Tản mạn về “Cuộc chiến đấu nội tâm”

Tản mạn về “Cuộc chiến đấu nội tâm”

                               Lm. Bosco Dương Trung Tín

“Điều tôi muốn, tôi lại không làm; điều tôi ghét tôi lại làm” (Rm7,15);

Và “Sự thiện tôi muốn tôi lại không làm nhưng điều ác tôi không muốn tôi lại làm”(Rm7,19).

 

Cuộc chiến này thường được gọi là “Cuộc chiến nội tâm”, vì nó diễn ra trong tâm hồn của con người, hay còn gọi là cuộc chiến Xác – Hồn. Có nhà Triết Học thời xưa nói: “Thân xác là tù ngục của linh hồn”. Người ta cho rằng Xác và Hồn như là hai thù địch không đội trời chung. Thế mà nó lại ở ngay trong một con người. Điều đó làm cho người khổ sở, giằng co, không biết làm sao bây giờ.

Người ta còn nói: Con người có ba kẻ thù là Thế gian, Xác thịt và Ma quỉ. Thế gian và ma quỉ thì ta có thể hiểu; còn xác thịt, tại sao lại là kẻ thù của ta. Có thật nó là kẻ thù của ta không?

Xác thịt đó chính là xương là thịt của ta; là cơ thể của ta. Con người có hai phần là xác và hồn. Phần xác là cơ thể bao gồm các giác quan như mắt, mũi, tay, chân; miệng lưỡi và tim gan phèo phổi,…Phần hồn là sự sống của thể xác, ở trong thể xác. Khi hồn lìa xác thì xác thành xác chết, không nhúc nhích, không ngọ ngoạy gì hết. Hồn có các quang năng là suy nghĩ, yêu và điều khiển.

Nếu ta có nhìn gì, có nói gì, có ăn gì, có uống gì, có làm gì hay đi đâu là do quang năng của linh hồn ta quyết định. Mắt chỉ là một giác quan nhìn được nhưng không tự nó muốn nhìn gì thì nhìn; Miệng cũng vậy, không thể tự nó muốn ăn gì; muốn uống gì, muốn nói gì thì nói. Tay cũng không tự nó muốn làm gì thì làm; chân cũng không tự nó muôn đi đâu thì đi. Đó là các giác quan mà linh hồn ta có thể điều khiển được. Còn các nội tạng như tim gan, phèo phổi, bao tử thì tự chúng vận hành dù ta muốn hay không. Ta mà nín thở, nghĩa là không muốn thở thì ta chết ngay thôi.

Như vậy xét về cơ thể học, thì các giác quan, các nội tạng, các cơ bắp, máu thịt là xác thịt của ta, nó không là kẻ thù, không là đối thủ của ta nhưng là bạn hay là đầy tớ của ta mà thôi. Ta sai đâu chúng đánh đó. Khi nó đói, thì nó đòi ăn nhưng ta cho nó ăn gì thì nó ăn đó. Khát thì ta cho uống, uống bao nhiều thì do ta quyết định; vv…

Vậy thì cái gì là kẻ thù của ta đây ?

Thánh Phao-lô có nói: “Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn bình an thánh hóa toàn diện con người anh em, để thân xác, tâm hồn và thần trí anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giê-su Ky-tô, Chúa chúng ta quang lâm”(x.Tx 5,23). Dựa vào câu này mà các tín hữu Tin lành cho rằng con người có ba phần là Thần trí, Tâm hồn và Thân xác. Người Công Giáo thì tin con người có hai phần là Thân Xác và Linh Hồn. “Con người được ban cho một linh hồn bất tử”(GLCG 1703) và “Nhờ có linh hồn với các khả năng tinh thần là ý chí và lý trí, con người được thừa hưởng sự tự do”(GLCG 1705). Thần trí là ý chí và lý trí thuộc về tinh thần, thuộc về linh hồn. Chính THẦN TRÍ này là điều gây rắc rối, gây cản trở cho con người đây.

Trong tiếng Nhật thì phân biệt rất rõ. Thân xác là (体)KA-RA-ĐA; linh hồn là (魂)TA-MA-SHI-I; thần trí là (霊)RE-I. Thần trí: Thần: thuộc về tinh thần; Trí : là ý chí và lý trí; biết suy nghĩ, biết phán đoán và quyết định. Cái TRÍ này có thể theo thân xác hay theo linh hồn. Theo thân xác thì gọi là “Tính xác thịt”; theo linh hồn thì gọi là “theo ý Chúa”. Do có hai sự chọn lựa này mà sinh ra cuộc chiến nội tâm; mới xảy ra cuộc chiến trong con người của ta.

