Ðôi dòng lịch sử Thứ Tư Lễ Tro

   Mùa Chay Thánh bắt đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro, đánh dấu 40 ngày chay tịnh và kiêng thịt. Ngày đầu của Mùa Chay cũng còn gọi là ngày “Bụi Tro” bởi vì trong ngày này, người tín hữu lãnh nhận tro được ghi hình thánh giá trên trán.
   Ngày “Bụi Tro” có nguồn gốc từ “Dies Cinerum” trong Sách Lễ Rôma và được tìm thấy trong quyển Sách Lễ Grêgôriô. Tục truyền rằng, vào thời Ðức Giáo Hoàng Grêgrôriô Cả (590-604) đã bắt đầu nghi thức sức tro trong ngày đầu Mùa Chay.
 Trong Cựu Ước, Tro là dấu hiệu của sự khiêm nhường, hối cải và tang chế. Người Kitô Hữu cũng dùng tro trong phụng vụ của ngày Lễ Tro với ý nghĩa trên. Lãnh nhận tro trên trán là dấu chỉ nhắc nhở sự chết và sự ăn năn được đưa vào phụng vụ Tây Phương vào thế kỷ 10, và được phổ biến rộng rãi khắp Tây Phương tại Công Ðồng Benevento năm 1091. Thuở xưa, người ta dùng tro để sám hối cách riêng, nhưng sau đó trở thành một nghi thức cộng đồng. Trong sư kiện này, tro được rắc trên đầu hối nhân như một sự hiệp thông cầu nguyện cho những hối nhân trở lại. Cuối cùng, tro được dùng trong nghi thức sám hối của Mùa Chay trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Có thể không đáng tin rằng, việc sức tro cho tất cả mọi tín hữu phát xuất từ lòng sùng mộ và sự hoán cải giữa cộng đồng của các hối nhân. Thế nhưng, qua dòng thời gian, sự đón nhận này, có tính cách phụng vụ đã tượng trưng đặc thù cho việc sám hối. Việc sức tro này, được Công Ðồng Benevento năm 1091 đề nghị cho mọi giới; giáo sĩ cũng như giáo dân. Thế nhưng, cả trăm năm trước đó người Tây Phương đã dùng nghi thức sức tro này rồi. Dấu Thánh Giá được ghi trên trán là tượng trưng cho dấu linh thiêng hoặc ấn tín mà người Tín Hữu lãnh nhận khi lãnh phép rửa tội. Ðây là dấu chỉ của trẻ sơ sanh được tái sinh trong niềm tin Kitô qua sự giải phóng khỏi nô lệ tội lỗi và xấu xa, rồi được nhập vào hàng con cái Thiên Chúa hằng sống. (Rom. 6:3-18). Việc lãnh tro cũng được coi như là sự trở về trong vinh quang mà đã được diễn tả trong Sách Khải Huyền, khi chúng ta được lãnh nhận làm con cái của Thiên Chúa. Sách Tiên Tri Edzêkien cũng nhắc đến ấn tín được làm con cái Thiên Chúa, “Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.” (Ed 9:4)
(Nguồn: tinmung.net)

Thứ Tư Lễ Tro: Lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
   WGPSG — Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.
1. Lịch sử Thứ Tư Lễ Tro
Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay” (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro. Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay” (Caput ieiunii), hay “Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày” (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604). Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình . . . Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ Tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đuổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu (tituli) của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Thánh Phaolô ngoại thành, Thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây. Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo Hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ. Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵn sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành Thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ Thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội. Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: “Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi” (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước Thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ Lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng Thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc Âm: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu “tro” đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: “Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời” (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).
2. Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro
Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết (xc. St 3,18.27; Giob 34, 17; Gr 6, 26; 25, 34; Est 4,13; Is 58, 5; Dn 9,3; Giona 3,6; Giudith 4,16; 9,1). Trong truyền thống các đan sĩ và tu viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhậm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhậm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ. Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tổ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do Thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng, nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thứ Tư Lễ Tro. Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như màu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.
Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay. Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv. không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.

Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức giáo hoàng Phanxicô

“Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi.” (Mt 24, 12)

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa Cuộc Vượt Qua của Thiên Chúa lại đến gần! Trong việc chuẩn bị của chúng ta cho mùa Phục Sinh, Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài, trao ban cho chúng ta mỗi năm một mùa Chay như là “dấu chỉ bên ngoài cuộc hoán cải của chúng ta” [1]. Mùa Chay mời gọi và cho phép chúng ta hết lòng trở về với Thiên Chúa và trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta.

Với Sứ điệp này, năm nay một lần nữa tôi muốn giúp toàn Giáo Hội trải nghiệm thời gian ân sủng với niềm vui và trong chân lý. Gợi ý của tôi sẽ xuất phát từ Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi.” (Mt24, 12)

Những lời này xuất hiện trong bài giảng của Đức Kitô về thời cánh chung. Chúng được giảng tại Giêrusalem, trên núi Cây Dầu nơi bắt đầu cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta. Trong lúc trả lời câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn lớn lao và mô tả tình cảnh ấy trong cộng đoàn tín hữu mà họ có lẽ dễ tìm thấy: Giữa muôn vàn thử thách lớn lao, các ngôn sứ giả sẽ lèo lái dân vào con đường sai lạc và tình yêu vốn là điều cốt lõi của Tin mừng lại ngày càng trở nên lạnh nhạt trong lòng nhiều người.

Những ngôn sứ giả

Chúng ta hãy nghe đoạn Tin Mừng ấy và cố hiểu chiêu thức mà các ngôn sứ giả có thể bày ra.

Họ có thể xuất hiện như những “người quyến rũ xảo quyệt”, họ lợi dụng cảm xúc con người để bắt kẻ khác làm nô lệ và rồi họ dẫn người ta đến nơi họ muốn. Đã biết bao con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những thú vui chóng qua, lầm tưởng đó là hạnh phúc đích thực! Có biết bao người nam nữ rơi vào ước vọng giàu sang khiến họ lệ thuộc vào lợi lộc và những thú vui tầm thường! Có biết bao người trong đời sống tin rằng mình có đủ mọi thứ, và cuối cùng họ lại bị bó chặt trong nỗi cô đơn!

Ngôn sứ giả cũng có thể là những “kẻ bịp bợm”, họ đưa ra những giải pháp dễ dàng trước mắt để rồi đau khổ sớm minh chứng cho những điều ấy hoàn toàn là vô ích. Có biết bao người trẻ bị mê hoặc bởi thần dược của nghiện ngập, của những tương quan hời hợt, của những dễ dãi nhưng lợi ích lại không thực! Có bao người chìm đắm trong cuộc sống “ảo tưởng”, trong những tương quan dường như nhanh chóng và đơn giản, chỉ để chứng minh điều vô nghĩa! Những kẻ lừa đảo rao bán những thứ không có giá trị thực sự, họ cướp tất cả những gì quý giá nhất của con người là: phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Họ nại vào sự kiêu căng, tin tưởng của ta ở vẻ bên ngoài, nhưng sau hết, họ chỉ khiến cho chúng ta nên khờ dại. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên. Để lòng con người ra hoang mang, Ma Quỷ là “kẻ nói dối và là cha của kẻ dối trá” (Ga 8, 44), đã luôn cho thấy điều ác là tốt lành, sự giả dối hệt như sự thật. Đó là lý do tại sao mỗi người chúng ta được mời gọi để nhìn vào lòng mình để xem chúng ta có đang là con mồi của những dối trá nơi những ngôn sứ giả như thế không. Chúng ta phải học nhìn thật kỹ vào chiều sâu và nhận ra những gì để lại dấu ấn tốt đẹp và lâu dài trong tâm hồn ta, bởi vì điều ấy đến từ Thiên Chúa và thực sự vì lợi ích của chúng ta.

Một tâm hồn băng giá

Trong mô tả của mình về Hỏa Ngục, Dante Alighieri phắc họa Satan ngồi trên ngai tòa băng giá[2], trong sự cô lập lạnh lùng và khó ưa. Chúng ta hỏi mình kỹ xem điều ấy xảy ra như thế nào mà lòng bác ái lại có thể nên băng giá trong chúng ta. Những dấu hiệu nào cho thấy tình yêu của chúng ta đang bắt đầu lạnh giá?

