Tình yêu không có việc làm là tình yêu chết

Tình yêu không có việc làm là tình yêu chết

   “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ” (x.Mc 16,16)

  Đức Giê-su nói không chỉ có câu này, mà còn nhiều câu nữa, nhưng tôi chỉ trích một câu này thôi. “Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Thân xác Đức Ki-tô đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại. Điều này được chứng thực qua các đặc tính mới và siêu nhiên mà từ nay thân xác của Người được hưởng vĩnh viễn. Nhưng trong 40 ngày, vinh quang của Người vẫn còn che giấu dưới dạng một con người bình thường. Người ăn uống thân mật với các môn đệ của Người (x. Cv 10,41) và dạy dỗ họ về Nước Trời(x. Cv1,3). Lần hiện ra cuối cùng được kết thúc bằng việc nhân tính của Người đi vào vinh quang Thiên Chúa một cách vĩnh viễn. Vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và cõi trời, nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa”(x. GLCG, số 659).

   “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu này.

   Trước hết là từ “Cứu Độ”. Theo sách “Từ điển công giáo”, trang 81 thì:

   “Cứu” là giúp; chữa trị; giải thoát khỏi cảnh đau thương.

  “Độ” là cứu vớt, qua – từ bờ này sang bờ kia.

    “Cứu độ” là sự giải thoát của Thiên Chúa để đưa chúng ta đến đời sống mới trong ân sủng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô”.

   Như vậy, được cứu độ là chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi; được chữa trị thân xác yếu hèn; được cứu giúp đưa chúng ta từ bờ “đau thương, khổ ải” sang bờ “bình an, hạnh phúc”; từ bờ “thế gian” này sang bờ “thiên đàng”.

    Đức Giê-su được gọi là Đấng Cứu Độ, vì nhờ cuộc khổ nạn, sự chết, phục sinh và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, Đức Giê-su đã giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi; đã cứu giúp chỉ đường cho chúng ta; đã chữa trị những tính hư nết xấu của chúng ta qua Lời của Ngài, để chúng ta được sống bình an ở đời này và hạnh phúc ở đời sau.

   Vậy, chúng ta phải làm gì để được cứu độ? Đức Giê-su đã nói: “Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ”. Chúng ta chỉ TIN và chịu Phép Rửa là OK sao? Không lẽ chỉ cần nói TIN và đổ nước lên đầu là chúng ta được cứu độ, chúng ta được giải thoát; chúng ta được chữa trị, chúng ta được cứu giúp; chúng ta được bình an ở đời này và ngày sau được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc mãi mãi sao? Có ai mà ngây thơ nghĩ như vậy không?

   Chúng ta được rửa tội, là chúng ta được làm con Chúa và từ khi đó, chúng ta phải sống với tư cách là con Chúa chứ không chỉ với con người bình thường. Sống với tư cách là con Chúa là sống như Đức Giê-su đã sống đấy. Có dễ không? Không dễ chút nào.

   Chúng ta TIN thôi sao? Chúng ta chỉ hiểu chữ TIN này, nếu chúng ta hiểu được chữ YÊU trong tình yêu. Khi hai người có tình cảm với nhau, yêu thương nhau thật tình và thật lòng thì hai người này chẳng cần đòi hỏi gì cả. Họ chỉ cần một chữ YÊU là đủ. Chẳng lẽ chỉ cần nói “Anh yêu Em” hay “Em yêu Anh” là xong, là sống với nhau hạnh phúc chăng?

   Không. Chữ YÊU là tất cả; nó tóm gọn tất cả những gì làm cho nhau hạnh phúc, nên có trường hợp chẳng bao giờ hai người nói với nhau “Anh yêu Em” hay “Em yêu Anh” mà họ vẫn hạnh phúc và trên cả hạnh phúc nữa.

   Đơn cử như YÊU là tôn trọng; trân trọng; quí trọng người mình yêu. Yêu vì người mình yêu chứ không phải vì mình. Yêu vì mình là ích kỷ không đáng gọi là YÊU; Yêu vì mình là coi người kia như một đồ vật không hơn không kém; để mình sở hữu; để mình chiếm hữu; để mình “xài”; để mình “tác quai tác quái” muốn làm gì thì làm. Chẳng có ai muốn được YÊU như vậy cả và có được YÊU như thế thì chẳng có hạnh phúc.

