Tông thư “Lòng mến mộ Kinh thánh” của Đức Thánh Cha Phanxico

TÔNG THƯ “LÒNG MẾN MỘ KINH THÁNH”

của Đức Thánh Cha Phanxicô

Nhân dịp Kỷ niệm 1600 năm Thánh Giêrônimô qua đời.

Lòng mến mộ Kinh Thánh, một “tình yêu sống động và dịu dàng” đối với lời Chúa: đây chính là di sản mà Thánh Giêrônimô đã để lại cho Giáo hội bằng cả cuộc đời và công sức của mình. Nay, nhân dịp kỷ niệm lần thứ một ngàn sáu trăm ngày ngài mất, lời kinh được trích từ Lời nguyện mở đầu Lễ mừng kính ngài [1] cho chúng ta một suy tư thiết yếu và thấu suốt về nhân vật kiệt xuất này trong lịch sử Giáo hội, cũng như thấu tỏ tình yêu bao la của ngài dành cho Đức Kitô. Như thể con sông lớn nuôi dưỡng vô số dòng suối nhỏ, “tình yêu sống động và dịu dàng” này đã tuôn chảy vào mọi hoạt động liên lỉ của ngài với tư cách là một học giả, một dịch giả và một nhà chú giải. Thánh Giêrônimô am hiểu Kinh Thánh thâm sâu, nhiệt thành phổ biến giảng dạy cho nhiều người biết tới. Ngoài ra, kỹ năng thông dịch bản văn của ngài, lòng nhiệt tâm bảo vệ và đôi khi tính khắc khe của ngài đối với chân lý Kitô giáo, chủ trương đời sống khổ hạnh và kỷ luật ẩn tu nghiêm khắc, với chuyên môn như người linh hướng bao dung và nhạy cảm, tất cả những điều này khiến ngài trở thành một nhân vật liên quan lâu dài đối với chúng ta, những Kitô hữu của thế kỷ XXI, kể từ mười sáu thế kỷ sau khi ngài giã từ dương thế.

Dẫn nhập

Vào ngày 30 tháng 9 năm 420, Thánh Giêrônimô qua đời tại Bêlem, trong cộng đoàn mà chính ngài đã thành lập gần hang đá Giáng sinh. Ngài đã phó thác cho Chúa, Đấng mà ngài luôn truy tầm và tìm hiểu trong Kinh Thánh, cũng cùng vị Chúa ấy trong tư cách Thẩm phán mà ngài đã gặp trong mơ, có lẽ xảy ra vào Mùa Chay năm 375 gây bao nỗi xúc động. Giấc mơ ấy chứng thực một bước ngoặt quyết định trong đời ngài, một cơ hội hoán cải và thay đổi nhãn quan. Thánh nhân thấy mình bị lôi ra trước mặt Đấng Xét Xử, như ngài hồi tưởng như sau: “Được hỏi về tư cách, tôi trả lời rằng tôi là một Kitô hữu. Nhưng Đấng Xét Xử vặn lại: ‘Anh nói dối! Anh là người theo Cicerô, không phải Kitô hữu’” [2]. Cũng nên biết, từ thuở trai trẻ, Thánh Giêrônimô vốn yêu thích vẻ đẹp thanh khiết của những tác phẩm cổ điển Latinh, trong khi các ấn phẩm Kinh Thánh thoạt đầu khiến ngài cảm thấy thô kệch, sai văn phạm và quá khắc nghiệt đối với thị hiếu văn chương tao nhã của bản thân.

Cảm nghiệm ấy đã mang lại nguồn cảm hứng cho thánh nhân sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô và Lời Người; đồng thời, qua các bản dịch và chú giải của mình, ngài nỗ lực làm cho độc giả ngày càng dễ tiếp cận với những văn phẩm thiêng liêng này. Tương tự, nó khiến ngài đưa ra định hướng mới và có tính quyết định hơn: ngài phải trở thành người phục vụ Lời Chúa trong tình mến như thể thẩm thấu vào “xác thịt Kinh Thánh”. Vì thế, để theo đuổi kiến thức từng đánh dấu cả đời, ngài đã tận dụng sự hiếu học thời trẻ và nền giáo dục La Mã để chuyển hướng học vấn của mình sang việc phục vụ lớn lao hơn cho Thiên Chúa và cộng đoàn Giáo hội.

Nhờ vậy, Thánh Giêrônimô trở thành một trong những nhân vật vĩ đại của Giáo hội cổ đại, suốt thời kỳ được biết tới như thời đại hoàng kim của các giáo phụ. Ngài đóng vai trò phục vụ kết nối giữa Đông phương và Tây phương. Là bạn thời trai trẻ của Rufinô miền Aquileia, ngài biết đến Thánh Ambrôsiô và thường xuyên trao đổi thư từ với Thánh Âugustinô. Ở phương Đông, ngài am tường Thánh Grêgôriô vùng Nazian, Thánh Didymô Khiếm thị, và Thánh Êpiphaniô miền Salamis. Truyền thống ảnh tượng Kitô giáo phát hoạ thánh nhân cùng với các Thánh Âugustinô, Ambrôsiô và Grêgôriô Cả như một trong bốn Tiến sĩ xuất chúng của Giáo hội Phương Tây.

Trong nhiều dịp khác nhau, những vị tiền nhiệm của tôi đã tôn vinh Thánh Giêrônimô. Cách đây một thế kỷ, nhân dịp kỷ niệm 1500 năm từ khi ngài qua đời, Đức Bênêđíctô XV đã dành riêng Thông điệp Spiritus Paraclitus (ngày 15 tháng 9 năm 1920) cho thánh nhân, trình bày ngài với thế giới như “tiến sĩ chú thích Kinh Thánh tối cao” (“doctor maximus explanandis Scripturis”) [3]. Gần đây hơn, Đức Bênêđíctô XVI đã dành trọn hai bài giáo lý liên tiếp nói về con người và công việc của ngài [4]. Nay, nhân dịp kỷ niệm đúng 1600 năm Thánh Giêrônimô qua đời, tôi cũng muốn tưởng niệm ngài và một lần nữa nhấn mạnh tính hợp thời của sứ điệp, cũng như lời giảng dạy của ngài, khởi đầu với tình yêu bao la mà ngài đã hiến trọn cho Kinh Thánh.

Thật vậy, với tư cách là người hướng dẫn vững trải và là chứng nhân oai hùng, theo một nghĩa nào đó, Thánh Giêrônimô đã được đề cập nổi bật ở cả Phiên họp thứ XII của Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa [5], lẫn trong Tông huấn Verbum Domini của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, vị tiền nhiệm của tôi, đã được công bố vào ngày lễ nhớ kính Thánh Giêrônimô, 30 tháng 9 năm 2010 [6].

Từ Rôma đến Bêlem

Hành trình cuộc đời Thánh Giêrônimô đã trải qua những chặng đường của Đế chế La Mã, nằm giữa Âu Châu và Đông Phương. Được sinh ra vào khoảng năm 345 tại Striđôn, vùng biên giới của Đalmatia và Pannônia, thuộc Crôtia và Slôvenia ngày nay, thánh nhân đã lãnh hội sự dưỡng dục vững chắc trong một gia đình Kitô giáo. Theo thông lệ thời đó, ngài được chịu phép rửa lúc trưởng thành vào khoảng năm 358 đến năm 364, khi theo học khoa hùng biện tại  Rôma. Trong thời gian lưu trú ở đó, ngài trở thành độc giả say mê những tác phẩm Latinh cổ điển, cùng lúc theo học khoa tranh biện từ các bậc thầy nổi tiếng nhất đang sống lúc bấy giờ.

Sau đó, ngài đã bắt đầu chuyến hành trình dài qua xứ sở Gaul, từ đó ngài đến thành phố vương quốc Trier, thuộc nước Đức ngày nay. Ở đây, lần đầu ngài gặp phong trào đan tu Đông phương do Thánh Athanasiô truyền bá. Sau đó, ngài khao khát cảm nghiệm ấy một cách sâu sắc và liên lỉ đến nỗi đưa chân ngài đến Aquilêia, mà nơi đây, cùng vài người bạn được gọi là “ca đoàn chư thánh” [7], ngài đã bắt đầu một thời kỳ sống chung.

