Tông thư của Đức Giáo Hoàng nhân ngày Truyền Thông Thế Giới

Tông thư của Đức Phanxicô nhân Ngày Truyền Thông Thế Giới,
một suy tư dựa trên câu Xuấn Hành 10:2: “Để các ngươi nói với con cái và cháu chắt”.

Tôi muốn dành Thông điệp năm nay cho chủ đề kể truyện, vì tôi tin rằng, để không mất phương vị, chúng ta cần biến thành của mình sự thật chứa đựng trong những câu chuyện hay. Những câu chuyện xây dựng, chứ không phá sập; những câu chuyện giúp chúng ta khám phá lại cội nguồn và sức mạnh cần thiết để cùng nhau tiến lên. Giữa những tiếng nói và thông điệp ồn ào hỗn tạp xung quanh chúng ta, chúng ta cần một câu chuyện nhân bản có thể nói về chính chúng ta và vẻ đẹp xung quanh chúng ta. Một câu chuyện có thể nhìn thế giới của chúng ta và những diễn biến của nó với một cái nhìn dịu dàng. Một câu chuyện có thể cho chúng ta biết rằng chúng ta là một phần của tấm thảm sống động và nối kết qua lại với nhau. Một câu chuyện có thể tiết lộ sự đan xen gồm các sợi chỉ kết nối chúng ta lại với nhau.

