CỘNG ĐOÀN – GIA ĐÌNH

CỘNG ĐOÀN – GIA ĐÌNH

 Chiều tháng 7 trên đất nước Nhật không khí thật oi ả. Tôi đi dạo dưới những tán lá cây mát rượi, làn gió nhẹ mang theo không khí trong lành của rừng khe khẽ trườn qua từng ngọn thông đung đưa nhịp nhàng. Tôi nhẩm lời một bài hát “ …Trời đất bao la dành hết cho ta đâu có tình cờ, nào ai có biết …” Tôi mới chỉ là một người đang tìm hiểu ơn gọi trong một đan viện. Tôi yêu mến đời sống cầu nguyện, thích những giây phút thinh lặng trước Thánh Thể Chúa. Thinh lặng giữa trời đất để cảm nghiệm tình yêu Chúa ban cho tôi, một kiếp người tội lỗi. Mới đến Nhật được 8 tháng, tôi đang dần trải nghiệm và làm quen với cuộc sống của đan viện. Đang từ một cuộc sống xô bồ, náo nhiệt, ồn ào, với những trải nghiệm về cơm áo, gạo tiền, và cả những màu sắc thăng trầm của cuộc sống. Bỏ mọi thứ nhộn nhịp cuốn hút con người ấy, tôi bước vào cuộc sống tĩnh lặng trong đan viện, làm quen với cuộc sống cộng đoàn. Trong suy nghĩ của tôi mọi sự còn đơn giản và nhẹ nhàng lắm. Làn gió mát hòa quyện trong không gian tĩnh mịch của buổi chiều nhẹ nhè lướt qua, khiến cho tôi nhớ gia đình man mác, nhớ những gì đã qua. Nhớ môi trường làm việc, nhớ bạn bè, nhớ những buổi sáng thứ 7 cùng bạn bè tán gẫu bên ly cà phê trên đất Tây nguyên, nhớ những ngày chúa nhật sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể. Tôi là một công chức nhà nước, tham gia mọi sinh hoạt của thanh niên, có khi tham gia huấn luyện trong các trại sinh hoạt hè của thanh thiếu nhi đạo, đời. Cuộc sống làm việc của tôi xoay vòng theo các hoạt động của cơ quan, của giáo xứ, ngoài buổi sáng thứ 7. Cuộc sống cách đây 8 tháng của tôi là thế, bây giờ tôi đang đứng ở trong không gian của đan viện, không gian tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng gió thổi trên những ngọn thông rì rào, tiếng cành tre va chạm lóc cóc như một khúc giao hưởng chiều hè. Tôi nghĩ có khi nào cuộc sống hiện tại là làn gió mát, nhưng nếu cứ đi cứ đi tôi sẽ dần gặp hơi nóng của mặt trời đỏ rực đằng kia. Không, theo Chúa tôi phải để tâm tôi tĩnh và trí tôi an hòa như khúc giao hưởng đất trời tạo nên kia. Trước khi đến đây, tôi đã được nghe, được đọc nhiều về đời sống cộng đoàn. Tôi suy nghĩ về đời sống cộng đoàn. Tôi nhớ lần đầu thưa với cha xứ ở quê tôi, khi tôi mới được 15 tuổi rằng tôi muốn đi tu. Cha nhìn tôi và nói: “con biết không, đi tu rất tốt, nhưng con còn nhỏ lắm, chưa thể sống tốt đời sống cộng đoàn được. Nó rất khó con ạ, không dễ sống đâu.” Lúc đó, tôi cũng không để ý điều cha nói lắm, vì tôi nghĩ cha già rồi nên lo xa đó mà. Với tôi lúc đó và bây giờ gấp đôi số tuổi rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ cộng đoàn như một gia đình thiêng liêng cho những ai bỏ gia đình, anh chị em dấn thân trong đời tận hiến. Ngay từ khởi đầu chuẩn bị cho việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê su đã huấn luyện các Tông đồ. Để chuẩn bị cho các ông, Người đã dạy họ có một nếp sống, và sống cộng đoàn, sống với Chúa (x. Mt 10, 1-4). Hình ảnh kiểu mẫu cho đời sống cộng đoàn các tín hữu sau này. Trước khi xa lìa các môn đệ trong bữa Tiệc ly, Chúa cũng chối lại cho các môn đệ một điều: “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” Như thế tôi nghĩ đời sống cộng đoàn còn hơn một gia đình. Bởi lẽ, gia đình mỗi người chỉ sống một thời gian thôi, còn cả cuộc đời còn lại là sống với cộng đoàn, với người cùng lý tưởng. Ngoài đời người ta có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần,” còn gì cao quý hơn là bỏ mọi sự, kể cả gia đình, người thân yêu để đến sống chung, thực thi một ý hướng. Khi đó “chín bỏ làm mười”, đồng lòng, hợp ý vì Đấng ai cũng gọi là Cha trên trời. Tôi thiết nghĩ cuộc sống lữ hành, chóng qua dưới trần gian này, không cần là người sống đời sống cộng đoàn dòng tu, mà cũng có thể cùng nhau chung sức bước vào quê hương đích thực trên trời. Tôi nhớ khi tôi còn đi làm, ở môi trường công sở, tuy tôi là một người xa lạ đến công tác lâu dài ở địa phương, nhưng tình người, tình bạn bè giúp tôi vượt qua cảnh xa nhà, vượt qua những khó khăn khi mới lập nghiệp. Thực sự như một gia đình. Ngoài tám tiếng làm việc chung, vào những sinh hoạt vui chơi, không lúc nào chúng tôi không có nhau. Cơ quan của tôi có 13 người nữ, cả già lẫn trẻ, nhưng khi bất kỳ ai có chuyện gì thì họ đều có thể bỏ cả việc nhà mà trợ giúp. Những lúc tôi không có chỗ ở, không có cơm ăn, không có phương tiện đi lại, họ sẵn sàng tạo điều kiện cho tôi. Với đường công danh, địa vị những người bạn của tôi họ cũng không vì thế mà mất đi tự trọng của mình. Có chăng là số rất ít. Đời sống bên ngoài xã hội là thế, họ không có niềm tin, nhưng sống thẳng thắn chân thành ở một môi trường làm việc tạo nên một gia đình lớn nơi công sở. Như vậy, tôi nghĩ với những người cùng chung niềm tin còn làm được những điều hơn thế nữa. Khi có hai tiếng “chị” “em” xưng hô trong cộng đoàn cũng rất ý nghĩa rồi; có với nhau tình yêu thương “chị ngã em nâng”. Tôi xúc động khi được cùng ngồi chung một bàn, ở chung một nhà, cùng một lý tưởng với những người tôi chưa từng quen biết, chưa từng gặp mặt, cũng không phải họ hàng máu mủ. Bởi thế, cộng đoàn trong tôi luôn thân thương như một gia đình. Ở cộng đoàn đâu có chuyện o bế người này, người kia để làm lớn; hay cố gắng làm gì để tỏ rằng mình có năng lực để được để ý…Những tư tưởng ấy, ở bên ngoài xã hội có những kẻ thích thành “Sao”, muốn dùng mọi phương cách để tiến thân. Tôi nghĩ những kẻ ấy trí óc không có mà mưu mô tính kế lại không ít! Khi bước vào mùa chay đầu tiên trong đan viện, tôi được trải nghiệm một tuần tĩnh tâm của cộng đoàn. Chúng tôi được một cha khách đến giúp giảng tĩnh tâm. Với tâm tình đơn sơ, tận tụy của người mục tử, cha đã giúp tôi có thêm vững tin để nói rằng cộng đoàn luôn là một gia đình. Khi chưa đến cộng đoàn, chúng tôi là những người cùng niềm tin nhưng chưa biết nhau, mỗi người ở một nơi khác biệt; nhưng khi đến cộng đoàn Đan viện, chúng tôi được sống chung, mỗi ngày được ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa, thì tôi dần dần được biến đổi trở nên cùng nhóm máu với Chúa, được Chúa thanh tẩy trở nên giống như Chúa. Chúng tôi không còn là: tôi nhóm máu A, chị nhóm máu B, hay chị kia nhóm máu O…nữa mà chúng tôi có chung một nhóm máu. Mọi thứ riêng bây giờ là chung, là một trong tình yêu Chúa. Tình chị em trong cộng đoàn, không có sự lựa chọn người hợp ý để sống, nhưng là ơn đặc biệt Chúa ban; là “hữu duyên thiên ý năng tương ngộ”. Cha cũng chia sẻ thêm rằng người Nhật trước khi kết hôn, người ta có để ý đến nhóm máu, xem có hợp nhau không để đời sống gia đình hòa hợp hơn. Ở cộng đoàn chúng tôi còn hơn thế nữa, được chính Máu Thánh Chúa biến đổi, chính Bửu Huyết Thánh Chúa kết nối trở nên một trong Chúa, giống Chúa cả về nhóm máu. Trước kia mỗi người một tính, một ý, nhưng ở cộng đoàn không còn tính tôi nó thế, không còn tôi thích thế nữa và mọi ý riêng khác mà là ý Chúa thôi. Cộng đoàn nơi mỗi người đến đã được Chúa hứa “chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ anh em, cha mẹ hay con cái vì nước Thiên Chúa mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau” (x. Lc 18, 29-30). Quả thật đã được rất nhiều so với những gì tôi đã có.