Không có điều gì phá hủy lòng bác ái nghê ngớm cho bằng lòng ham mê tiền bạc, “gốc rễ của mọi tội lỗi” (1Tm6,10). Việc chối bỏ Thiên Chúa và bình an của Ngài sớm theo sau; chúng ta ưa thích nỗi sầu khổ của ta hơn là tìm kiếm sự thoải mái trong Lời Chúa và các bí tích[3]. Tất cả những thứ ấy khiến chúng ta chống lại bất cứ ai đe dọa đến “những điều chắc chắn” của chúng ta: bào thai, người cao tuổi và ốm yếu, người di cư, người xa lạ giữa chúng ta, hoặc người hàng xóm không sống như mong đợi của chúng ta.

Chính thiên nhiên cũng trở nên một chứng tá thầm lặng cho sự nguội lạnh lòng bác ái này. Trái đất bị đầu độc bởi rác thải, nó bị vứt bỏ vì sự bất cẩn hoặc vì lợi ích cá nhân. Các vùng biển đang bị ô nhiễm, biển cũng nhận chìm vô số các nạn nhân bị đắm tàu do nạn di cư cưỡng bách. Những thiên đường theo kế hoạch của Thiên Chúa, được tạo ra để tán dương ngợi khen Ngài, lại bị gào thét bởi các động cơ đang đổ xuống như mưa những công cụ của chết chóc.

Tình yêu cũng có thể trở nên nguội lạnh trong cộng đoàn của chúng ta. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi đã tìm cách mô tả những dấu hiệu rõ nhất về những dấu hiện thiếu vắng tình yêu này: ích kỷ và tinh thần lười biếng, bi quan vô ích, cám dỗ chỉ quan tâm đến mình, chiến tranh liên lỉ giữa chúng ta và tinh thần thế gian khiến chúng ta chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, và do đó giảm đi lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta[4].

Chúng ta nên làm gì?

Có lẽ chúng ta thấy trong nội tâm của chúng ta những dấu chỉ mà tôi vừa mô tả. Nhưng Giáo Hội là Mẹ và là Thầy luôn với phương thuốc đắng của sự thật, cung cấp cho chúng ta trong Mùa Chay này phương dược chữa lành bằng lời cầu nguyện, bố thí và ăn chay.

Bằng cách dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, chúng ta cho phép tâm hồn mình nhận ra những lời dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối chính mình[5], và sau đó tìm lại được niềm an ủi của Thiên Chúa ban tặng. Ngài là Cha chúng ta hằng muốn chúng ta sống tốt đẹp.

Bố thí giải thoát chúng ta khỏi tham lam và giúp chúng ta nhìn nhận người hàng xóm là anh chị em của chúng ta. Những gì tôi sở hữu không bao giờ là của riêng tôi. Tôi rất mong muốn bố thí trở nên phong cách sống đích thực cho mỗi người chúng ta! Tôi mong chúng ta, những Kitô hữu, theo mẫu gương của các Tông Đồ và thấy việc chia sẻ của cải của chúng ta là một bằng chứng hữu hình về sự hiệp thông, nghĩa là chúng ta ở trong Giáo Hội! Vì lý do này, tôi nhắc lại lời mời gọi của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô để lạc quyên cho cộng đoàn Giêrusalem từ những lợi tức mà chính họ nhận được (xem 2Cr8, 10). Điều này càng thích hợp trong Mùa Chay khi nhiều nhóm lạc quyên để trợ giúp các Giáo Hội và giúp những người có nhu cầu. Tuy vậy tôi cũng hy vọng rằng, ngay cả nơi những cuộc gặp gỡ hàng ngày của chúng ta với những người cầu xin sự trợ giúp của ta, chúng ta nên thấy những nhu cầu như thế xuất phát từ chính Thiên Chúa. Khi bố thí, chúng ta chia sẻ sự chăm sóc quan phòng của Chúa dành cho mỗi người con của Ngài. Nếu qua tôi mà Thiên Chúa hôm nay giúp ai đó, thì mai này chắc hẳn Ngài sẽ cung ứng những nhu cầu của tôi? Bởi chẳng có ai quảng đại hơn Thiên Chúa[6].