1. Các câu chuyện dệt vải
Các hữu thể nhân bản đều là những người kể chuyện. Từ nhỏ chúng ta thèm khát những câu chuyện cũng giống như chúng ta thèm ăn. Những câu chuyện ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, bất kể dưới dạng truyện cổ tích, tiểu thuyết, phim, bài hát, tin tức, ngay cả khi chúng ta không luôn nhận ra điều đó. Thông thường chúng ta quyết định điều gì đúng điều gì sai đều dựa trên các nhân vật và câu chuyện mà chúng ta đã biến thành của mình. Những câu chuyện để lại dấu ấn của chúng trên chúng ta; chúng định hình các xác tín và tác phong của chúng ta. Chúng có thể giúp chúng ta hiểu và thông đạt chúng ta là ai.
Chúng ta không chỉ là những sinh vật duy nhất cần quần áo để che đi sự dễ bị tổn thương của chúng ta (xem St 3: 21); chúng ta cũng là những người duy nhất cần “được mặc” bằng những câu chuyện để bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta dệt không chỉ quần áo, mà còn cả những câu chuyện: thực vậy, khả năng “dệt” (tiếng Latinh texere) của con người mang đến cho chúng ta không vải vóc (textile) mà còn cả bản văn (text) nữa. Các câu chuyện của các thời đại khác nhau đều có một “khung dệt” (loom) chung: sợi chỉ xuyên suốt của câu chuyện luôn bao gồm “các anh hùng”, kể cả các anh hùng của cuộc sống hàng ngày, những người, trong khi theo đuổi giấc mơ, đều đã đối đầu với những tình huống khó khăn và chiến đấu với cái ác, được thúc đẩy bởi một sức mạnh khiến họ can đảm, sức mạnh của tình yêu. Bằng cách đắm mình vào những câu chuyện, chúng ta có thể tìm thấy những lý do để anh dũng dương đầu với những thách thức của cuộc sống.
Các hữu thể nhân bản đều là những người kể chuyện bởi vì chúng ta đang tham gia vào một diễn trình phát triển không ngừng, tự khám phá bản thân và trở nên phong phú trong tấm thảm của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu, câu chuyện của chúng ta đã bị đe dọa: sự ác đã len lỏi tìm đường đi qua lịch sử.
2. Không phải mọi câu chuyện đều là những câu chuyện hay
“Khi ông ăn nó… ông sẽ nên giống như Thiên Chúa” (xem Gen 3: 4): cơn cám dỗ của con rắn đưa vào tấm vải lịch sử một nút thắt khó tháo gỡ. “Nếu ông sở hữu, ông sẽ trở thành, ông sẽ đạt được thành công…” Đây là thông điệp rỉ tai của những người, ngay lúc này, đang sử dụng thuật kể chuyện nhằm mục đích khai thác. Có bao nhiêu câu chuyện dùng để ru ngủ chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng để hạnh phúc, chúng ta cần phải liên tục kiếm lời, sở hữu và tiêu thụ. Chúng ta thậm chí có thể không nhận ra chúng ta đã trở nên tham lam như thế nào đối với những cuộc chuyện gẫu và tin đồn, hoặc chúng ta đang tiêu thụ bao nhiêu bạo lực và gian dối. Thông thường trên các diễn đàn truyền thông, thay vì những câu chuyện xây dựng nhằm củng cố mối tương quan xã hội và kết cấu văn hóa, chúng ta tìm thấy những câu chuyện hủy hoại và khiêu khích làm hao mòn và phá vỡ những sợi chỉ mong manh nối kết chúng ta lại với nhau như một xã hội. Bằng cách chắp vá các mẩu thông tin chưa được xác minh, lặp lại các lập luận tầm thường và thuyết phục gian đối, gửi đi các thông điệp đinh tai và đầy hận thù, chúng ta không giúp dệt nên lịch sử nhân bản, nhưng thay vào đó tước mất phẩm giá của người khác.
Nhưng trong khi những câu chuyện được sử dụng để khai thác và phục vụ quyền lực có tuổi thọ rất ngắn, thì một câu chuyện hay có thể vượt qua các giới hạn của không gian và thời gian. Hàng thế kỷ sau, nó vẫn hợp thời, vì nó nuôi dưỡng sự sống.
Trong một thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến bình diện cấp số nhân (như trong deepfake [*]), chúng ta cần có sự khôn ngoan để có thể chào đón và tạo ra những câu chuyện đẹp, thực và hay. Chúng ta cần can đảm để từ chối những câu chuyện sai lầm và xấu xa. Chúng ta cần sự kiên nhẫn và biện phân để khám phá lại những câu chuyện giúp chúng ta không bị mất sợi chỉ xuyên suốt giữa nhiều rắc rối ngày nay. Chúng ta cần những câu chuyện tiết lộ chúng ta thực sự là ai, cũng như tính anh hùng vô danh trong cuộc sống hàng ngày.
3. Câu chuyện của các câu chuyện
