Theo Dấu Chân Người Chân Phước Anrê Phú Yên

Ngày 26-7, chúng ta nhớ đến ngày Thầy Anrê Phú Yên về cùng Chúa. Cha Đắc Lộ, S.J. kể rằng : “Chiều ngày 26-7-1644 Anrê Phú Yên được dẫn đến pháp trường. Tới nơi toàn thắng, thầy quỳ xuống cầu nguyện để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh. Họ không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào, và đứng cạnh thầy. Thầy vẫn quỳ dưới đất, mắt nhìn lên trời, miệng luôn hé mở và đọc tên Chúa Giêsu.”
***
Cha Đắc Lộ đừng gần thầy Anrê ngày 26 tháng 7 năm 1644
Tôi có người quen ở tỉnh Phú Yên, trong một dịp ghé thăm, tôi được biết mình đang ở ngay trên quê hương của thầy giảng Anrê Phú Yên, nay là giáo xứ Mằng Lăng, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tôi mượn cha sở được cuốn “Người Chứng Thứ Nhất” của Phạm Đình Khiêm, và ngay tại hành lang nhà thờ Mằng Lăng hôm ấy, khuôn mặt thiên thần của một người trẻ có chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Hội Thánh Việt Nam đã làm tâm hồn tôi rung động sâu xa.
Hôm sau, tôi đi thăm xóm Lò Giấy, cách nhà thờ Mằng Lăng chừng 2 km, nơi chôn rau cắt rốn của thầy giảng Anrê Phú Yên. Đây là một xóm nghèo, hiện chỉ còn chưa tới mười gia đình công giáo. Tôi đến, ngồi bên bờ sông Kỳ Lộ, con sông ngăn cách nhà thờ Mằng Lăng với xóm Lò Giấy, tôi hồi tưởng lại một con người, một cuộc đời, một thanh niên, một giáo lý viên, một nhân chứng của Đức Kitô vào thời khai sinh Hội Thánh Việt Nam.
1. Anrê Phú Yên Là Ai?
Người mà từ xưa người ta quen gọi là “Thầy giảng Anrê”, sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 16 tuổi, do chính cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Một năm sau, Anrê xin được thu nhập vào nhóm các thầy giảng giáo lý do cha Đắc Lộ mới thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gởi gắm cho vị quan thuộc nhóm thầy giảng tên là Inhaxiô, một vị thừa sai tin cậy và là trụ cột của cộng đồng công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công tác giảng dạy.
Nhóm thầy giảng khoảng 12 người được cha Đắc Lộ hướng dẫn. Nhóm đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này làm nảy sinh lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam, là nơi có trung tâm sinh hoạt của nhóm. Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, và đã nhận được giấp phép cho bắt giam và kết án tử hình ngài.
2. Không ai có tình yêu lớn hơn
Thời điểm ân phúc trọng đại đến với Anrê Phú Yên vào tháng 7 năm 1644, tại Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng hiện nay. Hôm ấy, anh đang ở trụ sở các cha Dòng Tên tại Hội An. Cha Đắc Lộ cũng như các thầy giảng khác đi làm việc tông đồ. Lính tìm thầy Inhaxiô không được nên tức giận thu hết ảnh tượng, đập phá nhà cửa, rồi trói anh dẫn đi. Cha Đắc Lộ kể: “Anrê bị điệu tới quan trấn, bị tố cáo là giáo dân và thầy giảng. Rồi họ dẫn thầy vào ngục, nơi đã có một chứng nhân khác cũng tên là Anrê. Cả hai thức suốt đêm, coi như đêm cuối của đời mình, an ủi nhau, tin tưởng vào ngày mai cả hai sẽ về thiên quốc.” Ngay hôm sau, quan trấn kết án tử hình cả hai. Trước tòa án, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài.” Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách rất bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy để thầy được “…giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến blọn (trọn) đời”. Cha Đắc Lộ vận động tất cả mọi người Bồ Đào Nha ở Hội An đến xin quan trấn khoan hồng. Người kia được tha, vì có con cháu. Riêng anh “sẽ phải chết như đã xin, để dạy cho mọi người biết vâng lệnh chúa.” Chúa ở đây là chúa Nguyễn ở Huế.
