“Gần trời xa đất” mới hạnh phúc

“Gần trời xa đất” mới hạnh phúc

  Người lại hỏi các ông: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phê-rô trả lời: Thầy là Đấng Ki-tô.(x. Mc 8,29)

   Đức Giê-su là ai? Theo thánh Phê-rô, Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Phê-rô là người đã chứng kiến những việc Đức Giê-su làm như chữa những người mắc đủ các thứ bệnh; tha thứ tội lỗi; công bố Tin Mừng Nước Trời cho những người nghèo khổ; vv….. nên đã tuyên xưng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.

   Điều này đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sa-ia đã nói: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…..”(x. Is 61,1).

   “Đấng Ki-tô” nghĩa là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu. Theo sách Giáo Lý Công Giáo, thì : “Ki-tô” là phiên âm một từ Hy-lạp từ tiếng Hip-ri là “Mê-si-a” nghĩa là “Được xức dầu”. Danh xưng này trở thành tên riêng của Đức Giê-su, vì Người đã chu toàn tuyệt hảo sứ mạng thần linh bao hàm trong danh xưng đó. Quả thế, trong Ít-ra-en, những người được thánh hiến để thi hành một sứ mạng Thiên Chúa giao phó đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các Vua; các Tư Tế và đôi khi cả các Ngôn Sứ nữa. Vậy càng đúng hơn cho trường hợp của Đấng Mê-si-a, do Thiên Chúa cử đến để thiết lập dứt khoát Vương Quốc của Người. Đấng Mê-si-a phải được Thánh Thần xức dầu, vừa để làm vua và Tư Tế; vừa để làm Ngôn Sứ nữa. Đức Giê-su đã thực hiện niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en qua ba sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế” (x. GLCG, số 436).

   Đức Giê-su đã nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”(x.Lc 4,21). “Khi thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, Người đã chấp nhận và liền đó tiên báo cuộc khổ nạn của Con Người. Người đã mặc khải vương quyền Đấng Mê-si-a của Người. Một mặt hệ tại căn tính siêu việt của Con Người “từ trời xuống” và mặt khác trong sứ mệnh cứu chuộc của Người Tôi Tớ đau khổ: “Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). Do đó, ý nghĩa thật sự về vương quyền của Người chỉ được biểu lộ trên thập giá. Chỉ khi sau sống lại, vương quyền Mê-si-a này mới được thánh Phê-rô công bố trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”(Cv 2,36)(x. GLCG, số 440).

   Đức Giê-su chấp nhận mình là Đấng Ki-tô; Đấng Mê-si-a nhưng là một Đấng Ki-tô đau khổ; Đấng Mê-si-a khổ đau chứ không phải là một Đấng Ki-tô vinh quang; một Đấng Mê-si-a quang vinh như người ta lầm tưởng. Chính thánh Phê-rô cũng đã lầm tưởng như vậy, khi can gián Đức Giê-su công bố rõ: Con Người phải chịu đau khổ nhiều; bị các Kỳ Mục, Thượng Tế cùng Kinh Sư loại bỏ và giết chết và ba ngày sau sẽ sống lại.

    Đức Giê-su đã trách Phê-rô: Xa-tan. Lui lại đàng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà của loài người”(x. Mc 8,33). Đúng là tư tưởng của con người chúng ta không thích, không muốn đau khổ. Thế nhưng dù muốn hay không muốn; thích hay không thích; đời sống con người vẫn có đau khổ; không những có mà còn có nhiều nữa. Đến nỗi người ta phải nói rằng: “Đời là bể khổ”. Cũng bởi đau khổ nhiều quá rồi nên không thích, không muốn đau khổ nữa.

   Sở dĩ con người chúng ta sợ khổ, sợ đau là vì chúng ta không thấy được ý nghĩa của sự đau khổ. Người ta nói đời người là Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Bây giờ phải nói là Sinh- Bệnh- Lão-Tử, vì nhiều người chưa lão đã bệnh rồi. Chúng ta cùng phân tích 4 khoảnh khắc này.

  Sinh. Con người chúng ta được sinh ra trong cái “Đau” của người mẹ và từ đó nuôi cho con khôn lớn. Đó quả là một đoạn trường khổ ải. Thế nhưng ngày chúng ta được sinh ra là một niềm vui, ngày chúng ta có mặt trên đời và ai ai cũng mừng ngày sinh nhật của mình và mừng sinh nhật của người khác. Vậy sự sinh ra đời của ta có đau khổ không? Đau thì có đau nhưng khổ thì không. Khổ thì cũng có khổ đó nhưng mà vui.

