ÔNG CHA MÀ CŨNG XANH, TRẮNG, VÀNG, ĐỎ, TÍM…

Một thầy giáo ăn mặc bảnh bao đến thăm một ông linh mục ở tuổi “quý vì hiếm”.

– Chào cha, con muốn hỏi cha vài chuyện.

– Chuyện gì mà vô đề long trọng thế?

– Con có nhiều bạn bên đạo Công giáo. Tụi nó mời con đi lễ nhiều lần. Con thấy lễ bên Công giáo rất ấn tượng…

– Ví dụ cụ thể!

– Bàn thờ trang trí rất đẹp. Ca đoàn hát rất hay. Lớn bé già trẻ đều đọc kinh nhịp nhàng như nhau. Khi ngồi, khi đứng, khi quỳ… ai nấy đều rập ràng. Đặc biệt là có một lúc cả nhà thờ im lặng đến đứng tim. Lúc đó mà con ruồi bay, thì cũng nghe thấy tiếng cánh vẫy. Nhưng…có một cái con không thích tí nào.

– Cái gì vậy?

– Con nói cha đừng giận nha.

– Bảo đảm không giận, không buồn, mà… còn thương hơn nữa.

– Các cha là đàn ông mà mặc áo lễ lòe xòe như bươm bướm, lại còn diêm dúa xanh trắng đỏ tím vàng. Như vậy có giống đồng bóng không cha?

– Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng áo lễ của chúng tôi là diêm dúa, là đồng bóng. Hôm nay nghe anh nói, tôi mới giật mình và bắt đầu suy nghĩ.

Suy nghĩ về màu sắc

Theo ý kiến của dân gian, thì vũ trụ có năm màu, gọi là ngũ sắc: xanh, trắng, đỏ, tím, vàng. Mỗi màu cho ta một cảm giác suy tư.

Màu xanh là màu bao trùm không gian và thời gian. Về không gian thì: trời xanh, biển xanh chiếm ba phần tư diện tích trái đất, núi xanh, đồng xanh, vườn xanh. Về thời gian, thì màu xanh hiện hữu qua trọn bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.

Màu xanh tạo cảm giác thoải mái, dịu mát, thần kinh bớt căng thẳng. Vì thế màu xanh được coi là màu hòa bình và hy vọng.

Vì màu xanh có nhiều quá và trải dài triền miên qua bốn mùa, nên nó không được tôn quý cho lắm. Có hiếm thì mới quý.

Các màu: trắng, đỏ, tím, vàng chỉ xuất hiện rất ít trong không gian. Màu đỏ của mặt trời chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi vào lúc hừng đông và hoàng hôn.

Các màu sặc sỡ chỉ xuất hiện vào mùa Xuân. Hoa đua nhau nở: hoa đỏ, hoa vàng, hoa tím. Nhưng kiếp hoa sớm nở chiều tàn, nên các màu sặc sỡ ấy không tồn tại lâu dài.

Màu đỏ kích thích thần kinh mạnh nhất và là màu của máu. Do đó màu đỏ tượng trưng cho chiến tranh, cho hy sinh vì đại nghĩa, cho sức mạnh.

Màu trắng vừa vui vừa trong sạch. Vì thế nó tượng trưng cho sự trinh khiết của trinh nữ và của tâm hồn liêm khiết thánh thiện.

Màu vàng rực rỡ làm chói mắt, nói lên tính cao sang quyền quý. Vì thế mà có từ “ngai vàng”, “hoàng cung”.

Màu tím là màu của buổi hoàng hôn. Màu gợi buồn. Màu giao ban giữa ngày và đêm.

Chính vì thế màu của áo lễ muốn gợi lên một cảm giác, muốn nói lên một ý nghĩa.

Đạo chúng tôi có hai biến cố ấn tượng nhất chi phối hết cả mọi sinh hoạt trong năm. Đó là Chúa Giáng Sinh và Phục Sinh. Vì vui nên áo lễ tôi mặc là áo trắng. Hứng lên thì mặc áo lễ vàng (không buộc) để đưa niềm vui lên tột điểm.

