Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô
cho Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao
tuổi lần thứ hai (24/07/2022)

“Trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết quả” (Tv 92,15)

Các bậc ông bà thân mến!

Lời của Thánh vịnh 92 “trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết quả” (c.15) là một tin vui, một “tin mừng” thực sự mà chúng ta có thể công bố cho thế giới nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ hai. Tin Mừng này đi ngược lại với điều mà thế giới nghĩ về giai đoạn này của đời người; và nó cũng ngược lại với thái độ cam chịu của một số người già trong chúng ta, họ sống với hy vọng nhỏ nhoi và không còn mong đợi gì ở tương lai.

Nhiều người sợ tuổi già. Họ coi đó là một thứ bệnh mà tốt nhất là nên tránh mọi tiếp xúc. Họ nghĩ rằng người già không phải là mối quan tâm của họ và người già nên ở xa bao nhiêu có thể, người già nên ở chung một nơi, trong một cơ sở mà họ có thể được chăm sóc, và chúng ta đỡ phải gánh lấy các vấn đề của họ. Đây là não trạng của “nền văn hóa vứt bỏ”, là não trạng vốn khiến chúng ta nghĩ rằng, cách nào đó chúng ta khác với những người nghèo và người dễ bị tổn thương bởi những yếu đuối của họ, và chúng ta có thể mường tượng ra những con đường cách biệt với “họ”.  Nhưng trong thực tế, như Kinh Thánh dạy, sống lâu – là một phúc lành, và những người già không phải là những người bị ruồng bỏ để xa lánh, mà là dấu chỉ sống động về lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống dồi dào. Phúc cho ngôi nhà nào bảo vệ một người cao niên! Phúc cho gia đình nào hiếu kính với ông bà!

Thật ra, tuổi già không phải là độ tuổi dễ hiểu, ngay cả với những người trong chúng ta, những người đã và đang trải nghiệm nó. Mặc dù tuổi già đến sau một hành trình dài, nhưng không ai chuẩn bị cho chúng ta đối diện với nó, và đôi khi nó dường như khiến chúng ta ngạc nhiên. Những xã hội phát triển nhất tiêu tốn nhiều tiền cho độ tuổi này, nhưng không giúp mọi người hiểu và đánh giá về nó: họ cung cấp các dịch vụ chăm sóc, nhưng không có những dự án sống để giúp họ sống tròn đầy.[1] Vì vậy, rất khó để nhìn về tương lai và phân định một hướng đi. Một mặt chúng ta bị cám dỗ xua đuổi tuổi già bằng cách che giấu các nếp nhăn và giả bộ luôn trẻ trung, mặt khác, dường như chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc sống trong tình trạng vỡ mộng, cam chịu vì không còn “trổ sinh hoa trái”.

Việc về hưu và con cái đã tự lập làm suy giảm những động lực vốn từng khiến chúng ta tiêu tốn rất nhiều sinh lực. Ý thức rằng những năng lực đang bị suy giảm hoặc sự bùng phát của một căn bệnh có thể làm suy yếu sự chắc chắn của chúng ta. Thế giới phát triển với tốc độ nhanh chóng và chúng ta phải vất vả để theo kịp – dường như khiến chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngầm chấp nhận ý tưởng rằng chúng ta vô dụng.  Như thế, chúng ta hãy làm vang lên lời cầu xin của Thánh Vịnh: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng/Chớ bỏ rơi con khi sức lực suy tàn lụi” (71,9).

Tuy nhiên cùng một bài thánh vịnh đó – suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi giai đoạn của cuộc đời – mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng: cùng với tuổi già và mái tóc bạc trắng, Người sẽ còn tiếp tục ban thêm sự sống cho chúng ta và không để chúng ta bị sự dữ lấn át. Tin cậy nơi Người, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để gia tăng lời khen ngợi (x. c.14-20) và chúng ta sẽ khám phá ra rằng sự già đi không chỉ là sự suy thoái tự nhiên của cơ thể hoặc dòng chảy thời gian không thể tránh khỏi, mà nó là món quà của một cuộc sống lâu dài. Già đi không phải là một sự kết án, mà là một phúc lành!