Vào khoảng năm 374, thánh nhân quyết định lui vào sa mạc Chalcis khi băng qua miền Antiôkia, để sống đời khổ hạnh triệt để hơn, mà trong đó dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu các ngôn ngữ Kinh thánh, đầu tiên là tiếng Hy Lạp và sau đó tiếng Do Thái. Ngài được một người Do Thái đã gia nhập Kitô giáo hướng dẫn học hỏi, và người này giới thiệu cho ngài kiến thức về ngôn ngữ Do Thái cũng như cách phát âm của nó, điều mà ngài nhận thấy “thanh âm trầm khàn và bật hơi” [8].

Thánh Giêrônimô cố tình chọn sa mạc và lối sống ẩn tu, do ý nghĩa sâu xa hơn của chúng vốn là cứ điểm của những quyết định hiện sinh nền tảng, của sự gần gũi và gặp gỡ Thiên Chúa. Ở đó, thông qua chiêm niệm, thử thách nội tâm và chiến đấu thiêng liêng, ngài càng nhận thức đầy đủ hơn về sự yếu đuối và giới hạn của bản thân cũng như của tha nhân. Ngoài ra, nơi đó, ngài còn khám phá tầm quan trọng của nước mắt nữa [9]. Sa mạc đã dạy cho ngài sự nhạy cảm trước sự hiện diện của Thiên Chúa, tính phụ thuộc thiết yếu của chúng ta vào Người và niềm an ủi phát sinh từ lòng thương xót Chúa. Ở điểm này, tôi nhớ lại một câu chuyện thuộc dòng văn ngụy thư mà trong đó thánh Giêrônimô hỏi Chúa: “Ngài muốn gì nơi con?” Nghe thế, Đức Kitô đáp: “Con vẫn chưa cho Ta mọi sự”. “Nhưng Chúa ơi, con đã dâng cho Chúa mọi thứ rồi mà”. “Còn một điều con chưa trao cho Ta”. “Đó là điều gì?” “Hãy trao tội lỗi của con cho Ta, để Ta có thể hân hoan tha thứ chúng một lần nữa” [10].

Thời gian sau, chúng ta thấy ngài ở Antiôkia, nơi mà ngài được giám mục Paulinô thuộc thành phố đó truyền chức linh mục, và vào khoảng năm 379 tại Constantinôpô, ngài gặp Thánh Grêgôriô miền Nazian, rồi tiếp tục việc học của mình. Ngài đã dịch từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh một số tác phẩm quan trọng (các bài giảng của Ôrigen và Biên niên sử của Eusebiô) và tham dự Công đồng được cử hành ở đó vào năm 381. Những năm học tập ấy đã bộc lộ lòng nhiệt tình quảng đại và niềm khao khát tri thức thiên phú, khiến ngài tận tuỵ liên lỉ say mê công việc của mình. Như ngài đã từng nói: “Đôi khi tôi tuyệt vọng; còn thường thì tôi bỏ cuộc, nhưng rồi tôi trở lại với ý chí học hỏi ngoan cường hơn”. “Hạt giống đắng cay” trong công cuộc nghiên cứu của ngài ắt hẳn sản sinh “hoa thơm trái ngon” [11].

Năm 382, Thánh Giêrônimô trở lại Rôma và hết lòng phục vụ Đức Giáo Hoàng Đamasô, là người đánh giá cao các tài năng xuất chúng của ngài và đã đặt ngài làm một trong những cộng sự viên thân cận của mình. Tại đó, thánh nhân tham gia vào các hoạt động liên tục, nhưng không hề phớt lờ những việc thiêng liêng. Trên đồi Aventine, được sự hỗ trợ của các phụ nữ quý tộc La Mã có ý hướng về đời sống triệt để theo tinh thần Phúc Âm, như Marcella, Paula, và con gái của bà là Eustochium, ngài đã lập ra một nhóm thân hữu, chuyên chăm đọc và hăng say học hỏi Kinh thánh. Còn Thánh Giêrônimô đóng vai trò người chú giải, thầy dạy và hướng dẫn tu đức. Vào thời ấy, ngài tiến hành chỉnh sửa các bản dịch tiếng Latinh trước đó của sách Tin Mừng và có lẽ những phần khác của bộ Tân ước nữa. Ngài tiếp tục chuyển dịch các bài giảng và bình chú Kinh Thánh của Ôrigen, hăng hái tham gia viết hàng loạt thư từ, công khai luận bác những tác giả lạc giáo, có lúc quá độ nhưng luôn luôn được khuyến khích bởi ước muốn chân thật là bảo vệ đức tin chân chính và kho tàng Kinh thánh.

Thời kỳ căng thẳng nhưng đầy hiệu suất này đã bị gián đoạn vì sự ra đi của Đức Giáo Hoàng Đamasô. Thánh Giêrônimô tự nhận thấy phải rời khỏi Rôma, theo sau đó, bạn bè ngài cũng như một số phụ nữ vẫn muốn tiếp tục trải nghiệm đời sống tâm linh và việc nghiên cứu Kinh thánh đã khởi đầu; ngài đến Ai Cập, nơi mà ngài gặp nhà thần học vĩ đại, Thánh Điđymô Khiếm thị. Sau ấy, thánh nhân lên đường tới Palestin và đã định cư chính thức tại Bêlem vào năm 386. Ngài  trở lại nghiên cứu các bản văn Kinh thánh, mà giờ đây, các bản văn này đã được cất giữ tại chính những nơi chúng vốn bàn tới.

Tầm quan trọng dành cho các nơi thánh thiêng không chỉ được nhìn nhận qua quyết định lưu trú tại Palestin từ năm 386 cho đến khi ngài qua đời, mà còn qua những nỗ lực trợ giúp của ngài dành cho người hành hương. Ở Bêlem, một nơi gần gữi với tâm hồn ngài, thánh nhân đã thành lập các tu viện “song đôi”, nam và nữ, cùng những lưu xá cho khách hành hương thánh địa lưu lại trong các khu vực lân cận nơi hang đá Giáng sinh. Đây cũng là một dấu chỉ khác của lòng quảng đại, bởi lẽ ngài đã giúp cho nhiều người có thể chứng kiến và trực diện đụng chạm vào những địa danh trong lịch sử cứu độ, và nhận ra sự phong phú cả về phương diện văn hóa lẫn tinh thần [12].

Nhờ chăm chú lắng nghe Kinh Thánh, Thánh Giêrônimô đạt tới mức biết chính mình, cũng như nhận ra diện mạo của Thiên Chúa và của anh chị em. Ngài xác quyết bản thân đã được cuốn hút vào đời sống cộng đoàn. Niềm khao khát sống với bạn bè, như khi ở Aquilêia, đã khiến ngài thành lập các cộng đoàn đan viện để theo đuổi lý tưởng đan tu của đời sống đạo đức. Đan viện ở đó được coi như thể một “trường đấu vật” (palaestra) nhằm huấn luyên những đàn ông và phụ nữ “tự nhận mình nhỏ bé nhất, ngõ hầu trở nên người đứng đầu tất cả”, họ bằng lòng với sự khó nghèo và sẵn sàng hướng dẫn người khác bằng lối sống bản thân. Thánh Giêrônimô nhận định đó là một kinh nghiệm đào tạo để sống “dưới vai trò quản trị của một bề trên duy nhất và trong sự đồng hành của các thành viên”, ngõ hầu học đức khiêm nhường, nhẫn nại, thinh lặng và hiền lành, với ý thức “chân lý chẳng yêu quý ngõ ngách tối tăm và không tìm kiếm những ai cằn nhằn” [13]. Thánh nhân cũng bộc bạch rằng ngài “khao khát những căn phòng chật hẹp của đan viện” và “mong muốn có được sự háo hức của những chú kiến, mà trong đó, tất cả cùng làm việc với nhau, không gì thuộc về bất cứ cá nhân nào, nhưng tất cả thuộc về mọi người” [14].

Thánh Giêrônimô xem việc nghiên cứu của ngài không như trò tiêu khiển giải trí mà tự nó kết thúc, nhưng là một thể thức linh thao và phương thế giúp gần gũi với Thiên Chúa hơn. Công việc đào luyện cổ điển của ngài giờ đây hướng tới tinh thần dấn thân phục vụ cộng đoàn giáo hội sâu sắc hơn. Chúng ta nghĩ tới sự hỗ trợ mà thánh nhân đã dành cho Đức Giáo Hoàng Đamasô và lời cam kết giảng dạy các phụ nữ, đặc biệt trong việc học tiếng Do Thái, từ khi nhóm thân hữu ra đời trên đồi Aventin. Bằng cách này, ngài đã giúp Paula và Eustochium “gia nhập hàng ngũ dịch giả đông đảo” [15], và, một điều chưa từng được nghe tới trong thời ấy, đó là đọc và hát các Thánh vịnh bằng ngôn ngữ nguyên thuỷ [16].

