THÁNH CHARLES DE FOUCAULD

THÁNH CHARLES DE FOUCAULD

(1858-1916)

Từ nhiều năm, người ta mong đợi Giáo Hội phong thánh cho Cha Charles de Foucauld. Tin vui đã đến. Ngày 13.11. 2005, Cha được phong Chân Phước, và 15.5 2022, Giáo Hội tôn vinh Ngài lên Hiển Thánh một vị ẩn tu thánh thiện, chết như vị tử đạo, có tinh thần truyền giáo mạnh mẽ, rao giảng Tin Mừng bằng đời sống khó nghèo. Bước theo Thánh mới của Giáo Hội, các anh chị dòng Tiểu Đệ và Tiểu Muội đang lăn xả để tuyên chứng đức tin giữa mọi tầng lớp dân nghèo. Đúng như tôn chỉ của Dòng : Chúa Kitô Là Tình Yêu (Jésus est Caritas).

  1. Người thiếu niên nơi quê ngoại. (1858-1876)

Charles de Foucauld sinh ngày 15.9.1858, tại Strasbourg, Pháp. Thân phụ là Édouard de Foucauld làm kiểm lâm. Thân mẫu là Élisabeth Beaudet de Morlet, nội trợ. Trong cùng một năm 1864, ông bà thân sinh của Charles đều qua đời. Anh em Charles và Marie mồ côi cha mẹ. Người cô và ông ngoại nhận hai cháu nuôi chăm sóc, ở Saverne. Những ngày vui bên nhà bà cô, để lại ấn tượng tốt về đời sống gia đinh Công Giáo đạo hạnh và kiểu mẫu. Năm 1869, ông ngoại về hưu, nên gia đình di chuyển, sinh sống ở Nancy, Alsace. Ngày 18.4.1872, Charles được xưng tội, rước lễ lần đầu, và chịu phép Thêm Sức, ở Nancy. Charles đi học trường tiểu học Công Giáo Saint-Arbogast và học tiếp lên trung học Strasbourg. Ở trường cậu là học sinh lanh lợi, thông minh, ngoan, nhưng sức khỏe yếu nên đôi khi vắng mặt. Ngày 12.8.1874, Charles đậu Tú tài phần nhất, hạng bình thứ (assez bien).

  1. Mất đức Tin, nhập ngũ xây dựng sự nghiệp (1876-1881)

Từ 1874-1876, về Paris, Charles vào học nội trú trường các cha Dòng Tên. Tháng 8.1875, Charles đậu Tú tài phần hai, xuất sắc điểm sử địa, và rất rành rẽ về Algérie. Theo thời khóa biểu của trường, phải dậy từ 4g30, xem lễ, ca hát, đọc kinh, kỷ luật khắt khe, ăn uống sơ xài, không được ra ngoài. Trong trường, người học trò này khép kín và nhạy cảm bắt đầu trống vắng, và để lấp đầy, cậu bắt đầu làm quen với sách vở nhảm nhí. Hậu quả là vào năm thứ nhất triết học, đức tin anh bị lung lay. Rồi dần dần xa Chúa, đến mất luôn đức tin. Anh xác nhận : ‘‘Con cứ xa Chúa và càng ngày càng xa. Sự sống của con bắt đầu trở nên sự chết.Trong 12 năm tôi sống trong trình trạng đó. Không chối mà không tin Chúa. Vì Ngài không có bằng chứng nào rõ rệt đối với con’’.

Từ đây người thiếu niên trẻ tuổi bị khủng hoảng tinh thần làm anh mất đức tin, nên lao mình vào cuộc ăn chơi trác táng. Không còn lối nào khác, ngày 30.10.1876, Charles thi đậu nhập trường sỹ quan Saint Cyr, mới 18 tuổi. Đối với Anh là quá may, xếp hạng 82 / 112 sinh viên được chọn. Năm 20 tuổi, đang học năm thứ hai trường sỹ quan Saint Cyr, thì ông ngoại qua đời (1878). Anh càng chới với. Biến cố này ảnh hưởng rất mạnh người cháu tài ba.

III. Mạo hiểm ở Algérie và Maroc (1882-1885)

Năm 22 tuổi, năm 1876, Charles tốt nghiệp sỹ quan Saint Cyr, với cấp bậc thiếu úy, và được gửi đi làm việc tại Saumur, Algérie, năm 1882. Năm 1883, Anh mạo hiểm phiêu lưu qua Maroc. Anh muốn chinh phục Maroc, nhưng anh đã bị Maroc chinh phục. Tại Maroc, Anh nhờ người hướng dẫn là Mardochée Abi Serour, sinh viên nghèo. (Charles de Foucauld, JJ Antier. tr. 58-81). Ở đây, qua chứng từ những người Hồi Giáo, Anh thức tỉnh và tự hỏi: “Thiên Chúa có thực hiện hữu hay không? Anh viết : Nhìn nơi họ một đức tin sống động cùng sự liên lỷ kết hợp với Chúa, tôi cảm thấy một cái gì cao cả chân thật hơn các bận tâm trần thế. Hồi Giáo đã đánh động mạnh, sâu xa nơi tôi. Cử chỉ thờ Chúa đó tiếp tục thâm nhập sâu xa hơn nơi Anh, làm cho Anh hăng hái tìm kiếm vị Thiên Chúa tối cao của họ : Tôi tự ép mình học hỏi về đạo đó cùng Thánh Kinh. Nhờ ơn Chúa đánh động, đức tin trong thời thơ ấu được củng cố và canh tân dần dần lại nơi tôi. Ngoài ra, Anh còn thán phục tinh thần huynh đệ của họ. Do đó, Anh muốn trở nên một người anh em của họ. (GXVN. 28. 11.1986, tr. 9)