Chính vì điều này, chúng ta phải canh chừng chính mình và học cách chăm sóc một tuổi già năng động cả về khía cạnh thiêng liêng, trau dồi đời sống nội tâm của chúng ta qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hàng ngày, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích và tham dự Phụng vụ. Và, cùng với tương quan với Thiên Chúa là tương quan với những người khác: trước hết là gia đình, con cái, cháu chắt, những người mà chúng ta trao ban trọn tình thương mến của chúng ta; cũng như những người nghèo và đau khổ, những người chúng ta có thể trở nên người thân cận của họ với sự giúp đỡ cụ thể và lời cầu nguyện. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta không cảm thấy mình chỉ là khán giả trong rạp hát của thế giới, không giam mình trong “ban công”, nhìn ra ngoài từ cửa sổ. Thay vào đó, chúng ta hãy học cách bén nhạy các giác quan để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa[2], chúng ta sẽ như “cây ôliu xanh tươi trong nhà Chúa” (x. Tv 52,10), chúng ta có thể trở thành một phúc lành cho những người sống bên cạnh chúng ta.

Tuổi già không phải là thời gian vô ích để hạ mái chèo con thuyền sang một bên, nhưng là mùa vẫn còn trổ sinh hoa trái: có một sứ mệnh mới đang chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hướng ánh nhìn về tương lai. “Khả năng cảm nhận đặc biệt của tuổi già về sự quan tâm, suy nghĩ và tình cảm, điều làm chúng ta nhân bản hơn, một lần nữa trở thành ơn gọi của nhiều người. Và nó sẽ là một lựa chọn tình yêu của những người cao tuổi đối với những thế hệ mới.”[3] Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng[4], một cuộc cách mạng tinh thần, bất bạo động, trong cuộc cách mạng này, tôi mời gọi các ông bà và người cao tuổi, hãy là những nhân vật chính.

Thế giới đang trải qua một thời điểm của thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ cơn bão bất ngờ và dữ dội của đại dịch, sau đó là một cuộc chiến tranh gây tổn hại đến hòa bình và sự phát triển trên bình diện thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà chiến tranh quay trở lại châu Âu vào thời điểm mà những người của thế hệ đã từng nếm trải chiến tranh trong thế kỷ trước đang dần biến mất. Và những cuộc khủng hoảng lớn này có nguy cơ khiến chúng ta dửng dưng với thực tế là có những “bệnh dịch” khác và những hình thức bạo lực lây lan khác đang đe dọa gia đình nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Đối diện với tất cả những điều này, chúng ta cần một sự thay đổi sâu sắc, một sự hoán cải, loại bỏ bạo lực khỏi con tim, cho phép mỗi người nhận ra nơi người khác là người anh em.  Và chúng ta, những người ông, người bà và những người cao niên, chúng ta có một trách nhiệm cao cả: dạy cho những người nam, người nữ của thời đại chúng ta nhìn những người khác bằng cái nhìn thấu hiểu và dịu dàng giống như chúng ta dành cho cháu chắt của mình. Chúng ta đã tôi luyện tính nhân văn của mình trong việc chăm sóc người khác và hôm nay chúng ta có thể trở thành những người thầy về lối sống hòa bình và quan tâm đến những người yếu đuối nhất. Thái độ này có thể bị nhầm lẫn với sự nhu nhược hoặc cam chịu, nhưng chính những người hiền lành, không gây chiến và không trục lợi, sẽ thừa kế Đất hứa (x. Mt 5,5).

Một trong những hoa trái mà chúng ta được kêu gọi để trổ sinh đó là bảo vệ thế giới. “Tất cả chúng ta đã được bế trên đầu gối của ông bà, những người đã ôm chúng ta trong vòng tay của họ”[5] nhưng hôm nay là lúc chúng ta phải mang trên gối của chúng ta – bằng sự giúp đỡ cụ thể hoặc chỉ bằng lời cầu nguyện –, không chỉ cháu của chúng ta mà còn cả những cháu đang hoảng sợ mà chúng ta chưa biết đến và những người có thể đang chạy trốn chiến tranh hoặc gánh chịu hậu quả của nó. Chúng ta hãy mang trong trái tim mình, như Thánh Giuse – một người cha dịu dàng và quan tâm – đã làm, những người nhỏ bé của Ucraina, Afghanistan, Nam Sudan…

Nhiều người trong chúng ta đã nhận ra một cách khôn ngoan và khiêm tốn về điều mà thế giới của chúng ta đang rất cần: chúng ta không thể tự cứu một mình, hạnh phúc là tấm bánh mà chúng ta cùng nhau bẻ ra. Chúng ta hãy làm chứng về điều này trước những người lầm tưởng rằng họ có thể tìm thấy sự thỏa mãn cá nhân và thành công trong sự xung đột. Tất cả mọi người, ngay cả những người yếu nhất trong chúng ta, đều có thể làm được điều này. Việc chúng ta để mình được chăm sóc – thường là bởi những người đến từ các quốc gia khác – là một cách thức để nói rằng chung sống trong hòa bình không chỉ là điều có thể mà còn là điều cần thiết.