Ngài đã tận dụng tính uyên bác thông thái tuyệt vời của mình vào việc cống hiến phục vụ thiết yếu cho những ai được kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Như ngài đã nhắc nhở người bạn Nêpôtianô: “Lời lẽ của vị linh mục phải được thêm hương vị nhờ vào tính chuyên chăm đọc Kinh Thánh. Tôi không muốn cha trở thành kẻ chống báng hoặc lang băm nhiều lời, nhưng là một người am hiểu giáo lý thánh thiêng (mysterii) và biết sâu rộng về giáo huấn (sacramentorum) của Thiên Chúa. Điển hình, những kẻ ngu dốt thường đùa giỡn với lời nói và thu hút ngưỡng mộ của người kém cỏi bằng cách nói vội vàng. Còn những ai không biết xấu hổ lại giải thích rằng điều họ vô tri và giả vờ như một chuyên gia vĩ đại chỉ vì họ thành công trong việc thuyết phục kẻ khác” [17].

Những năm tại Bêlem cho đến khi Thánh Giêrônimô qua đời năm 420, là một giai đoạn mang lại kết quả lớn lao nhất trong cuộc đời dương thế, ngài hoàn toàn chuyên tâm vào việc nghiên cứu Kinh Thánh và công trình đồ sộ là dịch toàn bộ Cựu ước dựa trên nguyên bản tiếng Do Thái. Đồng thời, ngài bình chú các sách tiên tri, Thánh Vịnh, các thư của Thánh Phaolô, và soạn thảo hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh. Sự chuyên tu sâu sắc vốn tìm thấy trong những tác phẩm của ngài là kết quả của nỗ lực hợp tác, từ việc sao chép và đối chiếu các bản viết bằng tay đến mảng suy tư và thảo luận. Như ngài từng nói: “Tôi chưa bao giờ tin tưởng vào sức mạnh của riêng mình trong việc nghiên cứu bộ sách thánh… Tôi có thói quen đặt nghi vấn về điều tôi nghĩ là mình biết, hơn cả điều mà tôi không chắc chắn” [18]. Ý thức rõ về các giới hạn bản thân, ngài đã không ngừng cầu nguyện và nài xin có được sức lực dịch thuật các bản văn thánh kinh “trong cùng một Chúa Thánh Thần, mà nhờ Người chúng đã được viết ra” [19]. Cũng vậy, ngài không quên dịch các tác phẩm của những tác giả thiết yếu cho việc chú giải, chẳng hạn như Ôrigen, “ngõ hầu đem chúng tới tay độc giả ước muốn nghiên cứu tài liệu một cách sâu xa và quy cũ hơn” [20].

Là công trình được thực hiện trong cộng đoàn và nhằm phục vụ cộng đoàn, hoạt động học thuật của Thánh Giêrônimô có lẽ tương xứng như ví dụ điển hình của tính đồng nghị đối với chúng ta và thời đại chúng ta. Nó cũng có thể dùng làm hình mẫu cho các định chế văn hóa khác nhau của Giáo hội, mà được mời gọi trở thành “những nơi trong đó tri thức cho phục vụ, vì chẳng một tiến triển nhân bản toàn vẹn và chân chính nào có thể diễn ra nếu không có khối tri thức vốn là kết quả của tinh thần cộng tác và dẫn đến sự hợp tác lớn lao hơn” [21]. Nền tảng của niềm hiệp thông ấy chính là Kinh Thánh, mà chúng ta không thể chỉ đọc một mình: “Kinh Thánh do Dân Chúa soạn cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong niềm hiệp thông với Dân Chúa đây, với tư cách chung ‘chúng ta’, thì chúng ta mới thực sự bước vào tâm điểm của chân lý mà chính Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta” [22].

Kinh nghiệm vững trải về cuộc đời được nuôi dưỡng nhờ Lời Chúa đã giúp Thánh Giêrônimô trở thành người hướng dẫn tâm linh qua nhiều thư từ ngài viết. Ngài đã trở nên bạn đồng hành của nhiều người, vì lẽ ngài tin chắc rằng “nếu không có thầy dạy thì chẳng thể học được kỹ năng nào ”. Do đó, ngài đã viết cho Rusticô: “Đây là điều tôi muốn giúp cho ông hiểu, nhờ cách nắm lấy tay như các lính thủy thời xưa mà những ai sống sót sau nhiều vụ đắm tàu đã cố gắng truyền dạy cho người thủy thủ trẻ” [23]. Từ chốn thanh bình của ngài nơi dương thế, thánh nhân theo dõi các vấn đề con người trong thời đại vô số chấn động dữ dội, được đánh dấu với những biến cố như thành Rôma bị cướp phá năm 410, một sự kiện tác động sâu sắc đến ngài.

Trong những bức thư đó, ngài bàn đến các luận chiến tín lý, kiên quyết bảo vệ tín lý đúng đắn. Qua đó, ngài lột tả giá trị mà ngài đặt vào các mối quan hệ. Thánh Giêrônimô có thể mạnh mẽ nhưng cũng dịu dàng, chân thành quan tâm đến người khác, và chính vì “tình yêu vô giá” [24], nên đã hết lòng biểu lộ tình cảm chân chính. Điều này cũng minh chứng từ một thực tế mà ngài đã hiến tặng các tác phẩm dịch thuật và bình chú của mình như thể bổn phận của tình bạn  (munus amicitiae). Trên hết, chúng hẳn là quà tặng cho bạn bè, cho những ai liên lạc thư từ qua lại với ngài và những người mà tác phẩm của ngài được đề tặng – ngài nài nỉ tất cả mọi người đọc chúng bằng ánh nhìn thân thiện thay vì chỉ trích – mà kể cả dành cho các độc giả, những người cùng thời với ngài và thế hệ sau họ [25].

Thánh Giêrônimô đã dành hết những năm cuối đời để đọc Kinh Thánh trong tâm tình cầu nguyện, kể cả lúc riêng tư lẫn chung với cộng đoàn, bằng cách chiêm niệm, và phục vụ anh chị em qua các tác phẩm của mình. Tất cả những điều này đều diễn ra ở Bêlem, gần hang đá nơi Ngôi Lời hằng sống được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria. Vì ngài tin chắc rằng “Phúc thay cho ai mang trong mình thập tự giá, sự phục sinh, những nơi mà Chúa đã giáng sinh và lên trời! Phúc cho ai đặt Bêlem sâu trong tâm hồn, vì ở đó ‘Đức Kitô hạ sinh mỗi ngày!” [26].

Chiều kích “khôn ngoan” trong đời sống của Thánh Giêrônimô

Để hiểu đầy đủ nhân cách của Thánh Giêrônimô, chúng ta cần thống nhất hai chiều kích vốn là đặc điểm của đời ngài như người tín hữu: một mặt là sự tận hiến đời sống khổ hạnh và tuyệt đối cho Thiên Chúa, từ bỏ mọi thỏa mãn nơi con người vì tình yêu Đức Giêsu chịu đóng đinh (x.1 Cr 2: 2; Phil 3: 8.10); mặt khác, cam kết chuyên cần học hỏi, hoàn toàn nhắm tới sự hiểu biết sâu rộng hơn về mầu nhiệm Kitô giáo. Được thánh nhân hiến trao kỳ diệu, chứng tá kép này tiên vàn là hình mẫu cho các đan sĩ, vì tất cả những ai sống đời khổ hạnh và cầu nguyện đều được khuyến khích tận hiến đời mình cho công việc nghiên cứu và suy tư đòi hỏi kiên trì. Tương tự, nó là kiểu mẫu cho các học giả, những người luôn phải khắc ghi rằng tri thức chỉ có giá trị tôn giáo nếu nó được đặt trên cơ sở của tình yêu độc chiếm dành cho Thiên Chúa, ngoài tất cả mọi thứ tham vọng nơi con người và khao khát trần tục.