   YÊU là phải luôn luôn tôn trọng; luôn luôn trân trọng; luôn luôn quí trọng nhau và YÊU vì người mình yêu thì mới có hạnh phúc.

   TIN cũng vậy. TIN không phải chỉ có nói TIN, nhưng “Tin là gắn bó bản thân con người cả trí khôn và ý chí với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải qua các việc làm và Lời nói của Người”(x. GLCG, số 176).

   YÊU cũng vậy.  YÊU là gắn bó bản thân con người cả trí khôn và ý chí với người mình yêu.

   “Tin là qui chiếu vào hai điểm: Đấng mặc khải và chân lý được mặc khải. Chúng ta tin chân lý mặc khải vì tin tưởng ở Đấng mặc khải” (x. GLCG, số 177).

    YÊU cũng vậy. YÊU là qui chiếu vào hai điểm: Người mình yêu và lời của người mình yêu. Ta tin vào Lời người mình yêu vì tin vào Người mình yêu.

   “Chúng ta không được tin ai khác ngoài Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(x. GLCG, số 178).

  YÊU cũng vậy. Ta chỉ TIN và YÊU người mình yêu thôi.

   “Tin là hành vi của con người, có ý thức và tự do, xứng hợp với phẩm giá con người” (x. GLCG, số 180).

   YÊU cũng vậy. YÊU là hành vi của con người có ý thức và tự do, chứ không ép buộc hay dụ dỗ.

  “Chúng ta tin tất cả những gì chứa đựng trong Lời Thiên Chúa, được viết hoặc lưu truyền và do Hội Thánh dạy chúng ta tin như chân lý được Thiên Chúa mặc khải”(x. GLCG, số 182).

   YÊU cũng vậy. Ta yêu tất cả những gì “là”; những gì “có” nơi người mình yêu. Nghĩa là những gì người mình yêu “là”; những gì người mình yêu “có”, mình yêu hết.

   Thực tế cho thấy, “Yêu rồi thì cái gì cũng đẹp”; chứ đẹp mới yêu thì rắc rối to. Vì khi hết đẹp thì không yêu nữa à? Đẹp thì ai cũng thích, nhưng YÊU thì chưa chắc. Sống đâu chỉ vì cái đẹp; cái đẹp bề ngoài có ngày sẽ tàn phai; cái đẹp nơi tâm hồn mới trường tồn và người ta sẽ yêu mãi và sống mãi với nó.

   Nói tóm, TIN là sống niềm tin đó trong cuộc sống hàng ngày của mình. Và lòng tin đó sẽ cứu chữa ta: “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Đó là lòng tin của hai người phụ nữ. Một người bị băng huyết 12 năm. Bà nghĩ bụng “Chỉ cần sờ vào tua áo Người thì sẽ được khỏi” và bà đã được như ý (x. Mt 9,20-22). Một người thuộc xứ Ca-na-an, chấp nhận mình là chó; con mình là chó con. Bà đã nhận được mảnh vụn của lòng thương xót Chúa, con bà đã được chữa khỏi(x. Mt 15,21-28). Tin như vậy có dễ không; chấp nhận như vậy có dễ không? Không dễ chút nào !

    TIN là thế đó. Tin và đem ra thực hành, vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”(x. Gc 2,26). TIN mà không sống niềm TIN của mình cũng đem ta đến sự chết, sự bất hạnh thôi. Chúng ta cũng có thể nói : “Tình yêu không có việc làm là tình yêu chết”; YÊU mà chỉ ở môi mép hay ích kỷ thì chẳng có hạnh phúc bao giờ.

    Vậy, qua Lời Chúa nói trước khi lên trời, chúng ta hãy tin, chịu phép rửa và sống niềm tin đó trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ được cứu độ. Và chúng ta cũng hay YÊU và sống tình yêu đó cách chân thành và chân tình trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ cảm nếm trước hạnh phúc ngay ở đời này và ngày sau chúng ta sẽ được hạnh phúc mãi mãi trên thiên đàng.