Theo tính xác thịt thì ta muốn dễ dãi; ham danh ham lợi; kiêu căng, ngạo mạn; lười biếng khi không muốn làm; ghen tị khi nhìn người khác; muốn thỏa mãn khi muốn ăn cho đã; muốn ngoi lên khi nói cho sướng miệng, dù là nói hành, nói xấu; noi dai, nói dại; thích của ngọt khi nghe những lời giả dối, nịnh bợ.

Theo ý Chúa thì phải chịu thương chịu khó; kiên trì, sốc vác; khiêm nhường, hạ mình. Sẵn sàng sắn tay áo lên để làm mọi việc dù to hay nhỏ; dù khó hay vất vả. Vui khi thấy người khác thành công và hạnh phúc; ăn uống, ngủ nghỉ có giờ, có giấc và điệu độ. Vươn lên từ đôi bàn tay và khối óc của mình; có nói thì nói ít, nói đủ, nói đúng và nói thật. Thích ăn mặn, biết ngậm đắng nuốt cay; biết nằm gai nếm mật; ngay thẳng, thật thà.

Theo câu của thánh Phao-lô thì “Điều tôi muốn” là điều thuộc về ý Chúa, thuộc về tinh thần, thuộc về hồn, đó là điều bẩm sinh. Bẩm sinh ai cũng muốn làm điều tốt, điều thiện hết. Thế nhưng tôi lại không làm, vì làm được điều đó thì không dễ.

 

“Điều tôi ghét” là điều thuộc về xác thịt, vì ai cũng ghét thói phàm ăn tục uống; ai cũng ghét thói kiêu căng ngạo mạn; ai cũng ghét nói nhiều, nói dai; nói hành nói xấu; ai cũng ghét kẻ nịnh bợ ton hót. Thế nhưng những điều đó lại rất dễ làm, không cần cố gắng học hỏi hay luyện tập gì; cho nên “tôi lại làm”. Chính vì thế mà trong ta có sự giằng co, ta phải làm gì đây?

Trước hết, ta đã rõ, thân xác ta không có liên quan gì đến chuyện đó, nó không là kẻ thù mà là bạn rất thân yêu của ta, nên ta phải giữ gìn cho nó phát triển và khỏe nạnh. Vì “linh hồn mạnh trong một thân xác khỏe mạnh” mà.

Sau là ta phải làm với cái TRÍ và cái CHÍ của ta. Ta phải học hỏi cho biết đâu là thiện đâu là ác; đâu là điều tốt, đâu là điều xấu; đâu là trái, đâu là phải; đâu là chân lý, đâu là “cùn lý”; đâu là ý Chúa, đâu là tính xác thịt, ý của thế gian, mưu kế của ma quỉ. Thứ đến ta phải biện phân chọn cái nào và làm cái nào cho tốt lành. Tốt cho mình và lành cho người khác. Để chọn và thực hành cho chính xác, ta cần phải theo Lời Chúa. Vì Lời Chúa dạy cho ta biết ý Chúa; dạy ta những điều thiện điều tốt; dạy ta chân lý, dạy ta lẽ phải.

Có thế cả xác và hồn ta đều theo ý Chúa, hướng ta về trời và ta sẽ được vào Nước Trời. Nếu có và chắc chắn là có, không nhiều thì ít những giằng co, nhưng chúng sẽ không quyết liệt và xâu xé. Càng luyện tập bao nhiêu thì ta sẽ hướng về linh hồn, hướng về Chúa, hướng về trời bấy nhiêu. Không tập ta sẽ bị tính xác thịt khống chế; bị thế gian chi phối và bị ma quỉ cám dỗ, ta sẽ hướng về đất, hướng về người đời và ta sẽ vào hỏa ngục.

Vậy ta đừng theo thói Nhị Nguyên, chia con người ta làm hai, rồi đặt ma quỉ ngang hàng với Thiên Chúa. Không. Chỉ có một Thiên Chúa làm chủ tất cả; chỉ có một con người duy nhất, hợp nhất là linh hồn ta và thân xác ta. Thân xác của ta cùng chính là ta; linh hồn của ta cũng chính là ta, chứ không phải là ai khác. Ta hãy hoàn thiện con người của ta; hãy hoàn thành cuộc đời của ta trên trần gian này, để mai sau cả xác lẫn hồn ta được vào thiên đàng. Làm sao cho ta không có cuộc chiến nội tâm, nhưng chỉ có một cuộc tiến bước nhịp nhàng cả xác lẫn hồn. Xác và hồn như hai bánh xe, chuyên chở con người và cuộc đời ta, dưới sự điều khiển của Thần Trí ta, nó sẽ chạy bon bon về thiên đàng. Nếu một trong hai bánh bị hư hay cả hai bánh đều xì lốp thì ta sẽ rơi xuống……hỏa ngục.