Quý ông bà và những người cao tuổi thân mến, chúng ta được kêu gọi trở thành những nghệ nhân của cuộc cách mạng về sự dịu dàng trong thế giới của chúng ta! Chúng ta hãy làm điều này qua việc học cách sử dụng thường xuyên và thuần thục hơn loại nhạc cụ quý giá nhất mà chúng ta có, và nhạc cụ thích hợp nhất cho độ tuổi của chúng ta: đó là cầu nguyện. “Chúng ta cũng hãy trở thành những thi sĩ cầu nguyện: chúng ta hãy thưởng nếm tìm kiếm những lời của chúng ta, hãy thâu nhận lại những điều mà Lời Chúa dạy chúng ta”.[6] Lời cầu xin đầy tín thác của chúng ta có thể làm được rất nhiều điều: nó có thể đồng hành với tiếng kêu thống khổ của những người đau khổ và có thể làm biến đổi trái tim. Chúng ta có thể là “bản hợp xướng” thường trực “của một đền thánh thiêng liêng vĩ đại, nơi những lời cầu nguyện khẩn nài và những bài thánh thi nâng đỡ cộng đoàn, vốn đang làm việc và vật lộn với cuộc sống”.[7]

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi là một cơ hội để một lần nữa, với niềm vui, Giáo hội muốn mừng lễ cùng với những người mà Chúa – như Kinh Thánh nói – đã “lấp đầy những tháng ngày”. Chúng ta hãy cùng nhau mừng lễ! Tôi mời anh chị em hãy làm cho ngày này được biết đến trong các giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em; để đến với những người cao tuổi cảm thấy cô đơn nhất, nơi tư gia hoặc trong khu dân cư nơi họ sống như những người khách. Chúng ta hãy làm sao để không ai sống ngày này trong sự cô đơn. Việc có ai đó để chờ đợi có thể thay đổi định hướng ngày sống của những người không còn mong đợi bất cứ điều gì tốt đẹp từ tương lai; và từ lần gặp gỡ đầu tiên có thể nảy nở một tình bạn mới. Thăm viếng những người già neo đơn là một việc làm của lòng thương xót trong thời đại chúng ta!

Chúng ta cầu xin Đức Mẹ, Mẹ của Sự dịu dàng, làm cho tất cả chúng ta trở thành nghệ nhân của cuộc cách mạng về sự dịu dàng, để cùng nhau giải thoát thế giới khỏi bóng đêm của sự cô đơn và khỏi quỷ dữ của chiến tranh.

Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em, cùng với sự bảo đảm về sự gần gũi trìu mến của tôi. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi!

Roma, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano, 03 tháng 05 năm 2022, lễ các thánh tông đồ Philipphê và Giacôbê.

Phanxicô

TOÀN CẦU HÓA

CƠ HỘI VÀ THÁCH ĐỐ CỦA GIỚI TRẺ NGÀY NAY

Chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là kỷ nguyên của toàn cầu hoá hay còn gọi là thời đại văn minh trí tuệ. Mặc dầu chưa có sự đồng thuận về ý nghĩa và giá trị của toàn cầu hoá nhưng không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu và tầm quan trọng của nó. Toàn cầu hoá là một cơ hội cho giới trẻ chúng ta không chỉ phát huy khả năng của mình mà còn đón nhận những luồng văn hoá mới từ mọi nơi thổi vào. Bên cạnh những thuận lợi đó, giới trẻ chúng ta cũng đang phải đối diện với biết bao nhiêu khó khăn, thách đố của thời đại toàn cầu hoá. Hơn nữa, toàn cầu hoá đã và đang làm lu mờ không chỉ đời sống đức tin mà ngay cả những giá trị đạo đức của con người.

