Tình cảm thiêng liêng của gia đình

Năm cô 6 tuổi, cô mất cả bố lẫn mẹ, họ bị tai nạn ô tô trong lần về quê thắp hương cho ông bà nội.

 6 tuổi, cô chưa thể hiểu hết mọi chuyện đang xảy ra trong gia đình, cô chỉ biết khóc suốt ngày vì bố mẹ không quay về.

              Cô còn một người anh trai tên là Nam, cậu bé 14 tuổi, dáng người to cao giống bố. Lúc bố mẹ mất, cậu không khóc, không gào thét mà chỉ ôm chặt cô em gái vào lòng cho đến khi ngủ thiếp đi.

 Suốt ngày cô đều theo sau anh trai đòi bố, đòi mẹ; cô không thích ăn cơm nửa sống nửa chín của anh trai nấu, không thích mặc bộ đồ nhăn nhúm anh trai giặt,…

Kể từ ngày hiểu ra rằng bố mẹ mãi mãi không về, cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai vì sợ anh lại bỏ cô mà đi.

 Đêm hôm đó, trời đã rất muộn, rất muộn nhưng cô không chịu ngủ mà ngồi dậy kéo anh trai và hét to: “Em muốn gặp mẹ!”.

              Bỗng nhiên, Nam kéo cô từ trong chăn ra, hai tay nắm lấy đôi vai bé nhỏ của cô và nói:

 “Mẹ mất rồi, đừng có tìm mẹ nữa, bố mẹ đều không còn nữa, họ sẽ không quay về nữa đâu!”.

              Giọng nói của Nam vang lên rất to khiến cô phải im lặng vì sợ hãi. Sau đó, cô dần dần hiểu được bố mẹ cô mãi mãi không quay về, cô hiểu được trên thế giới này chỉ còn anh trai là người thân duy nhất của mình.

              Nam úp mặt xuống giường và khóc thật to, đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy anh trai khóc kể từ ngày bố mẹ mất.

              Cô nhẹ nhàng cúi xuống rồi nằm trên lưng anh trai, cô dùng đôi tay bé nhỏ của mình ôm lấy anh, cảm giác ấm áp như ôm bố mẹ vậy.

              Cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai giống như trước kia từng dựa vào bố mẹ: đi học, cô đòi anh chở đi; tan học, anh trai phải đến đón cô.

              Trường của cô cách nhà khá xa, mỗi buổi sáng Nam đều chở cô đến trường, đến nơi người Nam ướt đẫm mồ hôi. Ngồi trên xe, cô nắm chặt lấy vạt áo của anh không rời, cô không khóc đòi bố mẹ như trước nữa. Trước giờ cô chưa từng nói với anh, kể từ khi hiểu ra rằng bố mẹ mãi mãi không quay về nữa, trong lòng cô luôn bao trùm một nỗi sợ hãi, cô sợ rằng một ngày nào đó, anh trai cũng sẽ rời xa cô.

              Cảm giác sợ hãi đó khiến một đứa bé 6 tuổi trở nên ngoan ngoãn, nghe lời đến lạ. Thế rồi, có mơ cô cũng không tưởng tượng được rằng cuối cùng anh trai vẫn bỏ rơi cô.

              Hôm đó là ngày cuối tuần, mới sáng sớm, Nam đã phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ chăm chút buộc cho cô hai bím tóc, mặc cho cô bộ váy màu trắng mà cô không biết anh mua cho cô từ khi nào, sau đó cô được anh trai dẫn đi công viên chơi rất nhiều trò, ăn rất nhiều món, cho đến khi mệt, cô ngủ say trên lưng anh.

              Sáng hôm sau tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên giường của nhà khác còn anh trai thì không thấy đâu nữa.

              Cô hốt hoảng chạy đi tìm anh, sau đó một người hàng xóm mà cô gọi là “thím” nói với cô rằng anh trai cô đi làm thuê rồi, từ nay về sau, cô sẽ sống cùng với gia đình họ. Mặc dù cô biết, chú thím là bạn thân thiết của bố mẹ mình nhưng cảm giác bị anh trai bỏ rơi lúc này còn tuyệt vọng, đau đớn hơn khi bố mẹ rời đi. Là anh trai đã bỏ rơi cô, cô đã bị anh trai bán lấy tiền, anh trai không cần cô nữa.