  1. Trở lại Paris, Người con nay trở về (1886-1888).

Sau khi phiêu bạt giang hồ, năm 1886, trở lại Paris, gia đình không hất hủi, lại đón tiếp Anh rất tử tế và thân mật. Anh có dịp tiếp xúc với nhiều người, thông minh, đạo đức và sống sâu xa tinh thần Kitô giáo. Anh tự hỏi : ‘‘có lẽ đạo này không phi lý như mình nghĩ’’. Có gì thúc đẩy, anh hay đến các nhà thờ. Mặc dầu chưa tin gì, nhưng tại đây anh cảm thấy thoải mái. Từng giờ trong nhà thờ, anh thường nhắc lại lời cầu nguyện : ‘‘Lạy Chúa, nếu Chúa có thật, xin cho con biết Chúa’’. Một ý kiến nảy sinh. Phải tìm hiểu biết về tôn giáo này. Giờ đây cần tìm đến linh mục, xin chỉ dẫn. Sáng 29.10.1886, Charles đến nhà thờ St Augustin, Paris tìm gặp linh mục Henri Huvelin (1838-1910), Giáo sư Cao Đẳng Sư Phạm. Cha đang ngồi tòa giải tội. Sau đối dáp, vị linh mục âu yếm nhìn người thanh niên trụy lạc và nói :Này anh, anh lầm rồi. Còn một trở ngại làm anh không tin, là tâm hồn phải trong sạch. Thôi, hãy quì xuống và khiêm nhượng thú nhận tội lỗi trước mặt Chúa, rồi anh sẽ tin. Chàng thanh niên xua tay phản đối. Do dự, một lúc sau, và cuối cùng anh quì gối, xưng tội và ăn năn sám hối. Ngay sau đó, cha giải tội đã cho anh rước Mình Thánh Chúa luôn. Người thanh niên Charles đã tin và trở nên người thánh thiện. Ngày nay, tại nhà thờ St Augustin, quận 5, bên trái, người ta còn để hình ảnh kỷ niệm nơi chính Charles xưng tội và được ơn hoán cải. Từ đây, Anh được linh mục Huvelin tận tình nâng đỡ và hướng dẫn. Anh Charles de Foucauld đã đổi mới hoàn toàn cuộc đời và sống cho bác ái.

  1. cuộc sống ẩn tu, truyền giáo trong sa mạc (1888-1916)

Sau khi được hoán cải, Anh Charles đã thực sự đi tìm đời sống ẩn tu khổ hạnh, qua các nơi : Tìm Chúa qua Thánh tích ở Jérusalem, Bethlem, Nazareth (1888-1890).Thực tập như thầy khổ tu Xitô (1890-1896). Về Roma một năm (1896-1897). Âm thầm làm vườn cho Dòng Clarisses (1897-1900) (Charles de Foucauld, JJ Antier. tr. 139-156)

Ngày 7.10.1900, Anh đến Dom Martin, vào Notre-Dame-des-Neiges cấm phòng và chuẩn bị nhận các chức thánh. Ngày 23.3.1901, Anh nhận chức Phó tế và thụ phong linh mục, tại giáo phận Viviers, ngày 09.06.1901, tai Dòng Lazariste. (SSđ. tr. 157-163). Giống như Chúa Giêsu, Cha Charles có những năm ẩn tu và những năm công khai truyền giáo và kết thúc bằng hy sinh mạng sống. Sau khi lãnh chức Linh mục, Cha Charles khời sự truyền giáo, đầy gian lao và nguy hiểm: Đầu tiên là ở Benis Abbès (1900-1902). Làm quen và thực sự sống giữa sa mạc Sahara (1903-1904). Đến Tamanrasset nguy hiểm hơn (1905). Xây tịch liêu ở Touareg, chiêu mộ tu sinh (1905-1908). Thân một mình (1908-1909). Cô đơn ở Asekrem (1911-1924). Bị hăm dọa từ miền Đông (1915-1916)

Ngày 10.9.1901, Cha xin qua sống trong sa mạc miền khô cằn Bénis-Abbès, tại Algérie. Đến Alger Cha tạm trú tại nhà các Cha Dòng Áo Trắng ít lâu. Với tư cách là cựu sỹ quan, Cha nhờ một số sỹ quan Pháp giúp đỡ, Cha xây dựng cơ sở đầu tiên, với diện tích đất 9 mẫu. Đời sống trong sa mạc, được Cha viết lại cho một đan sỹ : Phải bước vào sa mạc và dừng lại để lãnh nhận ơn thánh. Tại đây chúng ta có thể loại bỏ tất cả những gì không thuộc về Ngài. Tâm hồn chúng ta cần có bầu khí thinh lặng và tĩnh mịch, cần quên đi tạo vật để Thiên Chúa có thể thiết lập vương quốc Ngài, và vun trồng nơi chúng ta đời sống nội tâm thân mật với Ngài. Tâm hồn chúng ta có thể đàm đạo chuyện vãn với Ngài trong đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Nội tâm chúng ta càng được thao luyện bao nhiêu, sau này càng mang lại hoa trái bấy nhiêu. (Chúa là Tình Yêu. tr.41).

Ngày 27.5.1903, qua trung gian của hai cha Dòng Áo Trắng khám phá ra khu mới đông người ở. Ngã ba giữa Algérie, Maroc và Sahara. Cha Charles đến làm quen rồi sinh sống với họ. Đây là nơi quân đội Pháp thường qua lại. Họ sống có qui củ thành làng và chỉ biết có trời, không biết gì về Thiên Chúa.