Hai khía cạnh này của đời ngài đã được diễn tả trong lịch sử nghệ thuật. Thánh Giêrônimô thường được các bậc thầy hội họa phương Tây mô tả theo hai truyền thống ảnh tượng khác biệt. Truyền thống chủ yếu đan tu và hãm mình đền tội, phát hoạ ngài với thân hình tiều tụy do ăn chay, sống trong sa mạc, quỳ gối hoặc phủ phục dưới đất, ở nhiều trường hợp, tay cầm viên đá đập vào ngực, mắt hướng về Chúa chịu nạn. Trong trường phái này, chúng ta tìm thấy kiệt tác đầy cảm động của danh hoạ Lêônarđô da Vinci hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Vaticăn. Còn truyền thống khác phát hoạ Thánh Giêrônimô trong trang phục của một học giả, ngồi bên bàn viết, với tư thế dịch thuật và bình chú bộ sách Thánh, xung quanh là các cuộn sách và giấy da, ngài hăng say bảo vệ đức tin bằng sự uyên bác và nhờ những tác phẩm của mình. Ở đây xin dẫn chứng một thí dụ nổi tiếng là Albrecht Dürer đã nhiều lần khắc họa ngài trong tư thế này.

Hai nét phát hoạ trên được hội tụ trong bức hoạ của Caravaggiô đặt tại Phòng trưng bày Borghese ở Rôma: thực vậy, chỉ một cảnh duy nhất mà trong đó vị đan sĩ khổ hạnh già nua được mô tả giản dị khoác chiếc áo choàng đỏ, với bộ sọ người trên bàn, đây chính là biểu tượng cho sự phù vân của những thực tại trần thế; nhưng đồng thời ngài cũng được khắc hoạ là một học giả rõ rệt, mắt tập trung vào cuốn sách trong khi tay nhúng bút lông vào lọ mực – hành động điển hình của một nhà văn.

Trong đời của Thánh Giêrônimô, hai chiều kích “khôn ngoan” trên hết sức hiển nhiên. Nếu ngài có thể dũng mãnh trong ngôn từ với tư cách là một “Sư tử Bêlem” thật sự, thì điều đó luôn phục vụ cho chân lý mà ngài vốn cam kết vô điều kiện. Như ngài đã giải thích trong phần đầu của những tác phẩm như Cuộc đời của Thánh Phaolô, Ẩn sĩ thành Thebes, thì những con sư tử vốn gầm thét cũng biết khóc đấy thôi [27]. Điều thoạt tiên dường như qua một diễn trình trưởng thành nội tâm, hai chiều kích tách biệt trong nhân cách của thánh nhân được Chúa Thánh Thần gắn kết lại với nhau.

Lòng quý chuộng Sách Thánh

Không cần bàn luận, đặc điểm nổi bật trong linh đạo của Thánh Giêrônimô chắc chắn là tình yêu nồng nàn của ngài dành cho Lời Chúa vốn được giao phó cho Giáo hội trong Kinh Thánh. Tất cả Tiến sĩ Giáo hội – đặc biệt là những vị thuộc kỷ nguyên Kitô giáo thời sơ khai – đã rút ra nội dung giảng dạy của họ một cách minh nhiên từ Kinh Thánh; tuy nhiên, thánh nhân cũng thực hiện như vậy, nhưng quy cũ và sắc nét hơn.

Gần đây, các nhà chú giải đã đánh giá cao đặc tính tường thuật và thi ca của Kinh Thánh, cũng như phẩm chất diễn đạt tuyệt vời của nó. Nhưng khác thay, Thánh Giêrônimô lại nhấn mạnh tính cách khiêm hạ của mặc khải Thiên Chúa trong Kinh thánh, nó được trình bày dưới những ngữ điệu thô ráp và gần như nguyên sơ của ngôn ngữ Do Thái so với sự trau chuốt của tiếng Latinh theo trường phái Cicêrôn. Ngài dành hết tâm sức cho việc nghiên cứu Kinh Thánh chẳng phải bởi lý do thẩm mỹ, mà – như ai cũng biết – chỉ vì Kinh Thánh đã đưa ngài đến sự nhận biết Đức Kitô. Thật vậy, ai không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô [28].

Thánh Giêrônimô dạy chúng ta rằng không chỉ phải nghiên cứu, bình chú bốn cuốn Tin Mừng và Truyền thống tông đồ trong Công vụ Tông đồ cũng như các Thánh Thư, mà còn toàn bộ Cựu ước cũng hệ trọng không kém, nhằm tìm hiểu chân lý và sự phong phú của Đức Kitô [ 29]. Bản thân Tin Mừng cũng đủ cho ta bằng chứng về điều đó, cụ thể Sách Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu như Thầy dạy từng kêu gọi Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh (x. Lc 4, 16-21; 24, 27.44-47) hầu giải thích mầu nhiệm của chính Người. Lời rao giảng của hai Thánh Phêrô và Phaolô trong Công Vụ Tông Đồ cũng bắt nguồn từ Cựu ước, ngoài điều này ra, chúng ta không thể hiểu đầy đủ về hình bóng của Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ và Cứu Rỗi. Cũng không nên xem Cựu ước chỉ đơn thuần là một kho trích dẫn khổng lồ nhằm chứng minh các ứng nghiệm tiên tri lâu đời về con người Đức Giêsu Nadarét. Đúng hơn, nhờ ánh sáng của những tiên chỉ/tiên báo Cựu ước, người ta mới có thể hiểu sâu hơn ý nghĩa của biến cố Đức Kitô như đã được mạc khải qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Ngày nay, chúng ta cần tái khám phá trong việc dạy giáo lý và giảng thuyết, cũng như trong lĩnh vực trình bày thần học, sự đóng góp không thể thiếu của Cựu ước, vốn cần được đọc và tiêu hoá như một nguồn nuôi dưỡng thiêng liêng vô giá (x. Ez 3, 1-11; Kh 10, 8-11) [30].

Lòng tận hiến vẹn tuyền cho Kinh Thánh của Thánh Giêrônimô được tỏ hiện qua cách nói và lối viết say mê của ngài, tương tự như phương cách của các ngôn sứ xa xưa. Từ đó, vị Tiến sĩ Hội Thánh này đã rút ra ngọn lửa bên trong, vốn đã trở thành lời nói mãnh liệt và lan toả(x. Gr 5, 14; 20, 9; 23, 29; Mlk 3, 2; Hc 48, 1; Mt 3, 11; Lc 12, 49) cần thiết để biểu lộ lòng nhiệt thành bừng cháy nơi người phục vụ sự nghiệp của Thiên Chúa. Giống như tiên tri Êlia, Gioan Tẩy Giả và Tông đồ Phaolô, phẫn nộ trước những lời dối trá, đạo đức giả và giảng dạy lầm lạc đã khiến ngôn từ của Thánh Giêrônimô hừng hực lửa, khiến nó trở nên khiêu chiến và có vẻ gay gắt. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn chiều kích bút chiến nơi các tác phẩm của ngài nếu chúng ta đọc chúng dưới ánh sáng của truyền thống ngôn sứ đích thật nhất. Vì thế, Thánh Giêrônimô xuất hiện như một mẫu gương chứng tá kiên quyết cho chân lý, chuyên vận dụng tính hà khắc khiển trách để khuyến khích sự hoán cải. Với xúc cảm mãnh liệt trong lối diễn tả cũng như hình ảnh, ngài bộc lộ lòng can đảm của một tôi tớ, không hề mong làm hài lòng người khác, mà chỉ muốn làm vui lòng một mình Chúa của ngài thôi (Gl 1, 10), bởi vì Vị này mà ngài đã dùng hết sức lực tâm linh của bản thân.

Nghiên cứu Sách Thánh

Tình yêu say mê của Thánh Giêrônimô dành cho Kinh Thánh thấm đượm đức vâng phục. Trước hết, vâng lời Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình qua những lời cần phải tôn kính lắng nghe [31], và sau đó vâng phục các đấng trong Giáo Hội, vốn đại diện cho Thánh Truyền sống động nhằm giải thích sứ điệp được mạc khải. Tuy nhiên, “sự vâng phục của đức tin” (Rm 1, 5; 16, 26) chẳng phải là việc tiếp nhận thụ động đơn thuần một điều gì đó đã được biết đến; ngược lại, nó đòi hỏi không ngừng nỗ lực tích cực của bản thân để hiểu những gì truyền loan. Chúng ta có thể nghĩ về Thánh Giêrônimô như một “tôi tớ” của Lời Chúa, trung thành và cần mẫn, hoàn toàn tận tụy cổ vũ anh chị em mình trong đức tin để hiểu biết đầy đủ hơn về “kho tàng” thiêng liêng đã được trao phó cho họ (x. 1Tm 6, 20; 2Tm 1, 14). Nếu không hiểu những gì mà các tác giả được linh hứng viết ra, thì lời Chúa tự mất tác dụng (x. Mt 13, 19) và tình yêu dành cho Thiên Chúa không thể trổ sinh.

