Những người thuộc về Chúa Kito

LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ CHÚA KITÔ

Gọi là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nhưng sau khi nghe ba bài Kinh Thánh, bạn có để ý nhận ra Giáo Hội muốn nhấn mạnh một điều gì không? Ta cùng điểm qua các bài đọc để hiểu Giáo Hội muốn nói gì.

Bài đọc I (trích sách Khải huyền) kết thúc: “Nay sự cứu độ, quyền năng, uy quyền của Thiên Chúa, và của Đức Kitô đã được thực hiện”. Còn bài đọc II, thánh Phaolô gọi Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, sau đó mới đến những người thuộc về Chúa Kitô. Bài Tin Mừng lại càng rõ nét hơn. Chính Đức Maria ca ngợi Chúa rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”.

Điểm qua ba bài đọc, bạn đã thấy gì chưa. Riêng tôi nhận ra rằng. Dù là lễ Đức Mẹ về trời, nhưng Giáo Hội lại mời gọi ta hướng về Thiên Chúa, hướng về Chúa Kitô. Vì lẽ gì vậy? Sao lại hướng về Chúa trong lễ Đức Mẹ? Vì chỉ nhờ ơn cứu độ do Chúa Kitô thực hiện, Mẹ mới được hồn xác lên trời. Chính lời nguyện đều lễ xác nhận: “Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Đức Maria”. Còn kinh tiền tụng trong lễ này cũng không đi ngoài nội dung ấy: “Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời”. Những kiểu nói: “Chúa đã đưa”, “được đưa” nghĩa là gì, nếu không phải là chính ơn Thiên Chúa ban, là chính nhờ cuộc khổ nạn, phục sinh, lên trời của Chúa Kitô, Mẹ mới được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Cũng là người như chúng ta, Mẹ không thể tự mình về trời hồn xác. bởi đó trong thánh lễ này, Giáo Hội hướng về Thiên Chúa mà tuyên xưng những hành động kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Chính Mẹ chứ không phải Giáo Hội hay chúng ta – chính Mẹ chứ không phải ai khác, là người trước tiên tuyên xưng hành động cứu độ ấy của Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”. Những chữ: “Đấng Cứu độ tôi”, quả thật là lời quy hướng về Thiên Chúa và ngợi khen Thiên Chúa, ngợi khen Đấng Cứu độ mình. Chỉ có Đấng Cứu độ, chỉ nhờ Đấng Cứu độ, chỉ trong Đấng Cứu độ, Mẹ mới được đưa lên trời hồn xác, vì Đấng ấy đã cứu độ Mẹ.

Lời ca ngợi quy hướng về Thiên Chúa của Đức Mẹ, còn được hỗ trợ bởi rất nhiều lời Kinh Thánh khác. Chẳng hạn lời của thánh Phaolô trong bài đọc II: “Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, rồi mới đến những người thuộc về Đức Kitô”. Chắc bạn đồng ý với tôi, có ai thuộc về Chúa Kitô cho bằng Đức Maria. Bởi vậy, nếu Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, đã về trời cả hồn và xác, thì Mẹ Maria, người thuộc về hoa quả đầu mùa ấy một cách trọn vẹn, cũng được đưa về trời hồn xác, không phải là điều gì khó hiểu.

Vậy bạn và tôi hãy khẳng định lại một lần nữa rằng, Đức Mẹ không thể tự mình về trời nếu không có Chúa. Khẳng định như vậy không hạ thấp Mẹ chúng ta. Trái lại, ta tuyên xưng đúng vị trí mà Mẹ được Chúa thưởng ban. Trong chính ngày lễ Đức Mẹ hồn xác về trời, bằng các bài Kinh Thánh, bằng các lời nguyện, bằng kinh tiền tụng, Giáo Hội hướng chúng ta về Thiên Chúa, để cùng với Mẹ mà ca ngợi Chúa rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”.