Mặt trời khuất sau hàng thông bao quanh đan viện, bóng tối dần chiếm hữu thay cho ánh sáng ban ngày theo quy luật tự nhiên. Tôi thấy ớn lạnh vì một làn gió mang theo hơi ẩm của rừng ngang qua. Giật mình vì tiếng chuông chuẩn bị giờ kinh chiều đã điểm. Tôi tạ ơn Chúa vì được đứng trước sự bao la hùng vĩ của vũ trụ mà Chúa đã tặng ban cho tôi và nhân loại. Ước mong sao đời sống cộng đoàn mãi là niềm vui cho những người sống đời thánh hiến, đặc biệt trong các đan viện. Ước chi lời bài hát “đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa trời, đâu có lòng bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi…đâu ý hợp tâm đầu ở đó chứa chan niềm vui…” luôn lắng đọng và ở lại với mỗi người, để đời sống cộng đoàn là gia đình cho những tâm hồn khao khát đời sống thánh hiến, sống trong tình Chúa và tình người luôn dạt dào mến yêu nhau.

Đây chỉ là những dòng suy tư còn non nớt của con, một người mới chân ướt chân ráo vào đời sống cộng đoàn. Con xin được sự góp ý, hướng dẫn của các bậc thầy trong đời sống cộng đoàn, của quí Soeur, quí Thầy, quý Cha. Để mỗi ngày sống là niềm vui của con trong Đan viện nhỏ bé này.

 

 

                                                                                                                    Maria Lâm Thanh

Tản mạn về “Cuộc chiến đấu nội tâm”

Tản mạn về “Cuộc chiến đấu nội tâm”

                               Lm. Bosco Dương Trung Tín

“Điều tôi muốn, tôi lại không làm; điều tôi ghét tôi lại làm” (Rm7,15);

Và “Sự thiện tôi muốn tôi lại không làm nhưng điều ác tôi không muốn tôi lại làm”(Rm7,19).

 

Cuộc chiến này thường được gọi là “Cuộc chiến nội tâm”, vì nó diễn ra trong tâm hồn của con người, hay còn gọi là cuộc chiến Xác – Hồn. Có nhà Triết Học thời xưa nói: “Thân xác là tù ngục của linh hồn”. Người ta cho rằng Xác và Hồn như là hai thù địch không đội trời chung. Thế mà nó lại ở ngay trong một con người. Điều đó làm cho người khổ sở, giằng co, không biết làm sao bây giờ.

Người ta còn nói: Con người có ba kẻ thù là Thế gian, Xác thịt và Ma quỉ. Thế gian và ma quỉ thì ta có thể hiểu; còn xác thịt, tại sao lại là kẻ thù của ta. Có thật nó là kẻ thù của ta không?