Sau đó, ngày 11.8.1905, Cha chuyển qua sa mạc Tamanrasset. Bắt đầu từ miền hoang vu nóng bỏng cát trắng. Cha may mắn gặp bạn cũ học ở Saint-Cyr là tướng Lyautey, người đạo đức rất tốt. Cha bắt đầu bị bệnh, mệt mỏi và cô đơn. Cha bị người ta gán ghép cho là ‘‘thầy phù thủy’’ và tìm cách hãm hại. Đã có lần Cha bị thương dọc đường. Ông đề nghị cho lính hộ tống Cha đi đó đây. Nhưng Cha từ chối, thích đi một mình. Tại đây, thiếu tá Laperrine đã giúp Cha dựng nhà tường đất, mái lá. Đặc biệt Cha có Paul Embarek, giáo lý viên đắc lực và tận tâm giúp phụng vụ. Anh là người nô lệ đen, đã được Cha chuộc từ Soudan về. Ngoài ra, Cha cũng gặp bác sỹ Béraud, chăm sóc sức khỏe. Riêng ĐC Guérin Giám Mục Sahara, người đã nâng đỡ tinh thần và khuyên nhủ Cha Charles trong lúc cô đơn. (Charles de Foucauld. JJ Aantier, tr. 206-227)

Những ngày tại sa mạc, Cha say mê tìm đến với những người du mục sống trong hoang địa, làm quen, học tiếng của họ. Cha đã dịch Phúc Âm ra tiếng? Rập. Ban ngày cha giúp đỡ họ những công việc cần và chiều tối một mình về nhà suy gẫm. Cha không thuyết phục họ theo Đạo, nhưng cố nêu cao đời sống tông đồ bác ái. Chính nơi đây, lòng nhiệt thành của Cha Chúa đã đón nhận như của lễ hy sinh.

  1. Như của lễ hy sinh vào cuối đời

Ngày 1.12.1916, khi trời vừa tối, khoảng 40 người đến vây quanh khu Tamarasset, sa mạc Sahara, nơi Cha Charles de Foucauld mới đến cư ngụ được 5 tháng. Họ là những người Touareges ở Ajjer, nổi lên chống lại người Pháp. Họ có nhiệm vụ bắt cóc ‘‘thầy bùa ngải’’ mà họ nhắm và gán ghép vào Cha Charles, đã sinh sống ở vùng này hơn 10 năm. Họ nghĩ rằng phải giết hoặc bắt làm con tin người Âu Châu này, vì Cha có ảnh hưởng nhiều đến các thủ lãnh bản xứ. Đó là ý định của nhóm nhỏ thuộc nhóm ‘‘thánh chiến’’ của Hội tôn giáo của Senoussiya ở Fezzan, miền Lybie.

Những người Touareges bất bạo động, đã dùng khoảng 30 khẩu súng, của quân đội Pháp để lại cho dân làng, có nhiệm vụ tự vệ. Nhóm Touareges bắt ép đem theo vợ chồng Paul Embarek, đã quen lối sinh sống của Cha làm chỉ điểm, đến gõ cửa nhà Cha.

Hôm ấy, cha Charles một mình sống trong tịch liêu. Như thường lệ, anh Lazaoui ben Aâmdour, người thường dân?Ả Rập phát thơ, từ chiều hôm trước, đến trao cho Cha 8 lá thơ, rồi nhận thơ mới của Cha đi gửi. Các thơ Cha nhận có : ba thơ của chị họ Marie, một của anh rể Raymond de Blic, hai của Laperrine, hai của Masssignon và một của Saint-Léger. Ngay sáng đó, Cha đã trả lời đầy đủ cho từng người (thơ chưa gửi đi). Đang khi Cha Charles đợi người đem thơ về, thường vào chiều.

Ba người đến trước cửa tịch liêu, đứng sẵn ngoài cửa là : El Madani, Mohammed agg Akda d’Iherir và Elghlem agg Afekou ở Ayt Loayen. El Madani gõ cửa. Cha ra mở và khi Cha mới thò một tay ra ngoài cửa. Lập tức Madani nắm, kéo tay Cha. Cha rị lại. Lập tức, hai người kia xông vào và kéo Cha ra ngoài. Họ trói hai tay Cha lại phía sau lưng, bắt qùi xuống và chất vấn. Cha vẫn thinh lặng. Rồi họ để Cha cho cậu bé Sermi ag Tora, 15 tuổi canh giữ Cha. Còn họ vào trong lục soát đồ đạc…

Bỗng có báo động hô lên. Những người A Rập cỡi lạc đà ào ào tới. Thế là có tiếng súng nổ vang lên. Không biết họ có bao nhiêu? Cha có cựa quạy để cởi trói không? Vì sợ Cha trốn chạy, cậu Sermi chỉ để miệng súng vào dưới tai trái của Cha, như để hăm dọa. Trong lúc hốt hoảng súng nổ, viên đạn đâm thâu mắt trái của Cha và đầu đạn cắm vào tường. Cha nằm sóng sượt trên mặt đất. Máu chảy lai láng, Cha chết không kịp nói. Cậu Sermi cùng đồng bọn bỏ chạy. Sau chốc lát vụ nổ súng của nhóm Touareges, nhóm lính Ả Rập bạn Cha mới tới. Sáng hôm sau, người ta thấy người mang thơ cũng bị giết. Thi hài Cha được chôn cất vội vàng sơ sài trong một rãnh bờ cát gần nhà. Từ 1929, ngôi mộ của Cha đặt ở El Goléa, giữa đồng cát trống. (Frère Charles de Foucauld, tr.38). Cha Charles de Foucauld qua đời giữa cuộc thế chiến và đầy bạo loạn. Cha bị sát hại tại Hoggar, miền nóng bỏng của sa mạc Tamanrasset. Như một vị tử đạo. (Fêtes et Saisons. No. 386, Juin Juillet. 1984, tr. 4; La Mort de Charles de Fioucauld, tr. 102-104, 137-142, 172-181). Ba tuần sau khi Cha qua đời, người ta tìm thấy Chén và Mình Thánh Chúa chôn vùi dưới cát nơi Cha bị giết. (GXVN, số 28. 11-1986. tr. 8).(La Mort de Charles de Foucauld, tr. 160. Chúa là Tình Yêu. tr. 73). 15 năm trước khi từ trần, Cha đã viết : Hãy sống ngày hôm nay như tôi phải tử đạo chiều nay (Vivre aujourd’hui comme si je devais mourir ce soir. Martyr.).

