KHUÔN MẶT NHÂN HẬU
I-Định nghĩa.
NHÂN là lòng yêu thương.
HẬU là sâu nặng.
Lòng nhân hậu là lòng yêu thương yêu sâu nặng. Chữ “Nhân” ở đây không phải là chữ “người”(人), mà là chữ “zin”(仁). Tiếng Nhật lòng nhân hậu là 慈しみ深い(itsukushimi fukai)。
Người có lòng nhân hậu là người luôn mong muốn và thực hiện những điều tốt, hoàn toàn vì ích lợi của người khác(Từ điển công giáo,tr 211).
Chúa nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không muốn hy lễ”(x.Mt 9,13); nghĩa là Chúa muốn lòng yêu thương chứ không cần hy lễ. Lòng nhân ở đây không phải là “lòng người”. Nhưng là người thì phải có lòng nhân; có lòng thương. Không có lòng thương yêu không phải là con người.
II-Lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
1.“Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người
tốt; cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.(x.Mt5,45)
Qua đó ta thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa Người mong muốn và hằng ban mọi điều tốt đẹp cho mọi người không phân biệt đối xử. Không phân biệt giầu nghèo; không phân biệt nam nữ; không phân biệt tốt xấu.
Mưa và ánh sáng mặt trời là điển hình, đó là những thứ cần thiết cho đời sống con người và ai là con người cũng đều được hưởng để sống.
Đối với đời tu thì không thể không nói đến ơn gọi. Về ơn gọi Thiên Chúa cũng ban cho người nào tùy ý Người, cũng không phân biệt giàu nghèo; không phân biệt giới tính; không phân biệt tốt xấu. Nhưng ta đừng tưởng ta được chọn là ta tốt hơn người khác. Chưa chắc.
Có người thắc mắc: Tại sao Chúa lại chọn một số các Linh mục và tu sĩ xấu xa như thế? Quả thật đã có những Linh mục và tu sĩ như vậy.
Câu trả lời là Linh mục hay tu sĩ cũng là người như mọi người thôi. Điều đó chỉ đúng có một nửa. Cái xấu xa đó không phải về phía Chúa mà là về phía con người đó. Chẳng có ai tốt lành để Chúa chọn cả, Chúa chọn vì lòng nhân hậu của Chúa thôi.
Còn ta, những người đã được chọn, được gọi trong đời sống tu trì, ta phải nên thánh, nên thiện, đó là bổn phận của ta. Ta có nên tốt lành; nên thánh nên thiện hay nên xấu xa là do ta chứ phải do Chúa. Không nên thánh, không nên thiện thì ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về lòng nhân hậu mà Ngài đã dành cho ta.
*Noi gương Chúa, ta cũng phải có lòng nhân hậu với người khác; có cái gì hay, cái gì tốt, ta có thể chia sẻ cho mọi người không phân biệt đối xử.
- Dụ ngôn người Cha nhân hậu hay người con hoàng đàng(Lc15,11-32).
Người Cha nhân hậu đối với người con hoang đàng và có người con hoang đàng nên mới thấy được người cha nhân hậu. Người cha nhân hậu là Thiên Chúa tha thứ và không nhớ đến lỗi lầm của người con hoang đàng là con người chúng ta. Lý do: “Đã chết này sống lại; đã mất nay lại tìm thấy”.
Người con đi hoang là người có tội, có lỗi như người đã chết, đã mất. Một khi trở về; một khi biết sám hối, biết ăn năn, biết nhận lỗi thì được tha thứ. Khi đó như được “sống lại”, như được “tìm thấy”. Vì thế mà phải vui mừng, phải làm bê béo để ăn mừng. Vì sự vui mừng đó mà không còn nhớ đến những lỗi lầm nữa.
Chúa đã tha thứ và không còn nhớ đến; không còn để lòng, để bụng “các tội lỗi của ta Người đã quăng xuống đáy biển”. Điều đó cho thấy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, từ bi.
Còn con người của ta thì sao? Có khi không chịu tha; có khi tha mà vẫn nhớ, vẫn để bụng. Không, noi gương Chúa ta hãy tha thứ cho người khác khi họ biết lỗi, nhận lỗi và xin lỗi; bao nhiêu lần cũng phải tha.
III-Đức Giê-su, khuôn mặt nhân hậu của Chúa Cha.
Đức Giê-su đã tha thứ cho người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình; đã tha thứ cho Ma-ri-a Mác-đa-la; cho Phê-rô; cho người trộm lành và nhất là trên Thập giá, Người đã xin : Lạy Cha xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm(x.Lc23,34).
Noi gương Đức Giê-su ta cũng phải nói : Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết ……lỗi, không biết xin lỗi. Nghĩa là ta tha thứ cho người khác trước khi họ xin. Tha thứ như thế để tâm hồn ta thanh thản, để khi họ mở lời là ta có thể tha ngay. Làm như thế là rất có lợi cho ta. Chúa cũng sẽ tha thứ cho ta trước ta xưng tội, trước khi ta xin lỗi Chúa đấy.
Tâm hồn ta rộng mở để đón nhận ơn tha thứ của Chúa. Vì đằng nào ta cũng phải tha; ta tha trước đi có phải là khôn, là lời lắm không. Người ta nói “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” mà. Việc tha thứ trước còn khôn hơn biết bao.
Tha thứ là một biểu lộ của lòng nhân hậu, từ bi. Đối xử tốt không phân biệt ai cũng là một biểu lộ của lòng nhân hậu, từ bi. Đó là đối với người khác. Còn đối với chính mình thì sao?
IV-Nhân hậu với chính mình.
- Với thân xác.