                                                                                                Lm. Bosco Dương Trung Tín

MỘT NGƯỜI CHA TRONG BÓNG TỐI

MỘT NGƯỜI CHA TRONG BÓNG TỐI

Ngày 8 tháng 12 năm 2020, Đức Phanxicô đã khiến thế giới ngạc nhiên một lần nữa khi ra Tông thư tuyên bố “Năm Thánh Giuse”. Tôi có thể mường tượng ra không ít giám mục và linh mục buộc miệng: “Lại một năm chủ đề nữa rồi!”

Vài giáo phận đã có kế hoạch cho những biến cố có chủ đề của riêng mình, hay có những hội nghị, chương trình riêng của giáo phận. Thêm vào đó, chẳng bao lâu sau, Bộ giáo dân, Gia đình và Sự sống cũng tuyên bố trùng lắp một Năm “Gia đình Amoris Laetitia”, kỷ niệm 5 năm Tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris Laetitia và bênh vực cho hình ảnh gia đình trong một thời đại bị nhiều sức mạnh đe dọa.

Trong khi thông cảm với cái mệt của năm chủ đề – chưa kể đến cái mệt mỏi của đại dịch đang lan tràn khắp thế giới khi Đức thánh Cha tuyên bố năm thánh – tôi vẫn nghĩ có vài điều đáng nói trong năm tôn kính thánh Giuse này và đây là đích nhắm của bài viết.

Tông thư “Patris Corde” – Trái tim người cha

Để bắt đầu, ta hãy xem lại cách ngắn gọn vài điểm chính yếu liên quan đến thông báo bất ngờ của Đức thánh cha trong tông thư “Trái tim người cha” này. Đây là dịp để kỷ niệm 150 năm Thánh Giuse được Đức Piô IX tuyên bố là thánh bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ vào ngày 8 tháng 12 năm 1870.

Đức Phanxicô giải thích: “Tôi muốn chia sẻ một vài suy tư cá nhân về dung mạo phi thường này, thật gần gũi với kinh nghiệm của con người chúng ta”. Trong khi lòng tôn kính của Đức Phanxicô đối với Thánh Giuse được gợi hứng từ Kinh Thánh, ngài cũng chỉ ra thông tin chi tiết của Kinh Thánh về Thánh Giuse vẫn còn thiếu. Đó là lý do tại sao Thánh Giuse vẫn là một thánh nhân “trong bóng tối”, điều mà Đức thánh cha nhìn nhận (cf. số 7).

Tuy nhiên, nội dung chính của tông thư giải thích 6 khía cạnh khác của Đấng Thánh này, tất cả đều được liên kết với vai trò “người cha” của ngài. Đây là sự đột phá trong giáo huấn của Đức Thánh Cha. Các chủ đề ngài nhấn mạnh là Thánh Giuse như một người cha được yêu mến, dịu dàng và yêu thương, vâng phục, chấp nhận, có lòng can đảm đầy sáng tạo và chăm chỉ làm việc. Đi đôi với nhận xét về Thánh Giuse như là hình ảnh người cha kín đáo, bảy chủ đề này làm nên nội dung bức tông thư và hình thành một bản tóm thuyết phục về quan niệm người cha của Đức Phanxicô trong thời đại chúng ta.

Đức Phanxicô cũng đưa ra một lời kinh đẹp và ngắn gọn để tôn kính Thánh Giuse, nên đọc thường xuyên trong năm này.

Đạo đức bình dân

Trước mọi bóng tối của mình, Thánh Giuse vẫn là một vị thánh phổ biến trong truyền thống các dân tộc. Nhiều nền văn hóa cổ vũ lòng tôn kính đối với ngài, và điều này dẫn đến vài truyền thống hơi lạ kỳ.

Một trong những tập tục kỳ lạ quanh Thánh Giuse đặc biệt phổ biến nơi vài gia đình người Ý mà tôi biết. Một số người trong họ khẳng định rằng nếu bạn muốn bán căn nhà của mình thì tất cả những gì bạn cần làm là đặt tượng Thánh Giuse lộn ngược đầu xuống một cái lỗ ở sân vườn sau nhà thì ắt sẽ bán được ngay. Hẳn nhiên, tôi coi đây là mê tín. Nhưng ai biết được? Tôi không bao giờ thử nó, tôi là ai mà phản đối điều đó chứ?

