“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”(Ep1,3).
Tại sao chúng ta phải chúc tụng Thiên Chúa? Vì trong Đức Ki-tô:
– Từ cõi trời, Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.
– Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ.
– Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử.
– Nhờ Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc và được thứ tha tội lỗi.
– Thiên Chúa cho ta biết thiên ý nhiệm mầu, thiên ý này là kế hoạch yêu thương.
– Chúng ta đã được nghe lời chân lý là Tin Mừng cứu độ chúng ta.
– Một khi đã tin, chúng ta được đóng ấn Thánh Thần.
Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã làm tất cả những điều đó cho chúng ta. Vậy Thiên Chúa có đáng cho chúng ta chúc tụng Ngài không ? Đáng quá đi chứ. Hỏi có ai trên trần gian này ban cho ta ngần ấy ân sủng không? Nghĩ tới những việc cao cả và cao quí Thiên Chúa đã làm cho ta, ta không thể không dâng lên lời chúc tụng.
Ta hãy tự hỏi mình xem, ta đã làm gì để Thiên Chúa ban cho ta những ân sủng lớn lao như thế? Nào là cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần; Nào là đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ; Nào là đã tiền định cho ta làm nghĩa tử; Nào là ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi; Nào là cho ta biết được kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa; Nào là ta được nghe lời chân lý là Tin Mừng; nào là ta được đóng ấn Thánh Thần.
Chưa hết, nào là bây giờ ta là ông này bà kia; ta được sống vui, sống khỏe; ta được thế này thế nọ; ta có của này của kia; Nào là ta được khấn, được chịu chức; nào ta là ông Cha, bà Sơ; nào là ta được yêu, được thương; được quí, được trọng; Nào là ta có một mối tình hạnh phúc; nào là ta có một gia đình ấm êm; nào là ta có một nghề nghiệp vững trãi, vv…. Nói tóm là không biết bao nhiêu ơn lành mà kể.
Cùng với tác giả Thánh Vịnh, ta kêu lên: Lạy Chúa “Con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (x.Tv 8,5). Dù ta có làm gì đi nữa thì cũng chẳng bao giờ xứng đáng với ơn Chúa ban cả. Tất cả đều do ơn nhưng không của Thiên Chúa. Nghĩa là do Thiên Chúa yêu thương và do lòng từ bi vô hạn của Ngài mà thôi. Thiên Chúa đã thực hiện những điều đó trong Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Do đó, việc đầu tiên ta phải có đối với Thiên Chúa là chúc tụng. Khi cầu nguyện, trước tiên ta phải chúc tụng Thiên Chúa chứ không phải là xin ơn này ơn kia hoặc là kể công. Như dụ ngôn người Pha-ri-siêu và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Người Pha-ri-siêu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con không như bao người khác, tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay một tuần hai lần; con dâng một phần mười thu nhập của con” (x.Lc 18,11-12).
Lời chúc tụng của ta phải như bài chúc tụng của ông Da-ca-ri-a mà ta thường đọc trong Kinh Phụng Vụ Ban Sáng, tức là bài Thánh Ca chúc tụng, bài Be-ne-dic-tus. Trong bài chúc tụng này, ta thấy không phải ông kể công với Chúa mà là ông kể công của Chúa; nói đến những việc Chúa làm. Bởi đó, nếu ta có được ơn gì hay là gì thì hãy chúc tụng Thiên Chúa như ông Da-ca-ri-a chúc tụng Thiên Chúa vậy: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của Ít-ra-en, đã ……ban cho con ơn này ơn kia”(x.Lc 1, 68-79).
Và Lời chúc tụng đó cũng biến thành lời ngợi khen, như trong bài ngợi khen Ma-gni-fi-cat của Đức Ma-ri-a. Bài này được đọc trong Kinh Phụng Vụ Ban Chiều. Đức Ma-ri-a cũng không kể ơn của mình có, nhưng ngợi khen Chúa vì những việc, những ơn lạ lùng và lớn lao Chúa làm cho mình. Do đó, nếu ta lãnh được những lớn gì lớn lao hay có được những gì tốt đẹp, ta hãy ngợi khen Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn như Đức Ma-ri-a vậy: “Linh hồn tôn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì……con được thế này thế nọ”(x.Lc 1, 46-56).
Từ tâm tình chúc tụng, ngợi khen đó, sẽ đưa đến việc ta thờ lạy Chúa; ta tạ ơn Chúa và cuối cùng là xin ơn. Khi cầu nguyện ta thường chú ý đến việc cuối cùng này nhất. Cứ mở miệng ra là hết xin ơn này đến ơn khác. Biết bao ơn lành Chúa đã ban cho ta rồi và Chúa vẫn còn ban ơn dài dài, thế mà ta cứ xin mãi……..Những ơn đó không xin Chúa cũng vẫn ban cho ta. Vì Chúa biết ta xin gì trước khi ta xin mà (x.Mt 6,8). Vậy thì ta xin làm chi nữa.
