THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI

Năm nay thật may mắn, tôi được “khai phím” viết bài suy niệm ngay đúng ngày đầu năm dương lịch. Trước hết, xin được mượn vài hàng đầu tiên chúc mừng năm mới Cha Tuyên Úy Giáo đoàn, Quý Cha, Quý Tu sĩ và Quý ông bà anh chị em. Xin cho mỗi người chúng ta khởi đầu và sống năm mới này trong ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình yêu của Thiên Chúa Cha, sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần và trong bàn tay chở che đầy yêu thương của Mẹ Maria.

Ngày đầu năm, Giáo hội long trọng cử hành Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cầu cho hòa bình thế giới. Hiệp với ý chỉ của Đức Thánh Cha và của Giáo hội, trong giây phút linh thiêng của thời khắc Tân niên, chúng ta cùng nhau suy niệm và cầu nguyện.

Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta cùng suy nghĩ vì sao Giáo hội lại chọn ngày đầu năm để cử hành Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa?

Thần thoại La Mã có một vị thần đặc biệt. Vị thần này có hai cái đầu, dính liền với nhau ở phần sau, mỗi đầu quay về một hướng. Một hướng nhìn lại quá khứ, hướng còn lại nhìn tới tương lai. Ông là vị thần của sự đối nghịch: của thoát ra và đi vào, của khởi sự và kết thúc. Ông cũng là vị thần bảo hộ của các cánh cổng, các ngả đường, ngã ba, ngã tư…Do đó, theo lẽ tự nhiên, ông là vị thần của tháng Giêng, cửa ngõ của năm mới. Vị thần đó tên là Janus. Từ tên của vị thần này, ta có tên của tháng Giêng trong tiếng Anh là January.

Nhà đạo chúng ta khi nói đến cổng Thiên Đàng, ai cũng nghĩ ngay đến ông Thánh Phê-rô cầm chìa khóa, gác cổng Nước Trời. Thế nhưng vị nào được gọi là “Cửa Thiên Đàng”? Trong ca vịnh “Alma Redemptoris” mà các tu sĩ, linh mục hát sau giờ kinh tối từ tối ngày thứ bảy trước Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng cho đến ngày 1 tháng 2, Đức Mẹ Maria được kêu cầu với danh xưng là “Cửa Thiên Đàng”

 Lạy Mẫu nghi cao cả, sinh dưỡng Chúa cứu đời,

Cửa Thiên Đàng rộng mở, Ngôi Sao Biển rạng ngời.

 Xin Mẹ thương cứu trợ kẻ lỡ bước sa chân,

đang tìm tay nâng đỡ mà cải quá tự tân.

 Mẹ sinh Chúa Thiên Đình, Đấng tạo thành nên Mẹ.

Trước sau vẫn khiết trinh, ôi lạ lùng khôn ví!

 Gabriel mừng hát, xin Mẹ nhận lời chào,

và dủ tình thương đoái đoàn con cái quì tâu.

Trong kinh cầu Đức Bà, chúng ta cũng đọc “Đức Bà là Cửa Thiên Đàng”, là cửa ngõ bước vào Thiên Quốc. Không ai trên trần gian này biết rõ Chúa Giê-su bằng Mẹ. Cũng không ai có thể dạy chúng ta biết về Chúa Giê-su bằng Mẹ. Mẹ là Đấng Trung Gian duy nhất kết hiệp loài người với Con của Mẹ. Chính vì lý do này mà thánh Carlo Borromeo, khi làm Tổng Giám Mục thành Milano (Bắc Ý) đã truyền phải đặt ảnh thánh Đức Mẹ Maria trên mọi cửa Thánh Đường. Thánh nhân muốn nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo luôn ghi nhớ rằng: “Không thể vào Thiên Đàng nếu không qua Mẹ, bởi vì, “Đức Bà là Cửa Thiên Đàng”.

Thế nên, ngày đầu tiên trong năm mới, bước vào cửa ngõ khoảng thời gian 365 ngày, thật là chính đáng khi Giáo hội mừng Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu cao trọng nhất của Đức Mẹ. Các tước hiệu khác đều là kết quả của tước hiệu Mẹ Thiên Chúa này. Có nhiều đặc ân và tước hiệu của Đức Mẹ, xin liệt kê hai đặc ân Thiên Chúa ban, hai tước hiệu cao trọng kế tiếp của Mẹ như là dẫn chứng. Vì là Mẹ Thiên Chúa, Đấng Thánh nên Mẹ được giữ gìn khỏi nguyên tội (Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội), để cung lòng Mẹ không tì vết, xứng đáng là nơi cưu mang Con Thiên Chúa. Vì là Mẹ Thiên Chúa nên Mẹ được đưa cả hồn lẫn xác về Thiên Quốc (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời).