 Sau khi biết anh trai cũng bỏ đi không về như bố mẹ, cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, có nhiều sự thay đổi. Sự thích nghi nhanh chóng đó mãi đến khi lớn lên, cô nhận ra rằng đó chính là một kiểu để quên đi đau thương.

              Cô chủ động học làm việc nhà, tự giặt quần áo, cô biết đây không phải là nhà của mình, họ không phải người thân của mình nên cô dần dần không còn dựa dẫm vào ai nữa. Kể từ khi anh trai bỏ đi, cô hoàn toàn mất đi quyền được nũng nịu, đòi được yêu chìu. Cô cũng có một người anh trai nữa, người đó hơn cô một tuổi, rất nghịch ngợm và đôi lúc còn bắt nạt cô.

              Cũng may là bố mẹ nuôi rất thương cô, mỗi năm họ đều mua quần áo mới cho cô, có đồ ăn ngon cũng luôn để phần. Tình cảm cô đối với bố mẹ nuôi, có yêu thương, nhưng sự cảm kích, ơn huệ lại là phần nhiều.

              Năm cô 11 tuổi, lúc đó cô đang học lớp 4, một buổi tối nọ, cô đang giúp mẹ vá lại chiếc áo, bỗng mẹ nuôi nói:

              “Mấy năm nay, con không nhớ Nam sao? Lúc đó, nó còn bé, sao có thể chăm lo cho con được?”

              Cô im lặng không nói, đúng vậy, cô không nhớ anh trai, mới nghĩ đến cô đã thấy hận, vì thế cô không muốn nghĩ. Cô nói với mẹ: “Mẹ à, đừng nhắc đến anh con nữa”.

              Mẹ nuôi thở dài, hình như trong lòng vẫn còn điều gì đó muốn nói nhưng cô đã đi về phòng mất.

 Chính xác, cô hận anh, cô không sợ khổ khi đi theo anh, không được đi học thì có gì đáng sợ đâu, cô sẽ theo anh đi kiếm cơm vậy. Nhưng anh đã đập tan mộng tưởng của cô, đã làm mất đi chỗ dựa của người thân duy nhất, đó chính là sự hủy diệt triệt để, không để lại điều gì cả. Vì thế, cô không thể tha thứ cho anh trai mình.

              Năm 16 tuổi, thành tích học tâp đứng đầu toàn trường giúp cô thi đỗ vào trường cấp ba, người anh lớn hơn cô một tuổi đang học lớp 11.

              Một năm sau, khi người anh đó đang chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba, bố nuôi nghỉ việc, ông thuê một cửa hàng nhỏ ở chợ để bán rau. Tối hôm đó, đang ngồi học cô khát nước nên đi ra phòng khách uống thì tình cờ nghe được cuộc trò chuyện bên phòng của bố mẹ. Anh trai nuôi nói với mẹ rằng: “Mẹ, con không biết, dù thế nào đi nữa con cũng phải học Đại học”.

 “Không được, cái Mai học tốt hơn con, nó có khả năng thi đỗ Đại học”. Tiếng nói của bố nuôi nhỏ nhẹ nhưng rất quyết đoán.

 “Lấy đâu ra tiền mà nuôi hai đưa ăn học cùng một lúc chứ?” Mẹ nuôi nói.

              Nghe đến đó, cô vội quay về phòng, cô không muốn nghe gì nữa. Lúc đó, cô quyết định để cho anh trai học Đại học, còn cô, học xong cấp ba, cô sẽ đi tìm việc. Bởi từ khi anh trai bỏ cô mà đi, bố mẹ nuôi đã cho cô quá nhiều, cô không muốn thêm gánh nặng cho họ nữa.

              Đáng tiếc là anh trai nuôi của cô thi không đỗ và bố nuôi cô vẫn kiên quyết rằng cô phải vào Đại học.

 Cô vẫn kiên quyết: “Con không thi đâu, con quyết định rồi!”.

              Tranh luận hồi lâu không được, mẹ nuôi cô từ trong bếp nói vọng ra: “Mai à, con bắt buộc phải thi vào Đại học. Con có biết không, anh trai con đã gửi đủ số tiền học phí cho con rồi nên con nhất định phải học Đại học, đừng phụ lòng nó, nó không dễ dàng gì…”.