Đức Phanxicô cũng chỉ ra một truyền thống khác bắt nguồn từ trong phụng vụ của Giáo Hội. Tên của Thánh Giuse xuất hiện trong lễ quy Rôma (Kinh nguyện thánh thể I), mặc dù vắng bóng trong các lễ quy khác được phục hồi hay sáng tác sau Công đồng Vatican II. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã truyền cho tên Thánh Giuse cũng phải được đặt trong các lễ quy thánh thể khác. Bây giờ chúng ta hãy nhắc nhớ lại vị hôn phu “khiết tịnh nhất” của Đức Mẹ.

Bối cảnh Kinh Thánh

Xét theo Kinh Thánh, ta thường xem Thánh Giuse là một nhân vật kín đáo trong Tân Ước. Ngài không nói một lời nào trong các Tin Mừng. Thậm chí, Ngài không được nêu tên trong Tin Mừng Marcô, sớm nhất trong các tin mừng. Trong ba Tin Mừng khác, Ngài được nhìn nhận là cha của Đức Giêsu (Ga 1,45; 6,42) và chồng Đức Maria (Mt 1,16.19).

Người ta nói Ngài làm nghề thợ mộc (tiếng Hy Lạp là tektōn), đó là một nghề thủ công khéo léo (Mt 13,55), một người làm đồ gỗ để kiếm sống. Quan trọng hơn, Thánh Giuse xuất thân từ “nhà Đavít” (Lc 1,27) và như vậy mang một dòng dõi để ban tặng cho con của mình như là Đấng Messia.

Tin Mừng phác họa vai trò tích cực nhất của Thánh Giuse là Tin Mừng Matthêô. Giống như người cùng tên trong Cựu Ước, Thánh Giuse gắn liền với các giấc mơ (Mt 1,20; 2,13.19). Ngài cũng là người nhận sứ điệp trực tiếp từ Thiên Chúa để cứu thoát vợ con mình khỏi ông vua ác độc (Hêrôđê Đại Đế). Ngài đưa họ sang Ai Cập để trốn thoát khỏi một bạo chúa ghen tị và sát nhân, đe dọa “vua dân Do Thái” mới sinh để giống như Israel thời xưa, Đức Giêsu có thể ra khỏi Ai Cập để làm Đấng Cứu Thế (cf. Mt 2,15; Hs 11,1).

Vai trò của Thánh Giuse trong trình thuật thời thơ ấu của Đức Giêsu theo Tin Mừng Matthêô có thể sánh với câu chuyện Truyền Tin trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38). Song như cha Raymond E. Brown đã có lần nói, không giống với cảnh tượng nổi tiếng của Đức Maria, rất ít họa sĩ vẽ “những cuộc truyền tin” này với Thánh Giuse trong nghệ thuật của họ. Ngài vẫn ở trong hậu cảnh.

Tình phụ tử

Dù có hạn chế về dữ liệu Kinh Thánh này, Thánh Giuse đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện Đức Giêsu Nadarét, mà Đức Phanxicô đã nêu bật lên trong tông thư của mình. Có hai vấn đề nổi bật.

Mối bận tâm đầu tiên của vai trò Thánh Giuse như là “người cha” đối với Đức Giêsu đã được Đức Phanxicô nhấn mạnh ngay. Tân Ước nói rõ rằng “Người Cha” thật sự của Đức Giêsu là Thiên Chúa (cf. Mt 1,20) và vai trò của Thánh Giuse là cha nuôi (Lc 3,23). Tuy nhiên, những hành động của Thánh Giuse được thuật lại trong các Tin Mừng ngài hành động đúng cách như là một “người cha” thật sự, đạo đức, đối với Đức Giêsu. Trong nhãn quan Matthêô, Thánh Giuse là “người công chính” mà ngay trước khi Đức Giêsu được hạ sinh, đã có ý định không làm bối rối Đức Maria bằng một cuộc ly hôn công khai vì việc mang thai không giải thích được của Mẹ ( Mt 1,19). Hơn nữa, ngài bảo vệ cả con trẻ và mẹ Ngài, trốn khỏi sự hãm hại và chỉ quay về nhà khi trời quang mây tạnh.