Ta hãy trở nên người tài xế tài ba biết luật, hiểu luật; can đảm và khéo léo để lái con người và cuộc đời của ta về tới đích, về tới bến bình an.

CHUYỆN TÌNH YÊU – HÔN NHÂN

Năm 2017, chủ đề Mục Vụ Gia Đình là “Chuẩn Bị Cho Người Trẻ Bước Vào Đời Sống Hôn Nhân”, theo tinh thần “Thư Chung gửi Cộng đồng Dân Chúa” ngày 7-10-2016, các giám mục Việt Nam tham dự Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị chủ đề Mục Vụ Gia Đình cho ba năm (2017-2019).

Kinh Thánh nói thay những người yêu nhau: “Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” (Dc 6:3). Tình yêu và hôn nhân phải vậy, vì hai người không còn là hai mà là một xương một thịt, và không thể phân ly (Mt 19:5-6; Mc 10:8), chính tình yêu “nên một” đó tạo nên tế bào cơ bản của cộng đồng: Gia đình.

Hạnh phúc là gì? Có khó tìm hạnh phúc không? Cách hỏi khó xác định, vì vừa KHÓ vừa DỄ. Tình yêu là thế! Dễ hay khó cũng còn tùy nhiều thứ. Không ai khả dĩ định nghĩa thỏa đáng về tình yêu. Thiết tưởng cũng chẳng ai xác định hoàn toàn chính xác thế nào là hạnh phúc. Trong thi phẩm “Vì Sao”, thi sĩ Xuân Diệu thốt lên:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu…