Cô ngẩn người.

              11 năm sau, lần đầu tiên cô lại tìm về hồi ức của anh trai mình.

 Bố mẹ nuôi nói với cô: “Năm đó, anh trai con biết một đứa trẻ 14 tuổi như nó không có khả năng để nuôi em gái nên nó mới quyết định ra ngoài đi làm kiếm cơm, còn gửi con lại cho bố mẹ. Nó bán nhà và đưa hết số tiền đó cho bố mẹ bởi nó tin rằng bố mẹ sẽ chăm sóc tốt cho con. Buổi sáng sớm hôm đó, trước khi rời đi, anh con ôm con đang ngủ say trong lòng đưa cho mẹ bế, sau đó nhìn con và hứa rằng: “Thím à, con nhất định sẽ về đón em con, mong thím chăm sóc tốt cho nó…”.

 “Từ khi con bắt đầu lên lớp 4, mỗi tháng nó đều gửi tiền về cho mẹ, bố mẹ cũng tích góp lại cho nó. Là bố mẹ vô dụng, nhiều năm qua luôn để con phải chịu ấm ức…” Bố mẹ nuôi nghẹn lòng không nói nên lời, họ cầm lấy tay cô và khóc.

              Vậy những năm qua anh ấy đi đâu, sống như thế nào?…Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu, thì ra anh trai chưa từng bỏ rơi cô, anh trai vẫn luôn yêu cô nhưng bằng cách mà mấy năm qua cô không thể lý giải được.

              “Thế tại sao anh lại không về thăm mình chứ, không phải anh đã hứa sẽ về thăm mình rồi ư?…”.

 Số tiền gửi từ Sài Gòn về, bên ngoài phong bì không ghi địa chỉ cụ thể, cô hạ quyết tâm nhất định phải vào Sài Gòn tìm anh.

              Một năm sau, cô thi đỗ và vào Sài Gòn học tập, cô vẫn không thôi nghĩ đến việc tìm anh trai, thế nhưng giữa đất Sài Gòn rộng lớn như thế, đi tìm một người quả như là mò kim đáy bể.

 Tốt nghiệp xong, cô ở lại Sài Gòn và làm việc ở đó, cũng là để tìm anh trai luôn. Vào lúc cô gần như tuyệt vọng, bỗng nhiên cô nhìn thấy một bức ảnh trên mạng: “Trước một quầy báo nhỏ, có một chàng trai người gầy gò ốm yếu, bị mất một tay đang sửa xe đạp…” Khi nhìn thấy dòng chữ ghi tên Nam, cô hoa mắt, người đó chẳng phải là anh trai mình sao? Đúng rồi, là anh ấy.

Cô xem tiếp: “Năm 19 tuổi, người thanh niên làm việc ở một công trường xây dựng, trong lúc đang làm việc thì do gặp sự cố về máy móc nên anh ta đã bị mất đi một cánh tay, từ đó anh lang thang phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề để mưu sinh: nhặt phế thải, đi bán báo, phát tờ rơi,…Và 3 năm trước, anh ta mở một quầy báo nhỏ vừa bán báo vừa sửa xe đạp. Động lực duy nhất để anh sống lạc quan như thế chính là cô em gái…”.

Khi cô xuất hiện trước quầy báo, anh trai cô đang bận rộn với công việc sửa xe đạp, mặc dù mất một tay nhưng động tác của anh vô cùng nhanh nhẹn và điêu luyện. Cô nhẹ nhàng bước lại gần, nước mắt cô rơi xuống lã chã, trước mắt cô chính là người anh mà cô từng hận vì đã bỏ rơi cô, chính là người yêu thương cô nhất, bất chấp tất cả để lo cho cô một cuộc sống đầy đủ.

 “Cô gái, cô…” Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy cô, cô khóc nức nở và ngồi xuống nhẹ nhàng lấy khăn lau mồ hôi cho anh.

 “Anh à, em là Mai đây!…”

              Cô vội vàng ôm lấy anh, đã lâu lắm rồi cô không được ôm anh như vậy, cảm giác đó vẫn ấm áp như hồi bé, cảm giác được an toàn, được yêu chiều…

              Tình cảm gia đình luôn thiêng liêng như vậy, nó luôn là chỗ dựa để ta lớn lên, luôn là động lực để ta bước tiếp, dù người thân có làm gì thì hãy luôn nhớ rằng, tất cả đều vì những người mà họ thương yêu mà thôi…!