Sách thánh là câu chuyện của các câu chuyện. Nó đặt ra trước chúng ta biết bao sự kiện, dân tộc và cá nhân! Nó cho chúng ta thấy ngay từ đầu một Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo vừa là Đấng kể chuyện. Thật vậy, Thiên Chúa nói lời của Người và mọi sự đi vào hiện sinh (xem St 1). Là người kể chuyện, Thiên Chúa mời gọi mọi sự đi vào sự sống, đỉnh cao là việc tạo dựng người đàn ông và người đàn bà như những đối tác đối thoại tự do của Người, những người làm nên lịch sử bên cạnh Người. Trong một Thánh vịnh, tạo vật nói với Đấng sáng tạo: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!…Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (139: 13-15). Chúng ta không sinh ra hoàn chỉnh, nhưng cần phải liên tục dược “dệt”, được “đan lại với nhau”. Sự sống được ban cho chúng ta như một lời mời để tiếp tục dệt nên mầu nhiệm “tuyệt vời” là chính chúng ta.
Do đó, Kinh Thánh là câu chuyện tình vĩ đại giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ở trung tâm của nó là Chúa Giêsu, Đấng mà câu chuyện của chính Người mang đến sự hoàn thành cả tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Do đó, trong mọi thế hệ, đàn ông và đàn bà đều được kêu gọi kể lại và cam kết ghi nhớ những tình tiết quan trọng nhất trong Câu chuyện của các câu chuyện này, những câu chuyện truyền đạt tốt nhất ý nghĩa của nó.
Tiêu đề của Thông điệp năm nay được rút ra từ Sách Xuất hành, một câu chuyện Kinh thánh nguyên thủy, trong đó Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của dân Người. Khi con cái Israel bị làm nô lệ kêu lên Người, Thiên Chúa lắng nghe và ghi nhớ: “Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ítraen và Thiên Chúa đã biết” (Xh 2: 24-25). Ký ức của Thiên Chúa đem giải phóng khỏi áp bức qua một loạt các dấu lạ và kỳ quan. Sau đó, Thiên Chúa tiết lộ cho Môsê biết ý nghĩa của tất cả những dấu lạ này: “để các ngươi nói cho con cái cháu chắt các ngươi… những dấu lạ nào Ta đã làm giữa chúng, để các ngươi biết rằng Ta là Chúa Tể” (Xh 10: 2). Kinh nghiệm Xuất Hành dạy chúng ta rằng kiến thức về Chúa được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng cách kể câu chuyện về việc Người tiếp tục làm Người hiện diện ra sao. Thiên Chúa của sự sống truyền đạt với chúng ta qua câu chuyện về sự sống.
Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa không phải bằng những khái niệm trừu tượng, nhưng bằng những dụ ngôn, những câu chuyện ngắn gọn lấy từ cuộc sống hàng ngày. Tại thời điểm đó, sự sống trở thành câu chuyện và sau đó, đối với người nghe, câu chuyện trở thành cuộc sống: câu chuyện trở thành một phần cuộc sống của những người nghe nó, và nó thay đổi họ.
Các Tin mừng cũng là những câu chuyện, và không phải tình cờ. Trong khi nói với chúng ta về Chúa Giêsu, chúng “hoàn hình” (performative) [1]; chúng làm chúng ta đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Tin Mừng yêu cầu người đọc tham dự vào cùng một đức tin để chia sẻ cùng một sự sống. Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết rằng người kể chuyện tinh túy – Ngôi Lời – chính Người trở thành câu chuyện: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha” (Ga 1: 18). Động từ nguyên gốc, exegésato, có thể được dịch vừa như “tỏ lộ” vừa như “tường thuật”. Thiên Chúa đã đích thân được dệt vào nhân loại của chúng ta, và do đó, đã cho chúng ta một cách mới để dệt những câu chuyện của chúng ta.
4. Một câu chuyện luôn đổi mới
Lịch sử Chúa Kitô không phải là một di sản từ quá khứ; nó là câu chuyện của chúng ta, và luôn luôn hợp thời. Nó cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã quan tâm sâu sắc đến nhân loại, đến xác thịt và lịch sử của chúng ta, đến nỗi đã trở thành con người, thành xác thịt và lịch sử. Nó cũng cho chúng ta biết không có câu chuyện nào của con người là không đáng kể hoặc tầm thường. Kể từ khi Thiên Chúa trở thành câu chuyện, mọi câu chuyện của con người, theo một nghĩa nào đó, đều là một câu chuyện của Thiên Chúa. Trong lịch sử của mỗi người, Chúa Cha thấy lại câu chuyện của Con một Người đã xuống trần gian. Mỗi câu chuyện của con người có một phẩm giá không thể đè nén được. Do đó, nhân loại đáng có được những câu chuyện xứng đáng với họ, xứng đáng với chiều cao choáng váng và hấp dẫn mà Chúa Giêsu đã nâng họ lên.
