Biết lấy chi cảm mến
Biết lấy chi báo đền
Hồng ân Chúa cao vời
Chúa đã làm cho gia đình con.
Ngày 23 tháng 12 năm 2017 từ phi trường Narita, gia đình tôi mang theo nỗi háo hức, tò mò lên máy bay tiến về Đất Thánh. Miền đất với biết bao sự kỳ bí mà con người cần khám phá.
Sau chuyến bay dài gần 20 tiếng, chúng tôi đã đến phi trường Tel Aviv-Do Thái, kiến trúc phi trường rất mới lạ, vừa hiện đại vừa truyền thống đan xen.
Từ phi trường, chạy trên đoạn đường khoảng 80km, con đã tới được BêLem-nơi đây hơn 2000 năm trước -Đấng Emmanuel đã Giáng Sinh đem sứ điệp bình an đến cho nhân loại. Với một tâm thái háo hức con vội vàng hướng đến BêLem, vì quy về Cựu Ước, Bêlem là nơi sinh và cũng là nơi xức dầu phong vương của Đavid, tổ phụ lập quốc của dân Do Thái.
Đavid sinh ra ở BêLem cũng giống như Chúa Kitô sinh ra ở đây. Đavid là vua dẫn dân về Giêrusalem lập quốc, khai sinh ra dân tộc Do Thái thế nào thì Đức Kitô cũng khai nguồn một Nước Trời mới như thế.
Từ BêLem, hai vì sao đã xuất hiện, ngôi sao Đavid và ngôi sao Giáng Sinh của Chúa Kitô.
Còn BêLem hôm nay, đầy những trạm gác quân sự -checkpoint-. Từ Giêrusalem ở cổng Damacus có một trạm xe bus, mất khoảng 40 phút là tới trạm gác quân sự (checkpoint) .
Checkpoint là cửa khẩu của một bức tường bê tông cốt sắt. Người Do Thái xây tường bao vây người Palestin khắp nơi. Những dải tường bê tông cao khoảng bẩy, tám mét. Tại checkpoint có lính kiểm soát giấy tờ, có camera theo dõi. Qua khỏi trạm gác là thấy ngay cái khổ của dân Palestin. Người Do Thái tìm cách cô lập kinh tế và đời sống xã hội để dân Palestin phải chết dần mòn. BêLem nghèo, hầu hết là thất nghiệp. Thế mà ở BêLem có:
*Đền Thờ Giáng Sinh :
Năm 326 :Đền thờ kính mầu nhiệm Giáng Sinh đầu tiên được hoàng hậu Helena là mẹ vua Constantine xây. Trải qua ngày tháng thăng trầm, đền thờ bị quân Samaritan tàn phá.
Năm 529: thờ hiện tại được xây do vua Justinian (527-565). Đền thờ xây theo hình thánh giá, chiều dài 54m, rộng 26m và chiều ngang rộng 35m. Bước vào cửa đền thờ là bốn hàng cột uy nghiêm cao 6m. Đây là nhà thờ cổ xưa nhất còn sót lại ,sau những thế kỷ chiến tranh tàn phá.
Năm 619: Quân Persians xâm chiếm Palestin, họ phá hết các đền thờ, nhưng khi thấy trên tường Đền Thờ Giáng Sinh BêLem vẽ hình Ba Vua ăn mặc theo văn hoá người Persians của họ, họ đã không phá hủy, vì thế đền thờ còn sót lại cho đến hôm nay, dĩ nhiên đã được tu sửa lại.
Năm 1095-1291: Thời kỳ Đạo Binh Thánh Giá, đền thờ được nâng cấp tu sửa. Những thế kỷ sau, nhiều thế lực tranh giành, hai thế lực lớn là các thầy Dòng Phanxicô và Chính Thống Hy Lạp.
Năm 1757: Đền thờ từ các thầy Dòng Phanxicô, rơi vào tay Chính Thống Giáo, cho tới ngày hôm nay.