Không phải lúc nào các đoạn Kinh Thánh cũng có thể được lĩnh hội ngay lập tức được. Như ngôn sứ Isaia từng nói (29, 11), ngay cả đối với những người biết “đọc” – tức là những người đã được đào tạo đầy đủ về trí thức – sách thánh dường như được “niêm phong”, khép kín khó mà diễn giải. Một nhân chứng cần phải can thiệp vào và trao chìa khóa mở toang các sứ điệp giải thoát, không ai khác hơn là Đức Kitô. Chỉ mình Người có thể tháo gỡ ấn niêm phong và mở cuốn sách ra (x. Kh 5, 1-10); bằng cách này mà Người mặc khải ơn thánh kỳ diệu hằng được tuôn đổ (Lc 4, 17-21). Nhiều người, ngay cả trong các Kitô hữu sống đạo, cũng nói cách công khai là họ không thể đọc được sách thánh (x. Is 29, 12), chẳng phải do mù chữ, mà vì họ chưa sẵn sàng học hỏi ngôn ngữ Kinh Thánh, các kiểu diễn đạt và những truyền thống văn hóa cổ xưa. Do đó, bản văn Kinh Thánh trở nên ẩn kín như thể được viết bằng bảng chữ cái mà không ai biết và là một ngôn ngữ bí truyền.

Điều này cho thấy vai trò trung gian của người chú giải rất cần thiết, họ có thể thực hiện chức năng “trợ tá” (diaconal) thay cho người không hiểu được ý nghĩa của sứ điệp ngôn sứ. Ở đây chúng ta nghĩ đến trợ tế Philíp, được Chúa sai đến gần chiếc xe ngựa của viên hoạn quan đang đọc một đoạn trong sách tiên tri Isaia (53, 7-8), mà chẳng thể nào khám phá ra ý nghĩa của nó. “Ngài có hiểu ngài đang đọc gì không?” Philíp hỏi, và viên thái giám trả lời: “Làm sao tôi hiểu được, trừ phi ai đó hướng dẫn cho tôi?” (Cv 8, 30-31) [32].

Như trợ tế Philíp (x. Cv 8, 35), có lẽ Thánh Giêrônimô đóng vai trò làm người hướng dẫn chúng ta bởi vì ngài dẫn dắt mọi độc giả đến với mầu nhiệm Đức Giêsu, trong khi sẵn sàng cung cấp một hệ thống ứng đáp gồm các thông tri văn hóa và chú giải cần thiết cho việc đọc Kinh Thánh một cách chính xác và hữu hiệu [33]. Theo lối tích hợp và khéo léo này, ngài đã vận dụng tất cả các nguồn phương pháp luận sẵn có thời đó – năng lực ngôn ngữ truyền tải lời Chúa, phân tích và xem xét cẩn trọng những bản văn viết tay, tìm tòi tính khảo cổ học chi tiết, cũng như kiến thức về lịch sử môn diễn giải – để đạt tới sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh đã được linh hứng.

Trong hoạt động của Thánh Giêrônimô, chiều kích nổi trội này cũng có tầm quan trọng lớn lao đối với Giáo hội thời đại chúng ta. Hiến chế Dei Verbum dạy, nếu Kinh Thánh cấu thành “linh hồn của nền thần học thánh” [34] và trợ lực thiêng liêng cho đời sống Kitô hữu [35], thì khoa diễn giải Kinh Thánh nhất thiết phải đi kèm với những kỹ năng chuyên biệt.

Các trung tâm nghiên cứu Kinh thánh xuất chúng – chẳng hạn như Học viện Kinh Thánh Giáo hoàng tại Rôma, Trường Kinh Thánh và Viện Nghiên cứu Kinh Thánh thuộc Dòng Phanxicô ở Giêrusalem – cũng như nghiên cứu ngành giáo phụ học, như Viện Thánh Âugustinnô tại Rôma, chắc chắn phục vụ mục đích này. Tuy nhiên, mọi Khoa Thần học nên cố gắng đảm bảo rằng Kinh Thánh được tiếp tục giảng dạy theo lối cung cấp cho học viên rèn luyện về các kỹ năng diễn giải thiết yếu, kể cả trong việc chú giải những bản văn lẫn trong môn thần học Kinh thánh nói chung. Đáng buồn thay, tính đa dạng phong phú của Kinh Thánh bị nhiều người làm ngơ hoặc tối giản hóa bởi vì họ không có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này. Cùng lúc chú trọng hơn nữa tới việc nghiên cứu Kinh Thánh trong các chương trình đào tạo linh mục và giáo lý viên của Giáo hội, thì cũng nên nỗ lực cung cấp cho mọi tín hữu những nguồn liệu cần thiết để họ có thể đọc sách thánh và rút ra từ đó hoa quả khôn ngoan, hy vọng và sự sống vô giá [36].

Ở đây, tôi xin nhắc lại một nhận định của Đức Bênêđictô XVI trong Tông huấn Verbum Domini: “[Bản chất bí tích] của lời Chúa bằng cách so sánh với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới các hình bánh và rượu đã được truyền phép…Thánh Giêrônimô nói tới cách ta phải tiếp cận cả Thánh Thể lẫn lời Chúa như sau: “Chúng ta đang đọc Sách Thánh. Đối với tôi, Tin Mừng là Thân Thể Chúa Kitô; đối với tôi, Sách Thánh là giáo huấn của Người. Và khi Người nói: Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta (Ga 6, 53), thì dù những lời này được hiểu về Mầu Nhiệm (Thánh Thể), nhưng thân thể và máu Chúa Kitô quả là lời Sách Thánh, giáo huấn của Thiên Chúa”” [37].

Thật buồn thay, nhiều gia đình Kitô hữu dường như không thể – như đã được quy định trong sách Tôrah (x. Đnl 6, 6) – giới thiệu lời Chúa cho con cái với tất cả vẻ đẹp và sức mạnh thánh thiêng của nó. Điều này khiến tôi thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa [38] như một phương thế khuyến khích đọc Kinh Thánh theo cung cách cầu nguyện và làm quen với lời Chúa hơn nữa [39]. Vì thế, mọi biểu hiện khác của lòng đạo đức phải được làm phong phú hơn nữa về ý nghĩa, phải được đặt vào viễn ảnh thích hợp, và hướng đến việc chu toàn đời sống đức tin bằng sự gắn bó trọn vẹn vào mầu nhiệm Chúa Kitô.

Bản Phổ Thông

“Trái ngon ngọt nhất của diễn trình trồng trọt gian khổ” [40] trong việc học hỏi tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái của Thánh Giêrônimô là bản dịch Cựu ước sang tiếng Latinh từ bản gốc tiếng Do Thái. Tính đến thời điểm đó, các Kitô hữu dưới đế chế La Mã chỉ có thể đọc toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp. Vốn dĩ bộ sách Tân ước được viết bằng tiếng Hy Lạp; một bản Cựu ước hoàn chỉnh bằng tiếng Hy Lạp cũng đã tồn tại, tên là Bản Bảy Mươi (Septuagint), bởi vì bản dịch này được cộng đồng người Do Thái ở Alêxandria thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Tuy nhiên, đối với người đọc tiếng Latinh, chẳng có bản Kinh Thánh hoàn chỉnh nào bằng ngôn ngữ của họ cả; chỉ một số bản dịch vài phần và không đầy đủ từ tiếng Hy Lạp mà thôi. Thánh Giêrônimô và những người tiếp nối công việc của ngài đáng được hưởng công trạng trong việc duyệt lại và dịch lại toàn bộ Kinh Thánh. Sau khi bắt đầu chỉnh sửa bản dịch của các sách Tin Mừng và Thánh Vịnh ở Rôma với sự khuyến lệ của Đức Giáo Hoàng Đamasô, thì Thánh Giêrônimô, từ căn buồng nhỏ hẹp của mình ở Bêlem lúc ấy khởi công biên dịch tất cả các sách Cựu ước trực tiếp từ tiếng Do Thái. Và dĩ nhiên, công việc này đã kéo dài trong nhiều năm.