  1. Những thuận lợi và thành công

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự tăng trưởng của nền kinh tế nên giới trẻ chúng ta lạc quan và tự tin hơn trong cách thể hiện chính mình. Hiện tượng này đã cho thấy nơi mỗi người chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để khám phá những điều mới mẻ, đồng thời chúng ta được tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại: có cơ hội học hiểu, nắm bắt những thông tin cách nhanh chóng và phong phú. Nhìn vào thế hệ trẻ 8x, 9x ngày nay, chúng ta không thể không thán phục mà còn tự hào vì một số người rất thành công trên con đường học tập và sự nghiệp. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm một doanh nghiệp tư nhân rất thành đạt. Khi tiếp xúc với anh giám đốc trẻ này, tôi không những thán phục mà còn ngỡ ngàng vì những thành công anh ta đạt được. Mặc dù từ hai bàn tay trắng nhưng anh đã làm lên một cơ ngơi hoành tráng, chẳng hạn như xe hơi đời mới, một biệt thự sang trọng và anh có 5.000 m2 đất…

Bên cạnh đó, nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy thế hệ trẻ hôm nay khác hẳn với thế hệ đàn anh, đàn chị ngày trước. Họ tương đối có trình độ học vấn cao hơn, có những mối tương quan, giao tiếp rộng rãi hơn. Đồng thời, họ tự do tìm hiểu và kết hôn nhưng không bị cha mẹ ép buộc. Sự thay đổi này trước hết do yếu tố chính trị, điều kiện kinh tế, môi trường xã hội. “Nhìn một cách tổng quát, những khác biệt này đã và đang được biểu lộ qua lối sống, suy nghĩ, tâm trạng, thái độ trước cuộc đời, cũng như điều kiện phát triển bản thân, cơ hội hưởng thụ… của giới trẻ”.

Đồng thời, toàn cầu hoá và những biến đổi của khoa học kỹ thuật đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với giới trẻ chúng ta. Chính máy vi tính cho phép giới trẻ chúng ta nối kết với mọi người, đối thoại trực tiếp, công khai bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Sự “bình đẳng trên mạng” gây ấn tượng tự tin, tự khẳng định mình và tạo nhiều ước mơ nơi giới trẻ chúng ta hôm nay. Cũng vậy, “trong thế giới thông tin đó, giới trẻ chúng ta có thể độc lập nghiên cứu, học hỏi, làm việc, kết bạn cùng lúc. Nhờ đó, chúng ta sống thật sự, thật tình với bạn bè và qua bạn bè, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, giá trị của tình người và là động lực để cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống”. Bên cạnh đó, toàn cầu hoá đã mang lại cho giới trẻ chúng ta rất nhiều cơ hội và thuận lợi. Theo báo Tuổi Trẻ, “con số người trẻ Việt Nam thành công trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, doanh nghiệp… ngày càng tăng cao” .

Hơn nữa, giới trẻ chúng ta hôm nay tiếp thu rất nhanh những biến đổi của thời đại. Chẳng hạn như về phương diện khoa học kỹ thuật, “chúng ta gần những giới trẻ cùng lứa tuổi ở các nước khác trên thế giới hơn là thế hệ đàn anh đàn chị trong cùng một nước. Người quan sát tinh ý sẽ nhận thấy những thay đổi về lối sống, suy nghĩ, cái nhìn và tiêu chuẩn đánh giá của giới trẻ Việt Nam hôm nay”. Có thể nói toàn cầu hoá là những cơ hội và những thách thức đối với giới trẻ ngày nay, đồng thời cũng là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của nhân loại.

Câu hỏi:

  • Trong thế giới toàn cầu hoá như hiện nay, là một người trẻ, bạn thấy cuộc sống đang phải đối diện những khó khăn thách đố nào?

 

  1. Những khó khăn và thách đố

Bên cạnh những thuận lợi và thành công của toàn cầu hoá mang lại, khi nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay, qua những phương tiện truyền thông, qua quan sát thực tế và qua kinh nghiệm tiếp cận cụ thể, chúng ta có cảm nhận rất rõ đa số giới trẻ hôm nay đang trong hai cơn lốc xem ra ngược chiều nhau: cơn lốc đầu tư kiến thức, cơn lốc hưởng thụ và thực dụng dưới nhiều hình thức; trong đó nhiều bạn trẻ không dễ tìm được một tình yêu đích thực. Đặc biệt, đối với đức tin, giới trẻ chúng ta đang gặp những thách đố rất lớn.