Phép lạ nhờ lời cầu bầu của thánh nhân

Trưa 4.3.2003, ĐHY Dionigi Tettamanzu, TGM Milan, bắc Ý đã chủ sự nghi thức kết thúc tiến trình điều tra cấp giáo phận về một phép lạ nhờ lời cầu bầu của cha Charles de Foucauld. Tham dự có bà Giovanna, 46 tuổi, sinh quán tại Desio, gần Milan, bà bị ung thư xương và vú, được khỏi một cách kỳ lạ, năm 1984. (TTĐM. Số 304, 4-2003. tr.53). Ngày 20.12.2004, ĐHY Von Galen, công bố công nhận phép lạ trên và loan báo sẽ phong chân phước cho Cha Charles de Foucauld vào trong năm 2005.

VII. thành lập Dòng của Cha Charles de Foucauld

Sau cái chết của Cha Charles de Foucauld (1916), tưởng là những hy sinh cao cả và cuộc đời đạo đức thánh thiện của Ngài sẽ đi vào quên lãng. Nhưng Ngài như hạt giống đã chôn vùi chờ ngày trổ sinh hoa trái. Quả thật, Cha Charles de Foucauld là người cha của các dòng Tiểu Muội cho Nữ và Tiểu Đệ cho Nam, một dòng hoạt động và phát triển mạnh trên thế giới. Năm 1933, Ngành Nam do Cha René Voillaume thành lập. Còn ngành Nữ do Chị Magdeleine lập năm 1939. Toàn thế giới có 1.324 Tiểu Muội và 1.286 Tiểu Đệ.

Người khởi sự và lập Dòng

Cha Charles de Foucauld muốn thiết lập Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, nhưng không ai chịu theo. Mãi đến năm 1933, sau 17 năm Cha qua đời mới có người khởi sự đứng ra lập Dòng cho Nam, và năm 1939 Dòng

cho Nữ :

  1. Ngành Nam

Tiểu Đệ, do Cha René Voillaume, người Pháp, lập năm 1933. Cùng với 5 linh mục thuộc giáo phận Paris, các Cha lập một nhà đầu tiên ở El Abiod sidi Cheikh, Algérie. Dòng có hai loại : linh mục và tu sỹ

Ban đầu, mới có nhóm nhỏ gồm linh mục, tu sy và giáo dân tu họp trao đổi tư tưởng của Cha Charles de Foucauld, như tưởng niệm. Năm 1917, nhóm này do sinh viên Louis Masaignon đứng đầu, hoạt động như ‘‘hiệp hội’’, được phép của Tòa Thánh. Trong đó có đại chủng sinh chủng viện Issy les Moulineaux là René Voillaume, sau làm linh mục. Được phép của bề trên, René đem chia sẻ và phổ biến cho các bạn khác trong chủng viện.

Châm ngôn và mục đích : Bắt chước và sống như Chúa Giêsu ở Nazareth

Chúa Giêsu sống ẩn dật tại Nazareth 30 năm. Một cuộc đời bình thường của mọi người, của người nghèo lẫn thợ thuyền. Đây là con đường vạch ra cho những ai muốn hiến dâng cho Thiên Chúa. Con đường dẫn đến Chúa Cha, đến Ơn Cứu Độ. Khi sống như người thợ ở Nazareth, một người nghèo giữa người nghèo, Chúa Giêsu bắt đầu công cuộc cứu rỗi của mình. Những gì Ngài giảng dạy trong 3 năm, thì Ngài sống, thực hiện trong 30 năm.

Đời sống của anh em Tiểu Đệ

Như Chúa Giêsu Nazareth, Anh Charles và các Tiểu Đệ được kêu gọi sống đời bình thường cho Thiên Chúa và cho hết mọi người, nhưng thi?n cảm với những người bị bỏ rơi trong xã hội. Anh em đến với họ không để giảng dạy, nhưng để sống giữa họ, và chia sẻ thân phận với họ. Trở nên người anh em dịu hiền. Tự kiếm kế sinh nhai bên cạnh người lao động.

Anh em Tiểu Đệ sống thành cộng đoàn nhỏ là nhà Huynh Đệ. Một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ như những nhà khác, trong hoàn cảnh đa dạng : với những người nông dân, thợ thuyền, bệnh tật, già yếu, hay bị bỏ rơi.

Quan trọng hơn, đời sống thiêng liêng của Tiểu Đệ phải sống chiêm niệm giữa đời và gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể. (GHCGVN. Niên Giám 2004. ttr. 328-329). Nhà chính Tiểu Đệ ở Pháp : Congrégation des Petits Frères de Jésus, 22 rue Tapis Vert. Marseille. France (VNCG. Niên Giám 1964, tr.433).

  1. Ngành Nữ

Tiểu Muội, do cô Elisabeth Hutin, người Pháp, sau làm bề trên tổng quyền mãn đời gọi là Magdeleine de Jésus (1898-1989), thành lập năm 1939.

Tinh thần và lịch sử, công trình lập Dòng chị Magdeleine viết : Chúa đã nắm tay tôi và tôi nhắm mắt bước đi theo Ngài…Trong cảnh bề ngoài hoàn toàn u tối và tất cả mọi phương tiện nhân sự đều vắng bóng. Nhưng với lòng tin cậy vô bờ bến vào sức toàn năng của Chúa Giêsu. Chính Ngài là Thầy những gì mà sức người không làm nổi..

Chúa đã chọn Chị và trao phó công việc : Ngài đã chuẩn bị tôi từ thời thơ ấu, và đã kêu gọi tôi theo Ngài, chắc chắn ngay khi tôi bước vào tuổi có trí khôn. Ngài đã gieo vào lòng tôi yêu mến Châu Phi, đồng thời cũng làm tôi yêu chuộng những người bé nhỏ nhất, nghèo nàn nhất và bị bỏ rơi nhất.