Chiều ngày 26-7-1644, anh được dẫn đến pháp trường Gò Xử. Cha Đắc Lộ kể tiếp: “Tới nơi toàn thắng, thầy quỳ xuống cầu nguyện để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh. Họ không cho tôi ở bên trong vòng lính, nhưng viên đội trưởng cho phép tôi vào, và đứng cạnh thầy. Thầy vẫn quỳ dưới đất, mắt nhìn lên trời, miệng luôn hé mở và đọc tên Chúa Giêsu.” Được lệnh, một người lính lấy giáo đâm anh từ phía sau lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Anh đưa mắt trìu mến nhìn cha Đắc Lộ để vĩnh biệt. Cha nói anh hãy nhìn lên trời là nơi anh sắp tới và có Chúa Giêsu đón tiếp. Anh ngước mắt lên cao và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính lấy giáo đâm anh lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, như thể muốn tìm trái tim anh. Điều kỳ lạ là anh vẫn quỳ chứ không ngã. Cuối cùng, lính phải lấy mã tấu chém hai nhát, đầu anh lìa khỏi cổ, xác anh ngã gục, hồn anh về với Chúa. Cha Đắc Lộ đưa xác anh về Áo Môn, còn đầu anh về Rôma. Năm ấy anh 19 tuổi.
3. Tâm hồn lớn trong vóc dáng nhỏ
Sau khi chứng kiến thấy giảng Anrê Phú Yên hiến dâng mạng sống cho Đấng đã hiến dâng mạng sống cho mình, cha Đắc Lộ nói với mọi người: “Tôi hết sức mong đợi mọi người trên thế giới được biết người đầy tớ tuyệt diệu của Chúa, để thúc đẩy họ nhận biết và yêu mến Đấng bạn trẻ này đã yêu mến đến chịu chết vì Người.”
Tôi nhớ đến anh, một người trẻ gắn liền việc theo Chúa với việc phục vụ Hội Thánh. Anh không nghĩ theo Chúa chỉ để được lợi lộc đời này hay hạnh phúc đời sau.
Tôi nhớ đến anh một thiếu niên thôn quê, chắc là ít học và cả đến ngây ngô. Cha Đắc Lộ là một giáo sư thần học. Một số thầy giảng từng là tiến sĩ, cứ nhân. Anh không có gì đáng kế, đáng khoe. Nhưng ai cũng có gì đó để đóng góp. Mặt trời chiếu sáng ban ngày hay mặt trăng chiếu sáng ban đêm. Vào những đêm không trăng, những ngôi sao nhỏ lấp lãnh cũng tô điểm bầu trời
Tôi nhớ đến anh, ngay hôm bị bắt, không đi làm tông đồ, nhưng ở nhà săn sóc mấy thầy giảng bị bệnh. Trong chương trình cứu độ bao trùm cả không và thời gian, mỗi người chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Riêng anh chấp nhận làm những việc được trao, những việc vừa sức, trong vai trò của người đàn em, người phụ tá.
Tôi nhớ đến anh, người thắp lên một ngọn đèn, chứ không ngồi nguyền rủa bóng tối. Tống thị và quan trấn đời nào chẳng có? Anh không xuống đường la hét, cũng không đóng cửa rên rỉ. Anh nhập đoàn với Hội Thánh, với Hội Thầy Giảng, làm một tia sang, làm một hạt muối, để mặt đất tươi đẹp hơn, đáng sống hơn.
Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị kết án, vui khi bị hành hình. Anh không phải là mọt triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thành giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn than với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng.
Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.
Giám Mục Bắc Ninh

Thân tặng nhóm 73 người rời Việt Nam vào tháng 6 của 36 năm trước

Thời tiết thật oi bức, như mọi năm, giờ này là đã vào mùa mưa. Ngoài kia những cánh đồng mạ non, đường trồng thẳng tắp trông thật đẹp mắt, báo hiệu tới mùa cấy mạ của dân bản xứ. Tôi chợt nhớ tới câu hát tháng 6: “trời mưa, trời mưa không dứt, trời không mưa em cũng lạy trời mưa”.
Với tôi, cứ mỗi năm vào tháng 6 lại làm cho tôi nhớ lại kỷ niệm không bao giờ quên được của chuyến vượt biên rời Việt Nam, cũng vào tháng 6, cái tháng mà lúc nào cũng có mưa to gió lớn ngoài biển cả, tới nay đã 36 năm tròn. Tôi chắc rằng tất cả trong chúng ta, đang sống trên xứ người, không thể quên ngày lịch sử ấy. Người thì suông sẻ đến nơi bình an với nhiều may mắn, người thì gặp biết bao trở ngại khó khăn, có người thì lênh đênh trên biển cả trực diện với cái chết trong đường tơ kẻ tóc, có người lại trôi dạt trên biện năm, sáu mươi ngày, gặp cướp biển và chứng kiến những người thân của mình bị hãm hiếp, giết chết và bị quăng xác xuống biển. Tại sao tất cả chúng ta phải trả một giá như vậy? Chúng ta đã làm gì mà phải trả một cái giá như vậy? Với tôi, ký ức trở về với bao trăn trở, tôi xin được chia sẻ với tất cả những người Việt Nam tha hương trong tâm tình người tín hữu hôm nay, và những trăn trở sau 36 năm lưu lạc xa quê hương.
Các bạn thân mến, rời Việt Nam đã 36 năm, bây giờ tôi đã bước sang tuổi lục tuần, cái tuổi mà bây giờ xã hội không còn cần đến nữa, cũng hơi buồn phải không các bạn? Nhưng xét cho cùng, mình phải vui vẻ, can đảm lên để chấp nhận, vì thiết nghĩ: có giỏi đến đâu, có giàu đến đâu, có đẹp đến đâu rồi cái ngày này cũng tới thôi các bạn ạ! Mình phải hiểu thì mình mới chấp nhận nó một cách dễ dàng hơn. Với tôi, trong lòng lúc nào cũng luôn cảm tạ Chúa vì gia đình tôi đã được biết bao hồn ân. Các bạn có biết không? 36 năm, trải qua biết bao khó khăn thử thách, nếu tôi viết ra đây, thì không giấy bút nào kể cho hết, khi bạn bè chung quanh nhìn thấy hoàn cảnh của tôi được như ngày hôm nay là nhờ ơn Chúa thương, và tôi đã phải cố gắng vượt qua, nếu không có ơn Chúa, thì không bao giờ tôi vượt qua được. Các bạn biết không: Chúa đã cất người bạn đời thân yêu của tôi đã 23 năm rồi, lúc mà tôi vừa bước sang tuổi 40. Anh đã xa rời mẹ con tôi lúc mà tôi và các con cần anh nhất. Cái cột trụ trong nhà, chỗ dựa của tôi không còn, tôi rất đau hổ và hụt hẫng. Các bạn có biết lúc đó ngày đêm tôi cầu xin với Chúa sao không? “Chúa ơi, Chú đã gọi anh ấy về với Chúa, con xin bằng lòng vâng the thánh ý Chúa, nhưng con xin Chúa cho con nghị lực để vượt qua, vì con yếu đuối lắm, con sống làm sao được nếu không có ơn Chúa?” Rồi có lúc bình tĩnh hơn, tôi lại cầu xin như sau: “Chúa ơi, Chúa cất chồng con đi, thì xin Chúa đền cho con cái khác”. Cũng lời cầu nguyện này tôi kể cho bạn tôi nghe, tụi nó cứ chọc vui tôi là: “sao mày không xin là Chúa cất anh ấy đi thì đền cho con anh khác!”
Nhưng các bạn biết không? Tôi đã tin tưởng nơi Chúa với tâm tình phó thác và thật sự, Chúa đã ban cho tôi rất là nhiều ơn, cho đến ngày hôm nay, tôi thiết nghĩ, những bạn tầm bằng tuổi tôi, cái tuổi mà bên Việt Nam hay nói: “bây giờ thì lo hưởng già, đọc kinh đi lễ và lo phần linh hồn”. Ở bên đây, khi mà hãng xưởng không cần đến mình nữa, con cái thì nghĩ: “má già rồi”, tự nhiên chúng ta thấy mình thừa thãi và thừa thời gian”, không có cái cớ là hãng bận, việc nhiều để mà sao lãng việc nhà thờ và lo phần linh hồn nữa, đúng không các bạn.
Tưởng cũng nên nhắc: bước sang tuổi về hưu là phải nhắc tới sức khỏe, nhất là đối với chị em phụ nữ chúng ta. Hình như Chúa muốn phạt chị em chúng ta thì phải, vì tội đã dụ ông Adong ăn trái cấm, cho nên con cháu bà Evà, chị em chúng ta phải chịu rất là nhiều áp lực phải không? Mang nặng, đẻ đau, nuôi con vất vả, mà con hư thì “tại mẹ”, chồng không ra làm sao cũng cho là “con vợ nó rủ rỉ xúi bẩy”. Vậy thì chị em chúng ta phải làm sao để cải hóa được mấy ông chồng trở nên tốt lành, và đừng điều khiển chồng để mình đừng bị nói các bạn nhé. Khi chúng ta lớn tuổi rồi thì lại bị áp lực rất lớn đối với chúng ta. Tôi nghĩ nhiều chị em đã có những kinh nghiệm này, đó là giai đoạn tiền mãn kinh. Tính khí thay đổi, vui giận bất thường, máu mỡ nó lên, đường huyết bất thường, không ăn cũng mập, đau chân nhức khớp, ăn không ngon, ngủ không yên, hay bẳn gắt, dễ tủi thân, giận hờn vô cớ, nhất là hay kiếm chuyện nữa. Tất cả các hiện tượng trên không ít thì nhiều đều xảy ra khi chúng ta đến giai đoạn đó vì nội tiết trong người thay đổi. Các bạn biết trước được, các bạn có thể ít nhiều khắc phục được. Chưa kể đến nhan sắc của chúng ta cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đâu nhé. Các bạn hiểu rồi chứ. Nhưng các bạn hãy lạc quan mà vượt qua nhé. Vì cứ nghĩ rằng tất cả chị em chúng ta ai cũng phải trải qua và tìm cách cải thiện cho tốt thôi. Các chị em à, từ ngàn xưa chị em chúng ta được người ta ví như là hoa, mà hoa thì phải tàn thôi. Nhưng các ông thì sao nhỉ? Các ông cũng già, cũng bạc, cũng nhăn nheo. Vậy tại sao không bị chê, bị nói mà chị em lại bị chồng chê, chồng nói nhỉ? Đó có phải là cái tội mà chị em chúng ta phải gánh không nhỉ? Hy vọng các đấng mày râu mà đọc được bài viết này, phải biết thong cảm và chia sẻ với chị em chúng tôi nhé! Và phải luôn nghĩ: em già thì anh cũng già vậy. Nhưng không quan trọng, mình phải thương nhau hơn” và các ông phải sống làm sao để đừng bị người ta nói là vợ xúi, vợ điều khiển thì nhục chí nam nhi lắm đó nghe. Như vậy chị em chúng tôi không bị amng tiếng.
Các chị em thân mến! Nãy giờ tôi đã chia sẻ với các chị em về những áp lực về sức khỏe mà chúng ta phải chịu khi mình bước sang tuổi về hưu. Bây giờ tôi xin chia sẻ với các bạn những thao thức trăn trở về con cái, nhất là các chị em đã lên chức bà nội, bà ngoại. Ở đây tôi xin chúc mừng cho các chị đã có dâu, rễ là người Việt Nam và nhất là có đạo, nói như vậy các chị cũng hiểu được ý tôi muốn nói. Tôi xin được chia sẻ đặc biệt với những người cùng hoàn cảnh như tôi là: con rễ hoặc con dâu là người Nhật mà lại không có đạo. Đọc đến đây các chị nghĩ thế nào? Nếu được, các chị viết lên đây để củng chia sẻ nhé. Riêng tôi, hôm nay, tôi xin viết những cảm nghĩ của mình về một vần đề lớn lao và khó khăn nhất đối với tôi sau 36 năm đã qua. Tất cả những đau đớn, khổ sở, vất vả nhất đối với tôi đã qua đi, bây giờ thì còn lại vấn đề ngoài tầm tay của mình và cảm thấy mình thật sự vô dụng. Các chị biết không?Tôi được 3 người con và điều may mắn của tôi là con trai lớn của tôi lấy vợ bên Việt Nam, gia đình tương đối ổn định, 2 đứa cháu nội thì việc giữ đạo tôi rất yên tâm, nhờ mẹ cháu dạy dỗ, chỉ bảo, tôi không cần phải lo. Riêng 2 đưa con gái lấy chồng Nhật và chồng không theo đạo. Gia đình tôi chưa có một người lấ vợ, lấy chồng mà không theo đạo, nên ngy từ nhỏ, tôi đã ấn vào đầu các cháu là “má không cho đứa nào lấy chồng Nhật và không có đạo”. Vì ba các cháu mất sơm, nên các cháu rất thương tôi, và không tỏ ra chống đối. Nhưng chuyện gì đến sẽ đến. Một ngày kia, cháu than thở với tôi: “Má ơi, chắc con không lấy chồng đâu, vì má không cho lấy người Nhật, còn về Việt Nam lấy chồng thì con không bao giờ lấy đâu, thà ở vậy”. Tôi bàng hoàng lo sơ, nhưng chỉ im lặng thôi. Khoảng 1 năm sau, cháu cho tôi biết nó “yêu một người Nhật và họ chịu cho nó giữ đạo và nếu có con thì cho rửa tội”. Tôi cương quyết: “không được, má không bằng lòng”. Thế rồi nó khóc, tôi buồn lắm và điện thoại về Việt Nam hỏi ý kiến mẹ của tôi và bà cụ đã cho tôi một hướng giải quyết. Bây giờ mẹ tôi đã qua đời dược 3 năm rồi, nhưng tôi không thể quên được những lời bà dạy: “Con à, nếu con không bằng lòng, nó sẽ không lấy chồng, con không làm như vậy được đâu, con sẽ ân hận. Nó sẽ giữ đạo, con cái sinh ra thì rửa tội, như vậy mẹ nghĩ con nên chấp nhận cho nó, nhưng con phải nhớ trách nhiệm của con là phải săn sóc, chỉ bảo, hướng dẫn nó và con cái nó sau này”. Tôi chỉ còn biết nghe lời bà và chấp nhận cho nó làm đám cưới, và đưa thứ hai cũng vậy. Lúc đó tôi vui vì có hướng giải quyết, nhưng tôi không ngờ và không nghĩ rằng trách nhiệm đó nặng nề và khó khăn, phức tạp như vậy. Ngày các cháu còn nhỏ đã học các lớp giáo lý của nhà thờ và trong ban giúp lễ cho đến khi đi làm, các thánh lễ tiếng Việt đều tham dự và không bao giờ bỏ lễ ngày Chúa Nhật, nhưng bây giờ ra xã hội đi làm, rồi lấy chồng không có đạo nữa, thì không còn nghĩ đến Chúa. Các chị có tin không: mỗi Chúa Nhật tôi phải điện thoại cho từng đứa, xa cũng như gần, để nhắc nhở đi lễ. Lúc thì “tối qua con làm trễ, hãng bận”, lúc thì “hôm nay con mắc đi làm”, cháu thì rửa tội đó, nhưng mẹ nó như vậy làm sao nó giữ đạo đây? Mỗi khi thấy mẹ con đi lễ tới nhà thờ thì mừng còn hơn ai cho cái gì quý báu vậy. Rồi mỗi khi nó không đi lễ thì trong lòng mình buồn phiền, không có một sự bình an, vì cảm thấy mình không làm tròn trách nhiệm và không biết đường dạy con giữ đạo, cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa, chỉ biết cầu nguyện cho con cái biết giữ đạo thờ phượng Chúa. Mà cầu xin mãi mà Chúa chưa nhậm lời các chị ạ. Mình thật sự bất lực. Có phải vì lúc các cháu còn nhỏ mình không hướng dẫn, chỉ bảo các cháu không các chị? Đôi khi tôi chợt nghĩ: nếu mình chết đi thỉ chúng nó có bỏ đạo không? Chúa đã an bài cất anh ấy đi và Chúa bù lại cho tôi ba đứa con ngoan và rất thương tôi, luôn nghe lời tôi, nhưng về đức tin và lập luận của chúng nó, tôi không chấp nhận được. Tôi rất là buồn và lúc nào cũng canh cánh bên lòng, vì mình không làm tròn bổn phận với con cái trước mặt Chúa. Tôi cũng hiểu được là con cái mình cũng bị ảnh hưởng cuộc sống xã hội ngày hôm nay, áp lực công việc, rồi con cái, những áp lực quá nặng nề và cái nền tảng dức tin non nớt mà các cháu học ở các lớp giáo lý nhà thờ không đủ để vượt qua được. Hiểu và biết được như vậy, tôi rất băn khoăn không biết mình phải làm sao nữa và chỉ biết cầu nguyện thôi. Nhiều lần tôi có cơ hội được tham dự thánh lễ tại cộng đoàn Tokyo, tôi thấy các em tu nghiệp sinh từ những nơi xa về dự thánh lễ rất sốt sắng, ngồi chật cả nhà thờ. Lòng tôi chùng xuống, nước mắt ứa ra, nếu con cái tôi còn bên Việt Nam, có lẽ đức tin của tụi nó cũng như vậy, đâu phải như bây giờ. Tôi chợt nghĩ mình sang đây làm gì? Sau 36 năm học được điều hay lẽ phải gì tôi không biết; con cái thành đạt ra sao tôi cũng chẳng nghĩ đến nữa. Tôi chỉ nghĩ tới tuổi này, tôi chỉ cảm nghiệm một điều: cuộc sống càng được nâng cao, càng văn minh bao nhiêu, càng dễ kiếm tiền bao nhiêu, thì càng quên Chúa bấy nhiêu.
Thân tặng nhóm 73 người rời Việt Nam vào tháng 6 của 36 năm trước được tàu Nhật vớt.
M.U