Của lễ đời người tín hữu công giáo

 “Họ vào nhà thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”(Mt 2,11).

    Ba món quà mà ba nhà Đạo Sĩ dâng Chúa Hài Nhi mang ba ý nghĩa. Dâng vàng mang ý nghĩa Đức Giê-su là Vua; dâng nhũ hương, mang ý nghĩa Đức Giê-su là Chúa và dâng mộc dược mang ý nghĩa Đức Giê-su sẽ chịu chết. Của lễ của người tín hữu công giáo là đức tin, đức cậy và đức mến. Đức tin là vàng; đức cậy là nhũ hương và đức mến là mộc dược. Ba của lễ này, chắc Chúa sẽ thích hơn là ba của lễ của ba nhà Đạo Sĩ.

  1. Đức Tin.

      “Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa; tin tất cả những gì Người nói và mặc khải cho chúng ta cũng như những gì Hội Thánh dạy phải tin vì Thiên Chúa là chân lý” (x.GLCG, số 1814).

     Sống đức tin trong cuộc sống trần gian không phải dễ dàng gì. Thực tế trong cuộc sống, người tín hữu bị thiệt thòi đủ thứ, với trăm chiều thử thách. Như người ta thì đi chơi xả láng, còn ta thì phải đi lễ ngày Chúa Nhật; người ta thì có thể làm đủ mọi việc xấu xa, còn ta thì không; người ta làm điều xấu xa lại được tôn vinh và tôn trọng; còn ta làm điều tốt lại bị dèm pha, chỉ trích; người ta thì chẳng đọc kinh, cầu nguyện, tôn thờ Chúa gì cả, mà vẫn sống phây phây; còn ta thì gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác; vv ………

    Như vàng phải thử lửa để xem vàng thật hay giả thế nào thì đức tin của chúng ta cũng phải chịu thử thách như vậy, để tinh luyện chúng ta; để xem chúng ta tin thờ Chúa thế nào. Vàng phải được thử bằng lửa; đức tin phải có thử thách: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em, là thứ quí hơn vàng gấp bội. Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời ca ngợi và đem lại vinh quang và danh dự. Tuy không thấy Người anh em vẫn yêu mến; tuy chưa giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang. Bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người”(x.1P 7-9).

   Có đức tin mạnh, chúng ta sẽ bền bỉ, bền đỗ và kiên trì cho tới cùng. Chúa Giê-su đã nói: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được ơn cứu thoát” mà (x. Mt 24,13). Có đức tin mạnh chúng ta mới vượt qua mọi cơn thử thách và sẽ gặt được những thành quả tốt đẹp. Thành quả đó là một niềm vui khôn tả; bình an ở đời này và hạnh phúc ở đời sau.

    Không sớm thì muộn; không ở đời thì chắc chắn ở đời sau, Chúa trả lại sự công bằng cho chúng ta; Chúa sẽ bù lại những thiệt thòi cho chúng ta. Đâu có chuyện ăn không của chúng ta được; cũng đâu phải chết là hết đâu.

    Thực tế cũng cho chúng ta thấy được điều đó. Những người lạm dụng chức quyền, tham ô, gian lận trong chính quyền hay giáo quyền, đều bị xét xử và đền trả, dù là Tổng thống hay Thủ tướng; dù là Hồng Y hay Giám Mục; tại vị hay đã về hưu. Tham ô cả tỉ đồng thì phải trả tỉ đồng, lại còn bị mất chức, bị cách chức, bị tù nữa, có vinh quang gì? Có tiền nhiều để làm gì và có chức tước để làm chi? Có hơn khi chẳng có gì mà luôn an bình và hạnh phúc không !!!!

    Còn tôn thờ Chúa mà được sự lành thì hớn hở; gặp sự dữ lại than với trách. Có bằng kẻ trung thành phụng thờ, tin tưởng Chúa dù gặp sự dữ hay sự lành không? Một đứa con phụng dưỡng cha mẹ, vì mong được chia gia tài; không có gia tài thì miễn; có bằng đứa con phụng dưỡng cha mẹ vì lòng hiếu thảo và yêu mến không?

   Đức Giê-su đã nói trong dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những người đã tuyển chọn, ngày đêm kêu cứu Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất này nữa không?(x.Lc 18, 1-8).

    Bởi đó, chúng ta phải luôn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa; chúng ta sẽ luôn luôn được bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Đó là đức tin; đó là của lễ Chúa ưa thích hơn là vàng 9999. Đức tin, đó chính là của lễ của người tín hữu công giáo chúng ta dâng lên Chúa và tuyên xưng Chúa là Vua của chúng ta.

  1. Đức cậy.

    “Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các Lời hứa của Đức Ki-tô và phó thác vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình”(x. GLCG, số 1817).

    “Đức cậy đáp ứng khát vọng hạnh phúc Thiên Chúa đã đặt trong lòng mọi người; đảm nhận các niềm hy vọng gợi hứng cho sinh hoạt của con người; thanh luyện và qui hướng các hy vọng ấy về Nước Trời. Đức cậy bảo vệ chúng ta khỏi thất vọng; nâng đỡ khi ta bị bỏ rơi; giúp ta phấn khởi mong đợi hạnh phúc muôn đời”(x. GLCG, số 1818).