Chị Magdeleine đã lập Huynh Đoàn các Tiểu Muội Chúa Giêsu, ngày 8.9.1939, tại Touggourt, sa mạc Sahara, bên Algérie. Sau hai năm lập dòng, Chị kể lại cảm nghĩ ban đầu : Chúa theo đuổi tôi với câu nói này : ngài đã gửi họ đi từng hai người một đến các phố làng mạc’’. Câu nói ấy là kỷ niệm tản mát của các Tông Đồ. Tôi thấy các Tiểu Muội ở khắp nơi cùng lúc, gieo rắc tình thương như một tia sáng thật nhỏ. Mặc dầu các chị đầy khuyết điểm, hèn kém. Tôi thấy chính mình đang làm lan rộng ngọn lửa Chúa ủy thác. Tôi chẳng có gì đẹp hoặc tốt, mà chỉ có ngọn đuốc đang cháy. Tôi phải mang nó đi khắp nơi. Nó sẽ khêu dậy và bừng sáng khi tỏa lan và truyền được sức sống.

Điểm nổi bật nơi con người Magdeleine là chất chứa tình yêu Chúa Kitiô nóng bỏng. Tinh yêu này thúc đẩy Chị không ngừng đi đến với những người nghèo khổ nhất, những người bị bỏ rơi ở khắp nơi. Qua họ, từ tình bạn, trao truyền tình yêu thương dịu hiền của Thiên Chúa (Sđd. tr 5). Nhà chính của Tiểu Muội ở Ý: via di Aque Salvie 2, Tre Fontaine. 00142. Roma. Italia.

VIII. 150 năm sau, như hạt giống cần mục nát

Cha Charles de Foucauld như cây chính có hai nhánh là Cha René Voillaume và Chị Magdeleine. Từ gốc chính này, đã sinh hoa quả rờm rà tỏa bóng mát khắp nơi.

Gia đình thiêng liêng của Cha Charles de Foucauld có 11 Dòng: 6 nữ và 5 nam (Congrégations) và 10 hiệp hội (Associations) và 18 gia đình (Familles). Tờ báo chung là Jesus Caritas, phát hành 3 tháng một lần.

Các nhà Dòng của Cha Charles có mặt ở khắp nơi, như : Hong Kong, Iraq, Syrie, Afrique, Ukraine, BaLan, Áo, Mỹ Châu La Tinh, Pakistan,?n Độ, Egypte, Maroc, Thụy Sỹ. Ý, Pháp : Aix en Provence, Marseille, Bagnolet, Rennes, Việt Nam

Hiện có nhiều người trẻ Vìệt Nam, cả nam lẫn nữ đang tu và hoạt động trong Dòng này, ở ngay Việt Nam và ngoại quốc. Tại hải ngoại có 10 chị đang hoạt động tại Ý, Pháp, Úc, Giêrusalem

Tại Việt Nam có cả Tiểu Đệ và Tiểu Muội.

Dòng Tiểu Muội có mặt tại Việt Nam từ 1953,.

Châm ngôn : Giêsu Tình Yêu. Đặc sủng : Chiêm niệm giữa đời theo tinh thần con trẻ của Tin Mừng. Hoạt động : sống đời thường như Chúa Giêsu Nazareth. Bổn mạng lễ Giáng Sinh 12-12. Địa chỉ liên lạc: 25/ 4 Phan Văn Hân, Q. Bình Thạnh. TP Hồ Chí Minh. Bề trên là Matta Emmanuelle Nguyễn thi Nguyệt Ánh. (GHCGVN Niên Giám. Tr. 374)

Dòng Tiểu Đệ có mặt tại VN từ 1954, nhà đầu tiên ở Bàn Cờ, Sài gòn. Hiến pháp được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1968. Châm ngôn và mục đích : Bắt chước Chúa Giêsu Nazareth. Bổn Mạng là lễ Giáng Sinh, 25-12. Hoạt động : Kiếm kế sinh nhai bằng lao động, đến và chia sẻ với những người nghèo. Địa chỉ liên lạc : 243/48 Tôn Thất Thuyết, Q 4, TP Hồ Chí Minh. (GHCGVN Niên Giám. Tr. 328). Việt Nam có ĐTGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, nhập Dòng năm 1955.

Các chứng từ để kết luận

Xin chọn lời của hai Đức Giáo Hoàng nói về Cha Charles de Foucauld:

Thánh GH Phaolô VI đã viết trong thông điệp Populorum progressio (26-3-1967) : Cha Charles de Foucauld là vị truyền giáo bằng bác ái, là gương mẫu anh em sống đại đồng, luôn hướng dẫn mặt tu đức. Thánh GH Gioan Phaolô II đã 5 lần (1980, 1983, 1984, 1991 và 1994) nói về con người và tinh thần của Cha Charles : Nhờ Cha Chrales mà có đối thoại với người thổ dân du mục để dễ rao giảng Tin Mừng. Cha Charles xứng đáng là vị truyền giáo lớn như François d’Assisie, như Matteo Ricci. Trong thế kỷ chúng ta, có nhiều người biết đến đạo Chúa là nhờ Cha Charles, nêu gương đơn nghèo, kết hợp với Thiên Chúa, sống bác ái, huynh đệ, và yêu thương (4-1984). (Sđd. tr. 306)

Ngày nay, biết bao nhiêu người trẻ, tại nhiều nơi trên thế giới, không biết mệt mỏi theo gương Thánh Charles de Foucauld, làm tròn bổn phận với Chúa, với Giáo Hội và giữ đúng tinh thần trách nhiệm liên đới với anh em chung quanh.