Nếu Mẹ đã ca ngợi Chúa bằng cả cuộc đời của Mẹ thế nào, thì suốt cả cuộc đời của mỗi người, của bạn và của tôi, cũng là một lời ca ngợi Thiên Chúa liên lỷ như Mẹ vậy. Dù trong hoàn cảnh nào, dù cuộc đời có thương đau như một người mang thai “kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”, hay nỗi bất hạnh, lao đao, hoặc ngay cả tai họa ập đến dữ dội như một con rồng khổng lồ đang đe dọa hãi hùng mà sách Khải huyền diễn tả, chúng ta vẫn một lòng tin tưởng tín thác đời mình cho Chúa như  Mẹ. Để có được ơn vinh quang về trời, Mẹ đã sống đức tin trọn vẹn. Ngay cả khi đứng bên thập giá, nhìn con chết tức tưởi, nhục nhã, Mẹ vẫn tin, vẫn ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ của Mẹ. Còn ta, sống giữa biển đời, biết bao nhiêu lần gặp thử thách, biết bao nhiêu bi thương ập đến, có khi như muốn vùi lấp cuộc đời mình, những lúc như vậy, ta có còn tin Chúa không? Có đủ trông cậy để cất lên lời ca ngợi: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” như Mẹ của mình? Câu hỏi này xin gởi đến bạn và cũng là nói với chính bản thân tôi, để tất cả tự tra vấn đức tin của mình đối với Thiên Chúa.

Thánh Phaolô nói, Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, rồi mới đến những người thuộc về Chúa Kitô. Mẹ đã thuộc về Chúa Kitô, và chúng ta cũng thuộc về Chúa Kitô. Nếu biết sống đức tin mạnh mẽ như Mẹ, chúng ta cũng được hồn xác về trời giống như Mẹ. Những gì Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, Người cũng sẽ thực hiện nơi mỗi người, từng người, từng người một. Mãi mãi bạn hãy cùng tôi xác tín rằng, Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, rồi sẽ đến lược chúng ta, là những kẻ thuộc về Chúa Kitô. Tôi chắc chắn, nếu niềm xác tín của ta đạt đến mức độ cao như Mẹ, thì cũng chắc chắn rằng cả cuộc đời ta cũng sẽ là một cuộc đời ca khen Thiên Chúa cùng Mẹ, như Mẹ và hiệp thông với Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”.

 Lm Vũ Xuân Hạnh

Thanhlinh.net

Mẹ Hồn Xác Lên Trời

MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ Maria còn sống ở trần gian được bao lâu? Chúng ta không biết. Có lẽ mười lăm năm hoặc hai mươi năm. Cuộc đời Mẹ kết thúc ở Giêrusalem hay ở Ephêsô? Các sử gia còn đang tranh luận. Ở Giêrusalem thánh đường Mẹ sinh thì giữ được kỷ niệm của Mẹ; ở Ephêsô, ngôi nhà của Mẹ vẫn là nơi cầu nguyện mặc dầu gặp vô số ngãng trở bên ngoài.

Điều cần thiết ở đây không phải là biết nơi chốn và thời hiệu Mẹ sinh thì, nhưng là xác tín rằng Mẹ đã được hoàn toàn chia sẻ sự phục sinh của Con Mẹ, và bây giờ Mẹ đang ở trên trời với Ngài, cả hồn lẫn xác, nghĩa là tất cả con người Mẹ. Chúng ta thường nghe thấy người ta hỏi: Mẹ có thể chết được không? Mẹ có phải chết không? Và Mẹ có thật sự chết không? Người ta thắc mắc như thế là vì người ta thấy Mẹ được dựng thai vô nhiễm nguyên tội, và Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Nhưng đời sống hay chết của Mẹ đã biến đổi thế nào thành đời sống bất tử. Đây là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Nhưng điều này lại có liên quan đến chúng ta, vì tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự vào sự sống huyền nhiệm ấy.