2.1. Thách đố về kiến thức

Quả thực, kiến thức là một thách đố rất khó khăn cho giới trẻ chúng ta hôm nay khi hội nhập vào vòng xoáy của nền kinh tế thị trường. Vì chúng ta nhận định rằng: kiến thức và chất xám là đôi chân để tiến thân trong xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá này. Thực tế đã cho thấy, đa số các chủ doanh nghiệp khi tuyển dụng những ứng viên cho các vị trí của công ty, họ thường ưu tiên cho ứng viên có trình độ kiến thức cao và có bề dầy kinh nghiệm. Vì thế, các bạn trẻ thi nhau hối hả học tập để xây dựng sự nghiệp cho mình. Hơn nữa, “nhiều bậc cha mẹ đã trải qua kinh nghiệm bế tắc của mình: bị thất nghiệp do không đủ bằng cấp, nên đã động viên ép các bạn phải học. Trong bối cảnh như thế, nhiều bạn bạn trẻ đã lao mình vào học”, một số bạn học ngày không đủ tranh thủ học cả đêm nên dẫn đến tình trạng stress; suy nhược cơ thể, tinh thần…

2.2. Thách đố về hưởng thụ

Bên cạnh một số đông giới trẻ chúng ta đang bị cuốn hút vào vòng xoáy của kiến thức, thì một lớp không nhỏ đang lao vào cơn lốc hưởng thụ. Quả thực, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội tôn thờ chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ khoái lạc. Hơn nữa, một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của văn hoá tốc độ. Từ những sách báo không lành mạnh, đến những băng đĩa phim sex được trao cho nhau cách dễ dàng, từ những quán Karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán Bar thâu đêm, đến những ngôi nhà nghỉ. Chính tình trạng trên đã đưa giới trẻ chúng ta vào con đường tội lỗi, nhúng sâu vào vũng lầy của cám dỗ. Một dịp, tôi được anh bạn mời đi quán Bar trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. HCM, mới đặt chân vào trong, tôi đã không chịu nổi vì tiếng nhạc phát ra; bên trong hầu hết là các bạn trẻ đang đắm mình uốn éo nhún nhảy trong tiếng nhạc, trên tay là những ly rượu mạnh đắt tiền và hò hét điên cuồng. Một số bạn nữ với những trang phục áo “thiếu vải”, quần “cực ngắn” cũng đang ngất ngây trong tiếng nhạc. Tôi hỏi anh bạn đi cùng: Sao hôm nay không phải là ngày cuối tuần mà quán Bar đông quá vậy? Anh bạn trả lời: Bình thường như mọi ngày không có gì mà lạ, đây chỉ là khởi đầu của một đêm, còn tăng hai tăng ba nữa mới hấp dẫn. Tôi thật sự ngỡ ngàng và suy nghĩ: không biết thời gian nào để các bạn trẻ này học tập và làm việc? Vì thế, không ít một số bạn trẻ đã lao vào con đường ăn chơi nghiện ngập dẫn đến HIV và các bệnh khác. Trước tình trạng đó, ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, cảnh báo: “Trong các hoạt động dịch vụ văn hoá, Karaoke, vũ trường, quan Bar, Internet công cộng… không ít cơ sở biến thành nơi mua dâm, bán dâm, ăn chơi xa hoa, truỵ lạc của một phần xã hội, đăc biệt là giới trẻ…”.

Mặt khác, ngày nay do ảnh hưởng văn hoá phương Tây tràn vào, nên tình trạng quan hệ tình dục và sống thử trước hôn nhân ở giới trẻ đang ở mức báo động. Nhiều bạn trẻ thật dễ dãi cho rằng việc đó là bình thường không ảnh hưởng gì. Theo Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Đại học Sư phạm TP.HCM, việc các bạn trẻ quan hệ trước hôn nhân không chỉ ảnh hưởng của văn hoá phương Tây mà còn do lối sống quá dễ dãi của các bạn. Vấn đề này thường xảy ra ở học sinh, sinh viên và công nhân. Đồng thời, tình trạng phá thai ngày càng trở lên nhiều hơn. Một số bạn trẻ phá thai không những một lần mà còn nhiều lần. Theo Báo Lao Động số ra ngày 5-10-2009, tỉ lệ nữ học sinh, sinh viên nạo phá thai đang gia tăng một cách báo động và đã gây ra những hậu quả khôn lường. Hơn thế nữa, giới trẻ chúng ta đang đứng trước những khó khăn và thách đố rất lớn; chúng ta đang bị cuốn hút vào vòng xoáy nghiệt ngã của thời đại hay nói cách khác thay đổi chóng cả mặt. Một số bạn trẻ không bắt nhịp được cuộc sống nên dấn đến tình trạng chán nản, họ cảm thấy mình bị xã hội loại bỏ và rơi vào thế bế tắc .