Còn quan trọng hơn nữa, dù những chi tiết không bao giờ được gợi lên, Thánh Giuse rõ ràng đã chu cấp cho gia đình nhỏ của mình nhờ nghề mộc. Là người thợ mộc, ngài cũng dạy người con bước theo nghề mình (cf. Mc 6,3; Mt 13,55).

Kế thừa của Thánh Giuse trong dòng dõi Đavít cũng cấp một khía cạnh quan trọng khác trong căn tính của Đức Giêsu. Dòng dõi Đavít của các vua trong dân Israel là điều chính yếu trong thần học cứu thế. Matthêô đã làm nổi bật dòng dõi này qua phả hệ của Đức Giêsu xoay quanh vua Đavít, vị vua kiểu mẫu của dân Israel (cf. Mt 1,1-17). Đức Giêsu cũng được ca ngợi là “Con vua Đavít” (Mt 1,1; 9,27; 20,30), một trong những tước hiệu Kitô học mà Matthêô liên kết với sứ vụ chữa lành của Đức Giêsu. Như vậy Thánh Giuse đã cung cấp một mối liên kết trực tiếp với tổ tiên vương triều.

Tông thư của Đức Phanxicô nhấn mạnh đến những điều này và những khía cạnh khác nơi tính phụ tử của Thánh Giuse đáng cho ta suy tư. Khi người ta nhắc lại thực hành của người Công giáo gọi các linh mục là “Cha”, chúng ta đang khẳng định một vai trò ẩn dụ rất quan trọng trong gia đình đức tin. Tính phụ tử không chỉ là vấn đề căn tính sinh học. Tính phụ tử có nghĩa rộng hơn thế, như ta thấy trong thực hành của Thánh Phaolô xem mình như “người cha” thiêng liêng đối với cộng đoàn mình và ngay cả đối với những cộng tác viên trẻ tuổi hơn (cf. 1 Cr 4,15; Pl 2,22).

Ngày nay, các nhà tâm lý học chú ý đến vai trò thiết yếu của những người cha trong việc minh họa hành vi cho con cái noi theo, đặc biệt là con trai. Rủi thay, chúng ta đang sống trong một thời đại mà nhiều gia đình thiếu đi hình bóng một người cha ổn định, đặc biệt là trong số những người nghèo. Lôi kéo sự chú ý đến một mẫu lý tưởng người cha thật sự là một giá trị mà chúng ta nên xúc tiến và có thể là đích nhắm trong suốt Năm Thánh Giuse này. Đặc biệt đối với các linh mục, điều này có thể cho phép chúng ta mài dũa kỹ năng như là những hình bóng người cha thiêng liêng nhân hậu đối với cộng đoàn mà ta phục vụ.

Thinh lặng và Khiêm tốn

Khía cạnh thứ hai của Thánh Giuse thoát ra từ góc độ Kinh Thánh là giá trị của thinh lặng và khiêm tốn. Trong một thế giới bị dội bom với những hình ảnh về quyền lực và sức mạnh, hà hiếp và công kích, la lối và hô hào, và một triết lý tiến lên phía trước bằng cách dẫm lên lưng người khác, chúng ta có thể sử dụng một liều thuốc khác.

Đối với người không nói lời nào trong các Tin Mừng, sự thinh lặng của Thánh Giuse nói lên rất nhiều. Ta có thể đã từng trông mong Ngài mắng nhiếc một bạo chúa như Hêrôđê, hoặc chiến đấu can trường với những kẻ thù của mình. Thay vào đó, điều ta thấy chỉ là hành động nhanh chóng để bảo vệ gia đình đang bị đe dọa của mình và rồi tiếp tục sống cách đơn giản, khiêm tốn. Không cần phải thể hiện nam tính (machismo) cách quá đáng ở đây!

