Khuôn mặt ân sủng

“Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”(Xh34,6).(Kinh thánh trọn bộ dịch)

Theo bản dịch của Tông huấn thì : “Một Thiên Chúa nhân từ và đầy lòng xót thương, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín”(số 1)

Giàu nhân nghĩa đây là giàu ân nghĩa hay giàu ân sủng. Ta sẽ dùng từ giàu ân sủng. Vì trong tiếng Nhật người ta dùng từ 恵み(megumi).

  1. Định nghĩa: Ân sủng là gì? (Tự điển công Giáo tr.9-10)

Ân là ơn; Sủng là ưu ái. Ân sủng là ân huệ, sự ưu ái do bề trên ban cho.

Ân sủng trước hết là chính Thiên Chúa với sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài.

Kế đến ân sủng là ân huệ Thiên Chúa ban một cách tự do và vô điều kiện, giúp con người tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài. (x.GLCG 1996-1998)

Qua bí tích thánh tẩy, nhờ ân sủng của Chúa Ky-tô, tín hữu trở thành nghĩa tử của Chúa Cha và nhận sự sống của Chúa Thánh Thần(x.GLCG 1997).

Ân sủng của Thiên chúa vẫn luôn tôn trọng và mời gọi con người tự do đáp lại; đón nhận tình yêu của Ngài và trung thành với tình yêu đó.(x.GLCG 2001-2002)

  1. Thiên Chúa giàu ân sủng
  2. Thiên Chúa chính là ÂN SỦNG.

Thiên Chúa là hiện thân của ân sủng. Ân sủng chính là sự hiện diện của Thiên Chúa với lòng yêu thương của Ngài. Ở đâu có Thiên Chúa ở đó có ân sủng.

Lời chào của Thiên sứ Gabriel nói với Đức Ma-ri-a : “Kính chào Bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”(Lc1,28). Có nghĩa là có Thiên Chúa thì có ân sủng.

  1. Thiên Chúa là chủ nhân của Ân sủng.

Mọi ân sủng đều được ban từ Thiên Chúa. Ngoài Ngài ra không có ai sở hữu ân sủng để từ đó ban cho người khác. Có thể nói Thiên Chúa nắm độc quyền về ân sủng.

Do đó Người ban ân sủng là Thiên Chúa, Đức Giê-su và Chúa Thánh Thần; còn Đức Mẹ và các thánh chỉ là những người cầu bầu cho ta trước tòa Chúa để Chúa ban ân sủng cho ta mà thôi, chứ bản thân các Ngài không có ân sủng mà ban đâu. Các Vị có chức thánh cũng vậy, các Ngài chỉ là dụng cụ của Chúa dùng để qua thừa tác vụ thánh, họ đem ân sủng của Chúa đến cho người khác.

Ân sủng là ân huệ, một sự trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng mời gọi của Ngài, để ta trở nên con cái, nên nghĩa tử; để ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa và sự sống đời đời.(x.GLCG 1996).

Như thế ân sủng chính là ân huệ Chúa ban cho ta và giúp đỡ ta. Vì con người chúng ta hèn mọn và yếu đuối. Đức Giê-su đã nói : “Không có Ta, các con không làm gì được”(x.Ga 15,5). Không có ơn Chúa ta cũng không thể làm được gì xét về mặt tự nhiên cũng như về siêu nhiên.

Xét về mặt tự nhiên, Chúa mà không cho ta sống, ví dụ Chúa cất hết không khí; Chúa cất ánh sáng mặt trời; tim ta không đập nữa thì ta làm gì được đây. Nói đâu cho xa, một cơn gió độc, một cơn gió thoảng cũng làm ta ho hen, ăn không ngon, ngủ không yên và tay chân cũng chẳng nhấc nổi.

Xét về mặt siêu nhiên thì khỏi nói, không có ơn Chúa ta không làm gì đẹp lòng Chúa, không làm gì tốt lành và thánh thiện cả đời này lẫn đời sau.