Những dòng trên chưa khám phá được hết những hoạt động của người chứng nhân đạo Bác Ái, đạo Yêu Thương Thiên Chúa. Sống tinh thần Phục Sinh là cần phải canh tân và hòa giải. Thiết nghĩ không gì bằng đến với Chúa nhân từ trong tòa giải tội.? đây, Ngài sẽ rửa sạch tâm hồn và khoác lại cho chúng ta chiếc áo trắng ngày Phục Sinh. Chiếc áo này sẽ là bằng chứng tình yêu không hề phai giữa chúng ta với Ngài và sự liên kết bền chặt với anh em.

Tài Liệu THAM KHẢO

Jean Jacques ANTIER: Charles de Foucauld, Ferrin, Paris 2004

NHÂN NGÀY TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚIーSỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội, là ngày thế giới duy nhất được Công đồng Vatican II thiết lập trong Sắc Lệnh Inter Mirifica vào năm 1963. Theo lời khuyên của các giám mục trên thế giới, Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội được cử hành vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Trong năm 2022 này, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là ngày 29 Tháng Năm.

Văn bản Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội được công bố vào ngày 24 tháng Giêng hàng năm, nhân lễ Thánh Phanxicô đệ Salê, là bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội năm nay là “Lắng nghe bằng trái tim”.

Lắng nghe bằng trái tim

Anh chị em thân mến,

Năm ngoái, chúng ta đã suy tư về nhu cầu “Hãy Đến Và Xem” để khám phá thực tế và có thể kể lại nó bắt đầu bằng việc trải nghiệm các sự kiện và gặp gỡ mọi người. Tiếp tục với nội dung này, bây giờ tôi muốn hướng sự chú ý đến một từ khác, “lắng nghe”, từ này mang tính quyết định trong ngữ pháp giao tiếp và là điều kiện để đối thoại chân thực.

Trên thực tế, chúng ta đang mất khả năng lắng nghe những người trước mặt, cả trong quá trình bình thường của các mối quan hệ hàng ngày và khi tranh luận về các vấn đề quan trọng nhất của đời sống dân sự. Đồng thời, lắng nghe đang trải qua một bước phát triển mới quan trọng trong lĩnh vực truyền thông và thông tin thông qua các podcast và tin nhắn âm thanh khác nhau có sẵn nhằm khẳng định rằng lắng nghe vẫn là điều cần thiết trong giao tiếp của con người.

Một bác sĩ đáng kính, quen chữa trị những vết thương tâm hồn, từng được hỏi đâu là nhu cầu lớn nhất của con người. Anh ấy trả lời rằng: đó là “Mong muốn vô bờ bến để được lắng nghe”. Đó là một mong muốn thường bị che giấu, nhưng điều đó thách thức bất cứ ai được kêu gọi trở thành nhà giáo dục hoặc nhà đào tạo, hoặc những người thực hiện vai trò giao tiếp: cha mẹ và thầy cô giáo, mục tử và các nhân viên mục vụ, chuyên gia truyền thông và những người khác đang thực hiện dịch vụ xã hội hoặc chính trị.

Lắng nghe bằng trái tim

Từ những trang Kinh thánh, chúng ta biết rằng lắng nghe không chỉ có nghĩa là cảm nhận âm thanh, mà về cơ bản được liên kết với mối quan hệ đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người. “Shema ‘Israel – Hỡi Israel, hãy nghe” (Đnl 6: 4), lời mở đầu này của điều răn thứ nhất trong Sách Luật [Torah – Năm cuốn đầu tiên của Cựu Ước – chú thích của người dịch], liên tục được nhắc lại trong Kinh thánh, đến mức thánh Phaolô khẳng định rằng “đức tin có được nhờ lắng nghe”. (xem Rm 10:17). Thực ra, sáng kiến là của Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta và chúng ta đáp lại bằng cách lắng nghe Ngài. Cuối cùng, ngay cả sự lắng nghe này cũng xuất phát từ ân sủng của Người, như trường hợp của đứa trẻ sơ sinh đáp lại ánh mắt và giọng nói của cha mẹ mình. Trong năm giác quan, giác quan được Thiên Chúa ưu ái dường như là thính giác, có lẽ vì nó ít tọc mạch hơn, kín đáo hơn thị giác, và do đó, con người được tự do hơn.

Lắng nghe tương ứng với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa. Đó là hành động để Thiên Chúa có thể bày tỏ mình là Đấng, bằng cách nói ra, đã tạo ra người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài, và bằng cách lắng nghe nhìn nhận họ là đối tác của Ngài trong cuộc đối thoại. Thiên Chúa yêu thương loài người: đó là lý do tại sao Ngài ngỏ lời với họ, và tại sao Ngài “nghiêng tai” để lắng nghe họ.

Ngược lại, con người có xu hướng trốn tránh các mối quan hệ, quay lưng lại và “bịt tai” để không cần phải lắng nghe. Việc từ chối lắng nghe cuối cùng thường trở thành hung hăng đối với người kia, như đã xảy ra với những người đang nghe phó tế Stêphanô. Họ bịt tai lại, và tất cả đều quay lưng lại với ông (xem Cv 7:57).

