SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ V

ngày 14 tháng 11 năm 2021

“NGƯỜI NGHÈO, CÁC ÔNG SẼ LUÔN CÓ BÊN MÌNH”

Trong sứ điệp được công bố ngày 14/6/2021 cho Ngày thế giới người nghèo lần thứ V (14/11/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới xây dựng « một mô hình xã hội hướng đến tương lai, có khả năng đối diện với những hình thức mới của sự đói nghèo ». Mời gọi thay đổi cách nhìn về người nghèo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: « Lối sống chủ nghĩa cá nhân là đồng lõa với sự nghèo đói, và thường trút lên người nghèo mọi trách nhiệm về thân phận của họ. Nhưng sự nghèo đói không phải là kết quả của số phận, nó là một hậu quả của tính ích kỷ ».

Ngài nhắc nhở các Kitô hữu rằng “những ai không nhìn nhận người nghèo thì phản bội lại giáo huấn của Chúa Giêsu và không thể là môn đệ của Ngài“, và đồng thời mời gọi nhận ra “mối liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Giêsu, người nghèo và việc loan báo Tin Mừng”.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp:

  1. « Người nghèo, các ông sẽ luôn có bên mình» (Mc 14, 7). Chúa Giêsu đã nói những lời này trong khuôn khổ một bữa ăn ở Bêtania, tại nhà của một Simon nào đó được gọi là « phong hủi », một vài ngày trước lễ Vượt qua. Như thánh sử kể, một người phụ nữ đi vào với một bình bạch ngọc đựng dầu thơm rất quý giá và đã đổ dầu thơm trên đầu Chúa Giêsu. Cử chỉ này đã gây ra sự ngạc nhiên sửng sốt và dẫn đến hai kiểu giải thích khác nhau.

Lối giải thích đầu tiên là sự phẫn nộ của một số người trong số những người có mặt, bao gồm cả các môn đệ mà, tính toán giá trị của dầu thơm – khoảng 300 quan tiền, tức tương đương với tiền lương hằng năm của một công nhân – , đã nghĩ rằng thà bán nó và bố thí cho người nghèo thì hơn. Theo Tin Mừng Gioan, chính Giuđa là người giải thích lập trường này : « Tại sao không bán dầu thơm này lấy ba trăm quan tiền rồi cho người nghèo ? » Và thánh sử ghi lại : « Anh ta nói như thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì anh ta là một tên trộm : anh ta giữ túi tiền và thường lấy những gì người ta bỏ vào đó » (12, 5-6). Không phải ngẫu nhiên nếu lời phê bình gay gắt này đến từ miệng của kẻ phản bội : đó là bằng chứng cho thấy những ai không nhìn nhận người nghèo thì phản bội lại giáo huấn của Chúa Giêsu và không thể là môn đệ của Ngài. Về điều này, chúng ta hãy nhớ lại những lời rất mạnh mẽ của Origène : « Giuđa có vẻ quan tâm đến người nghèo […]. Cả bây giờ nữa nếu có ai giữ túi tiền của Giáo hội và nói cho người nghèo như Giuđa, nhưng lại lấy những gì người ta bỏ vào đó, thì như thế y có phần của mình với Giuđa » (Chú giải Tin Mừng Matthêu 11, 9).