Hết hai mùa sặc sỡ rồi thì trở về mùa bình thường, gọi là mùa Thường Niên. Cũng như trong thiên nhiên, màu xanh là màu thường xuyên, thì trong Phụng vụ, khi không có gì đặc biệt, thì gọi là mùa thường, hay mùa Thường Niên. Dĩ nhiên áo lễ thời điểm này phải là màu xanh, màu thường xuyên, mặc không đặc biệt.

Ngoài hai đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh thì cũng có những kỷ niệm nho nhỏ.

Kỷ niệm ngày một vị thánh tuẫn đạo. Hôm ấy áo lễ đỏ nói lên tính hy sinh cao cả của người sẵn sàng chết vì đức tin.

Lễ Chúa Thánh Thần thì phải mặc áo lễ đỏ vì khi Ngài xuất hiện trong lễ Ngũ Tuần, thì có một khối lửa đỏ bập bùng trên trần nhà.

Kỷ niệm ngày một vị thánh đồng trinh, một vị thánh có đời sống liêm khiết, thì áo lễ màu trắng là hợp tình, hợp lý.

Ngày an táng hoặc ngày cầu hồn cho một tín đồ, thì màu tím là tuyệt vời.

Suy nghĩ về hình dáng áo lễ

Anh chê áo lễ của chúng tôi là lòe xòe như bươm bướm không phù hợp với đấng nam nhi, thì dường như tôi phải chịu thua anh. Tôi vẫn khẳng định rằng cái gì của nam nhi cũng phải nói lên tính “Đội đá vá trời xanh”. Y phục của nam nhi phải vuông vức, cứng cáp. Đối với đàn ông thì bộ áo vét của Âu Tây là tuyệt vời. Cái khăn đóng của Việt Nam là phá đám, là đánh chết vầng trán thông minh của nam nhi. Cái áo dài mà đàn ông Việt Nam mặc ngày xưa không những không đẹp mà còn làm cho phái khỏe “thộn” ra một cách buồn cười.

Tôi thua anh, nhưng cũng xin anh thông cảm với tôi, vì những lý do sau:

Ban đầu không hề có bản thiết kế áo lễ. Áo lễ ban đầu là áo đẹp và đứng đắn của thời ấy. Trong khi y phục đẹp và đứng đắn ấy biến dạng ở ngoài đời, thì vẫn giữ y nguyên trong đạo. Áo đời thường bỗng dưng trở thành áo lễ.

Những kiểu áo lễ trong đạo tồn tại hằng nhiều thế kỷ. Thay đổi không dễ. Vào thập niên bảy mươi, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã trao cho các chuyên viên tìm ra một thiết kế áo lễ có tính văn hóa Việt Nam. Đã có vài thử nghiệm, nhưng không tạo được sự đồng thuận rộng rãi. Người chuyên môn khảo cứu về văn hóa dân tộc cũng chưa có uy tín đủ.

Vì văn hóa hành trình nên y phục nào cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn, hoặc rất ngắn. Áo lễ thì không dễ thay đổi thường xuyên nên không thể tránh được cái gọi là lỗi thời.

Ngoài đời cũng đành chịu số phận như thế. Ai cũng bảo rằng người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài là tuyệt vời. Nhưng nữ công nhân nhà máy dệt không thể mặc áo dài được. Nữ sinh Việt Nam mặc áo dài đội nón bài thơ là trên tuyệt vời. Nhưng khi đi xe gắn máy thì phải đội mũ bảo hiểm, khiến cái đầu nữ nhi cứng ngắc như đầu nam nhi. Đành phải chịu vậy thôi.

Anh thông cảm với áo lễ của chúng tôi nhé.

– Vâng, con cám ơn cha, nhờ có cha giải đáp, cắt nghĩa mà con hiểu được màu Phụng vụ trong đạo Công Giáo của cha, kính chúc cha sức khỏe, bình an và thật nhiều ơn lành của Chúa.

Tạp bút của Lm. Piô Ngô Phúc Hậu