Để hoàn thành công trình phiên dịch này, Thánh Giêrônimô đã tận dụng kiến thức của ngài về tiếng Hy Lạp lẫn tiếng Do Thái, cũng như sự đào luyện vững chắc trong tiếng Latinh, vận dụng các công cụ ngữ văn học sẵn có, đặc biệt là bộ Hexapla (Kinh Thánh bằng 6 ngôn ngữ) của Ôrigen. Văn bản cuối cùng thống nhất tính liên tục trong các công thức hiện đang được phổ biến sử dụng lúc ấy, lại quá phù hợp với văn phong Do Thái, mà không cần hy sinh nét sang trọng nơi ngôn ngữ Latinh. Kết quả là một công trình thực sự để đời, đánh dấu lịch sử văn hóa của phương Tây, định hình cho ngôn ngữ thần học của nó. Sau khi gặp phải một số bác bỏ ban đầu, bản dịch của Thánh Giêrônimô đã nhanh chóng trở thành gia tài chung của cả các học giả lẫn tín hữu bình thường; do đó có tên “Bản Phổ Thông” (“Vulgate”) [41]. Châu Âu Trung cổ học đọc, cầu nguyện và ngẫm nghĩ từ những trang Kinh Thánh do thánh nhân phiên dịch. Theo cách này, “Sách Thánh trở thành một loại ‘từ điển đồ sộ’ (Paul Claudel) và ‘tập bản đồ ảnh tượng’ (Marc Chagall), mà từ đó văn hóa và nghệ thuật Kitô giáo đều có thể rút tỉa” [42]. Văn chương, nghệ thuật và thậm chí cả ngôn ngữ bình dân đã liên tục được định hình nhờ bản dịch Kinh Thánh này, mà ngài để lại cho chúng ta những kho tàng lớn lao về vẻ đẹp và lòng sùng kính.

Do sự kiện bất khả tranh luận này mà Công đồng Trentô, trong sắc lệnh Insuper, đã khẳng định tính cách “chân chính” của Bản Phổ Thông, do đó chứng thực việc sử dụng nó trong Giáo hội qua nhiều thế kỷ và làm chứng cho giá trị của nó như một công cụ để nghiên cứu, thuyết giảng và tranh biện công khai [43]. Tuy nhiên, Công đồng đã không tìm cách giảm thiểu tầm quan trọng của các ngôn ngữ gốc, như Thánh Giêrônimô không ngừng nhấn mạnh, lại càng không cấm cản việc tiến hành một bản dịch toàn diện trong tương lai. Theo gợi ý của các Nghị phụ Công đồng Vaticanô II, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã mong muốn công việc cải biên Bản Phổ Thông được hoàn tất nhằm phục vụ toàn thể Giáo hội. Vì vậy, vào năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông hiến Scripturarum Thesaurus [44], đã ban hành ấn bản tiêu biểu gọi là Bản Dịch Tân Phổ Thông (Neo-Vulgate).

Phiên dịch như thể hội nhập văn hóa

Bằng việc phiên dịch của mình, Thánh Giêrônimô đã thành công trong việc “hội nhập văn hóa” đưa Kinh thánh vào ngôn ngữ và văn hóa Latinh. Công việc của ngài đã trở thành một khuôn mẫu lâu dài cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Trên thực tế, “bất cứ khi nào một cộng đoàn tiếp nhận sứ điệp cứu rỗi, Chúa Thánh Thần đều làm văn hoá họ trở nên phong phú nhờ quyền năng biến đổi của Tin Mừng” [45]. Ở đây, một loại chu kỳ khép kín đã được thiết lập: như thể việc phiên dịch của Thánh Giêrônimô chịu ơn vì sự ảnh hưởng hiển nhiên của ngôn ngữ và văn hóa Latinh cổ điển thế nào, thì đổi lại, cũng nhờ ngôn ngữ, nội dung mang tính biểu trưng và tưởng tượng phong phú của nó, mà công việc của ngài trở nên động lực thúc đẩy nhằm kiến tạo một nền văn hóa mới mở như vậy.

Công trình dịch thuật của Thánh Giêrônimô dạy chúng ta rằng các giá trị và hình thái tích cực của mọi nền văn hóa đều tượng trưng đặc tính phong phú cho toàn thể Giáo hội. Những cách thức khác nhau mà Lời Chúa được công bố, được hiểu và được cảm nghiệm trong mỗi bản dịch mới mẻ, khiến cho chính Kinh thánh trở nên phong phú thêm, bởi lẽ, theo lời phát biểu nổi tiếng của Thánh Grêgôriô Cả, Kinh Thánh phát triển cùng với độc giả [46], đồng thời mặc lấy vô số âm sắc và tiếng vang tươi mới qua nhiều thế kỷ. Biến cố Kinh Thánh và sách Tin Mừng du nhập vào các nền văn hóa khác nhau làm cho Giáo hội ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết tựa “cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61:10). Đồng thời, nó làm chứng cho thực tế là Kinh Thánh liên tục cần được chuyển dịch sang các phạm trù ngôn ngữ lẫn tinh thần của từng nền văn hóa và thế hệ, kể cả trong văn hóa thế tục toàn cầu của thời đại chúng ta [47].

Thật đúng đắn chỉ ra rằng một sự liên tưởng tồn tại giữa việc dịch thuật được cho là hành động hiếu khách “mang tính ngữ học” với các hình thức niềm nở khác [48]. Đó là lý do tại sao dịch thuật không chỉ liên quan duy nhất đến ngôn ngữ mà thực sự còn phản ảnh một quyết định đạo đức rộng lớn hơn, liên quan đến toàn bộ cách tiếp cận cuộc sống. Nếu không có bản dịch, thì các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau sẽ chẳng thể nào giao tiếp với nhau được; chúng ta sẽ khép cửa lịch sử lại với nhau và phủ nhận khả năng kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ [49]. Trên thực tế, nếu bản dịch không tồn tại, thì chẳng có được lòng mến khách ấy; đúng hơn, tính thù nghịch sẽ gia tăng. Dịch giả chính là người xây cầu. Biết bao phán xét vội vã, bao lời lên án và xung đột nảy sinh từ hiện trạng mà chúng ta không hiểu ngôn ngữ của người khác, và còn không tự mình thực thi để không ngừng biểu lộ tình yêu vốn được bản dịch miêu tả với cả niềm hy vọng vững chắc.

Tương tự, Thánh Giêrônimô phải chống lại luồng tư tưởng đang thịnh hành lúc bấy giờ. Nếu kiến thức ngôn ngữ Hy Lạp tương đối phổ biến vào buổi bình minh của Đế chế La Mã, thì vào thời của ngài, nó đã trở nên hiếm hoi. Trở thành một trong những chuyên gia tài giỏi nhất về ngôn ngữ và văn học Hy Lạp – Kitô giáo, thánh nhân tiếp tục cuộc hành trình vẫn đầy cam go và đơn đơn độc hơn khi tiến hành nghiên cứu tiếng Do Thái. Như đã từng nghe nói, nếu “những hạn chế của ngôn ngữ bản thân cũng là các giới hạn của thế giới riêng mình” [50], thì có thể nói chúng ta mang ơn Thánh Giêrônimô về tri thức ngôn ngữ của ngài, vì nhờ đó mà chúng ta được hiểu biết phổ quát hơn về Kitô giáo và tiến sâu hơn vào các nguồn liệu của nó.

Nhân dịp lễ kỷ niệm ngày qua đời của Thánh Giêrônimô lần này, chúng ta chiêm ngắm lòng nhiệt huyết truyền giáo sống động phi thường của ngài được bộc lộ qua việc Lời Chúa đã được phiên dịch hơn ba ngàn ngôn ngữ. Chúng ta mang ơn biết bao nhà truyền giáo, vì nhờ các ấn phẩm vô giá về ngữ pháp, từ điển và công cụ ngữ học khác mà giúp chúng ta thông đạt rộng lớn hơn và trở thành những phương tiện chuyên chở “khát vọng truyền giáo vươn tới mọi người”! [51] Chúng ta cần hỗ trợ và đầu tư vào công việc này, đồng thời giúp vượt qua các giới hạn trong việc thông đạt, và những cơ hội gặp gỡ đã bị đánh mất. Ngoài nữa, còn quá nhiều việc cần phải làm. Người ta nói rằng không có việc phiên dịch thì không thể hiểu biết được [52]: Chắc hẳn, chúng ta sẽ chẳng hiểu chính mình và người khác.