Như nhờ ân sủng của bí tích rửa tội mà ta từ một con người bình thường và tầm thường trở, nên con cái Chúa; được Chúa nhận làm con cùng với Con Một Ngài là Đức Giê-su Ky-tô. Nhờ ân sủng Chúa ban mà tham dự vào bản tính Thiên Chúa:“Thiên Chúa làm người để con người làm Thiên Chúa”, có nghĩa là ta được tham dự vào bản tính của Thiên Chúa. Con người của ta đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa rồi, biết suy nghĩ, biết yêu rồi; thế vẫn chưa đủ, Chúa còn muốn cho con người chúng ta tham dự vào bản tính của Chúa và cả sự sống đời đời của Chúa nữa cơ. Mà ta gọi là sự sống Thần Linh, sự sống siêu nhiên hay sự sống đời đời. Chỉ có con người mới được Chúa ưu ái ban cho như vậy, còn động vật và thực vật thì không.

Ân sủng là quà tặng nhưng không Thiên Chúa ban. Nói đến quà tặng thì phải nói đến sự tự do nhận hay không nhận. Thiên Chúa ban cho con người có sự tự do, nên con người có thể từ chối hay lãnh nhân ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban nhưng có nhận được hay không thì do con người chúng ta quyết định. Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người, Ngài chỉ kêu mời, ai muốn thì nhận ai không muốn thì thôi.

Ân sủng Chúa ban là để công chính hóa ta và thánh hóa ta. Liên kết chúng ta vào công trình cứu độ của Người; cho ta khả năng cộng tác vào công cuộc cứu độ tha nhân và làm phát triển Thân Thể Chúa Ky-tô là Giáo Hội(x.GLCG 2003).

Ơn công chính hóa là làm cho ta nên công chính; ơn thánh hóa là làm cho ta nên thánh, nên thiện, đó là đối với bản thân ta. Còn đối với việc cộng tác vào công cuộc cứu độ tha nhân thì có ơn đặc sủng, như ơn gọi hôn nhân và gia đình; ơn gọi tu sĩ, linh mục. “Đặc sủng là phải nêu lên các chức phận được ban để người ta thi hành các bổn phận của đời sống ky-tô hữu và các thừa tác vụ trong lòng Giáo Hội”(x.GLCG 2004)

 

III.               Đức Giê-su, hiện thân ân sủng của Thiên Chúa.

 

  1. Đức Giê-su cũng chính là ân sủng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa ban cho con người: “Đức Giê-su là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”(x.Ga1,14) và “Từ nguồn sung mãn của Người mà chúng ta nhận được hết ơn này đến ơn khác(x.Ga1,17).

 

  1. Ân sủng của Đức Giê-su:

Ân sủng của Đức Giê-su là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho ta sự sống của Người nhờ Thánh Thần. Thiên Chúa ban sự sống đó vào linh hồn để chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta(x.GLCG 1999).

Cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là nguồn ơn công chính hóa cho mọi người(x.GLCG 2020).

Ơn công chính hóa bao gồm ơn tha thứ tội lỗi, thánh hóa và canh tân con người nội tâm chúng ta(x.GLCG 2019).

 

Qua cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, chúng ta được thứ tha mọi tội lỗi “Tội con đã được tha”(x.Mt9,2); qua bí tích Rửa tội ta được tha tội Tổ tông; qua bí tích Thêm sức ta lành nhận ơn Chúa Thánh Thần và qua bí tích Giải tội ta được tha các tội riêng.

Quả thật nhờ ơn Chúa mà ta dần dần được canh tân, dần dần nên thánh, nên thiện

Các ân sủng của Thiên Chúa ban đều qua Đức Giê-su Ky-tô; qua công trình cứu độ của Ngài.

  1. Kết luận.

Sống ơn sủng của năm thánh là chạy đến lòng thương xót Chúa với lòng xác tín rằng sự tha thứ của Chúa trải rộng trên toàn bộ cuộc đời của người ky-tô hữu. Đón nhận ân sủng là trải nghiệm sự thánh thiện của Giáo Hội, là người ban cho tất cả mọi người những thành quả trong ơn cứu chuộc của Chúa Ky-tô, để tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa có thể vươn tới khắp mọi nơi. Chúa ta hãy sống sốt sắng Năm thánh này trong khi cầu xin Chúa Cha tha thứ cho tội lỗi của chúng ta và tắm gội chúng ta trong lòng thương xót “đại xá” của Ngài(Trích Tông huấn số 22).

Lm Bosco Dương Trung Tín