2.3. Thách đố về thực dụng

Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của ước mơ và hy vọng. Nhưng rất nhiều người cho rằng, giới trẻ ngày nay thực tiễn và thực dụng. “Điểm độc đáo của tiếng Việt là dấu. Thế nhưng ở thời đại @ này, khi “chat” trên mạng hay gửi email, người ta cũng thường cho dấu bốc hơi”. Ngôn ngữ của một số bạn trẻ thế hệ @ cũng rất hiện đại và quái đảm. Một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội kể: “Có lần sau khi dẫn bạn gái đi ăn cùng bố mẹ, tôi hỏi khéo mẫu thân: “Mẹ thấy con có… vệ sinh không? (ý muốn hỏi xinh không). Trông hơi bị “Neestti’ (Nestea) đấy mẹ nhỉ”. Các cụ cứ tròn cả mắt chẳng hiểu gì cả, rồi phán: “Cả mấy lần nó ăn nói như… dở người ấy, ai lại con gái con lứa gì mẹ nhờ gọi người phục vụ tính tiền nó buông ngay một câu: “Chị ơi, chị tổng vệ sinh xem bàn này hết bao nhiêu tiền để bác gái còn… ‘củ chi’”.

Hơn nữa, giới trẻ ngày nay coi mình là “trung tâm của vũ trụ” mà không nghĩ đến người khác. Họ đòi hỏi yêu thương và thông cảm, nhưng lại ích kỷ và khắc nghiệt với thế hệ đi trước. Hiếu thắng, hăm hở lao mình vào cuộc chạy đua của nền kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật, nhưng cũng rất dễ chao đảo trước những khó khăn của cuộc sống, những thất bại trong nghề nghiệp và lỡ dở trong việc tình duyên. Không thiếu những bạn trẻ đã nản chí, buông xuôi và tìm cách giải quyết vấn đề bằng ma tuý, tình dục hay bằng chính cái chết. Mặt khác, về lĩnh vực tình dục, giới trẻ chúng ta hôm nay là những đại diện đầu tiên của lớp người hưởng thụ ở Việt Nam, những người đầu tiên có sự tự chủ về đầu tóc, quần áo, thân thể và cuộc sống mình. Quan niệm của chúng ta về phái tính hoàn toàn khác biệt với thế hệ đi trước. Chúng ta cho rằng cha mẹ chúng ta sống quá gò bó, cố chấp giả tạo. Còn chúng ta không thể chấp nhận quan niệm sống gò bó đó. Chúng ta muốn sống thực với lòng mình. Một số bạn trẻ khi mới ra thành thị, mới thoát được vỏ bọc của gia đình ban đầu thì còn e ngại, nhưng chỉ một thời gian sau đã phá vỡ bứng tường e ngại đó bằng việc ăn chơi, thậm chí một số bạn sa vào con đường tệ nạn xã hội.

2.4. Thách đố về tình yêu

Làm sao để có được một tình yêu đích thực? Hay cần phải nuôi dưỡng tình yêu như thế nào? Đó là mối bận tâm rất lớn của hầu hết các bạn trẻ; đồng thời, nó cũng là thách đố các bạn phải định hướng cho mình. “Trong thực tế, hầu như các bạn trẻ đang ở trong hai cơn lốc đầu tư kiến thức và ăn chơi hưởng thụ vô độ đều cảm thấy trống rỗng vì chưa cảm thấy hạnh phúc thực sự của người được yêu”. Bên cạnh đó, ngày nay do ảnh hưởng của nền văn hoá phương Tây, một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu “rất hiện đại” hay còn gọi tình yêu tốc độ. Tình trạng góp gạo thổi cơm chung hay sống thử trước hôn nhân đang diễn ra ở giới sinh viên, công nhân đã lên mức báo động. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm các bạn sinh viên sống ở khu nhà trọ, tôi thật ngỡ ngàng trong một dãy phòng trọ, có khoảng một phần ba các bạn sống trước hôn nhân, hay còn gọi là góp gạo thổi cơm chung.