Đức Phanxicô một lần nữa đã nêu lên khía cạnh này trong hình ảnh của Thánh Giuse với một giải thích đúng: “Khi đọc lướt qua những câu chuyện này có thể chúng ta thường có cảm tưởng rằng thế giới được phó mặc cho những kẻ mạnh và kẻ có quyền, nhưng “tin mừng” của Phúc âm là ở chỗ cho thấy rằng, bất chấp thói kiêu ngạo và bạo lực của các quyền lực thế gian, Chúa luôn tìm ra cách thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài” (Patris Corde, số 5).

Đối với người có đức tin, sức mạnh hay lên tiếng nói không phải là điều quan trọng nhất. Sự thinh lặng không phải là không có gì để nói. Nó là kỹ năng lắng nghe. Thinh lặng là cách chờ đợi và cẩn thận lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Giống như Thánh Giuse, sứ điệp Thiên Chúa có thể xảy đến trong giấc mơ. Chúng có thể đến trong sự thấu hiểu bất ngờ và không mong đợi. Bài học quan trọng nhất cần phải học là chúng ta không phải lúc nào cũng nói lên ý nghĩ của chúng ta, phải bớt lớn tiếng hơn, vào mỗi thời khắc hay mọi hoàn cảnh. Quả thật, đây là một trong những mối nguy hiểm của truyền thông xã hội trong thời đại chúng ta, đặc biệt khi người ta lầm lạc tin rằng chúng khoác lên mình họ một sự nặc danh.

Sự thinh lặng của Thánh Giuse hẳn nhiên và đương nhiên khiến các Kitô hữu muốn nhiều thông tin hơn về ngài, đặc biệt khi lòng đạo đức sơ thời bắt đầu tưởng nhớ đến ngài, như trong Giáo Hội phương Đông. Cuốn ngụy thư “Lịch sử Thánh Giuse, người thợ mộc” xuất hiện vào thế kỷ thứ tư, và những chi tiết tưởng tượng về đời sống của ngài xuất hiện. Những truyền thuyết như vậy có lẽ không cần thiết, dù chúng lấp đầy khoảng trống để biết nhiều hơn về dung mạo lạ kỳ này trong cuộc đời của Đức Giêsu.

Lòng đạo đức đối với Thánh Giuse dường như đã phát triển cách tự nhiên theo dòng thời gian. Nó đạt tới đỉnh điểm trong lịch sử Giáo Hội trong trường phái linh đạo Pháp vào thế kỷ XVII, là một phần của truyền thống Hội Xuân Bích. Những thành viên của trường phái Pháp như Thánh Gioan Eudes và cha Jean-Jacques Olier, Hội Xuân Bích, đã phát triển một sự yêu thích mạnh mẽ đối với hình ảnh Thánh Giuse, nhấn mạnh đến vai trò người cha của ngài trong tương quan với Thánh Gia. Cha Olier thậm chí đã soạn một kinh cầu đặc biệt để tôn sùng ngài, được sử dụng trong những ngày lễ đặc biệt.

Trong thời đại chúng ta, có hai ngày lễ về Thánh Giuse – 19 tháng Ba và 1 tháng Năm. Ngày lễ trước kính Thánh Giuse, Hôn phu Đức Maria, trong khi ngày lễ sau kính Thánh Giuse thợ. Lễ trước nhắm đến vai trò của ngài như là vị hôn phu đạo đức của Mẹ Maria và là người đàn ông vị tha của gia đình, ngày lễ sau tập trung vào thân thế giản dị của ngài là một người thợ. Ngày lễ 1 tháng Năm được Đức Piô XII thiết lập vào năm 1955, một phần nào để đối lại với các phong trào lao động hiện đại muốn tục hóa ngày này dành cho những người lao động phổ thông.

Năm Thánh Giuse này cho chúng ta một cơ hội nữa để ca ngợi Thiên Chúa vì đấng thánh khiêm tốn này, người vẫn luôn là một gương mẫu tốt cho những người cha trong thời đại chúng ta – dù là cha theo nghĩa đen hay là ẩn dụ.

Tác giả: Ronald D. Witherup, S.S., Ph.D.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Nguồn: gpquinhon.org