Sưu tầm

(Không rõ tác giả)

Sự Thánh Thiện Của Hôn Nhân Kitô Giáo: Một Điều Rất Thiết Thực

Khi bạn nghĩ về sự thánh thiện, bạn nghĩ đến điều gì? Đối với nhiều người trong chúng ta, khái niệm về sự thánh thiện thường liên quan đến những điều rất “thiêng liêng”: đọc Kinh Thánh; đi lễ nhà thờ; trước sau như một trong cuộc sống tận tụy của chúng tôi; cầu nguyện nhiệt thành và lâu giờ; sống chứng tá. Đương nhiên, tất cả những điều này có thể là dấu hiệu của sự thánh thiện trong cuộc sống của chúng ta.

Nhưng thánh thiện là gì? Về cốt lõi, sự thánh thiện của Kitô hữu có nghĩa là chúng ta phản ánh đặc tính của chính Thiên Chúa. Chúa có yêu thương không? Thế thì, chúng ta phản ánh sự thánh thiện trong tình yêu thương mà chúng ta thể hiện với người khác. Chúa có trong sạch không? Thế thì, chúng ta phản ánh sự thánh thiện trong sự trong sạch của cuộc sống của chúng ta. Chúa có kiên nhẫn không? Thế thì, chúng ta phản ánh sự thánh thiện bằng sự kiên nhẫn của chúng ta với người khác. Nói tóm lại, sự thánh thiện trong cuộc sống của chúng ta tự hình thành nên những cách sống rất thiết thực. Điều này đặc biệt đúng với sự thánh thiện trong hôn nhân: đó là một điều rất thực tế.

Chương 5 trong Thư gửi tín hữu Galát là một minh họa tuyệt đẹp về điều này. Trong Galát 5, chúng ta đọc về những hoa trái của Thánh Thần. Có nghĩa là, các loại hoa trái khác nhau được đề cập ở đây đều là minh họa cho đặc tính thánh thiện của Thiên Chúa. Hãy xem kỹ những hoa quả này là gì: “yêu thương, vui vẻ, bình an, nhẫn nại, nhân từ, tốt lành, trung tín, dịu dàng, tiết độ” (Galát 5,22-23). Bạn nhận thấy có bao nhiêu loại hoa trái này là những thứ mà chúng ta cần phải làm chứng tá – hoặc nên chứng tá – trong bối cảnh của các mối tương quan ? Tình yêu… niềm vui… sự bình an… sự kiên nhẫn… lòng tốt… sự dịu dàng… sự tự chủ. Những hoa trái này của Chúa Thánh Thần là những điều cốt lõi rất thiết thực, chúng tự phát huy tác dụng trong cuộc sống hàng ngày và trong mối quan hệ hàng ngày của chúng ta với những người xung quanh.

Khi chúng ta chỉ nghĩ về sự thánh thiện về những điều “thiêng liêng” như đọc Kinh thánh hoặc cầu nguyện, chúng ta đã mắc phải hai sai lầm. Sai lầm đầu tiên là chúng ta có thể đánh giá thấp những cách khác nhau mà những người xung quanh, đặc biệt là người phối ngẫu của chúng ta, thể hiện đức tính thánh thiện của Thiên Chúa.

Điều này xẩy đến với tôi khi Tim, người bạn của tôi, chia sẻ về cuộc hành hương của chính mình với sự hiểu biết về sự thánh thiện. Khi còn là một tín hữu trẻ tuổi, anh ấy nghĩ sự thánh thiện là những điều “thiêng liêng” được liệt kê ở trên. Kết quả là, khi không thấy vợ cầu nguyện hay đọc Kinh thánh nhiều như anh nghĩ, anh kết luận: cô ấy không thánh thiện lắm. Nhưng điều mà Tim không hiểu, không nhận ra là sự vui vẻ và hiền lành của vợ (xem lại Galát 5,22). Cô luôn tươi cười và có tinh thần rất nhẹ nhàng. Nói cách khác, cô ấy đang bày tỏ những hoa trái của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, Tim đã bỏ lỡ những khía cạnh này của sự thánh thiện nơi vợ mình, vì anh ấy chỉ đo lường sự thánh thiện là những điều “thiêng liêng” hơn như đọc Kinh thánh và cầu nguyện.