Thiên thần cũng như loài người không diễn tả nổi nỗi vui mừng của Mẹ Maria ngày mà Con Mẹ rực rỡ trong hân hoan và vinh hiển, đến rước Mẹ về trời để tất cả con người Mẹ được tham dự vào ánh sáng Phục Sinh. Mẹ không chỉ tham dự trong những giây phút mau qua, nhưng Mẹ tham dự trong ánh huy hoàng vĩnh cửu của thiên đàng. Việc Mẹ hồn xác về trời chỉ có thể quan niệm được trong ánh sáng Phục sinh. Đây là một việc rất đơn giản, không giàn cảnh mà cũng không hoa mỹ. Bông hồng nhiệm rã cánh trần gian vào một buổi chiều, buổi sáng hoặc buổi trưa nào đấy, để khoe nở trong vinh quang và vui mừng của một đời sống không giới hạn.

Thiên đàng, những người được ưu tuyển không mất mát gì trong những đức tính của họ có liên hệ đến tâm trí. Trái lại, đời sống trần gian của họ càng nảy nở thành đời sống vĩnh cửu càng làm cho những phong phú của con tim họ khuếch trương ra cho đến vô hạn. Mẹ Maria ở trên trời, còn giữ lại tất cả những đức tính mà Mẹ đã biểu lộ ra trên mặt đất này, Mẹ giữ lại như thế để mưu cầu lợi ích cho chúng ta. Mẹ vẫn là Nữ tì cao cả, bao giờ cũng lo lắng cho Chúa Kitô và cho Nhiệm thể Ngài là Giáo hội. Càng gần gũi Thiên Chúa, Mẹ càng gần gũi chúng ta hơn.

Mẹ Maria có những đức tính nào? Thiết tưởng chúng ta nên biết những đức tính của Mẹ để noi gương Mẹ, và để bước theo con đường Chúa Kitô đã đi. Như chúng ta đã biết, và như Phúc Âm đã cho chúng ta thấy Mẹ Maria không phải là một phụ nữ ẩn dật và thiếu đức tính.

Khi thiên thần đến viếng thăm, Mẹ không bỡ ngỡ. Mẹ tranh luận một cách chân thành với thiên thần Gabriel như với một người thường. Khi Mẹ hiểu được điều Thiên Chúa muốn nơi Mẹ, Mẹ thưa Fiat, xin vâng với một vẻ đơn sơ kỳ diệu. Nơi Mẹ không có bóng dáng một sự khiêm nhu giã mạo. Mẹ không nói: “Tôi không xứng đáng, xin thiên thần chọn người khác xứng đáng hơn tôi”. Mẹ không cãi lại như Maisen: “Chúa hãy sai người nào Chúa muốn, nhưng đừng sai tôi”. (Xh 4.13).

Sau biến cố truyền tin, Mẹ vội vã đến thăm bà chị họ, và hát ca vịnh Magnificat. Mẹ đi để phục vụ, và Mẹ cũng không sợ phải sắn tay áo lên; Mẹ làm việc như một tôi tớ trong nhà. Dịp Giáng sinh, chính tay Mẹ quấn tã cho Con, và tiếp đón các mục đồng. Mẹ khoan khoái và dễ dãi với các mục đồng cùng các đạo sĩ. Mẹ không có mặc cảm. Cuộc hành trình sang Aicập không đặt thành vấn đề cho Mẹ. Hàng năm Mẹ lên Giêrusalem để mừng lễ. Trong đền thờ Mẹ không do dự, Mẹ cất tiếng lên giữa các tiến sĩ đáng kính. Ở Cana, Mẹ nhận thấy thiếu rượu và Mẹ đề nghị. Sức mạnh tâm hồn và lòng Mẹ yêu Con Mẹ đã được biểu lộ một cách lạ lùng khi Mẹ đứng trên đồi Calvario dưới chân thánh giá.

Thánh Bernardo nhận xét rằng trong Mẹ Maria:

“Đức khiêm nhường sâu thẳm không làm cho đức quảng đại mất mát một tí gì, và đức quảng đại không làm tổn hại đức khiêm nhường. Mẹ Maria thấp hèn trước con mắt Mẹ, nhưng lại quảng đại trong đức tin của Mẹ vào lời hứa. Tự nhận mình là nữ tì, nhưng Mẹ không hề nghi ngờ về ơn thiên triệu của Mẹ là tham dự vào mầu nhiệm lạ lùng, vào cuộc trao đổi kỳ diệu, và vào bí tích khôn dò (No 12 et 13).

