảo đảm lợi ích chung cho dân mình nếu cứ mãi cô lập.

chuyển ngữ: Lm. Xuân Hy Vọng

CHÚ THÍCH:

 

[109] x. Hội đồng Giám mục Công giáo Mê-xi-cô và Hoa Kỳ, A Pastoral Letter Concerning Migration: “Strangers No Longer Together on the Journey of Hope” [tạm dịch: Thư Mục vụ về Hiện trạng Di dân: “Người xa lạ chẳng còn Đồng hành trên Chặng đường Hy vọng nữa”] (1/2003).

[110] Buổi tiếp kiến Chung (3/4/2019): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 4/4/2019, tr. 8.

[111] x. Sứ điệp Ngày Di dân-Tị nạn Thế giới 2018 (14/1/2018): AAS 109 (2017), 918-923.

[112] Văn thư về Tình huynh đệ Nhân bản cho Nền hoà bình Thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (4/2/2019): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 4-5/2/2019, tr. 7.

[113] Diễn văn dành cho Phái bộ Ngoại giao tại Toà Thánh, 11/1/2016: AAS 108 (2016), 124.

[114] Nt, 122.

[115] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Christus Vivit (25/3/2019), 93.

[116] Nt, 94.

[117] Diễn văn dành cho Các chính quyền, Sarajevo, Bosnia và Herzegovina (6/6/2015): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 7/6/2015, tr. 7.

[118] Latinoamérica. Conversaciones con Hernán Reyes Alcaide [tạm dịch: Châu Mỹ La-tinh. Hội đàm với Hernán Reyes Alcaide], Planeta biên soạn, Buenos Aires, 2017, 105.

[119] Văn thư về Tình huynh đệ Nhân bản cho Nền hoà bình Thế giới và Chung sống, Abu Dhabi (4/2/2019): Tờ Quan sát viên Rô-ma, 4-5/2/2019, tr. 7.

[120] Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/6/2009), 67: AAS 101 (2009), 700.

[121] Nt, 60: AAS 101 (2009), 695.

[122] Nt, 67: AAS 101 (2009), 700.

[123] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 447.

[124] Tông huấn Evangelii Gaudium (24/11/2013), 234: AAS 105 (2013), 1115.

[125] Nt, 235: AAS 105 (2013), 1115.

[126] Nt.

[127] Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Diễn văn dành cho Giới đại diện Văn hoá Ar-hen-ti-na, Buenos Aires, Ar-hen-ti-na (12/4/1987), 4: Tờ Quan sát viên Rô-ma, 14/4/1987, tr. 7.

[128] x. Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Diễn văn dành cho Giáo triều Rô-ma (21/12/1984), 4: AAS 76 (1984), 506.

[129] Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Querida Amazonia (2/2/2020), 37.

[130] Georg Simmel, Brücke und Tür. Essays des Philosophen zur Geschichte, Religion, Kunst und Gesellschaft [tạm dịch: Cầu nối và Cánh cửa. Tiểu luận của Triết gia về Lịch sử, Tôn giáo, Nghệ thuật và Xã hội], Michael Landmann biên soạn, Köhler-Verlag, Stuttgart, 1957, 6.

[131] x. Jaime Hoyos-Vásquez, S.J., “Lógica de las relaciones sociales. Reflexión onto-lógica” [tạm dịch: “Luận lý về các Mối quan hệ Xã hội. Suy tư về mặt Bản thể luận”], Revista Universitas Philosophica [Tạm chí nghiên cứu Chuyên ngành Triết học], 15-16 (tháng 12/1990 – tháng 6/1991), Bogotá, 95-106.