Thánh Phaolô viết, “anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2 Cr 3: 3). Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa, viết trong chúng ta. Và khi Người viết trong chúng ta, Người thiết lập sự tốt đẹp trong chúng ta và liên tục nhắc nhở chúng ta về điều đó. Thật vậy, “nhắc nhở” có nghĩa là mang đến tâm trí, “viết” lên tâm hồn. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, mọi câu chuyện, ngay cả câu chuyện bị lãng quên nhất, ngay cả câu chuyện dường như được viết với những dòng chữ nguệch ngoạc nhất, cũng có thể được truyền cảm hứng, cũng có thể được tái sinh thành một kiệt tác và trở thành phụ lục của Tin Mừng. Giống như cuốn Tự thú của Thánh Augustinô. Giống như cuốn Hành Trình Hành Hương của Thánh Inhaxiô. Giống như cuốn Truyện Một Tâm Hồn của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Giống như cuốn The Betrothed, giống như cuốn The Brothers Karamazov. Giống như vô số những câu chuyện khác, đã ghi chép một cách kỳ diệu cuộc gặp gỡ giữa tự do của Thiên Chúa và tự do của con người. Mỗi người chúng ta đều biết những câu chuyện khác nhau có hương thơm của Tin Mừng, những câu chuyện đã làm chứng cho Tình yêu làm thay đổi cuộc sống. Những câu chuyện này kêu gọi được chia sẻ, được kể lại và đưa vào cuộc sống ở mọi thời đại, mọi ngôn ngữ, mọi phương tiện.
5. Một câu chuyện đổi mới chúng ta
Câu chuyện của chúng ta trở thành một phần của mọi câu chuyện vĩ đại. Khi chúng ta đọc Kinh thánh, những câu chuyện về các vị thánh, và cả những bản văn từng rõi sáng cho trái tim con người và vẻ đẹp của nó, Chúa Thánh Thần tự do viết vào lòng chúng ta, làm sống lại ký ức của chúng ta đối với đôi mắt của Thiên Chúa. Khi chúng ta nhớ đến tình yêu đã tạo ra và cứu rỗi chúng ta, khi chúng ta biến tình yêu thành một phần trong những câu chuyện hàng ngày của chúng ta, khi chúng ta dệt tấm thảm ngày sống của chúng ta bằng lòng thương xót, chúng ta đang lật sang một trang khác. Chúng ta không còn bị ràng buộc với những hối tiếc và buồn bã, bị ràng buộc với một ký ức không lành mạnh làm nặng trĩu trái tim chúng ta; thay vào đó, bằng cách mở lòng mình cho người khác, chúng ta mở lòng mình ra với cùng một viễn kiến của người kể chuyện vĩ đại. Nói với Thiên Chúa câu chuyện của chúng ta không bao giờ vô ích cả: cho dù bản ghi chép các biến cố vẫn như cũ, ý nghĩa và viễn ảnh luôn thay đổi. Nói câu chuyện của chúng ta với Thiên Chúa là đi vào tầm nhìn đầy tình yêu từ bi dành cho chúng ta và cho những người khác của Người. Chúng ta có thể kể lại cho Người những câu chuyện chúng ta sống, mang đến cho Người những con người và những tình huống vốn lấp đầy cuộc sống của chúng ta. Với Người, chúng ta có thể dệt lại tấm vải cuộc sống, mạng lại những chỗ rách và sờn của nó. Chúng ta, tất cả chúng ta, cần làm chính điều này xiết bao!
Như thế, với cái nhìn của người kể chuyện vĩ đại – Đấng duy nhất có quan điểm tối thượng – chúng ta có thể tiếp cận các nhân vật khác, các anh chị em của chúng ta, những người cùng với chúng ta như các diễn viên trong câu chuyện hôm nay. Vì không ai là một phần phụ trên sân khấu thế giới, và câu chuyện của mọi người đều có những thay đổi khả hữu. Ngay khi kể về điều ác, chúng ta vẫn có thể học cách dành chỗ cho việc cứu chuộc; ở giữa cái ác, chúng ta vẫn có thể nhận ra việc làm của lòng tốt và dành chỗ cho nó.
Vì vậy, không phải là vấn đề chỉ đơn giản kể chuyện như chúng xẩy ra, hay tự quảng cáo cho chính chúng ta, nhưng đúng hơn là nhớ chúng ta là ai và là gì trong con mắt Thiên Chúa, làm chứng cho những gì Chúa Thánh Thần viết trong lòng chúng ta và tỏ lộ cho mọi người thấy rằng câu chuyện của họ chứa những điều kỳ diệu. Để làm điều này, chúng ta hãy phó thác cho một người phụ nữ từng đan kết trong dạ mình nhân tính của Thiên Chúa và, Tin Mừng nói với chúng ta, đan kết với nhau các biến cố đời ngài. Vì Đức Trinh Nữ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2: 19). Chúng ta hãy xin ngài giúp đỡ; ngài vốn biết cách tháo nút cuộc sống bằng sức mạnh nhẹ nhàng của tình yêu:
Ôi Maria, người phụ nữ và là người mẹ, Mẹ đã dệt Ngôi Lời Thiên Chúa trong dạ Mẹ, Mẹ đã kể lại bằng cuộc đời Mẹ các công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Xin Mẹ lắng nghe các câu chuyện của chúng con, gìn giữ chúng trong trái tim của Mẹ và làm thành của Mẹ các câu chuyện không ai muốn nghe. Xin Mẹ dạy chúng con nhận ra sợi chỉ tốt lành xuyên suốt lịch sử. Xin Mẹ nhìn vào những nút thắt rối bời trong cuộc sống vốn làm tê liệt trí nhớ của chúng con. Bằng bàn tay dịu dàng của Mẹ, xin cho mọi nút thắt được tháo cởi. Hỡi người phụ nữ của Chúa Thánh Thần, hỡi mẹ của lòng tín thác, xin Mẹ cũng linh hứng cho chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con xây dựng những câu chuyện hòa bình, những câu chuyện hướng đến tương lai. Và chỉ cho chúng con cách cùng nhau sống chúng.
Rôma, tại Nhà Thờ Thánh Gioan ở Lateranô, 24 tháng Giêng năm 2020, Lễ Kính Thánh Phanxicô đờ Sales.
Phanxicô Giáo Hoàng