Ăn chay khiến xu hướng bạo lực của chúng ta yếu dần; nó giải phóng chúng ta và đó là cơ hội quan trọng để chúng ta thăng tiến. Một mặt ăn chay cho phép chúng ta trải nghiệm những gì mà người nghèo đói phải chịu đựng. Mặt khác nó thể hiện chính sự đói khát thiêng liêng của chúng ta, vì cuộc sống trong Thiên Chúa. Ăn chay thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú tâm hơn đến Thiên Chúa và người lân cận. Ăn chay làm sống lại khao khát của chúng ta để vâng lời Thiên Chúa, duy chỉ có Ngài mới có khả năng thỏa mãn cơn đói của chúng ta.

Tôi cũng muốn lời mời của tôi vượt ra ngoài ranh giới của Giáo Hội Công giáo, và đến được với tất cả các bạn, những người nam nữ có thiện chí, những người mở lòng lắng nghe tiếng Chúa. Có lẽ giống như chính chúng tôi, các bạn đang hoang mang trước cái ác đang lây lan trên thế giới, bạn quan tâm đến sự băng giá vốn làm tê liệt những tâm hồn và hành động, và bạn cảm thấy mình yếu đuối trong cảm thức của chúng ta thuộc về thành viên của một gia đình nhân loại. Vậy xin bạn hãy hiệp thông cùng chúng tôi dâng lời cầu khẩn trước Thiên Chúa, trong việc ăn chay và trao ban bất cứ những gì bạn có thể cho anh chị em của chúng ta đang có nhu cầu!

Ngọn lửa Phục Sinh

Trên hết, tôi thôi thúc các thành phần của Giáo Hội hãy đón lấy hành trình Mùa Chay với lòng nhiệt tình hăng hái, duy trì việc bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Nếu lúc nào đó ngọn lửa bác ái dường như lụi tàn trong tâm hồn ta, hãy biết rằng điều ấy không bao giờ xảy ra trong thánh tâm Thiên Chúa! Ngài liên lỉ trao cho chúng ta cơ hội để bắt đầu làm mới lại tình yêu.

Một trong những thời khắc của ân sủng như thế sẽ đến một lần nữa trong năm nay, sáng kiến “24 Giờ cho Chúa”, theo đó, mời gọi toàn thể cộng đoàn Giáo Hội hãy cử hành bí tích Hòa Giải trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, được gợi hứng từ lời của Thánh Vịnh 130 câu 4, “Nơi Chúa có ơn tha thứ”, sự kiện này sẽ diễn ra từ Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bảy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn giờ nhằm tạo cơ hội cho cả việc chầu Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.

Trong Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ tưởng niệm một lần nữa nghi thức rước ánh sáng của ngọn nến Phục Sinh. Được thắp lên từ “ngọn lửa mới”, ánh sáng này sẽ dần vượt qua bóng tối và thắp sáng cộng đoàn phụng vụ. “Nguyện xin ánh sáng Đức Kitô vinh hiển chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.”[7], và có thể cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmau. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và nhận lãnh của ăn từ bàn tiệc Thánh Thể, xin cho tâm hồn chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Với tình yêu và lời hứa cầu nguyện của tôi dành cho tất cả anh chị em, tôi chúc lành cho anh chị em. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

 

Từ Vatican, ngày 1 tháng 11 năm 2017

Lễ Các Thánh Nam Nữ

Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Chuyển ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: zenit.org

[1] Sách Lễ Rôma, Lời nguyện đầu lễ Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay (tiếng Ý).

[2] Tác phẩm Inferno của Dante Alighieri XXXIV, 28-29.

[3] Thật hiếu kỳ, nhưng nhiều lần chúng ta sợ an ủi, sợ được ủi an. Hay đúng hơn, chúng ta cảm thấy an toàn hơn trong nỗi buồn phiền và sầu khổ. Bạn có biết tại sao không? Bởi vì trong nỗi buồn phiền chúng ta cảm thấy mình hình như là nhân vật chính. Tuy nhiên trong an ủi, Chúa Thánh Thần lại là nhân vật chính! “(Tiếp Kiến Chung, 7 tháng 12 năm 2014).

[4] Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, 76-109.

[5] Xem BENEDICT XVI, Thông điệp Spe Salvi (Được cứu rỗi trong Hy vọng), 33.

[6] Xem PIUS XII, Thông Điệp Fidei Donum (Hồng ân Đức tin), III.

[7] Sách Lễ Rôma (Third Edition), Lễ Phục Sinh, Lucernarium.