Xác thịt đó chính là xương là thịt của ta; là cơ thể của ta. Con người có hai phần là xác và hồn. Phần xác là cơ thể bao gồm các giác quan như mắt, mũi, tay, chân; miệng lưỡi và tim gan phèo phổi,…Phần hồn là sự sống của thể xác, ở trong thể xác. Khi hồn lìa xác thì xác thành xác chết, không nhúc nhích, không ngọ ngoạy gì hết. Hồn có các quang năng là suy nghĩ, yêu và điều khiển.

Nếu ta có nhìn gì, có nói gì, có ăn gì, có uống gì, có làm gì hay đi đâu là do quang năng của linh hồn ta quyết định. Mắt chỉ là một giác quan nhìn được nhưng không tự nó muốn nhìn gì thì nhìn; Miệng cũng vậy, không thể tự nó muốn ăn gì; muốn uống gì, muốn nói gì thì nói. Tay cũng không tự nó muốn làm gì thì làm; chân cũng không tự nó muôn đi đâu thì đi. Đó là các giác quan mà linh hồn ta có thể điều khiển được. Còn các nội tạng như tim gan, phèo phổi, bao tử thì tự chúng vận hành dù ta muốn hay không. Ta mà nín thở, nghĩa là không muốn thở thì ta chết ngay thôi.

Như vậy xét về cơ thể học, thì các giác quan, các nội tạng, các cơ bắp, máu thịt là xác thịt của ta, nó không là kẻ thù, không là đối thủ của ta nhưng là bạn hay là đầy tớ của ta mà thôi. Ta sai đâu chúng đánh đó. Khi nó đói, thì nó đòi ăn nhưng ta cho nó ăn gì thì nó ăn đó. Khát thì ta cho uống, uống bao nhiều thì do ta quyết định; vv…

Vậy thì cái gì là kẻ thù của ta đây ?

Thánh Phao-lô có nói: “Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn bình an thánh hóa toàn diện con người anh em, để thân xác, tâm hồn và thần trí anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giê-su Ky-tô, Chúa chúng ta quang lâm”(x.Tx 5,23). Dựa vào câu này mà các tín hữu Tin lành cho rằng con người có ba phần là Thần trí, Tâm hồn và Thân xác. Người Công Giáo thì tin con người có hai phần là Thân Xác và Linh Hồn. “Con người được ban cho một linh hồn bất tử”(GLCG 1703) và “Nhờ có linh hồn với các khả năng tinh thần là ý chí và lý trí, con người được thừa hưởng sự tự do”(GLCG 1705). Thần trí là ý chí và lý trí thuộc về tinh thần, thuộc về linh hồn. Chính THẦN TRÍ này là điều gây rắc rối, gây cản trở cho con người đây.

Trong tiếng Nhật thì phân biệt rất rõ. Thân xác là (体)KA-RA-ĐA; linh hồn là (魂)TA-MA-SHI-I; thần trí là (霊)RE-I. Thần trí: Thần: thuộc về tinh thần; Trí : là ý chí và lý trí; biết suy nghĩ, biết phán đoán và quyết định. Cái TRÍ này có thể theo thân xác hay theo linh hồn. Theo thân xác thì gọi là “Tính xác thịt”; theo linh hồn thì gọi là “theo ý Chúa”. Do có hai sự chọn lựa này mà sinh ra cuộc chiến nội tâm; mới xảy ra cuộc chiến trong con người của ta.

Theo tính xác thịt thì ta muốn dễ dãi; ham danh ham lợi; kiêu căng, ngạo mạn; lười biếng khi không muốn làm; ghen tị khi nhìn người khác; muốn thỏa mãn khi muốn ăn cho đã; muốn ngoi lên khi nói cho sướng miệng, dù là nói hành, nói xấu; noi dai, nói dại; thích của ngọt khi nghe những lời giả dối, nịnh bợ.

Theo ý Chúa thì phải chịu thương chịu khó; kiên trì, sốc vác; khiêm nhường, hạ mình. Sẵn sàng sắn tay áo lên để làm mọi việc dù to hay nhỏ; dù khó hay vất vả. Vui khi thấy người khác thành công và hạnh phúc; ăn uống, ngủ nghỉ có giờ, có giấc và điệu độ. Vươn lên từ đôi bàn tay và khối óc của mình; có nói thì nói ít, nói đủ, nói đúng và nói thật. Thích ăn mặn, biết ngậm đắng nuốt cay; biết nằm gai nếm mật; ngay thẳng, thật thà.