Sai lầm thứ hai mà chúng ta mắc phải là chúng ta có thể đánh giá quá cao sự thánh thiện của chính mình! Nếu chúng ta nghĩ về sự thánh thiện chỉ khi thực hiện các nhiệm vụ của Kitô hữu, như đọc Kinh thánh hoặc cầu nguyện, thì sự thánh thiện trở thành một công việc mà chúng ta đánh dấu bên cạnh khi chúng ta hoàn thành. Sự thánh thiện của Kinh Thánh khác biệt biết bao! Sự thánh thiện của Kinh Thánh tự thể hiện trong một đời sống được biến đổi bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần để chúng ta phản ánh đặc tính của chính Thiên Chúa! Đây không chỉ là một nhiệm vụ mà chúng ta đặt dấu kiểm tra bên cạnh khi hoàn thành. Không, đó là một sự biến đổi căn bản trong cõi lòng và cuộc sống của chúng ta, có tác động sâu sắc đến cách chúng ta tương quan với những người khác, bao gồm cả vợ/chồng của chúng ta! Kết quả là, sự thánh thiện có tác động rất thiết thực đến hôn nhân, bởi vì khi chúng ta trở nên giống Thiên Chúa hơn, chúng ta có khả năng tương quan với người vợ hoặc chồng của mình bằng “tình yêu, niềm vui, sự bình an, sự kiên nhẫn, lòng tốt, sự tốt lành, dịu dàng, tự chủ”.

Sự thánh thiện thì như thế nào trong hôn nhân?

Bạn đã nghĩ như thế nào về sự thánh thiện? Sự hiểu biết của bạn về sự thánh thiện liên quan đến việc hoàn thành một nhiệm vụ “thiêng liêng” nào đó hay bạn cũng hiểu sự thánh thiện là một sự biến đổi của trái tim và cuộc sống, thể hiện theo những cách rất thiết thực trong các mối tương quan hàng ngày của chúng ta?

Chúng ta đọc lại những hoa quả của Chúa Thánh Thần: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, tốt lành, trung tín, dịu dàng, tiết độ” (Galát 5,22-23a). Làm thế nào để những thứ hoa trái này tự biểu lộ trong cách bạn liên hệ với người phối ngẫu của mình? Làm thế nào các thứ hoa trái này của Chúa Thánh Thần nên tự biểu lộ trong mối quan hệ hôn nhân của bạn? Hãy cố gắng trở nên thực tế nhất có thể.

Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: Thiên Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta để giúp chúng ta trở nên giống Ngài hơn. Trở thành thánh không phải là vấn đề tự biến đổi. Đó là vấn đề ngày ngày nhìn lên Thiên Chúa trong sự hoán cải và đức tin và tìm kiếm sự giúp đỡ của Thiên Chúa để trở nên giống Ngài hơn.

Khi bạn nghe ai đó nói rằng người khác là “cặp đôi hoàn hảo”, bạn có thường cho đó chỉ là cách nhìn bề ngoài của một mối quan hệ không? Hôn nhân là một bí tích đẹp đẽ, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm vẻ hoàn hảo bên ngoài và không tìm cách trưởng thành trong sự thánh thiện với người vợ/chồng của mình, bạn đang tự tạo cho mình sự thất vọng.

Gần đây nữ phóng viên Đài phát thanh Công giáo Hoa Kỳ, Timmerie, đã thảo luận về sự nguy hiểm của việc theo đuổi cái gọi là sự hoàn hảo trong hôn nhân hơn là sự thánh thiện. Cô ấy thừa nhận, “Chủ nghĩa hoàn hảo thường ảnh hưởng đến rất nhiều người trong chúng ta. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoàn hảo không phải là để có một mối quan hệ tốt. Đó chỉ là sự hoàn hảo ở bên ngoài vì đó chỉ là những gì người khác cảm nhận về các mối quan hệ của chúng ta, hay đôi khi chỉ là những gì chúng ta muốn vợ/chồng mình nhìn thấy.”