   Nói cách khác, đức cậy giúp chúng ta hy vọng nơi Thiên Chúa chứ không nơi con người, nơi của cải hay tiền của. Chúng ta hy vọng có một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Có cơm ăn áo mặc; có công việc làm hằng ngày làm đủ. Với sự cố gắng, chịu khó và kiên trì của chúng ta, chúng ta hy vọng thu được những kết quả tốt đẹp.

   Sống mà không có hy vọng, làm sao sống vui, sống khỏe được; làm việc mà không có hy vọng làm sao hăng say và nhiệt thành làm được; học mà không có hy vọng làm sao mà chăm chỉ học hành được; thậm chí chơi thể thao mà không có hy vọng, không cố gắng thì làm sao chiến thắng được? Người sống mà không có hy vọng thì chỉ muốn chết thôi.

   Quả thật, niềm hy vọng như hương thơm của cuộc sống; như hương trầm bay lên trước tôn nhan Chúa. Như chúng ta thấy, muốn có hương trầm bay lên thì phải có lửa đốt hay than hồng và hương thơm bay lên, còn tàn nhang sẽ rơi xuống. Tàn nhang rơi xuống, đó là những cố gắng, những hy sinh; những mồ hôi và nước mắt của chúng ta rơi xuống. Lửa hồng đó là lòng nhiệt thành của chúng ta.

   Có thể chúng ta mất hy vọng nơi con người chứ không bao giờ mất hy vọng nơi Thiên Chúa. Khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu là hạnh phúc của đời ta, mà ngay từ bây giờ chúng ta đang sống và chuẩn bị. “Trời đất có qua đi, chứ Lời Chúa không qua đi”(x. Lc 21,33). Thiên Chúa còn mãi và việc sống và thực hiện Lời Chúa sẽ làm cho những việc chúng ta làm không rơi vào quên lãng; đời ta sẽ không trôi đi cách lững lờ và cuộc sống hằng ngày của ta cũng sẽ không qua đi cách hững hờ. Vì chúng ta sống và làm việc có mục đích, có niềm hy vọng và trong sự tin tưởng vào Thiên Chúa.

   Như vậy, đức cậy là nhũ hương, là hương thơm của người tín hữu công giáo chúng ta dâng lên Thiên Chúa.

  1. Đức Mến.

   “Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình”(x. GLCG, số 1822).

    Thánh Phao-lô nói: “Không có đức mến, tôi chẳng là gì. Tất cả những đặc ân, công việc phục vụ hay nhân đức mà không có đức mến chẳng có ích gì cho tôi” (x. 1Cor 13,1-4).

    Như chúng ta biết, mộc dược là để ướp xác người chết, giữ thân xác còn nguyên vẹn không bị hư hoại trong một thời gian dài. Như các Xác Ướp Ai-cập, đã mấy nghìn năm mà vẫn còn nguyên. Mộc dược, đó là hình ảnh của đức mến. Đức Mến như mộc dược ướp con người chúng ta; ướp cuộc sống chúng ta; ướp cuộc đời chúng ta cho khỏi hư hoại về mặt tinh thần và thiêng liêng.

    Nếu chúng ta làm vì lòng mến; chịu đựng, chịu khó vì lòng mến; chịu cực, chịu khổ vì lòng mến, thì tất cả những việc đó sẽ được ướp bằng lòng mến, sẽ tồn tại mãi mãi ở đời này cũng như ở đời sau. Trong bài ca đức mến, thánh Phao-lô nói rõ như sau: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa mà không có đức mến thì tôi cũng chỉ là thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cho thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”(x. 1Cor 13, 1-3).

   Qua đó, chúng ta thấy tầm quan trọng của Đức mến là như thế nào.

     “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc; không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả; tin tưởng tất cả; hy vọng tất cả; chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các thứ tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu thì có ngần; ơn nói tiên tri cũng có hạn. Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”(x.1Cor 13, 4-9,13).

    Nếu chúng ta sống đức mến trong cuộc sống mình như vậy, chúng ta sẽ gặt hái được hoa trái của đức mến. “Hoa trái của đức mến là niềm vui, bình an và lòng thương xót”(x. GLCG, số 1829). Sống trong đức mến; làm trong tình yêu làm sao mà không vui, không bình an, không hạnh phúc !!! Đức mến không bao giờ mất thì sống và làm việc trong đức mến, trong tình yêu cũng không bao giờ mất; nó sẽ tồn tại mãi. Qua đó, chúng ta mới thấy rõ tính mộc dược của đức mến.

    Vậy, chúng ta hãy sống và làm việc trong tình yêu mến, để những việc ta làm sẽ tồn tại mãi mãi.

Kết.

    Của lễ ba nhà Đạo Sĩ dâng lên Chúa Hài Nhi là VÀNG, NHŨ HƯƠNG VÀ MỘC DƯỢC. Của lễ của người tín hữu công giáo chúng ta là ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC MẾN. Qua đức tin, chúng ta tin Đức Giê-su là Vua; qua đức cậy, chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa và qua đức mến, chúng ta nhận được ơn cứu độ với cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Sống đức tin, chúng ta sẽ nên vàng thật 9999; sống đức cậy, chúng ta nên hương thơm dâng lên Thiên Chúa và sống đức mến chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi. Bởi đó, của lễ đời người tín hữu công giáo của chúng ta phải là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

                                                                                                 Lm. Bosco Dương Trung Tín