Tất cả những đức tính Mẹ đã có dưới trần gian xưa kia, ngày nay Mẹ còn giữ lại nguyên vẹn trên thiên đàng. Chúng ta có thể tin tưởng vào Mẹ, chúng ta sẽ không bao giờ phải thất vọng. Tình yêu mà Con Mẹ đã yêu Mẹ dưới đất này, ngày nay cũng không hề phải nhạt. Chúa Giêsu vẫn còn yêu Mẹ và muốn chúng ta yêu mến Mẹ cũng như chính Ngài đang yêu Mẹ. Tất cả những vinh dự người ta tôn vinh người Mẹ cuối cùng sẽ dồn hết vào người con. Sau hết, Mẹ Maria được tất cả vinh quang đều do Chúa Giêsu.

Mẹ Maria đã đi trứơc để vạch đường chỉ lối cho chúng ta, và để cho chúng ta tin cậy Mẹ. Bước theo Mẹ, nhân loại chúng ta đang đi tới ánh sáng và tình yêu chân thật. Thành công của Mẹ chúng ta là một bằng cớ chứng tỏ rằng đời sống chúng ta, mặc dầu nặng nề và ô trọc, cũng đáng sống. Chúng ta có thể bước đi trong vui mừng và tin tưởng, vì chúng ta biết chúng ta đi về đâu. Mẹ chờ đợi chúng ta và ao ước chúng ta được ở gần Mẹ để cùng Mẹ hát ca vịnh Magnificat.

Đẵ hẳn, chỉ mình Chúa Kitô là trung gian; mình Chúa xin được Cha Ngài trên trời tỏ lòng khoan dung đối với chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta bao giờ cũng được dâng lên Thiên Chúa nhân danh Chúa Kitô. Lời cầu nguyện này tất nhiên phải liên kết với lời cầu nguyện của Mẹ Maria. Thật là vinh hiển cho Chúa Giêsu nếu người ta biết cùng với Mẹ dâng lên Chúa những lời ngợi khen, và xin ơn. Chính Chúa Giêsu sẽ dâng những lời ngợi khen và xin ơn lên Cha Ngài, và sẽ được Cha Ngài sung sướng chấp nhận.

Việc Mẹ Maria làm trung gian không phải là một bổ khuyết cho việc Chúa Giêsu làm trung gian. Việc Mẹ làm trung gian rất hợp lý trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, và mầu nhiệm Giáo hội. Làm trung gian với Chúa và làm trung gian cho chúng ta đối với Mẹ Maria là việc qúa dễ dàng. Dầu phải cùng cực đến đâu đi nữa, chúng ta cũng đừng sợ Mẹ; nhưng hãy chạy đến với Mẹ; Chúa Giêsu Con Mẹ không từ chối Mẹ ơn nào, vì Mẹ chưa hề từ chối Chúa điều gì. Và Chúa Giêsu bao giờ cũng được Chúa Cha nghe theo.

Muốn hiểu một phần nào việc Mẹ Maria làm trung gian, thiết tưởng nên suy ngắm một cách cẩn trọng tín điều các thánh cùng thông công. Tất cả những lợi ích của chúng ta đều liên hệ đến các anh chị em chúng ta ở trên trời và dưới đất, vì những lợi ích này là chính những lợi ích của Thiên Chúa. Sự cao quang của Chúa Kitô và của Cha Ngài đã liên kết mật thiết vào định mệnh siêu nhiên của chúng ta. Sự Mẹ làm trung gian không phải là một cái gì thêm vào việc Chúa Giêsu làm trung gian, đây là việc làm trung gian được biểu lộ ra một cách thần tình.