Lối giải thích thứ hai do chính Chúa Giêsu đưa ra và cho phép nắm bắt ý nghĩa sâu xa của cử chỉ mà người phụ nữ đã làm. Ngài nói : « Cứ để mặc cô ấy ! Tại sao làm khổ cô ấy ? Thật cao đẹp cử chỉ mà cô ấy đã làm cho tôi » (Mc 14, 6). Chúa Giêsu biết rằng cái chết của Ngài đến gần và nhìn thấy nơi cử chỉ này lời tiên báo về việc xức dầu cho thi thể của Ngài trước khi được đặt vào trong mồ. Quan điểm này vượt quá mọi mong đợi của khách dự tiệc. Chúa Giêsu nhắc cho họ rằng người nghèo đầu tiên, chính là Ngài, người nghèo nhất trong số những người nghèo bởi vì Ngài đại diện cho tất cả họ. Và cũng nhân danh những người nghèo, những người cô độc, bị gạt bên lề xã hội và phân biệt kỳ thị mà Con Thiên Chúa chấp nhận cử chỉ của người phụ nữ này. Bằng sự nhạy cảm nữ tính của mình, cô đã cho thấy rằng cô là người duy nhất hiểu được tâm tư của Chúa. Người phụ nữ vô danh này – có thể được dự định đại diện cho toàn thể thế giới phụ nữ mà, qua hàng thế kỷ, không có quyền ăn nói và chịu bạo hành – khai mào cho sự hiện diện đầy ý nghĩa của những người nữ tham dự vào các biến cố cao điểm của cuộc đời của Chúa Kitô : chịu đóng đinh, cái chết và việc mai táng cũng như việc hiện ra với tư cách là Đấng Phục Sinh. Phụ nữ, rất thường bị phân biệt kỳ thị và đứng ngoài vòng các vị trí trách nhiệm, trái lại, trong các trang Tin Mừng, là những nhân vật chính trong lịch sử của mạc khải. Lời nói sau cùng của Chúa Giêsu, liên kết người phụ nữ này với sứ mạng cao cả loan báo Tin Mừng, là rất hùng hồn : « Quả thật, tôi bảo các ông : bất cứ nơi nào Tin Mừng được loan báo – trên toàn thế giới – người ta sẽ sẽ kể lại những gì cô vừa làm để nhớ đến cô » (Mc 14, 9).

  1. Sự « đồng cảm » mạnh mẽ này giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ, và cách thức mà Ngài giải thích việc xức dầu của mình tương phản với cái nhìn đầy tai tiếng của Giuđa và của những người khác, mở ra một con đường suy tư phong nhiêu về mối liên hệ bất khả phân ly giữa Chúa Giêsu, người nghèo và việc loan báo Tin Mừng.

Quả thế, khuôn mặt của Thiên Chúa mà Ngài mạc khải là khuôn mặt của một người Cha đối với người nghèo và gần gũi người nghèo. Tất cả công việc của Chúa Giêsu đều khẳng định rằng sự nghèo đói không phải là kết quả của số phận, nhưng là dấu chỉ cụ thể của sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta. Chúng ta không nhận ra Ngài khi nào và ở đâu chúng ta muốn, nhưng chúng ta nhận ra Ngài nơi cuộc sống của người nghèo, trong sự đau khổ và khốn cùng của họ, trong những điều kiện đôi khi phi nhân trong đó họ buộc phải sống. Tôi không mệt mỏi lặp đi lặp lại rằng người nghèo là những người loan báo Tin Mừng đích thực bởi vì họ đã là những người đầu tiên được loan báo Tin Mừng và được mời gọi chia sẻ hạnh phúc của Chúa và Nước của Ngài (x. Mt 5,3).

Người nghèo trong mọi hoàn cảnh và mọi miền loan báo Tin Mừng cho chúng ta, vì họ cho phép chúng ta tái khám phá cách luôn mới mẻ những nét đích thực nhất của dung mạo của Chúa Cha. « Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Ngoài việc tham dự vào cảm thức đức tin, qua những nỗi thống khổ của mình, họ nhận biết Chúa Giêsu đau khổ. Điều cần thiết là tất cả chúng ta phải để cho họ Phúc Âm hóa chúng ta. Việc tân Phúc Âm hóa là một lời mời gọi nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ, và đặt họ ở trung tâm hành trình của Giáo hội. Chúng ta được mời gọi khám phá Chúa Kitô nơi họ, sẵn sàng lên tiếng cho chính nghĩa của họ, nhưng còn trở nên bằng hữu của họ, lắng nghe họ, hiểu họ và đón nhận sự khôn ngoan huyền nhiệm mà Thiên Chúa muốn thông ban cho chúng ta qua họ. Sự dấn thân của chúng ta không chỉ hệ tại nơi những hành động hay những chương trình thăng tiến và trợ giúp ; những gì mà Chúa Thánh Thần khơi dậy không phải là đầy dẫy các hoạt động, nhưng trước tiên là cả một sự quan tâm đến người khác mà ngài xem như là một với Ngài. Sự quan tâm yêu thương này là khởi đầu của một sự quan tâm đích thực đối với con người của họ, mà tôi ước ao tìm kiếm cách hữu hiệu thiện ích của họ » (Tông huấn Evangelii gaudium, số 198-199).