Vậy chúng ta nên tiếp cận vấn đề của chủ nghĩa hoàn hảo như thế nào, với tư cách là người Công giáo? Timmerie gợi ý rằng thay vì nhấn mạnh chủ nghĩa hoàn hảo trong sự nghiệp, trong việc nuôi dạy con cái và hôn nhân, chúng ta nên nói về sự thánh thiện thay vào đó.

“Bạn thấy đấy, hôn nhân là một con đường dẫn đến sự thánh thiện,” cô nói. “Đó là một trong những ơn gọi mà chúng ta được trao ban để thực hiện cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa, và trong trường hợp này là cùng với một người khác. Và tôi nghĩ nó khá gọn gàng, bởi vì Giáo hội cung cấp cho chúng ta một số hướng dẫn đáng kinh ngạc về cách chúng ta có thể sống trong hôn nhân thánh thiện. Và đó là một đòi hỏi khá cao mà chúng ta cần những lời nhắc nhở liên tục này.”

Timmerie thừa nhận, “Tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta muốn đi sâu hơn vào hành trình đức tin của mình với vợ/chồng, cho gia đình của mình. Nhưng chúng ta không thực sự biết phải làm gì. Chúng ta nói, ‘Tôi chỉ muốn mối quan hệ này trở nên hoàn hảo, nhưng đôi khi chúng ta lại bỏ lỡ mất cách để đạt được điều đó.”

Một cách để học cách trưởng thành trong sự thánh thiện của hôn nhân của bạn là suy gẫm điều Kinh thánh nói với chúng ta về cách vợ và chồng nên yêu thương nhau.

Timmerie đề nghị, “Tôi muốn khuyến khích các cặp vợ chồng, hãy cầu nguyện với Êphêsô chương 5”. “Thánh Phao-lô đã viết về các ơn gọi khác nhau của vợ chồng, và có rất nhiều sự khôn ngoan có thể được giải bày. Các cặp đôi, đã kết hôn hoặc ngay cả khi bạn đang chuẩn bị kết hôn hãy đọc riêng Êphêsô 5,1-33. Và sau đó dành thời gian sau đó cùng nhau đọc những lời này, những lời khôn ngoan về hôn nhân, và sau đó thảo luận về chúng”.

Khi suy ngẫm về Kinh thánh, Timmerie gợi ý rằng vợ hoặc chồng hãy tự hỏi: “Tôi cần làm gì, để thay đổi, để hướng tới sự thánh thiện của tín hữu Chúa Kitô trong hôn nhân? Không phải sự hoàn hảo, mà là sự thánh thiện”.

Một trở ngại phổ biến để phát triển sự thánh thiện trong hôn nhân là nhiều gia đình chỉ đơn giản là không có thời gian ở bên nhau, vì họ có quá nhiều đòi hỏi về thời gian và sự quan tâm.

Trong thư chung của Đức Cha Thomas Olmsted, Giám mục Địa phận PhoenixHoa Kỳ, “Complete My Joy” (Hãy làm niềm vui của tôi tràn đầy)Đức Giám Mục viết rằng nhiều gia đình tham gia vào rất nhiều hoạt động (thậm chí là tốt!) nhưng làm tiêu hao năng lượng và thời gian, khiến các gia đình cảm thấy kiệt quệ và mất liên kết.

Timmerie hỏi, “Làm thế nào để chúng ta khắc phục tình trạng mất liên kết gây kiệt quệ này mà các gia đình đang gặp phải?  Chúng ta phải đi đâu, và liên tục chạy đến đâu, và cố gắng trở nên hoàn hảo và làm hài lòng tất cả mọi người mãi sao? ”

Để chống lại trở ngại phổ biến này, Timmerie khuyên các gia đình nên suy ngẫm về những câu hỏi đơn giản này, và trả lời theo cách đặt sự thánh thiện trong gia đình lên trên vẻ ngoài hoàn hảo.

“Câu hỏi của tôi dành cho bạn, bất kể bạn đang ở trong trạng thái nào của cuộc sống: Làm thế nào để bạn vượt qua suy nghĩ duy hoàn hảo? Bạn cần loại bỏ điều gì trong cuộc sống của mình để sự thánh thiện có thể đến trước?”