Những gì là tốt lành cho thân xác mình thì mình làm, “có ai ghét thân xác mình bao giờ”. Thương thân xác ta, thì ta phải để ý tới việc ăn uống, ngủ nghỉ và làm việc. Ăn uống phải điều độ; ngủ nghỉ và làm việc phải có giờ có giấc, để ta có một thân xác khỏe mạnh.
- Với tinh thần.
Ta đừng chiều theo thân xác của mình, đừng để nó lười biếng, phải siêng năng học hỏi; phải rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại, khiêm cung, hiền hòa, từ bi, hỉ xả, để ta có một tinh thần cởi mở, sảng khoái, phấn khởi, yêu đời và an bình.
- Với Đời tu.
Ta sống đời tu sao cho có một đời sống nội tâm sâu sắc và phong phú. Muốn vậy ta phải đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày; đọc kinh cho sốt sắng; cầu nguyện cho chuyên cần. Dành thì giờ để suy niệm và đọc sách thiêng liêng.
Có làm việc thì ta cũng phải để ý đừng ham làm việc Chúa mà quyên cả Chúa, vì có khi ta làm việc mà chẳng nhớ đến Chúa gì cả. Ta phải làm việc bổn phận của ta trong Chúa, với Chúa và vì Chúa. Khi làm việc gì ta cũng tự hỏi ta làm gì đây, ta làm cho ai đây. Điều đó giúp ta ý thức việc mình làm. Nếu ta làm mà không ý thức, không biết mình làm vì cái gì thì giống như rô-bốt và máy cassette thôi.
Không, ta phải làm với lòng từ bi, nhân hậu đối với mọi người, con vật, cây cối và cả với con người của ta; đời sống của ta, sức khỏe của ta và cả hầu bao của ta nữa. Mục đích là để sống ơn gọi của ta và mục đích cuối cùng là để ta nên thánh và nên thiện.
Ta có lòng nhân từ đối với ta là để ta có một con người toàn vẹn, khỏe cả xác lẫn hồn. Có sức khỏe tốt thì ta mới làm việc, mới sống đựơc, mới tu được; sống vui, sống khỏe; ăn cảm thấy ngon, ngủ cảm thấy đã; làm việc cảm thấy phấn khởi ta sẽ yêu đời, yêu Chúa và yêu người.
- Với hôn nhân
Ta phải có lòng nhân từ với hôn nhân của ta. Ta phải làm sao cho hôn nhân của ta là một hôn nhân hạnh phúc. Ta cần phải xây dựng sự hạnh phúc đó vì hạnh phúc gia đình không từ trên trời rơi xuống hay cứ chịu phép bí tích hôn nhân là có, mà do cả hai vợ chồng cùng nhau xây dựng. Đã yêu thương và đã cưới nhau rồi thì ta phải làm hết sức mình để xây dựng một gia đình hạnh phúc; xây dựng gia đình thành một tổ ấm. Bởi đó ta có nghĩ gì, có làm gì thì cũng vì hạnh phúc gia đình của ta cũng như vì “người kia” mà thôi. Cần có sự trao đổi để có một sự hòa hợp trong ý hướng và trong công việc, tạo nên sự thống nhất; tìm ra cái nào hay nhất, tốt nhất cho gia đình chứ không cho sự ích kỷ, độc đoán hay là hơn thua. Vợ chồng mà hơn thua nhau sao. Ông bà ta không nói thế này sao: “Đồng vợ đồng chồng, tát bể đông cũng cạn” mà. Cũng cần có sự hy sinh, mỗi người cùng nhường nhịn nhau một chút, biết tha thứ và chịu đựng.
Lấy nhau là cam kết sống chung cho đến “đầu bạc răng long”, cho đến chết, nên ta phải có lòng nhân từ để làm cho hôn nhân của mình sống, sống mãi và sống hạnh phúc. Càng sống với nhau ta càng hiểu biết nhau hơn; càng trở nên đáng yêu, đáng thương hơn để cho người kia yêu, người kia thương, chắn chắn ta sẽ có một hôn nhân hạnh phúc.
- Với Linh hồn.
Ta phải có lòng nhân từ với linh hồn ta khi trong Năm Thánh biết lãnh nhận nhiều ơn toàn xá, để sau này nó khỏi vào luyện ngục.
V-Kết luận.
Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và từ bi hằng yêu thương và ban mọi ơn lành cho ta. Nghĩ đến thôi là ta cũng vui rồi, nhưng ta không dừng lại ở đó mà ta còn noi gương Chúa để sống nhân hậu và từ bi như Ngài. Khi đó thực sự ta có một niềm vui, niềm vui nội tâm; một sự thanh thản trong tâm hồn và luôn bình an và chắc chắn ta sẽ sống trong hạnh phúc và nên thánh, nên thiện. Ta sẽ có một khuôn mặt nhân hậu, từ bi như Chúa; có lòng nhân hậu và từ bi như Chúa.
VI-Câu hỏi suy gẫm.
- Ta nghĩ gì về ơn gọi (Đời tu hay đời hôn nhân) mà Chúa nhân từ đã ban cho ta?
- Ta có thể tha thứ cho người ta khi họ không biết xin lỗi không?
- Bây giờ ta còn giận hờn, không tha thứ cho ai không?
- Ta có lòng nhân hậu, từ bi với chính mình không hay ta chiều chuộng nó? Cụ thể về thân xác, linh hồn và ơn gọi: đời tu hay hôn nhân?
VII-Điều dốc lòng
- Lạy Chúa , xin tha thứ cho họ vì họ không biết …..xin lỗi.
- Có lòng nhân hậu chứ không chiều chuộng.
Lm. Bosco Dương Trung Tín