Bài giảng của ĐTC trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi

https://www.vaticannews.va/vi/

Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi cầu nguyện lịch sử trong quảng trường hoàn toàn trống vắng những lại có đông đảo tín hữu tham dự từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Ngài xin Chúa ban sức khỏe cho thể xác và an ủi trái tim. Sau khi chầu Thánh Thể, Đức Thánh Cha ban phép lành Mình Thánh Urbi et Orbi cho các tín hữu trong buổi cầu nguyện đặc biệt cầu cho thế giới trước đại dịch.
Lúc 6 giờ chiều ngày 27/03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô để cầu nguyện cho thế giới trước đại dịch virus corona. Giờ cầu nguyện bắt đầu với nghi thức cử hành Lời Chúa.

Đoạn Tin Mừng thánh Marco được đọc trong giờ cầu nguyện thuật lại sự kiện các môn đệ đang ở trên tàu, khi Chúa Giêsu đang ngủ, thì giông bão nổi lên. Các môn đệ hoảng sợ, đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu đã truyền cho sóng im biển lặng và ngài bảo họ “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Suy tư về đoạn Tin Mừng trên, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy mời Chúa vào cuộc đời chúng ta, hãy phó thác những khó khăn đau khổ cho Chúa, hãy tin rằng Chúa là Đấng yêu thương và yêu chương chúng ta nhất.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúng ta ở trên cùng con thuyền và cần cùng nhau chèo để vượt qua sóng gió

”Khi chiều xuống” (Mc 4,35). Đó là câu mở đầu đoạn Tin Mừng chúng ta đã nghe. Từ nhiều tuần nay, dường như chiều đã xuống. Những bóng đen dầy đặc phủ trên các quảng trường, các đường phố và thành thị của chúng ta; chúng chiếm hữu cuộc sống chúng ta, làm đầy mọi sự bằng một sự im lặng gây choáng váng và một sự trống rỗng thê lương, làm tê liệt mọi sự khi nó đi qua: người ta cảm thấy điều ấy trong không khí, nhận thấy nó qua các cử chỉ, qua những cái nhìn. Chúng ta lo sợ và ngỡ ngàng. Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ”Chúng ta chết mất” (v.38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.

Chúa Giêsu ngủ yên vì Ngài tín thác nơi Chúa Cha

Thật là dễ thấy mình ở trong hoàn cảnh như trình thuật này. Điều khó khăn là làm sao hiểu thái độ của Chúa Giêsu. Trong khi các môn đệ tự nhiên thấy hốt hoảng và tuyệt vọng, thì Chúa ở phần cuối thuyền, là phần sẽ bị chìm trước tiên. Ngài làm gì thế? Mặc dù những giao động, hối hả, Ngài vẫn ngủ yên, tín thác nơi Chúa Cha – đó là lần duy nhất trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ -. Và khi Ngài bị đánh thức dậy, Chúa cho gió yên biển lặng, rồi nói với các môn đệ với giọng khiển trách: ”Tại sao các con lại sợ? Các con chưa có đức tin sao?” (v.40).