Hôm nay ta sẽ xin gì đây ? Theo tôi, ta hãy xin ơn để ta biết chúc tụng Thiên Chúa như ông Da-ca-ri-a; xin ơn để ta biết ngợi khen Thiên Chúa như Đức Ma-ri-a; ta xin ơn để ta biết thờ lạy Chúa; ta xin ơn để ta biết tạ ơn Chúa và ta xin ơn để ta biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Ở đây ta chú ý, ta xin ơn để ta biết, ta làm chứ không phải để Chúa làm. Nhiều khi ta không để ý, cứ xin Chúa làm cho con….. Như xin Chúa làm cho con nên thánh; xin Chúa làm cho con nên giống Chúa; xin Chúa làm cho con biết chúc tụng Chúa như ông Da-ca-ri-a; xin Chúa làm cho con biết ngợi khen Chúa như Đức Ma-ri-a,…
Chúa mà làm thì không cần ta phải xin nữa. Chẳng lẽ Chúa bóp miệng, bóp lưỡi ta để ta chúc tụng hay ngợi khen Chúa sao? Ta phải dùng miệng lưỡi của mình và tự giác nói lên lời chúc tụng và ngợi khen Chúa chứ. Chẳng lẽ Chúa bẻ cổ ta, bắt ta phải làm theo ý Chúa để ta nên thánh nên thiện sao? Tự ta, ta phải nghe Lời và thực hành trong cuộc sống mình thì ta mới nên thánh nên thiện chứ. Chúa dư sức biến những hòn đá để chúng chúc tụng và ngợi khen Chúa mà: “Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng kêu lên” (x.Lc 19,49).
Như xin ban cho con ơn khiêm nhường. Chúa không có ơn nào là ơn Khiêm nhường mà ban cho ta cả. Ta cứ nghĩ, ơn khiêm nhường đó Chúa ban cho ta là tức khắc ta trở thành người khiêm nhường. Muốn sống khiêm nhường ta phải xin Chúa ban ơn giúp sức, để ta biết sống khiêm nhường thì mới được. Vì tự mình ta, ta khó mà hạ mình và sống khiêm nhường lắm, nên ta cần đến ơn Chúa, xin Chúa giúp sức.
Chúa mà có ơn khiêm nhường đó, Chúa ban cho tất cả mọi người, thì Chúa khỏe re, không phải nói đi nói lại nhiều; cũng khỏi phải sai Con Một xuống thế chịu nạn chịu chết làm chi cho mệt. Bởi cứ xin kiểu đó, nên ta có trở thành người khiêm nhường bao giờ. Có tu cả đời, cũng chẳng bao giờ khiêm nhường được, vì ta có thực hành Lời Chúa dạy để sống khiêm nhường đâu. Ta phải tập, ta phải luyện thì ta mới khiêm nhường được chứ.
Một câu nữa mà ta hay xin, đó là xin làm cho con nên thánh. Trời !!!! Chúa mà làm cho ta nên thánh thì Chúa đâu có phải khổ, phải cực vì con người chúng ta đâu. Chúa dư sức làm cho ta nên thánh mà, nhưng ta có tự do. Chúa làm mà ta không muốn, không theo thì sao đây? Chẳng lẽ Chúa như Cảnh Sát Trưởng, suốt ngày sai các Thiên Thần cầm roi hay cầm súng kè kè bên ta, hễ làm sai là bắn; làm bậy là đánh hay sao? Chúa làm vậy ta mới sợ mà nên thánh chứ. Chúa mà làm vậy, thì ta kêu trời kêu đất lên. Nào là Chúa phát-xít; Chúa dữ như cọp; Chúa độc tài, độc đoán; Chúa lấy thịt đè người,………
Chúa dạy, Chúa chỉ cho ta biết con đường nên thánh; biết làm những việc lành việc tốt để ta nên thánh, ta phải nghe, tuân giữ và thực hành Lời Chúa chỉ bảo đó thì ta mới nên thánh chứ. Nên ta có xin thì phải để ý đến lời ta xin. Ta có xin là xin ơn Chúa ban để giúp sức cho ta biết để tâm nghe Lời Chúa và có sức mà thực hành Lời Chúa đó trong cuộc sống của mình.
Nhiều khi ta cứ xin cách máy móc; xin như con vẹt và chẳng biết mình xin gì, thử hỏi ta có được ơn gì không? Chắc chắn là không lãnh được ơn gì hết. Giống như mẹ con hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin cho được ngồi bên tả, bên hữu Chúa vậy. Chúa nói: “Các ngươi không biết các ngươi xin gì?”(x.Mt 20,22). Cứ uống chén đắng, cứ hy sinh chết vì Chúa đi thì sẽ được ngồi bên tả, bên hữu Chúa. Việc này không lo, cứ lo việc kia. Ta cứ lo cố gắng sống theo Lời Chúa, ta sẽ nên thánh nên thiện. Nên thánh nên thiện thì ta sẽ được vào thiên đàng, sẽ được ngồi bên tả, bên hữu Chúa thôi. Nên ơn này đâu cần xin. Mà có xin Chúa cũng đâu có cho đâu.
Vậy khi cầu nguyện, ta hãy để ý đến những lời cầu nguyện của ta. Trước hết ta hãy chúc tụng, ngợi khen Chúa vì những ơn lành Chúa ban cho ta. Sau là ta thờ lạy Chúa, ta tạ ơn Chúa. Cuối cùng mới là xin ơn. Đó mới là cách cầu nguyện mang tính Ki-tô giáo. Nói cách khác đó là cách cầu nguyện của người tín hữu công giáo. Có thế, ta mới đích thực là con Thiên Chúa và ta sẽ trở nên “tinh tuyền và thánh thiện trước Nhan Chúa nhờ tình thương của Người”.
Lm. Bosco Dương Trung Tín