Mặt khác, một số bạn trẻ dường như không coi trọng giá trị của tình yêu mà coi tình yêu như một phong trào. Tôi được một bạn sinh viên chia sẻ: phòng em có 3 người ở, hai bạn của em có người yêu; em cảm thấy rất buồn và quyết định kiếm một người yêu đại để vơi đi nỗi buồn đó. Nhưng sau thời gian khi chiếm được thân xác em, anh ta đã cao chạy xa bay. Bây giờ, em không thể tin vào tình yêu nữa! Kinh nghiệm cho thấy, tình yêu đến càng nhanh thì độ bền của nó càng ngắn. Độ bền ngắn đến độ “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc”!

Bên cạnh đó, đối với nhiều bạn, hạnh phúc lứa đôi chủ yếu tình yêu theo cái nhìn của phương Tây. Không ít bạn trẻ đổi chác trong tình yêu, lấy vật chất làm thước đo, làm nền tảng cho tình yêu; không chỉ các cô gái mà còn cả nam giới làm trai bao cho các phụ nữ đang tuổi hồi xuân, thiếu hụt tình cảm. Theo báo Thanh Niên số ra 12/02/2009, “một nữ sinh viên có học vấn trẻ đẹp còn chấp nhận làm sân sau cho những người có gia đình, học vấn thấp, chênh lệch tuổi tác, để có tiền tiêu, may sắm theo sở thích. Tệ hơn nữa, con số nữ sinh làm dịch vụ tình cảm theo nhu cầu của khách, nghĩa là hình thức mại dâm cao cấp, ngày càng gia tăng”.

Câu hỏi:

  • Đối diện với những khó khăn thách đố đó, bạn đã và phải làm gì?
  1. Những thách đố về đức tin

3.1. Tầm quan trọng của đức tin

Đức tin trước hết là một ơn ban của Thiên Chúa. Nhưng để đức tin được triển nở và vững mạnh cần có sự đáp trả của con người, nghĩa là về phía con người đi tìm chân lý, còn về phía Thiên Chúa đã, đang và luôn ban ánh sáng đặc biệt để dẫn dắt con người. Ánh sáng soi đường đó là Đức Giêsu Kitô chiếu soi nội tâm của con người, khiến chúng ta xác tín các thực tại con người đang đối diện hoặc khám phá được điểm không nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Bởi thế, trong thực tại của toàn cầu hóa hôm nay, hơn bao giờ hết, đức tin có một tầm quan trọng hết sức cơ bản đối với giới trẻ chúng ta; Nó như là ngọn đuốc soi dẫn chúng ta tiến bước trên con đường tìm về, gắn kết với Thiên Chúa và sống cho Ngài.

3.2. Thực trạng đời sống đức tin của giới trẻ ngày nay

Ngày nay, nhiều bạn trẻ sống đức tin rất vững vàng. Tại các giáo xứ, giới trẻ chúng ta tham gia vào các hội đoàn, chẳng hạn như sinh viên công giáo, huynh trưởng, giáo lý viên, ca đoàn…, rất nhiều bạn trẻ không những được học hỏi, đào sâu và cảm nghiệm được giá trị của Lời Chúa mà còn đem ra thực hành, qua việc tham gia các hội đoàn này. Một bạn trẻ chia sẻ với tôi: “Quả thực từ khi tham gia vào nhóm sinh viên công giáo, em cảm thấy đức tin của mình càng ngày càng vững vàng hơn, nhất là khi gặp khó khăn thử thách về đời sống đức tin, em đã được các Cha và bạn bè trong nhóm nâng đỡ”. Hơn nữa, một số bạn trẻ đã trở thành những cộng tác viên rất đắc lực trong công tác tông đồ và những hoạt động từ thiện của giáo xứ mình. Tóm lại, giới trẻ chúng ta thường được coi là tương lai của đất nước, là tinh hoa của dân tộc, là tầng lớp của nét đẹp văn hóa, tôn giáo và truyền thống dân tộc, cũng như của Giáo Hội.

Thế nhưng, giới trẻ ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề làm cho chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho một thế hệ tương lai. Các nhà lãnh đạo tôn giáo rất lo lắng, trước sự ý thức đạo đức của giới trẻ sa sút. Tại các xứ đạo, số bạn trẻ đi lễ đang giảm sút trầm trọng, nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng; đi vì trách nhiệm, hoặc vì ép buộc. Họ đến nhà thờ là vì cha mẹ thúc ép không đi không được, hoặc vì không đi sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến của họ. Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang có mặt ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc. Thậm chí một số khác còn đi lễ “ôm” một danh từ hơi lạ nhưng nói lên được thực trạng hiện nay của các bạn trẻ. Họ đứng ngoài đường dự lễ và từng cặp ngôi trên xe gắn máy ôm nhau, đùa giỡn, chuyện trò… chẳng quan tâm thánh lễ đang đến đâu và chủ tế đang làm gì, chỉ biết có người ra về là họ nổ máy chạy thẳng.