Vì vậy, một mặt, Thiên Chúa luôn luôn bày tỏ chính mình bằng cách giao tiếp một cách nhưng không; và mặt khác, những người nam nữ được yêu cầu cởi mở, sẵn sàng lắng nghe. Chúa gọi con người một cách rõ ràng vào giao ước yêu thương, để họ có thể trở nên trọn vẹn như họ là: đó là hình ảnh và sự giống như Thiên Chúa trong khả năng lắng nghe, đón nhận và nhường không gian cho người khác. Về cơ bản, lắng nghe là một chiều kích của tình yêu.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đánh giá phẩm chất lắng nghe của họ. “Anh em hãy để ý đến cách thức anh em nghe” (Lc 8:18): đây là điều Người khuyên họ làm sau khi kể lại dụ ngôn người gieo giống, để làm rõ rằng chỉ nghe thôi là chưa đủ, mà cần phải chăm chú lắng nghe cẩn thận. Chỉ những ai đón nhận Lời Chúa với tấm lòng “lương thiện” và trung thành tuân giữ thì mới sinh hoa kết quả là sự sống và ơn cứu độ (x. Lc 8:15). Chú ý đến người mà chúng ta lắng nghe, những gì chúng ta lắng nghe và cách chúng ta lắng nghe, chúng ta mới có thể phát triển trong nghệ thuật giao tiếp. Trọng tâm của nghệ thuật ấy không phải là lý thuyết hay kỹ thuật, mà là “sự cởi mở của trái tim, làm cho sự gần gũi trở nên khả thi”(xem Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 171).

Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng nhiều khi ngay cả những người có thính giác hoàn hảo cũng không thể nghe thấy một người khác. Trên thực tế, có một bệnh điếc nội tạng tồi tệ hơn điếc thể chất. Thật vậy, việc lắng nghe liên quan đến toàn bộ con người, chứ không chỉ cảm giác nghe. Vị trí thực sự của lắng nghe là trái tim. Dù còn rất trẻ, Vua Salômôn đã tỏ ra mình khôn ngoan vì ông đã cầu xin Chúa ban cho ông một “trái tim biết lắng nghe” (xem 1 Các Vua 3: 9). Thánh Augustinô đã từng khuyến khích chúng ta lắng nghe bằng trái tim (corde audire), đón nhận những lời nói không phải bằng tai, nhưng bằng tâm linh trong tâm hồn chúng ta: “Đừng đặt tim mình nơi đôi tai, nhưng hãy đặt đôi tai trong tim mình”. [1] Thánh Phanxicô thành Assisi đã khuyến khích anh em của mình “hãy nghiêng về đôi tai tâm hồn”. [2]

Do đó, khi tìm kiếm sự giao tiếp thực sự, kiểu lắng nghe đầu tiên cần được khám phá lại là lắng nghe bản thân, những nhu cầu chân thật nhất của bản thân, những nhu cầu được khắc sâu trong tâm hồn mỗi người. Và chúng ta chỉ có thể bắt đầu bằng cách lắng nghe điều khiến chúng ta trở nên độc nhất trong sáng tạo: đó là mong muốn được ở trong mối quan hệ với Chúa và với những người khác. Chúng ta không được tạo ra để sống tách biệt như các nguyên tử, nhưng sống cùng nhau.

Lắng nghe như một điều kiện để giao tiếp tốt

Có một kiểu nghe không hẳn là nghe mà ngược lại: đó là nghe trộm. Trên thực tế, việc nghe lén và theo dõi, bóc lột người khác vì lợi ích của chúng ta là một cám dỗ luôn hiện hữu mà ngày nay dường như đã trở nên gay gắt hơn trong thời đại mạng xã hội. Thay vào đó, điều đặc biệt làm cho giao tiếp trở nên tốt đẹp và hoàn toàn mang tính nhân văn là lắng nghe người đối diện với chúng ta, mặt đối mặt, lắng nghe người khác mà chúng ta tiếp cận với sự cởi mở công bằng, tự tin và trung thực.

Thật không may, việc thiếu sự lắng nghe mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày cũng thể hiện rõ trong cuộc sống công cộng, nơi mà thay vì lắng nghe nhau, chúng ta thường “ci si parla addosso” – “nói chuyện qua lại”. Đây là một triệu chứng của thực tế rằng, thay vì tìm kiếm sự thật và điều lành, người ta tìm kiếm sự đồng thuận; thay vì lắng nghe, người ta chú ý đến khán giả. Ngược lại, giao tiếp tốt không cố gắng gây ấn tượng với công chúng bằng một câu nói chụp mũ, với mục đích chế giễu người kia, nhưng hãy chú ý đến lý do của người kia và cố gắng nắm bắt sự phức tạp của thực tế. Thật đáng buồn khi, ngay cả trong Giáo Hội, sự liên kết về ý thức hệ đã hình thành và sự lắng nghe biến mất, làm gia tăng sự chống đối vô ích.

Trong thực tế, trong nhiều cuộc đối thoại, chúng ta không giao tiếp gì cả. Chúng ta chỉ đơn giản là đợi người kia nói xong là áp đặt quan điểm của mình. Trong những tình huống này, như nhà triết học Abraham Kaplan lưu ý, [3] đối thoại là một cuộc song thoại: một cuộc độc thoại bằng hai giọng nói. Tuy nhiên, trong giao tiếp thực sự, “tôi” và “bạn” đều “di chuyển ra ngoài”, tiếp cận với nhau.

Vì vậy, lắng nghe là thành phần không thể thiếu đầu tiên của đối thoại và giao tiếp tốt. Giao tiếp không thể diễn ra nếu không biết lắng nghe, và không có một nền ngôn luận tốt nếu không có khả năng lắng nghe. Để cung cấp thông tin chắc chắn, cân bằng và đầy đủ, cần phải lắng nghe trong một thời gian dài. Để kể lại một sự kiện hoặc mô tả một trải nghiệm trong việc tường thuật tin tức, điều cần thiết là phải biết cách lắng nghe, sẵn sàng thay đổi ý kiến và thay đổi những giả định ban đầu của mình.

Chỉ bằng cách gạt những lời độc thoại sang một bên thì sự hài hòa của giọng nói mới bảo đảm cho giao tiếp thực sự có thể đạt được. Việc lắng nghe một số nguồn, chứ “không dừng lại ở quán rượu đầu tiên” – như các chuyên gia trong lĩnh vực này dạy chúng ta – bảo đảm độ tin cậy và nghiêm túc của thông tin chúng ta truyền tải. Lắng nghe nhiều giọng nói, lắng nghe lẫn nhau, ngay cả trong Giáo Hội, giữa các anh chị em với nhau, cho phép chúng ta thực hiện nghệ thuật phân định, vốn luôn xuất hiện như khả năng tự định hướng trong một bản giao hưởng các tiếng nói.