Thi sĩ thần học Dante đã nhận thánh Bernardo làm người hướng dẫn trong tác phẩm Paradis (Thiên Đàng) của ông. Oâng được tiến cử đến tận ngai nữ hoàng trời đất, rồi người hướng dẫn cắt nghĩa cho ông hay “cả thiên đàng được Mẹ tổ chức thế nào”. Thánh Bernardo mời thi sĩ Dante hãy nhìn ngắm “Mẹ đã làm cho các thánh khác được vui mừng”, và hãy chiêm ngắm gương mặt giống Chúa Giêsu hơn hết, và chỉ ánh sáng gương mặt ấy mới cho ta thưởng ngoạn được Chúa Cứu Thế.

Các Giáo phụ đã nói nhiều về Mẹ Đồng Trinh Maria. Trong khi nghiên cứu mầu nhiệm Chúa Kitô, các ngài đã tìm ra được mầu nhiệm Mẹ Maria. Các Giáo phụ Đông phương cũng như Tây phương đều có nhiều nghi lễ. Lễ nghi của các Giáo hội Đông phương sung mãn hơn và thị vị hơn. Muốn hiểu được mầu nhiệm Mẹ Maria phải mất nhiều giờ và nhiều công. Một trong những phương thế vừa tầm tay mọi người và giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm của Mẹ là suy ngắm các mầu nhiệm Mân côi. Nghiên cứu về Chúa Kitô là tìm ra được Mẹ; nghiên cứu về Mẹ là tìm được Chúa Kitô.

Hình như có ba giai đoạn trong việc thành thực sùng kính Mẹ là: khẩn cầu, bắt chước và thân mật. Trong vấn đề này thiết tưởng lợi ích hơn hết là nên nghiên cứu đời sống những tôi tớ có tiếng của Mẹ Maria. Khi người ta yêu ai thì người ta luôn luôn giữ trong lòng tên gọi và kỷ niệm của người ấy. Người ta bắt đầu kêu cầu Mẹ vì người ta cảm thấy cần phải nên giống Mẹ. Vì thế người ta cố gắng bắt chước Mẹ. Thật ra, bắt chước Mẹ dễ hơn tất cả các vị thánh, vì khi còn sống Mẹ chỉ làm những việc nhỏ mọn; chính Thiên Chúa làm cho các việc nhỏ mọn ấy nên cao cả. Để bắt chước Mẹ, người ta cảm thấy cần phải hiểu về Mẹ nhiều hơn, người ta suy ngắm mầu nhiệm Mẹ, và người ta đọc tất cả những sách viết về Mẹ. Càng hiểu biết về Mẹ, người ta càng yêu mến Mẹ, và càng ao ước sống thân mật với Mẹ.

Sống thân mật với Mẹ là một niềm vui vĩ đại, là một con đường cao cả đưa đến Thiên Chúa. Với Mẹ Maria, đời sống sẽ tươi đẹp. Với Mẹ và trong Mẹ người ta nếm hưởng những phong phú khôn dò của Trái Tim Chúa Cứu Thế. Người ta không thể thực sự yêu mến Chúa Kitô mà không yêu mến Mẹ Ngài, và cũng không yêu tất cả những kẻ Ngài yêu. Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm Giáo hội. Ai cho rằng mình yêu Chúa Giêsu, mà lại không yêu Mẹ Maria cũng như không yêu Giáo hội thì người ấy thiếu thành thực, vì Chúa Giêsu không bị chia lìa khỏi Giáo hội của Ngài.

Chỉ nhìn qua bên ngoài mà thôi, chúng ta cũng thấy lòng thành thực sùng kính Mẹ Maria đang triển nở trong thế giới ngày nay. Lòng thành thực sùng kính Mẹ là một dấu chỉ tuổi thanh xuân và mang lại niềm hân hoan. Cha Gabriel Mossier, tu sĩ khổ tu thuộc đan viện Chambarand, khi đề cập đến kinh nghiệm đã phát biểu như sau:

“Nếu người ta hiểu đựơc tất cả những lợi ích mà người ta được do tình yêu Mẹ Maria, thì sẽ không còn tội lỗi, không còn hỏa ngục, mà chỉ còn niềm vui mừng được phụng sự Thiên Chúa.