  Bệnh. Con người chúng ta ai cũng có bệnh, cũng mặc bệnh hết. Không có bệnh này cũng mắc bệnh kia. Có thứ bệnh bẩm sinh; có thứ bệnh do hoàn cảnh; có thứ bệnh do môi trường; có thứ bệnh do người ta. Thân thể con người chúng ta do tỉ tỉ tế bào tạo thành nên có một số tế bào không được khỏe mạnh thì cũng là điều dễ hiểu. Mà ai cũng có bệnh thì coi như điều bình thường và công bằng. Hơn nữa, bệnh gì cũng đau; bệnh gì cũng khổ hết, ai cũng như ai thì coi như huề. Có điều khác là ai cố gắng giữ gìn sức khỏe, như ăn uống điều độ; ngủ nghỉ đúng giờ; làm việc có giờ có giấc thì chắc chắn sẽ bớt đau, bớt khổ và bớt bệnh.

   Lão. Là con người, xác đất vật hèn; có ngày chúng ta sẽ già đi; chẳng có ai sống mãi trên đời này. Có thọ lắm thì cũng trên dưới 100 năm. Thế nhưng thân xác có thể già theo năm tháng, tinh thần thì không già theo thời theo thời gian. Tuổi già nhưng còn minh mẫn, còn khỏe mạnh thì cũng đáng để sống; chứ làm chẳng được mà ăn cũng chẳng thấy ngon; chỉ nằm một chỗ thì có ích chi; còn ham sống để làm gì.

      “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả; tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 91(92), 15). Đó là người già theo năm tháng, nhưng tinh thần thì không cỗi theo thời gian. Già là một gian đoạn để ta dừng, để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho một cuộc sống tiếp theo. Như thế già hay lão đâu có gì là khổ, là đau. Có người “mới có tí tuổi” mà đã như “già chát”, chẳng muốn học hỏi thêm; chẳng muốn làm việc gì nữa, cứ như “ông cụ non”; cứ như “bà cụ trẻ”. Đó mới là “đau”; đó mới là “khổ”. Làm đau bản thân mình và làm khổ người khác.

   Tử. Tử là chết. Chết thì hết đau nhưng khổ nhiều ạ. Chết về phần xác; còn phần hồn về với Chúa để chịu phán xét. Nếu chưa được về thiên đàng thì phải ở trong luyện ngục thì khổ lắm đây. Chết thì ai cũng sợ. Tại sao lại sợ? Nếu chết là hết, không còn gì nữa thì chắc chẳng có bao nhiều người sợ chết đâu. Chết mà còn mới sợ. Chết rồi đi đâu; ở đâu; lên thiên đàng hay xuổng hỏa ngục, điều đó làm cho chúng ta sợ.

  Nhưng điều đó lại phụ thuộc vào những gì mà chúng ta sống trên dương thế. Chúng ta biết rằng, có ngày chúng ta sẽ phải chết, thì chúng ta hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ đi; hãy sống cho tốt đẹp; hãy sống cho tốt lành; hãy sống cho thánh thiện thì khi chết chúng ta sẽ lên thiên đàng, chúng ta đâu còn sợ chết nữa.

  Khi mắc bệnh nặng hay già lão thì người ta nói rằng: “Gần đất xa trời”, tức là sắp chết rồi đấy. Nhưng khi chết mà “gần đất xa trời” thì nguy to; Phải “gần trời xa đất” mới hạnh phúc.

   Vậy là người tín hữu công giáo, chúng ta là những Ki-tô khác, chúng ta hãy mang lấy tư tưởng của Chúa, là Đấng Ki-tô hay là những ki-tô, thì phải chịu nhiều đau khổ và phải chết, nhưng sẽ có ngày sống lại; sẽ có ngày chúng ta lên thiên đàng. Niềm tin đó giúp chúng ta tích cực sống ở đời này, sống sao cho khỏe, cho mạnh; sống sao cho tốt lành, cho thánh thiện, để chúng ta sẽ “gần trời xa đất”; chúng ta sẽ hạnh phúc sống ở đời này và diễm phúc sống ở đời sau.

                                                                              Lm. Bosco Dương Trung Tín