Theo câu của thánh Phao-lô thì “Điều tôi muốn” là điều thuộc về ý Chúa, thuộc về tinh thần, thuộc về hồn, đó là điều bẩm sinh. Bẩm sinh ai cũng muốn làm điều tốt, điều thiện hết. Thế nhưng tôi lại không làm, vì làm được điều đó thì không dễ.

 

“Điều tôi ghét” là điều thuộc về xác thịt, vì ai cũng ghét thói phàm ăn tục uống; ai cũng ghét thói kiêu căng ngạo mạn; ai cũng ghét nói nhiều, nói dai; nói hành nói xấu; ai cũng ghét kẻ nịnh bợ ton hót. Thế nhưng những điều đó lại rất dễ làm, không cần cố gắng học hỏi hay luyện tập gì; cho nên “tôi lại làm”. Chính vì thế mà trong ta có sự giằng co, ta phải làm gì đây?

Trước hết, ta đã rõ, thân xác ta không có liên quan gì đến chuyện đó, nó không là kẻ thù mà là bạn rất thân yêu của ta, nên ta phải giữ gìn cho nó phát triển và khỏe nạnh. Vì “linh hồn mạnh trong một thân xác khỏe mạnh” mà.

Sau là ta phải làm với cái TRÍ và cái CHÍ của ta. Ta phải học hỏi cho biết đâu là thiện đâu là ác; đâu là điều tốt, đâu là điều xấu; đâu là trái, đâu là phải; đâu là chân lý, đâu là “cùn lý”; đâu là ý Chúa, đâu là tính xác thịt, ý của thế gian, mưu kế của ma quỉ. Thứ đến ta phải biện phân chọn cái nào và làm cái nào cho tốt lành. Tốt cho mình và lành cho người khác. Để chọn và thực hành cho chính xác, ta cần phải theo Lời Chúa. Vì Lời Chúa dạy cho ta biết ý Chúa; dạy ta những điều thiện điều tốt; dạy ta chân lý, dạy ta lẽ phải.

Có thế cả xác và hồn ta đều theo ý Chúa, hướng ta về trời và ta sẽ được vào Nước Trời. Nếu có và chắc chắn là có, không nhiều thì ít những giằng co, nhưng chúng sẽ không quyết liệt và xâu xé. Càng luyện tập bao nhiêu thì ta sẽ hướng về linh hồn, hướng về Chúa, hướng về trời bấy nhiêu. Không tập ta sẽ bị tính xác thịt khống chế; bị thế gian chi phối và bị ma quỉ cám dỗ, ta sẽ hướng về đất, hướng về người đời và ta sẽ vào hỏa ngục.

Vậy ta đừng theo thói Nhị Nguyên, chia con người ta làm hai, rồi đặt ma quỉ ngang hàng với Thiên Chúa. Không. Chỉ có một Thiên Chúa làm chủ tất cả; chỉ có một con người duy nhất, hợp nhất là linh hồn ta và thân xác ta. Thân xác của ta cùng chính là ta; linh hồn của ta cũng chính là ta, chứ không phải là ai khác. Ta hãy hoàn thiện con người của ta; hãy hoàn thành cuộc đời của ta trên trần gian này, để mai sau cả xác lẫn hồn ta được vào thiên đàng. Làm sao cho ta không có cuộc chiến nội tâm, nhưng chỉ có một cuộc tiến bước nhịp nhàng cả xác lẫn hồn. Xác và hồn như hai bánh xe, chuyên chở con người và cuộc đời ta, dưới sự điều khiển của Thần Trí ta, nó sẽ chạy bon bon về thiên đàng. Nếu một trong hai bánh bị hư hay cả hai bánh đều xì lốp thì ta sẽ rơi xuống……hỏa ngục.

Ta hãy trở nên người tài xế tài ba biết luật, hiểu luật; can đảm và khéo léo để lái con người và cuộc đời của ta về tới đích, về tới bến bình an.