Một chút lịch sử

Có thời người ta tranh luận rằng không thể gọi Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa được. Lý do là vì Đức Mẹ chỉ là một tạo vật của Thiên Chúa, đâu có sinh ra Thiên Chúa mà gọi là Mẹ Thiên Chúa được? Đức Mẹ chỉ là Mẹ của Chúa Giê-su mà thôi. Một lập luận rất có lý! Lịch sử Giáo hội tiên khởi đã nổ ra một cuộc tranh luận về danh xưng “Mẹ Thiên Chúa”, mà thuật ngữ Hy Lạp là “Theotokos”. (Quý ông bà anh chị em nhớ từ này, coi như tăng thêm hiểu biết và từ ngữ nhà đạo nhé!). Vị Giám mục thành Constantinople là Nestorius là người phản đối mạnh mẽ nhất. Ông cho rẳng không thể nào Thiên Chúa là Đấng tác thành muôn loài lại có một người Mẹ là thụ tạo của mình. Vấn đề thật nan giải! Phải giải thích làm sao? Tranh cãi giữa Giám mục Nestorius với các Giám mục đã kết thúc bằng Công đồng Ê-phê-sô vào năm 431. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” trở thành tín điều với khẳng định hết sức cứng rắn: “Nếu ai không tin Đấng Emmanuel thật sự là Thiên Chúa, và do đó Thánh nữ đồng trinh Maria là Mẹ Thiên Chúa, kẻ đó bị phạt vạ tuyệt thông”.

Và tín điều đó được Công Ðồng long trọng tuyên bố, gồm những điểm chính yếu sau đây:

  1. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa, mà là Mẹ một người Con chính là Thiên Chúa.
  2. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ của một người con đã kết hợp với Thiên Chúa hay là đã trở nên Thiên Chúa, mà là Mẹ của Ðấng là Thiên Chúa từ thuở ban đầu.
  3. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải chỉ là Mẹ sinh hạ thể xác Ðức Giê-su mà thôi, mà là Mẹ của Ðấng đã mặc lấy thân xác nơi Mẹ, là Ðấng có trước Mẹ là Chúa Giê-su.

(Trích dẫn từ Tác Phẩm “Mẹ Maria” của Lm Hồng Phúc, CSsR,

Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)

Để dễ hiểu, chúng ta có thể lấy một ví dụ. Một người được Chúa gọi và chọn làm linh mục thì mẹ của người ấy được gọi là bà cố (mẹ của linh mục). Người mẹ ấy không sinh ra một linh mục, bà chỉ sinh ra một người con. Nhưng bởi vì con của bà là linh mục nên bà được gọi là mẹ của linh mục. Và bà thật sự là mẹ ruột của một linh mục. (Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì là Mẹ một người Con chính là Thiên Chúa)

So sánh trên đây dĩ nhiên không hoàn toàn diễn tả đúng hết được tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, vì người con Mẹ sinh ra đã là Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu. Người con Mẹ hạ sinh không phải kết hợp với Thiên Chúa hay được Thiên Chúa yêu thương và cho trở nên Thiên Chúa, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa. Trong kinh Tin Kính chúng ta xác tín “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa;Ánh sáng bởi ánh sáng;Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,được sinh ra mà không phải được tạo thành.”

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…

Thật ra khi công bố và tuyên xưng tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”, Giáo hội khẳng định niềm tin của mình rằng Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật. Thiên Chúa ấy đã trở nên một con người hoàn toàn giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài được sinh ra, là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”như lời sứ thần loan báo cho các mục đồng. Chuyện không thể dễ dàng tin được. Quá sức kỳ lạ, vượt quá sức tưởng tượng của con người. Ấy vậy mà mà những người chăn chiên hiền lành, nghèo khó ấy đã tin, đã đi tìm theo như đã được hướng dẫn. Họ đã đến, đã gặp, và đã “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe”

Ngày nay chắc chẳng còn ai đề cập, nghi ngờ hay tranh cãi về chuyện Đức Mẹ có phải là Mẹ Thiên Chúa nữa hay không, ngoại trừ các thần học gia, các linh mục, chủng sinh học môn Ki-tô học, Thánh Mẫu học… Mọi người đều chấp nhận tín điều này. Nhưng cũng có khi chính vì chấp nhận mà người ta không còn muốn tìm hiểu hay quan tâm đến các chuyện nhà đạo nữa. Có nhiều chuyện của thế gian gay cấn, nóng bỏng, hấp dẫn hơn nhiều như chuyện cô người mẫu trẻ tuổi cặp bồ với ông đại gia đáng tuổi chú, bác của mình; hay là chuyện của chàng ca sĩ công bố món nợ cả chục tỷ của mẹ mình; hoặc chuyện bầu cử tổng thống của một cường quốc, chuyện giá vàng, đô-la, đồng yên lên hay xuống…Niềm tin và các cử hành tôn giáo chỉ gói gọn trong khuôn viên Thánh đường, đóng khung Chúa trong các nghi thức Phụng vụ mà thôi… Trong khi Ngôi Hai Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để ở cùng chúng ta, chia sẻ mọi vui buồn, sướng khổ của con người.

Khi long trọng công bố Tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”, Giáo hội cũng dạy chúng ta câu kinh “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Đồng thời với việc quy hướng Ơn Cứu độ duy nhất của nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô, Giáo hội cũng dạy con cái mình trông cậy vào vị thế tuyệt đỉnh của Đức Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta, để kêu xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta trước Nhan Thánh Chúa. Chỉ cần một điều kiện duy nhất, chúng ta nhận biết mình là kẻ có tội và chạy đến cùng Mẹ.

Lm. Antôn Vũ Khánh Tường, SVD.