Các môn đệ thiếu đức tin: họ không tin Chúa quan tâm đến họ

Chúng ta hãy tìm cách hiểu. Sự thiếu đức tin của các môn đệ hệ tại điều gì, một thái độ trái ngược với sự tin tưởng của Chúa Giêsu? Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức môn đệ kêu cầu: ”Thưa Thầy, Thày chẳng quan tâm gì đến sự kiện chúng con sắp chết sao?” (v. 38). ‘Thầy chẳng quan tâm’: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc họ. Giữa chúng ta, trong các gia đình, một trong những điều làm đau lòng nhất, đó là khi chúng ta nghe nói: ”Anh chẳng quan tâm gì đến em sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và tạo nên bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm tổn thương cả Chúa Giêsu. Vì chẳng có ai quan tâm đến chúng ta hơn Ngài. Thực vậy, sau khi được kêu cầu, Chúa đã cứu vớt các môn đệ thiếu lòng tin.

Bão tố cho thấy chúng ta đã bỏ qua điều nâng đỡ và ban sức mạnh cho chúng ta

Bão tố vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta và cho thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi qua đó chúng ta đã xây dựng những chương trình hoạt động, những dự án, các tập quán và ưu tiên của chúng ta. Nó tỏ cho thấy chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cộng đoàn của chúng ta. Bão tố để lộ tất cả những chủ tâm ”gói lại” và quên đi những gì đã nuôi dưỡng cái hồn của các dân tộc chúng ta; tất cả những toan tính gây mê với những tập quán có vẻ là ”cứu thoát”, nhưng không có khả năng tham chiếu những căn cội và nhắc nhớ tới các vị tiền bối của chúng ta, và vì thế khiến cho chúng ta không còn khả năng miễn dịch cần thiết để đương đầu với nghịch cảnh.

Bão tố cũng làm rơi mất những mánh khóe chúng ta dùng để ngụy trang ”cái tôi” của chúng ta, luôn lo lắng về hình ảnh của mình; một lần nữa, chúng ta khám thấy điều tốt lành là chúng ta cùng thuộc về nhau, cùng là anh chị em của nhau.

Chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

“Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có niềm tin sao?”. Lạy Chúa, Lời Chúa chiều tối hôm nay đánh động và có liên hệ tới tất cả chúng con. Trong thế giới chúng con hiện nay, thế giới mà Chúa yêu thương nhiều hơn cả chúng con yêu, chúng con tiến bước rất mau lẹ, cảm thấy hùng mạnh và có khả năng trong mọi sự. Chúng con ham hố lợi lộc, để cho mình bị vật chất thu hút mất và bị choáng váng vì vội vã. Chúng con không dừng lại trước những lời nhắc nhở của Chúa, không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới, chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất của chúng con đang bị bệnh nặng. Chúng con cứ tiếp tục tiến bước không chút sợ hãi, nghĩ rằng mình sẽ luôn khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh. Giờ đây, trong lúc chúng con đang ở giữa biển động, chúng con khẩn cầu Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!”

Đây là thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua

“Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Lạy Chúa, Chúa kêu gọi chúng con, một lời kêu gọi hãy tin tưởng. Không phải chỉ tin Chúa hiện hữu cho bằng hãy đến cùng Chúa và tín thác nơi Chúa. Trong Mùa Chay này vang dội lời kêu gọi cấp thiết của Chúa: ”Hãy hoán cải”, ”hãy hết lòng trở về cùng Ta” (Gl 2,13). Chúa gọi chúng con hãy đón nhận thời điểm thử thách này như ‘một thời điểm chọn lựa’. Đây không phải là thời điểm phán xét của Chúa, nhưng là lúc chúng con phải suy xét: thời điểm chọn lựa điều gì đáng kể và điều gì chóng qua, tách biệt điều cần thiết ra khỏi điều không cần. Lạy Chúa, đây là lúc điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng con hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Và chúng con có thể nhìn bao nhiêu bạn đồng hành gương mẫu, trong sợ hãi, họ đã phản ứng bằng cách hiến mạng sống mình. Đó là sức mạnh tác động được Thánh Linh đổ xuống và nhào nặn thành những sự hiến thân can đảm và quảng đại.

Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta

Đó là sự sống của Thánh Linh có khả năng cứu chuộc, nâng cao giá trị và tỏ cho thấy cuộc sống của chúng con được hình thành và nâng đỡ nhờ những người thường – những người thường bị quên lãng, – không được báo chí nói đến, không xuất hiện trong những cuộc biểu dương mới nhất, nhưng chắc chắn, họ đang viết lên những biến cố quan trọng ngày nay trong lịch sử chúng con: các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác đã hiểu rằng không ai tự cứu thoát một mình. Đứng trước đau khổ, qua đó người ta đo lường mức độ phát triển đích thực của các dân tộc chúng con, chúng con khám phá và cảm nghiệm lời nguyện tư tế của Chúa Giêsu: ”Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21). Bao nhiêu người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và đổ tràn hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm. Bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, giáo chức, chỉ cho các trẻ em chúng con – qua những cử chỉ bé nhỏ và thường nhật – cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hy sinh và chuyển cầu cho ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.
Hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta

”Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?”. Khởi đầu đức tin là biết mình cần được cứu độ. Chúng ta không tự mãn, chỉ tự mình thôi thì chúng ta sẽ bị chìm; chúng ta cần Chúa như những người hải hành xưa kia cần những vì sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Ngài chiến thắng chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì sức mạnh của Thiên Chúa là: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, cả những điều bất hạnh, đều mưu ích cho chúng ta. Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết.

Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng

Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta, giữa bão tố của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa thức dậy để đánh thưc và hồi sinh niềm tin của chúng ta nơi sự phục sinh.

Trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ

Chúng ta có một cái neo; trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa, chúng ta được chữa lành và ấp ủ vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa. Giữa tình trạng cách ly, trong đó chúng ta đang thiếu thốn tình cảm quí mến và những cuộc gặp gỡ, chịu đựng bao nhiêu thiếu thốn, một lần nữa chúng ta nghe lời loan báo cứu độ: Chúa đã sống lại và Ngài sống cạnh chúng ta. Chúa kêu gọi chúng ta, từ trên thập giá của Ngài, hãy tìm lại cuộc sống đang chờ đợi chúng ta, và hãy nhìn đến những người đang kêu chúng ta hãy củng cố, nhìn nhận và khởi động ơn thánh đang ở trong chúng ta. Đừng dập tắt tim đèn còn ngún khói (Xc Is 42,3), không bao giờ yếu liệt và hãy để cho niềm hy vọng được bùng lên.

Đón nhận thập giá là can đảm đón nhận tất cả các nghịch cảnh, đón nhận hy vọng

Đón nhận thập giá của Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các nghịch cảnh của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sự lo lắng của chúng ta về sự toàn năng và chiếm hữu, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Điều này có nghĩa là tìm lại can đảm mở ra những không gian trong đó tất cả mọi người đều thể cảm thấy được kêu gọi và thực hiện những hình thức mới của lòng hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới. Trong thập giá của Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường khả dĩ giúp chúng ta bảo tồn bản thân và giữ gìn. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, giải thoát khỏi sợ hãi và mang lại hy vọng.
Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ”

”Tại sao các con sợ hãi? Các con chưa có đức tin sao?” Anh chị em thân mến, từ nơi này, nhắc nhớ đức tin kiên vững của thánh Phêrô, tối hôm nay tôi muốn phó thác tất cả anh chị em cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là sức khỏe của dân Ngài, là Sao biển giữa bão tố. Từ những hàng cột này như vòng tay ôm lấy thành Roma và thế giới, ước gì phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi. Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn. Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, Chúa không bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: ”Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với thánh Phêrô, ”chúng con phó thác cho Chúa mọi lo âu, vì Chúa chăm sóc chúng con” (Xc 1 Pr 5,7).