Thánh Giêrônimô và Tòa Thánh Phê

Thánh Giêrônimô luôn có một mối quan hệ đặc biệt với thành Rôma: Rôma là mái ấm tinh thần mà ngài thường xuyên trở về. Ở Rôma, ngài được huấn luyện thành nhà nghiên cứu nhân văn và được đào tạo thành Kitô hữu; Thánh nhân đích thật là một người Rôma (homo Romanus). Mối liên kết này nảy sinh một cách khá đặc thù từ ngôn ngữ Latinh mà ngài là bậc thầy và có lòng mến mộ sâu sắc, nhưng tiên vàn, vì từ Giáo Hội Rôma và Ngai Tòa Thánh Phêrô cách riêng. Truyền thống ảnh tượng mô tả một cách phi thời gian ngài khoác chiếc áo choàng Hồng Y tựa như dấu chỉ rằng ngài là vị linh mục của Rôma dưới thời Đức Giáo Hoàng Đamasô. Tại Rôma, ngài bắt đầu cải biên bản dịch trước đó. Ngay cả khi ghen tuông đố kị và hiểu lầm buộc ngài phải rời khỏi thành, nhưng thánh nhân vẫn luôn gắn bó chặt chẽ với Ngai Toà Thánh Phêrô.

Đối với Thánh Giêrônimô, Giáo Hội Rôma là mảnh đất màu mỡ, nơi hạt giống của Đức Kitô đơm hoa kết trái xum xuê [53]. Vào một thời kỳ nhiễu nhương, mà trong đó tấm áo liền thân của Giáo Hội thường xuyên bị xé rách bởi sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, thánh nhân vẫn hướng về Tòa Thánh Phêrô như một điểm tham chiếu chắc chắn. “Vì tôi không theo nhà lãnh đạo nào trừ Đức Kitô, nên tôi cũng không thông truyền với ai ngoài Đức Thánh Cha, tức là, với Ngai Tòa Thánh Phêrô. Vì tôi biết đây là tảng đá mà trên đó, Giáo Hội đã được dựng xây”. Vào thời  cao điểm tranh cãi với phái Arius, ngài đã viết cho Giáo Hoàng Đamasô: “Ai không quy tụ với ngài là phân tán; ai không thuộc về Đức Kitô là phản Kitô” [54]. Do đó, Thánh Giêrôimô cũng có thể quả quyết: “Ai hợp nhất với Tòa Thánh Phêrô là nên một với tôi” [55].

Thánh nhân thường tham gia các cuộc tranh luận gay gắt vì chính nghĩa đức tin. Tình yêu đối với chân lý và lòng nhiệt thành bảo vệ Đức Kitô của ngài có lẽ đã khiến ngài sử dụng ngôn từ quá dữ dội trong các bức thư và bài viết của mình. Tuy nhiên, ngài vốn sống trong bình an: “Tôi hằng mong muốn hòa bình như bao người khác; và tôi không chỉ ước muốn, mà còn thỉnh cầu điều đó nữa. Nhưng bình an mà tôi muốn là bình an của Đức Giêsu; một nền hòa bình thực sự, một nền hòa bình không có hiềm thù, một nền hòa bình không liên can đến chiến tranh, một nền hòa bình không hạ bệ đối thủ, nhưng hợp nhất bạn hữu lại với nhau” [56].

Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta cần liều thuốc của lòng xót thương và hiệp thông. Ở đây, tôi muốn lặp lại một lần nữa: chúng ta hãy trở nên chứng nhân thu hút rạng ngời của tình hiệp thông huynh đệ [57]. “Nhờ đó, mọi người sẽ biết rằng anh em là môn đệ của Thầy, nếu anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Đây là điều mà Đức Giêsu đã hết lòng nài xin Chúa Cha: “để tất cả nên một… trong chúng ta… ngõ hầu thế giới tin” (Ga 17:21).

Quý chuộng những gì Thánh Giêrônimô mến mộ

Phần cuối thư này, tôi muốn gửi lời kêu gọi đến tất cả mọi người. Trong vô số tặng vật tôn vinh mà các thế hệ sau này dành cho Thánh Giêrônimô, có một điều cho thấy rằng ngài không đơn thuần là một trong những học giả vĩ đại nhất của “thư viện” mà từ đó Kitô giáo được trở nên giàu có, phong phú theo thời gian, và được khởi sự từ kho tàng Kinh Thánh. Ta cũng có thể nói về Thánh Giêrônimô rằng, như chính ngài đã nói về tướng Nêpôtianô, “nhờ chăm chỉ đọc sách và suy gẫm liên lỉ, ông đã biến tâm hồn mình thành một thư viện về Đức Kitô” [58]. Thánh nhân không tiếc công sức mở rộng thư viện riêng, nơi mà ngài luôn xem như một xưởng thợ không thể thiếu để tìm hiểu đức tin và đời sống thiêng liêng; nhờ vậy, ngài cũng là tấm gương sáng cho thời nay. Nhưng ngài không dừng lại ở đó. Đối với ngài, việc học không chỉ giới hạn vào những năm tháng rèn luyện thời trẻ, mà là một cam kết dấn thân liên tục, một ưu tiên hằng ngày. Chúng ta có thể nói rằng bản thân ngài đã trở thành một thư viện và một nguồn kiến thức cho vô số. Chu du khắp phương Đông trong thế kỷ thứ tư để khám phá sự tăng trưởng của phong trào đan viện và trải qua vài tháng sống với thánh Giêrônimô, Pôstumianô đã tận mắt chứng kiến điều này. Như ông viết: “[Giêrônimô] luôn say mê đọc sách, luôn cầm sách trên tay: ngày đêm không ngơi nghỉ; ngài thường xuyên đọc hoặc viết một điều gì đó” [59].

Về phương diện này, tôi thường nghĩ đến kinh nghiệm mà người trẻ ngày nay cần có khi bước vào một hiệu sách ở thành phố nơi họ sinh sống, hoặc truy cập trang mạng để tra cứu về mảng sách tôn giáo. Hầu hết trong các trường hợp, mảng sách này nếu có thì cũng chỉ lác đác lưa thưa, thậm chí những tác phẩm chất lượng lại quá thiếu. Nhìn vào những giá sách hay trang mạng ấy, thật khó cho người trẻ hiểu được làm thế nào mà cuộc hành trình tìm kiếm chân lý tôn giáo có thể là một chuyến phiêu lưu đầy đam mê, gắn kết trái tim và khối óc; làm thế nào để lòng khao khát Thiên Chúa đã đốt cháy các tâm trí vĩ đại trong suốt nhiều thế kỷ qua tái hiện cho thời nay; làm thế nào mà sự thăng tiến trong đời sống tâm linh đã chi phối các thần học gia và triết gia, nghệ sĩ và thi sĩ, sử gia và khoa học gia. Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối diện ngày nay, không chỉ trong tôn giáo, là nạn mù chữ: các kỹ năng chú giải giúp chúng ta trở thành những người thông diễn và phiên dịch đáng tin cậy về chính truyền thống văn hóa của chúng ta đang rất thiếu hụt. Tôi muốn đặt ra một thách thức cụ thể cho những người trẻ: hãy bắt đầu khám phá di sản của bạn. Kitô giáo biến bạn thành người thừa kế một di sản văn hóa truyền thống vượt trội mà bạn phải nắm được quyền sở hữu. Hãy say mê nền lịch sử này mà nó vốn là của bạn. Hãy dám nhìn vào chàng trai trẻ Giêrônimô, là người giống như nhà lái buôn trong dụ ngôn của Đức Giêsu, đã bán tất cả những gì mình có để mua “viên ngọc trai quý giá” (Mt 13:46).