Giữa gian cung thánh đền thờ , ngay dưới bàn thờ chính , nằm sâu dưới lòng đất là nơi Chúa sinh ra. Nơi Chúa sinh ra được đánh dấu bằng ngôi sao bạc 14 cánh trên đá cẩm thạch. Trên ngôi sao là hàng chữ khắc bằng tiếng Latin: “NƠI NÀY ĐỨC TRINH NỮ MARIA ĐÃ HẠ SINH CHÚA GIÊSU KITO “Hang đá rộng chừng 3m, dài 12m. Có một di tích độc đáo khác là cửa vào Đền thờ. Một Đại Vương Cung Thánh Đường quan trọng như thế mà hôm nay không có cửa vào, chỉ có một cửa nhỏ, khoảng một mét hai, phải cúi khom lưng để chui vào. Có hai truyền thuyết nói như sau: Một là tránh không cho quân lính cưỡi ngựa vào; Hai là để ai muốn vào thì phải cúi đầu tỏ lòng kính trọng.
Bên cạnh dính liền với đền thờ Giáng Sinh là đền thờ thánh Catarina được xây năm 1882, do các thầy Phanxicô trông coi. Đêm Giáng Sinh , Công Giáo dâng lễ tại đền thờ này.
Đền thờ Giáng Sinh do Chính Thống Giáo quản nhiệm . Dưới lòng đất còn có nguyện đường kính thánh Giuse, nguyện đường kính các thánh Anh Hài và bàn thờ kính thánh Jerome.Vào năm 388 Thánh Jerome trở lại Palestine sống suốt quãng đời 32 năm khổ hạnh cho đến chết trong hang đá cạnh nơi Chúa Giáng Sinh. Công trình vĩ đại Ngài để lại cho Giáo Hội là bản dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Latin mà chúng ta có hôm nay.
Một chút cảm nghiệm: không bao giờ chúng tôi nghĩ mình có cơ hội tham dự Thánh Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Bêlem, nơi Chúa Giêsu sinh ra, thế mà không có gì là không thể đối với Chúa, tạ ơn Ngài vì hồng phúc Ngài ban cho gia đình con. Không thể diễn tả được niềm vui sướng khi cầm tấm vé để có thể vào Vương cung Thánh đường Bêlem tham dự Thánh lễ Giáng sinh đêm 24, một nỗi sung sướng hạnh phúc vỡ oà trong tim. 12 giờ đêm mới bắt đầu Thánh Lễ, thế mà mới 8 giờ tối, phái đoàn của chúng con đã vội vàng đi cho sớm để xí chỗ (hi hi hì..), nhưng mà người tính không bằng trời tính, vừa ra khỏi nhà trọ trời đổ mưa, cả nhóm chỉ có một cây dù, thôi cũng không sao chúng ta cùng nhau chạy chỉ có 10 phút thôi mà, đến nhà thờ gặp ngay trạm gác của quân lính Palestine, họ nhất định không cho vào, nào là mưa, nào là quân lính không cho vào lòng háo hức đã vơi một nửa. Tự an ủi thôi ráng chờ một chút, nhưng mà Chúa như muốn thử lòng kiên nhẫn. Mưa mỗi lúc một to, gió rét lúc này mọi người đã hết kiên nhẫn, bắt đầu đã có tiếng la hét, một số người đã bỏ về, lúc này nhìn lại mấy đứa con, con lo lắng chỉ sợ chúng ngã bệnh thì sao! Hay là mình đi về không chờ tham dự Thánh Lễ nữa! Nhưng mà chính lúc muốn bỏ về vì thương con, tôi mới cảm nghiệm được nỗi lo lắng khổ cực của Mẹ Maria và Thánh Giuse, trong đêm đông giá lạnh không tìm được chỗ trong quán trọ. Một người phụ nữ lúc lâm bồn mà không có chỗ dừng chân sẽ tủi thân đến chừng nào, huống chi người con mà Mẹ cưu mang lại là Vua trên hết các Vua, là Chúa trên hết các Chúa, mà chỗ trọ cũng không có, phải mượn tạm hang bò lừa hôi hám, thế mà Mẹ vẫn không một lời than van, vẫn tin tưởng phó thác vào Chúa. “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa …,,”, Tâm tư con chợt bừng tỉnh và tiếp tục đứng chờ dưới mưa với một tâm hồn bình an và phó thác. Sau hơn một tiếng chờ dưới mưa cuối cùng gia đình con cũng được vào nhà thờ Bêlem đúng đêm huyền diệu, đêm an lành.
Một điều tuyệt vời Chúa ban là dù mọi người ướt nhẹp nhưng mà không một ai trong nhóm bị bệnh. Tạ ơn Chúa, và xin Ngài tiếp tục củng cố Đức Tin cho chúng con Amen .
Minh Hằng