Tình yêu vô hình, có vẻ đơn giản mà lại nhiêu khê. Cũng vậy, hạnh phúc xem chừng rất đơn giản nhưng vô cùng phức tạp. Trên thế giới, mỗi phút có khoảng 3 triệu đôi nam nữ yêu nhau. Nhưng số người được giáo dục về giới tính vẫn chưa nhiều. Phụ nữ được “đặc ân” cả tâm hồn lẫn thể xác, nhất là thời kỳ xuân trẻ, không chỉ như tục ngữ Việt Nam: “Thứ nhất thịt bò ăn tái, thứ nhì con gái đương tơ”. Ở độ tuổi 30, phụ nữ càng hấp dẫn vì đó mới là thời kỳ sung mãn nhất. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng rất phức tạp nếu ở vào “buổi hồi xuân”. Vì thế, chưa hẳn “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”. Đó chẳng qua là quan niệm cổ xưa, khi mà người ta kết hôn quá sớm, gọi là tảo hôn: “Lấy anh từ thuở mười ba, đến năm mười tám thiếp đà năm con”. Quan niệm dần dần thay đổi tùy vào nền văn minh và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Không có hai chiếc lá hoặc hai đóa hoa giống nhau hoàn toàn, tất nhiên cũng không thể có hai người giống nhau về mọi phương diện. Nói “tâm đầu, ý hợp” là chỉ về một phương diện nào đó thôi, nhưng cũng chỉ tương đối chứ không thể tuyệt đối. Giống nhau khoảng 30% về tâm tính là tốt lắm rồi. Vì “nhân vô thập toàn” nên mới cần hôn nhân để bổ túc lẫn nhau về những khiếm khuyết, để cân bằng âm dương theo quy luật tự nhiên. Nghĩa là phải hy sinh, nhịn nhục, cảm thông, nâng đỡ, chịu đựng, chấp nhận, bình dị, không quá đáng, và yêu thương nhau suốt đời. Cùng sống VỚI nhau, CHO nhau và VÌ nhau, cùng chia vui sẻ buồn chứ không thể ích kỷ với cái TÔI “đáng ghét” của mình. Có hạnh phúc thì không khó, nhưng giữ được hạnh phúc mới khó. Hạnh phúc không xa vời, nó ở ngay bên chúng ta. Đừng “đứng núi này, trông núi nọ”. Thường thì ai cũng thấy đèn nhà người sáng hơn đèn nhà mình. Đóa hoa bên hàng xóm luôn đẹp hơn đóa hoa ở vườn nhà mình. Tình cảm con người dễ bị ngoại cảnh chi phối, thậm chí còn bị tác động bởi thời tiết và sức khỏe. Thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) là một chu kỳ biến đổi bất thường. Do đó, mỗi người đều phải tỉnh thức và cẩn trọng như khi tham gia giao thông, nhất là khi gặp “đèn đỏ”. Ngoài ra, hạnh phúc còn ít nhiều lệ thuộc vào bản chất giới tính, như Helen Rowland nói: “Để sống hạnh phúc với đàn bà thì đàn ông phải yêu nhiều và đừng hiểu gì cả; để sống hạnh phúc với đàn ông thì đàn bà phải yêu ít và hiểu nhiều”. Nói vậy không có nghĩa là tình yêu mất cân bằng, kẻ ít, người nhiều. Thực ra, khi yêu chân thành, không phân biệt nam hay nữ, chẳng ai lại đòi hỏi người mình yêu thái quá mà luôn chịu thiệt thòi, vì bản chất tình yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, như thi sĩ Xuân Diệu nói: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Vả lại, tình yêu nào tiết ra chất hy sinh mới thực sự là tình yêu chân thành. Tình yêu không thể phân tích chính xác theo khoa học, nhưng có thể kiểm chứng tình yêu bằng nỗi nhớ da diết hay hời hợt. Đó là cách nhận biết mức độ yêu nhau. Có yêu nhau thật mới thấy xa cách là nỗi khổ sâu đậm, mới hiểu thế nào là ngày chờ tháng đợi. Và tất nhiên, niềm thương nỗi nhớ đó được tính bằng cấp số nhân. Trong ca khúc “Trăm Nhớ Ngàn Thương”, nhạc sĩ Lam Phương tâm sự: “Chiều nay mây đen giăng sầu đường về, nhìn hoa rơi não nề, người ơi sao chẳng về…”. Có thể nói đó là nỗi-nhớ-ba-chiều. Cũng như các lĩnh vực khác, hạnh phúc lứa đôi thiết yếu cấu thành bằng lòng chân thành, một cuộc tình-vì-tình (love-match) chứ không là cuộc tình-vì-tiền (money-match) hoặc vì thứ gì khác, và chín chắn (biết rõ yếu điểm và nhược điểm của đối tượng mà vẫn “bằng lòng” về nhau). Muốn vậy, cả chàng và nàng đều cần lần lượt bước qua 5 cung bậc để đạt sự khôn ngoan, đó là 5T:

  1. THINH LẶNG: Tình sâu đậm và nồng nàn.
  2. TÌM HIỂU: Lắng nghe và cân nhắc.
  3. TÍCH LŨY: Luôn học hỏi về giới tính để chuẩn bị hôn nhân, gọi là thời kỳ “tiền hôn nhân”.
  4. THI HÀNH: Áp dụng và thi vị hóa.
  5. TẬP LUYỆN: Không ngừng học hỏi, dù đã là vợ chồng, luôn tế nhị, ý thức, luôn “tương kính như tân”.

Tuyệt đối không bao giờ suồng sã, cố chấp, hoặc để “người thứ ba” xuất hiện xen vào chuyện hai người, vì đó là những loại virus có khả năng đục khoét âm ỉ hạnh phúc lứa đôi một cách nhanh chóng và nguy hiểm. Quá bình thường, quá thực tế và quá đơn điệu dễ gây nhàm chán, thế nên phải biết thêm “gia vị” lãng mạn, vì bản chất phụ nữ rất lãng mạn, để thi vị hóa cuộc sống thực tế. Nên nhớ lãng mạn chứ đừng lạng mạng, lãng quên, lãng phí hoặc lãng nhách.

Chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, thiết tưởng cần bàn luận để đạt được thỏa thuận chung, vì “thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Đừng độc đoán, ngay cả việc “tỏ tình” hoặc “chuyện ấy”. Khi có sự đồng tâm nhất trí rồi, việc “tát cạn biển Đông” chẳng khó khăn chi! Hãy cùng Alexandre Mercereau “sẵn sàng hy sinh để chứng minh là mình biết sống”. Đồng thời, vợ chồng còn phải biết CỘNG hưởng niềm vui, NHÂN lên hạnh phúc, TRỪ bớt nhọc nhằn và đau khổ, không ngừng CHIA sẻ, nhưng không CHIA rẽ hoặc CHIA ly bao giờ. Là con người, ai cũng khao khát YÊU và ĐƯỢC YÊU. Dĩ nhiên, vì nhân vô thập toàn nên rất cần chiến thắng chính mình, quên mình để sống vì người mình yêu. Không mù quáng, không nhắm mắt đưa chân, nhưng yêu trọn vẹn bằng cả trái tim với một lý trí lành mạnh và sáng suốt. Bất luận lúc nào, dù trẻ hay già, hai người đều cần có “con mắt nhà nghề” của nghệ sĩ để “có thể thấy điều vô thường trong sinh hoạt thường nhật”, kinh qua cuộc sống rất đời thường này. Hãy cứ ghen, nhưng ghen sao cho có trí tuệ, bản lĩnh, tế nhị, nhẹ nhàng mà thâm thúy. Quan trọng là luôn coi nhau bình đẳng, không thái quá về ngôn ngữ, cử chỉ và động thái. Mỗi người không còn là MỘT mà là BA người một lúc.

– NGƯỜI YÊU: Dịu dàng, chiều chuộng, tìm đến nhau, ánh mắt tha thiết,… Có thể siết chặt tay nhau “ấm áp” hơn, trên mức bình thường. Cũng có thể hôn, nhưng chỉ hôn tay hoặc hôn trán tỏ sự yêu thương và tôn trọng. Cái gì cũng có giới hạn của nó.

– NGƯỜI TÌNH: Lực hấp dẫn mạnh hơn, say đắm, độ cuồng nhiệt cao. Được quyền hôn môi, cháy bỏng, nhưng ở mức vừa phải, vì lúc đó “thế giới chỉ còn hai người”, và “rơm khô” rất “dễ cháy”. Tất cả đều ngọt ngào, quên mất “cay đắng là nơi thật thà”. Ca dao Việt Nam khuyên:

Có nêm thì nêm ớt, nêm hành

Đừng nêm mật ngọt chành bành bụng em

Và ca dao còn dặn dò thêm:

Khi đi mẹ có dặn lòng

Chanh chua mua lấy, ngọt bòng đừng mua

– NGƯỜI VỢ/CHỒNG: Ngoài quyền lợi còn có bổn phận và trách nhiệm, với nhau và với con cái, đồng thời còn là cha và là mẹ. Tuy nhiên, không được xao nhãng lời ăn tiếng nói, thái độ, cử chỉ, và cả việc trang điểm (nhưng không đỏm dáng). Thống kê cho thấy rằng đa số các vụ ly hôn đều bắt nguồn từ phụ nữ, vì họ thường lải nhải, cằn nhằn, khó tính, xộc xệch, bốc đồng, vô ý tứ,…).

Quả thật, tình yêu và hôn nhân đều là những đa thức. Đơn giản mà phức tạp. Viên ngọc quý đựng trong chiếc bình dễ vỡ nên rất cần được nâng niu, bảo vệ và không ngừng chăm chút. Đó là “thuận buồm, xuôi gió” mà còn “gay go” đến vậy huống chi “mưa nắng thất thường”, thậm chí có lúc còn áp thấp hoặc phong ba bão táp. Vì màu da, vì chủng tộc, vì giai cấp, lễ giáo phong kiến, vì quan niệm sai lầm và khắt khe, vì hoàn cảnh, vì thời thế, vì biết bao cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, NHƯNG,… mà không ít những cuộc tình phải ngậm ngùi nước mắt khi cha mẹ đành lòng làm “tan nghé, xẻ bầy”. Điển hình như Romeo và Juliette. Đó là chưa kể những cuộc tình trọng “bề ngoài” như Trương Chi – Mỵ Nương để rồi kẻ tương tư, người nuối tiếc! Ôi, chuyện của “Jack and Gill” (Chàng và Nàng)! Thương thì nói năm, nói mười, ghét thì như đổ nước đi. Có những nàng “kênh kiệu”, chê ỏng chê eo, mà quên rằng người con gái chỉ “có giá” một thời gian ngắn. Đến khi “ế” rồi thì đành chấp nhận “chắp vá”, vì có lẽ chợt hiểu rằng “gái không chồng như cánh đồng không mưa” (Ngạn ngữ Ấn Độ), như tục ngữ nói:

Gái có chồng như gông đeo cổ

Gái không chồng như phản gỗ long đanh

Phản long đanh anh còn chữa được

Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi

Không chồng khốn lắm, chị em ơi!