Thật sự, Thánh Giêrônimô có thể được gọi là “thư viện của Đức Kitô”, một thư viện trường cửu mà kể cả mười sáu thế kỷ sau vẫn tiếp tục dạy cho chúng ta về ý nghĩa của tình yêu Kitô, một lòng mến không thể tách rời khỏi việc gặp gỡ lời Người. Đó là lý do tại sao lễ kỷ niệm năm nay có thể được xem như lời kêu gọi quý chuộng những gì mà Thánh Giêrônimô đã mến mộ, ngõ hầu tái khám phá các tác phẩm của ngài, và để linh đạo thiết thực ấy thúc đẩy chúng ta, một linh đạo có lẽ được mô tả trong bản tính sâu thẳm như một khát vọng liên lỉ say mê tìm kiếm tri thức lớn lao hơn về Thiên Chúa, Đấng đã quyết định mạc khải chính mình. Ngày nay, làm sao chúng ta có thể không chú tâm đến lời khuyên nhủ mà Thánh Giêrônimô đã không ngừng răn dạy những người đương thời ấy: “Hãy đọc Kinh thánh liên lỉ; đừng bao giờ để tập sách Thánh rơi khỏi tay mình ”! [60]

Một mẫu gương sáng cho hành động trên, đó là Đức Trinh Nữ Maria, mà tiên vàn Thánh Giêrônimô đã gợi nhớ như một Trinh Nữ và Hiền Mẫu, nhưng cũng là hình mẫu cho việc đọc Kinh Thánh theo lối cầu nguyện. Đức Maria đã suy đi nghĩ lại những điều này trong lòng (x. Lc 2, 19.51) “vì Mẹ là người phụ nữ thánh thiện, đã đọc Sách Thánh, học biết các ngôn sứ, và nhắc lại rằng sứ thần Gabrien đã phán truyền những gì đã được các ngôn sứ tiên báo… Mẹ nhìn con thơ mới sinh, đứa con trai duy nhất đang nằm trong máng cỏ và khóc oe oe. Thật vậy, điều Mẹ thấy chính là Con Thiên Chúa; so sánh những sự việc mà Mẹ đã chứng kiến với tất cả những gì đã từng đọc và nghe đến” [61]. Vậy chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ, hơn ai hết, Mẹ có thể dạy chúng ta cách đọc, suy niệm, chiêm niệm và cầu nguyện với Chúa, Đấng chẳng hề mệt mỏi hiện diện trong cuộc đời chúng ta.

Ban hành tại Rôma, Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, vào ngày 30 tháng 9, Lễ nhớ Thánh Giêrônimô, trong năm 2020, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

________________________________________

[1] “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh linh mục Giêrônimô trí thông hiểu và lòng mến yêu Kinh Thánh. Xin cho chúng con hằng thiết tha tìm đến Lời Chúa là nguồn mạch ban sức sống dồi dào” (“Deus qui beato Hieronymo presbitero suavem et vivum Scripturae Sacrae affectum tribuisti, da, ut populus tuus verbo tuo uberius alatur et in eo fontem vitae inveniet”). Lời nguyện Nhập lễ Kính Thánh Giêrônimô, Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu thứ ba, Civitas Vaticana, 2002.

[2] Văn Thư (từ đây, viết tắt là Ep.) 22, 30: CSEL 54, 190.

[3]  AAS [tạm dịch: Công báo Toà Thánh] 12 (1920), 385-423.

[4] x. Yết Kiến Chung ngày 7 và 14 tháng 11, 2007: Insegnamenti, III, 2 (2007), 553-556; 586-591.

[5] Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, Phiên hợp Khoáng thường XII, Sứ điệp gửi Dân Chúa (24 tháng 10, 2008).

[6] x. AAS 102 (2010), 681-787.

[7] Chronicum 374: PL 27, 697-698.

[8] Ep. 125, 12: CSEL 56, 131.

[9] x. Ep. 122, 3: CSEL 56, 63.

[10] x. Morning Meditations [tạm dịch: Suy Niệm Sáng], 10 tháng 12, 2015. Liên quan đến điển ngữ trong A. LOUF, Sotto la guida dello Spirito [tạm dịch: Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh] , Qiqaion, Mangano (BI), 1990, 154-155.

[11] x. Ep. 125, 12: CSEL 56, 131.

[12] x. Tông huấn Verbum Domini, 89: AAS 102 (2010), 761-762.

[13] x. Ep. 125, 9.15.19: CSEL 56, 128.133-134.139.

[14] Vita Malchi monachi captivi [tạm dịch: Đời sống các Đan sĩ Malchi bị giam cầm] , 7, 3: PL 23, 59-60.

[15] Praefatio in Librum Esther [tạm dịch: Dẫn nhập Sách Este], 2: PL 28, 1505.

[16] x. Ep. 108, 26: CSEL 55, 344-345.

[17] Ep. 52, 8: CSEL 54, 428-429; x. Tông huấn Verbum Domini, 60: AAS 102 (2010), 739.

[18] Praefatio in Librum Paralipomenon LXX [tạm dịch: Dẫn nhập Sách Biên niên sử theo Bản Bảy mươi] , 1.10-15: Sources Chrétiennes [tạm dịch: Nguồn cứ liệu Kitô giáo] 592, 340.

[19] Praefatio in Pentateuchum [tạm dịch: Dẫn nhập Ngũ Thư]: PL 28, 184.

[20] Ep. 80, 3: CSEL 55, 105.

[21] Sứ điệp Nhân dịp Kỳ họp Chung XXII của các Giáo hoàng Hàn lâm Viện, 4 tháng 12, 2019: Tờ Quan sát viên Rôma, 6 tháng 12, 2019, tr. 8.

[22] Tông huấn Verbum Domini, 30: AAS 102 (2010), 709.

[23] Ep. 125, 15.2: CSEL 56, 133.120.

[24] Ep. 3, 6: CSEL 54, 18.

[25] x. Praefatio in Librum Iosue [tạm dịch: Dẫn nhập Sách Giosuê], 1, 9-12: SCh 592, 316.

[26] Homilia in Psalmum 95 [tạm dịch: Bài giảng về Thánh vịnh 95]: PL 26, 1181.

[27] x. Vita S. Pauli primi eremitae [tạm dịch: Đời sống ẩn dật ban đầu của Thánh Phaolô], 16, 2: PL 23, 28.

[28] x. In Isaiam Prologus [tạm dịch: Lời dẫn nhập Sách Ngôn sứ Isaiah]: PL 24, 17.

[29] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mạc khải, Dei Verbum, 14.

[30] x. đã trưng dẫn (từ đây viết tắt là đtd).

[31] x. đtd, 7.

[32] x. Thánh Giêrônimô, Ep. 53, 5: CSEL 54, 451.

[33] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mạc khải, Dei Verbum, 12.

[34] đtd, 24.

[35] x. đtd, 25.

[36] x. đtd, 21.

[37] số 56; x. In Psalmum 147 [tạm dịch: Về Thánh vịnh 147]: CCL 78, 337-338.

[38] x. Tông thư dạng Tự sắc Aperuit Illis, 30 tháng 9, 2019.

[39] x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 152.175: AAS 105 (2013), 1083-1084.1093.

[40] x. Ep. 52, 3: CSEL 54, 417.

[41] x. Tông huấn Verbum Domini, 72: AAS 102 (2010), 746-747.

[42] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gửi các Nghệ sĩ (4 tháng 4, 1999), 5: AAS 91 (1999), 1159-1160.

[43] x. DENZIGER-SCHÖNMETZER, Enchiridion Symbolorum [tạm dịch: Thủ bản về các Biểu trưng Tín lý], được biên tập (đbt). 43, 1506.

[44] 25 tháng 4, 1979: AAS 71 (1979), 557-559.

[45] Tông huấn Evangelii Gaudium, 116: AAS 105 (2013), 1068.

[46] Homilia in Ezechielem [tạm dịch: Bài giảng về Ngôn sứ Êzêkien] I, 7: PL 76, 843D.

[47] x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 116: AAS 105 (2013), 1068.

[48] x. P. RICOEUR, Sur la traduction [tạm dịch: Về Dịch thuật] , Paris, 2004.

[49] x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 24: AAS 105 (2013), 1029-1030.

[50] L. WITTGENSTEIN, Tractatus Logico-Philosophicus [tạm dịch: Quy ước Luận lý-Triết học], 5.6.

[51] Tông huấn Evangelii Gaudium, 31: AAS 105 (2013), 1033.

[52] x. G. STEINER, After Babel. Aspects of Language and Translation [tạm dịch: Thời kỳ hậu Babel. Các phương diện về Ngôn ngữ và Dịch thuật], New York, 1975.

[53] x. Ep. 15, 1: CSEL 54, 63.

[54] đtd, 15, 2: CSEL 54, 62-64.

[55] đtd, 16, 2: CSEL 54, 69.

[56] đtd, 82, 2: CSEL 55, 109.

[57] x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 99: AAS 105 (2013), 1061.

[58] Ep. 60, 10; CSEL 54, 561.

[59] SULPICIUS SEVERUS, Dialogus [tạm dịch: Cuộc Đối thoại] I, 9, 5: SCh 510, 136-138.

[60] Ep. 52, 7: CSEL 54, 426.

[61] Homilia de Nativitate Domini [tạm dịch: Bài giảng về Giáng Sinh] IV: PL Suppl. 2, 191.

 

 

 

 

Lm. Xuân Hy Vọng chuyển ngữ từ bản văn tiếng Anh (Apostolic Letter Scripturae Sacrae Affectus of the Holy Father Francis on the Sixteen Hundredth Anniversary of the Death of Saint Jerome)