Nhưng tại sao phải đối mặt với việc cố gắng lắng nghe? Một nhà ngoại giao vĩ đại của Tòa thánh, Đức Hồng Y Agostino Casaroli, từng nói về “sự kiên nhẫn tử đạo” cần phải lắng nghe và được lắng nghe trong các cuộc đàm phán với các bên khó khăn nhất, để đạt được lợi ích lớn nhất có thể trong tình trạng hạn chế về tự do. Nhưng ngay cả trong những tình huống ít khó khăn hơn, việc lắng nghe luôn đòi hỏi đức tính kiên nhẫn, cùng với khả năng cho phép bản thân ngạc nhiên trước sự thật, dù chỉ là một mảnh vụn của sự thật, nơi người mà chúng ta đang lắng nghe. Chỉ có sự ngạc nhiên mới mang lại kiến thức. Tôi nghĩ đến sự tò mò vô hạn của những đứa trẻ luôn mở to mắt nhìn thế giới xung quanh. Lắng nghe với khung tâm trí này – tức là với sự kinh ngạc của đứa trẻ đang nhận thức về người lớn – luôn luôn làm ta phong phú bởi vì sẽ luôn có điều gì đó, dù nhỏ, mà tôi có thể học hỏi từ người kia và cho phép đơm hoa kết trái trong cuộc sống của chính mình.

Khả năng lắng nghe xã hội có giá trị hơn bao giờ hết trong thời điểm đang bị tổn thương này bởi đại dịch kéo dài. Quá nhiều sự ngờ vực tích lũy trước đây đối với “thông tin chính thức” cũng đã gây ra một “bệnh dịch”, trong đó thế giới thông tin đang ngày càng đấu tranh để trở nên đáng tin cậy và minh bạch. Chúng ta cần lắng nghe và lắng nghe một cách sâu sắc, đặc biệt là đối với những bất an xã hội tăng cao bởi sự suy thoái hoặc ngừng hoạt động của nhiều hoạt động kinh tế.

Thực tế của việc cưỡng bức di cư cũng là một vấn đề phức tạp và không ai có sẵn một phương dược để giải quyết nó. Tôi xin nhắc lại rằng, để vượt qua những định kiến về người di cư và làm tan chảy sự chai sạn của trái tim chúng ta, chúng ta nên cố gắng lắng nghe câu chuyện của họ. Hãy cho mỗi người trong số họ một cái tên và một câu chuyện. Nhiều nhà báo giỏi đã làm được điều này. Và nhiều người khác cũng muốn làm điều đó, giá mà họ có thể. Chúng ta hãy khuyến khích họ! Chúng ta hãy cùng lắng nghe những câu chuyện này nhé! Mọi người sau đó sẽ được tự do ủng hộ các chính sách di cư mà họ cho là phù hợp nhất đối với đất nước của họ. Nhưng trong mọi trường hợp, trước mắt chúng ta không phải là những con số, không phải là những kẻ xâm lược nguy hiểm, mà là những khuôn mặt và những câu chuyện, những ánh mắt, những mong đợi và những đau khổ của những người nam nữ thực sự để chúng ta lắng nghe.

Lắng nghe nhau trong Giáo Hội

Trong Giáo Hội cũng vậy, rất cần lắng nghe lẫn nhau. Đó là món quà cuộc sống quý giá nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau. “Các tín hữu Kitô đã quên rằng sứ vụ lắng nghe đã được giao cho họ bởi chính Người là Đấng lắng nghe vĩ đại và là Đấng mà họ nên chia sẻ công việc. Chúng ta nên nghe bằng tai của Thiên Chúa để có thể nói lời của Thiên Chúa” [4]. Thành ra, nhà thần học Tin lành Dietrich Bonhoeffer nhắc nhở chúng ta rằng sự phục vụ đầu tiên mà chúng ta có đối với người khác trong sự hiệp thông bao gồm việc lắng nghe họ. Ai không biết lắng nghe anh chị em mình thì chẳng bao lâu nữa sẽ không thể nghe Thiên Chúa được nữa. [5]

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động mục vụ là “tông đồ của đôi tai” – lắng nghe trước khi nói, như Tông đồ Giacôbê khuyên chúng ta: “Mọi người hãy mau nghe, và hãy chậm nói” (1:19). Trao ra một chút thời gian của riêng mình một cách nhưng không để lắng nghe mọi người là hành động bác ái đầu tiên.

Một quy trình thượng hội đồng vừa được khởi động. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời để lắng nghe lẫn nhau. Thực ra, sự hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trên sự lắng nghe lẫn nhau giữa anh chị em. Như trong một dàn hợp xướng, sự thống nhất không đòi hỏi sự đồng nhất, đơn điệu mà là sự đa dạng và nhiều giọng, đa âm. Đồng thời, mỗi giọng ca trong ca đoàn hát lên trong khi vẫn lắng nghe các giọng khác để có sự hòa hợp của tổng thể. Sự hòa hợp này là do người sáng tác hình thành, nhưng việc thực hiện nó phụ thuộc vào bản giao hưởng của từng giọng hát.

Với ý thức rằng chúng ta được tham gia vào một sự truyền thông đi trước chúng ta và bao gồm chúng ta, chúng ta có thể khám phá lại một Giáo Hội giao hưởng, trong đó mỗi người có thể hát bằng chính giọng hát của mình, chào đón tiếng nói của người khác như một ân sủng để biểu lộ sự hòa hợp của toàn bộ bản giao hưởng do Chúa Thánh Thần soạn thảo.

Rôma, Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng Giêng năm 2022, Lễ Kính Thánh Phanxicô Đệ Salê.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô