GIÁNG SINH LÀ TIỆC MỪNG CỦA ĐỨC TIN

Trong bài “Lời chúc Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô với các thành viên của Giáo Triều Rô-ma” (Giu-se Thẩm Nguyễn), Vietcatholic ngày 21 tháng 12 năm 2017, có viết: “Giáng SinhTiệc Mừng của Đức Tin”. Ta cùng tìm hiểu và suy nghĩ về việc này.

Nói đến Tiệc Mừng, thì nói đến Bữa Tiệc và sự Vui Mừng. “Giáng sinh là Tiệc Mừng của Đức Tin” nghĩa là Giáng Sinh là Bữa Tiệc của Đức Tin; Giáng Sinh là sự Vui Mừng của Đức Tin. Tại sao Đức Giáo Hoàng lại nói: “Giáng Sinh là Tiệc Mừng của Đức Tin”?

Giáng Sinh là sự Vui Mừng của Đức Tin

Giáng Sinh là niềm vui. Vui vì Thiên Chúa làm người; vui vì Thiên Chúa đã ở cùng chúng ta : “Em-ma-nu-en”; vui vì kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã bắt đầu cách âm thầm qua việc Truyền Tin và khởi đầu cách công khai qua việc Chúa Giáng Sinh. Mừng vì con người chúng ta được cứu độ. Vì để cứu độ con người chúng ta, Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Điều đó làm cho chúng ta vui mừng. Dĩ nhiên là chúng ta phải tin vào Thiên Chúa, tin vào Hài Nhi Giê-su, nghĩa là phải có Đức Tin. Do đó gọi Giáng Sinh là sự vui mừng của Đức Tin. Nói cách khác, có đức tin ta mới có thể hưởng được niềm vui đó.

Giáng Sinh là Bữa Tiệc của Đức Tin.

Đức Tin sẽ tìm được gì, sẽ ăn được gì nơi Bữa Tiệc này; nơi máng cỏ; nơi Hài Đồng Giê-su cho thân xác, linh hồn, thần trí và cho cuộc sống đức tin của ta ?

Đức Tin tìm được nơi máng cỏ, của ăn cho thân xác chúng ta là Mình và Máu Đức Ki-tô, tức là Thánh Thể. Thánh Thể này được được khởi đầu nơi cung lòng của Đức Ma-ri-a; tiếp đó là Một Trẻ Thơ nơi máng cỏ, sau đó được hiến tế thên Thập Giá và bây giờ trong Thánh Lễ.

Đức Tin tìm được nơi hang đá bò lừa một của ăn cho linh hồn, cho thần trí chúng ta là món ăn tinh thần, là Lời của Thiên Chúa. Hài Nhi Giê-su chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa mà: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”(x.Ga 1,14)

Đức Tin tìm thấy được nơi chuồng bò giá lạnh, những nhân đức nơi Hài Nhi Giê-su, những nhân đức đó là:

Nhân đức từ bỏ. Hài Nhi Giê-su đã từ bỏ ngai trời; từ bỏ thân phận của một Vì Thiên Chúa để xuống thế làm người. Ta cũng hãy biết từ bỏ chính mình; từ bỏ tính kiêu căng ngạo mạn của mình.

Nhân đức khó nghèo. Hài Nhi Giê-su đã tự nguyện sống nghèo của kiếp người, sinh nơi hang đá bò lừa, không nhà không cửa; không tiện nghi, không giàu có. Ta hãy noi gương Ngài để sống tinh thần khó nghèo trong cuộc sống mình.

Nhân đức vâng phục. Hài Nhi Giê-su đã vâng phục Thiên Chúa, để thưa xin vâng: “Này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha”(x.Dt 10,9). Ta cũng hãy noi gương Chúa để sống tinh thần vâng phục trong ơn gọi sống đời hôn nhân cũng như ơn gọi tu trì.

Nhân đức khiêm nhường. Hài Nhi Giê-su đã khiêm nhường hạ mình nên bé nhỏ như trẻ thơ. Ta hãy noi gương Chúa biết khiêm cung, tự hạ trong mọi nơi, mọi lúc.

Nhân đức đơn sơ. Hài Nhi Giê-su đơn sơ trong hình hài của một trẻ nhỏ, với bộ mặt dễ thương, dễ mến. Ta hãy noi gương Chúa để có một tâm hồn đơn sơ và có bộ mặt dễ thương, dễ mến.

Nhân đức làm ơn, làm phúc. Hài Nhi Giê-su giơ hai tay như để chúc phúc, chúc bình an cho mọi người. Ta hãy noi gương Chúa hăng say và nhiệt tình trong việc làm ơn, làm phúc cho người khác.

Đó là những món ăn tinh thần, món ăn đức tin cho đời sống đức tin của ta, nó bổ dưỡng cho thân xác, cho linh hồn và cho đức tin của ta.

Đức Tin đó như Đức Giáo Hoàng nói: “Đức Tin chỉ trở thành thật sự khi Đức Tin ấy đụng chạm đến trái tim chúng ta, linh hồn chúng ta, tâm trí chúng ta và cả cuộc sống của chúng ta”. Nói cách khác, một Đức Tin mà đụng đến trái tim, đến linh hồn, tâm trí và đụng đến cuộc sống của chúng ta thì đó mới là Đức Tin thật, không thì là một đức tin giả, một đức tin chết. Chính Đức Tin thật đó mới mang lại ơn cứu độ cho toàn bộ con người chúng ta. Đức Tin đó là Đức Tin gì ? Đức Giáo Hoàng giải thích:

Một Đức Tin không làm khó chúng ta là một Đức Tin có trở ngại”. Nghĩa là một Đức Tin không có vấn đề gì, không có trở ngại gì, là một Đức Tin chết, không đem lại ích lợi gì cho ta. Phải là một Đức Tin luôn “làm khó” ta, luôn bắt ta phải suy nghĩ, phải suy niệm, phải tìm tòi, phải tìm hiểu những chân lý đức tin, những điều mình tin. Không phải ta nghi ngờ mà là muốn đào sâu để ta ngày càng thâm tín hơn, càng mạnh hơn; nếu không thì là một Đức Tin èo uột và yếu nhược.

Một Đức Tin không làm chúng ta lớn lên là một Đức Tin cần phát triển”. Lớn lên có nghĩa là tiến lên. Đức Tin của ta cần phải phát triển mãi, phát triển không ngừng để ta lớn lên, để ta tiến lên cho tới tầm mức “viên mãn của Đức Ki-tô”.

Một Đức Tin không làm ta phấn đấu là một đức tin cần phải được kích động”. Nghĩa là một Đức Tin không làm cho ta hăng say phấn đấu để nên tốt hơn, để ta nên thánh, nên thiện hơn, nên mạnh hơn là một Đức Tin cần phải được kích động, cần phải được kích hoạt; Đức Tin đó cần được thêm dầu; cần được lên giây cót; cần phải kích thích để cho ta kiên trì và phấn đấu cho đến cùng.

Một Đức Tin không lay động chúng ta là một Đức Tin cần thử thách”. Tức là một Đức Tin không việc làm, một Đức Tin nằm im, không lay động, không thúc đẩy ta gì hết thì Đức Tin đó cần phải có sự thử thách. Đức Tin đó như vàng phải thử lửa, để xem thật hay giả. Có những đêm tối của Đức Tin khi mà ta không còn tin gì nữa hết; chẳng tin Chúa cũng chẳng tin Giáo Hội. Cầu mãi mà chẳng được gì ? Xin mãi mà chẳng thấy đâu ? Có Chúa không ? Chúa ở đâu ? Tại sao tôi phải khổ thế này ? Tại sao tôi học hành chăm chỉ, làm việc cần mẫn mà lại thất bại; tại sao tôi sống tốt mà lại bị hiểu lầm, bị vu khống, vv… Rồi bệnh tật, tai nạn,…..

Quả thật, những thử thách đó không quá sức chịu đựng của ta đâu, nhưng nhờ những thử thách đó, Đức tin của ta được trui được rèn; được mài được dũa, làm cho Đức Tin của ta chuyển động, chuyển mình và hoạt động; sáng lên và mạnh mẽ.

Một Đức Tin chỉ là hiểu hay âm ấm chỉ là khái niệm về Đức Tin”. Nghĩa là một đức Tin không nóng cũng không lạnh; không mạnh cũng không yếu, dở dở ương ương, chỉ là một Đức Tin trên giấy tờ, tệ hơn nữa chỉ là từ ngữ không hơn không kém. Chỉ có cái tên, chỉ có cái “Made in Đức Tin” thì không có ích lợi hay giá trị gì cả.

Một Đức Tin chân chính và chân thật là một Đức Tin cần làm khó ta; làm cho ta lớn lên, tiến lên; làm cho ta hăng say phấn đấu, lay động ta. Đức Tin đó cần được dừng nơi máng cỏ Giáng Sinh để tìm hiểu, để học đòi, để ăn tiệc, ăn những món ăn được dọn ra nơi đó. Đó là bữa tiện mừng. Mà đã là Bữa Tiệc Mừng thì phải có lý do để mừng; có sự hiện diện và tham gia với mọi người, cùng nhau ăn mừng, cùng nhau chúc mừng và đương nhiên sẽ có những món ăn ngon và bổ dưỡng.

Bữa Tiệc Mừng đó chính là Bữa Tiệc Giáng Sinh và Bữa Tiệc Giáng Sinh là chính Bữa Tiệc của Đức Tin. Vậy ta hãy lấy Đức Tin mà Mừng lễ Giáng Sinh, khi đó Giáng Sinh trở thành Tiệc Mừng cho Đức Tin của Ta.

Lm. Bosco Dương Trung Tín