Ở Lộ-đức, thánh nữ Bernadetta đã nói: “Tôi nhìn Mẹ Maria hết sức tôi”. Vào những năm tháng cuối thời, cha Dom Chautard, Đan viện phụ Đan viện Sept-Fons đã tóm lược đường hướng của ngài tìm cầu Thiên Chúa trong câu này “Trao đổi ánh nhìn với Mẹ Maria”. Thánh nữ Teresa thành Lissieux thích sống trong tình thân mật của Thánh Gia, và cố gắng bắt chước đức đơn sơ của Mẹ Maria trong mọi công việc hằng ngày của Mẹ.

Tinh thần Mẹ Maria là một tinh thần dũng cảm vì là một tinh thần tình yêu. Thánh Ambrosio viết:

“Chớ chi linh hồn Mẹ Maria ở trong mỗi người để ngợi khen Thiên Chúa, và chớ chi thần trí Mẹ Maria cũng ở trong mỗi người để vui mừng hớn hở trong Chúa. (In Lc 2).

Với Mẹ Maria người ta làm được những việc cả thể vì người ta sống dưới ơn soi động của Chúa Thánh Thần và người ta không sợ thất bại.

Lòng thành thực sùng kính Mẹ đòi buộc người ta phải thực sự đi sâu vào tinh thần Mẹ Maria, và bắt chước Mẹ tuân hợp với thánh Ý Chúa. Cha Cestac, sáng lập dòng chuyên lo chăm sóc thiếu nữ hư hỏng, đến Buglose để xin Mẹ Maria giúp đỡ. Ngài chỉ nghe thấy một tiếng nói nội tâm trả lời ngài như sau: “Con chỉ nên xin Mẹ ban cho con tinh thần của Mẹ”. Được tinh thần Mẹ Maria, là được tất cả, vì tinh thần Mẹ chính là tinh thần Chúa Kitô.

Cùng với thánh Bernardo chúng ta hãy thưa với Mẹ thế này:

“Hỡi Mẹ nhân lành, Giáo hội cúi rạp mình xuống, phủ phục dưới chân Mẹ; khẩn thiết nài xin Mẹ, nhân danh tình âu yếm của Trái Tim rất thanh sạch Mẹ, Mẹ làm trung gian giữa Giáo hội và mặt trời công chính để xin cho Giáo hội được nhận ra ánh sáng trong huy hoàng của Mẹ (No 12 vạ).

Công đồng Vaticanô II đã nói về Mẹ Maria hơn bất cứ một công đồng nào trước đây. Trong Hiến chế Lumen Gentium (Aùnh Sáng Muôn Dân) về Giáo hội, chương tám được dành riêng cho Mẹ Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô và trong nhiệm cục Cứu Thế.

Đức Phaolô VI đã nói:

“Để tôn vinh Mẹ Maria và để an ủi chúng ta, chúng tôi tuyên xưng Mẹ rất thánh là Mẹ Giáo hội, nghĩa là Mẹ của toàn thể dân Chúa, cũng là Mẹ của các chủ chăn và của các tín hữu hằng tuyên xưng Mẹ là Mẹ rất yêu mến. Và chúng tôi muốn rằng từ nay trở đi, với tước hiệu rất êm ái ấy, Đức Trinh Nữ càng được toàn dân Kitô giáo tôn kính và kêu cầu hơn”.

Thật ra, tước hiệu này thuộc về bản tính thực sự của lòng sùng kính Mẹ Maria, và được minh chứng nhờ chính chức vị Mẹ Ngôi Lời nhập thể.

Ngỏ lời với các Giám mục, Đức Phaolô VI nói:

“Để tỏ lòng biết ơn vì Mẹ Maria đã trợ giúp chúng ta với tất cả mối tình hiền mẫu trong suốt thời kỳ Công đồng nhóm họp, chớ chi mỗi chư huynh hãy cam kết nêu cao thánh danh và vinh dự của Mẹ giữa dân Kitô giáo. (Diễn văn đọc ngày bế mạc khoá III, ngày 21 tháng 11 năm 1964). (PVLC 2020/08)