Không khinh suất gia phong lễ giáo, nhưng khi cần thì nàng cũng nên “mạnh dạn” bảo vệ tình yêu chân chính của mình, cho chính mình và cho người yêu. Nhưng cũng đừng “liều”, đừng quá đắn đo, quá câu nệ, quá lệ thuộc vào ai, miễn sao “phải chăng”. Không hẳn “thế này là đúng” hoặc “thế kia là sai”. Hãy yêu chân thành thì Thần Tình Yêu sẽ mách bảo bạn nên làm gì và cần tránh điều gì. Khi đó, không gì có thể chia cách được – dù đó là Tử Thần. Một chút dỗi hờn, nếu biết khôn khéo, sẽ biến thành chất xúc tác khiến cho không chỉ tình yêu mà cả hôn nhân đều trở nên kỳ lạ, thú vị, đậm đà, quyến rũ, luôn là thế-giới-mới huyền diệu và thơ mộng, nơi hai người đồng hành có hoa thơm và cỏ lạ, cùng dìu nhau trên lối thi ca, cùng nghe cõi lòng rung lên những nốt trầm xao xuyến với nhịp điệu đặc biệt nhất. Tuyệt vời biết bao!

 Về phần cha mẹ, không được ép buộc hoặc ngăn cản. Hãy để con cái tự do chọn bạn trăm năm, chỉ giúp lời khuyên và phân tích điều hơn lẽ thiệt, vì dù sao thì con cái cũng đã trưởng thành, và trước pháp luật, họ có đầy đủ tư cách pháp nhân của một công dân thực thụ, chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Vả lại, chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, phải tránh thói phong kiến kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Cha mẹ tưởng rằng con cái nên lấy người này hoặc người nọ mới có hạnh phúc, nhưng thực chất chỉ là lòng vị kỷ. Dựng vợ hoặc gả chồng cho con hay cho chính cha mẹ? Đừng quên đó là “chuyện riêng của hai người”, phụ huynh không nên “lạm quyền” kẻo mà thay vì tạo hạnh phúc thì lại đẩy con vào chỗ khổ, gieo hận sầu cho con.

Tóm lại, tình yêu và hôn nhân đều nhất thiết phải sử dụng liên tục hai động từ TIN và GIÚP. Có vậy mới giữ trọn chữ Thủy Chung, không vì “sắc phai, hương nhạt” mà “cam đành phụ quýt”. Yêu nhau bằng cả tâm hồn, lý trí và con tim chân thành thì tình yêu sẽ bền vững. Cái đẹp ngoại tại sẽ không thể tồn tại với thời gian, nhưng cái đẹp nội tại không thể bị tàn tạ. Ở đâu cũng vậy, cần có một tấm lòng để sống với nhau. Thật vậy:

Người xinh, cái bóng cũng xinh

Người tình, đến bạc đầu xanh vẫn tình

Đừng “có bé xé ra to” hoặc “vạch áo cho người xem lưng”, mà nên “đóng cửa bảo nhau” bằng sự chân tình, với lòng phục thiện, vì “yêu không là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng” (Saint-Exupéry), có vậy mới khả dĩ đồng hành với nhau dù mưa hay nắng. Con cái là gạch-nối-tình-yêu, nhưng khi đó lại càng cần phải khéo léo và tế nhị hơn. Cố gắng hết sức đừng để “lời ru chia đôi”, vì lúc đó không chỉ buồn cả đôi mà còn tổn thương những mái đầu xanh vô tội. Biết bao trẻ em sống lang thang “bụi đời” chỉ vì khoảng giữa cha mẹ chúng chợt xuất hiện dấu TRỪ thay cho dấu CỘNG. Biết quên mình một chút mà dám quy trách nhiệm và nhận lỗi phần mình thì hẳn không bao giờ xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Hối hận bao giờ cũng muộn màng! Có cuộc hôn nhân như ý và sống hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn, nhưng chính mình phải tích cực trước chứ không thể chỉ trông chờ ở “đối tượng”.

Để tạm kết, xin mượn lời của J. Langbern làm “dấu dừng” để khép lại bài viết ngắn ngủi này: “Yêu người khác, chưa đủ, mà cần phải chứng minh điều đó”. Chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân cần có tình yêu đích thực – yêu vì người đó là chính người đó, với cả ưu và khuyết điểm, có tình yêu chân thành thì khả dĩ vượt qua tất cả. Là Kitô hữu, đặc biệt là tín hữu Công giáo, phải ghi nhớ nghiêm luật tối quan trọng này về hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9).

Trầm Thiên Thu