Khi xã hội của chúng ta thường xuyên nhắc nhở chúng ta, hôn nhân không phải là một việc dễ dàng. Để sống trọn ơn gọi hôn nhân, đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh và tự kỷ luật. Trong Bí tích Hôn phối, cả người chồng và người vợ đều tuyên hứa trước mặt Thiên Chúa rằng sẽ tiếp tục cam kết trong mối quan hệ này cho dù mọi việc có khó khăn đến đâu. Họ hứa sẽ sát cánh bên nhau và an ủi nhau trong mọi hoàn cảnh. Họ sẽ cùng nhau đối mặt với bất cứ thử thách và khó khăn nào và họ sẽ cùng nhau hưởng những ân phúc lớn nhất trong đời, nhưng mục tiêu cuối cùng của một cuộc hôn nhân liên quan nhiều hơn đến việc họ sẽ được hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Thiên Chúa dùng hôn nhân để giúp chúng ta trưởng thành trong sự thánh thiện. Thiên Chúa cho chúng ta thấy điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta trong cung cách chúng ta đáp lại người bạn đời của mình. Ngài kêu gọi chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Ngài và kế hoạch của Ngài dành cho gia đình chúng ta trong các quyết định hàng ngày. Các cặp vợ chồng phải cố gắng khuyến khích nhau phát triển trong mối quan hệ với Chúa Giêsu để cuối cùng họ có thể dẫn nhau đến phần thưởng của Thiên đàng.

Trong Tông Huấn Amoris Laetita, Niềm Vui Yêu Thương, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một cách rõ ràng rằng “linh đạo hôn nhân và gia đình là một linh đạo kết thành bởi hàng ngàn cử chỉ nhỏ mọn nhưng có thực chất” (Amoris Laetita 315) và “những ai có khát vọng linh đạo sâu sắc không nên cảm nhận rằng gia đình đánh giá thấp việc họ lớn lên trong sự sống Thần Khí, nhưng đúng hơn họ coi sự sống này như con đường Chúa muốn dùng để dẫn họ tới đỉnh cao của việc kết hợp huyền nhiệm” (AL 316). Mọi sự, “những lúc vui, thư giãn, cử hành, và ngay cả làm tình cũng có thể được cảm nghiệm như một tham dự vào cuộc sống trọn vẹn của phục sinh” (Al 317).

Ngài nói tới việc cầu nguyện dưới ánh sáng Phục Sinh, tới linh đạo của tình yêu độc chiếm và tự do trong thách đố và hoài mong được về già với nhau, luôn phản ảnh lòng chung thủy của Thiên Chúa (AL 319).

Đức Giáo hoàng cũng nói đến linh đạo chăm sóc, an ủi và khuyến khích: Ngài dạy rằng “mọi cuộc sống gia đình đều là một ‘việc chăn chiên’ trong lòng thương xót. Mỗi người chúng ta, qua yêu thương và săn sóc, đều để lại dấu ấn lên đời người khác”(AL 322). “Ngắm nhìn người thân yêu của chúng ta bằng con mắt của Thiên Chúa và thấy Chúa Kitô trong họ chính là một kinh nghiệm thiêng liêng” sâu sắc (AL 323).

Đức Phanxicô khẳng định: “không gia đình nào rơi xuống từ trời đã hoàn toàn được hình thành ngay; các gia đình luôn cần được lớn lên và trưởng thành trong khả năng yêu thương… Tất cả chúng ta đều được kêu gọi tiếp tục cố gắng hướng tới một điều gì đó lớn hơn chính chúng ta và gia đình chúng ta, và mọi gia đình phải cảm nhận được sự thúc đẩy này. Chúng ta hãy thực hiện cuộc hành trình này như các gia đình, chúng ta hãy tiếp tục tiến bước với nhau. (…) Chớ gì ta đừng ngã lòng vì các giới hạn của mình hay ngừng việc tìm kiếm sự viên mãn của tình yêu và tình hiệp thông mà Thiên Chúa đang bầy tỏ trước mặt ta” (AL 325).

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ và biên tập từ:

https://relevantradio.com/2020/08/pursuing-holiness-rather-than-perfection-in-your-marriage/

https://www.crosswalk.com/family/marriage/holiness-in-marriage-a-very-practical-thing-11596385.html

https://hddmvn.net/tom-luoc-tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-yeu-thuong-ve-gia-dinh/

Nguồn: https://giaoxutanviet.com/