3.3. Những thách đố về đời sống đức tin

Như vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay, đức tin của giới trẻ chúng ta đang xuống dốc trầm trọng. Ở một vài giáo xứ, người ta không còn thấy bóng bạn trẻ đi tham dự thánh lễ hàng tuần. Và nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là “xe ôm”, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho xong… Nói chung là dự lễ cho qua hay cho xong bổn phận. Một người mẹ chia sẻ: “Mỗi lần tôi nói với đứa con trai đi tham dự thánh lễ, nó trả lời rằng: ‘Thời đại này cần phải đến nhà thờ làm gì mẹ, chỉ cần mình tin có Chúa là đủ; mẹ thử nghĩ mấy đứa bạn con có đi lễ đâu mà nhà nó vẫn giàu có đó’”.

Quả thật, do ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang “ăn” sâu vào đời sống giới trẻ chúng ta: tình tương thân – tương ái chia sẻ ý nghĩa cuộc sống hằng ngày đang dần dần mất đi. Giờ đây, vật chất đối với họ là trên hết nên hậu quả họ bỏ bê, chểnh mảng việc bổn phận chăm lo đời sống thiêng liêng rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh là Kitô hữu, và tại các giáo xứ, số lượng người trẻ học giáo lý ngày càng ít đi.

Hơn nữa, do ảnh hưởng của thời đại toàn cầu hoá, giới trẻ chúng ta hôm nay dường như đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những lối cử hành thánh lễ buồn tẻ. Điều này có thể thấy rõ vào những ngày lễ Chúa Nhật, một số bạn trẻ thường đi tới các các giáo xứ có thánh lễ long trọng, bài giảng thật hấp dẫn và sống động, ca đoàn hát hay… dễ làm thu hút họ.

Có thể nói, lối sống của thời toàn cầu hoá là lối sông mở. Quan niệm về luân lý cũng biến đổi nhiều so với sự đổi thay của môi trường sống là nơi diễn ra những khác biệt về kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa giới tính… Tạo nên những thách đố khác nhau gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đức tin của giới trẻ chúng ta. “Một Giám mục Á Châu có lý khi ví toàn cầu hoá như một luồng gió mát lạnh đem đến nhiều lợi ích và thỏa mái, mà chúng ta cần mở rộng cửa để đón nhận. Mặc dù, đôi khi nó cũng mang chứng khí, bão tố và một vài con muỗi”. Vậy đâu là điểm quy chiếu để mỗi giới trẻ chúng ta sống xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa? Và để trở nên những người công giáo tốt, sống đức tin và là chứng nhân đích thực của đức tin Kitô giáo trong xã hội hôm nay?


Lời kết

Tuổi trẻ muôn đời vẫn là tuổi của hy vọng, đầy mộng mơ và lý tưởng, là thành phần trẻ trong lòng Giáo Hội; vì thế, mỗi người chúng ta nên sáng suốt cân nhắc lựa chọn đâu là điều tốt cho mình, cái gì là tốt đẹp và hành động theo đó, tránh xa những cái xấu và dịp tội để làm đẹp cho tâm hồn mình, trở thành người có ích cho Giáo Hội và xã hội.

Hơn nữa, trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay đã tạo nên cách thế nhìn đời, đường lối suy tư của giới trẻ chúng ta khác với thế hệ đi trước. Tất cả đều có hai mặt ưu và khuyết. Ước mong sao, dưới ánh sáng của Lời Chúa, giới trẻ chúng ta sẽ có khả năng nhận định đúng và lựa chọn đúng con đường mình sẽ đi để có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc đời như lời Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã căn dặn các bạn sinh viên trong chuyến viếng thăm ngài ở dòng Châu Sơn Ninh Bình: “Các con phải biết lựa chọn và đón lấy những điều tốt, đào thải ra khỏi tâm hồn những cái xấu, cái không tốt để trở nên những con người toàn diện, can đảm làm chứng nhân cho Chúa”.

Câu hỏi:

  • Là một người Công giáo, bạn gặp phải điều gì? và phải làm gì để vượt qua?
  • Bạn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ như bạn không?

Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình, MF