  1. Chúa Giêsu không chỉ ở bên cạnh người nghèo, nhưng chia sẻ cùng số phận với họ. Đó cũng là một giáo huấn mạnh mẽ cho các môn đệ của Ngài thuộc mọi thời đại. Những lời của Ngài « người nghèo, các ông sẽ luôn có bên mình » cũng chỉ ra điều này : sự hiện diện của họ giữa chúng ta là thường xuyên, nhưng sự hiện diện này không được dẫn đến một thói quen trở thành sự dửng dưng, nhưng bao hàm trong việc chia sẻ cuộc sống vốn không chấp nhận giấy ủy quyền. Người nghèo không phải là những người « ở bên ngoài » cộng đoàn, nhưng là những anh chị em cùng chia sẻ nỗi đau khổ, để giảm bớt sự túng thiếu và việc bị gạt sang bên lề của họ, để chúng ta trả lại phẩm giá đã mất cho họ và đảm bảo cho họ sự hội nhập xã hội cần thiết. Vả lại, chúng ta biết rằng một cử chỉ từ thiện giả định trước một nhà hảo tâm và một người hưởng nó, đang khi việc chia sẻ sinh ra tình huynh đệ. Bố thí là ngẫu nhiên ; đang khi chia sẻ là bền vững. Bố thí có nguy cơ ban thưởng cho người bố thí và hạ thấp người lãnh nhận ; chia sẻ củng cố tình liên đới và đặt ra những điều kiện cần thiết để đạt tới công lý. Tóm lại, khi muốn nhận ra Chúa Giêsu nơi con người và chạm đến Ngài bằng đôi tay của mình, các tín hữu cần biết hướng về ai : người nghèo là một bí tích của Chúa Kitô ; họ hiện thân con người của Ngài và hướng chúng ta đến Ngài.

Chúng ta có biết bao mẫu gương của các thánh nam và thánh nữ đã chia sẻ với người nghèo kế hoạch sống của họ. Trong số họ, tôi nghĩ đến cha Damien de Veuster, một vị thánh, tông đồ của người phong hủi. Với lòng quảng đại lớn lao, ngài đã đáp lại tiếng gọi đi đến đảo Molokai, nơi đã trở thành một khu ổ chuột chỉ dành cho người phong hủi, để sống và chết với họ. Ngài đã xắn tay áo và làm tất cả để làm cho cuộc sống của những người nghèo bệnh tật và bị gạt bên lề xã hội vốn xuống cấp trầm trọng này, được sống cách xứng phẩm giá. Ngài đã trở thành bác sĩ và y tá, không quan tâm đến những nguy cơ mà ngài phải đối mặt và trong « thuộc địa của cái chết » này, như người ta đã gọi hòn đảo, ngài đã mang lại ánh sáng của tình yêu. Ngài cũng bị mắc bệnh phong hủi, dấu chỉ của sự chia sẻ hoàn toàn với anh chị em mà ngài đã hiến dâng mạng sống của mình. Chứng tá của ngài là rất thời sự trong những ngày ghi dấu đại dịch coronavirus này : chắc chắn ân sủng của Thiên Chúa đang hành động nơi tâm hồn của nhiều người mà, trong sự âm thầm, đang tiêu hao chính mình cho những người nghèo nhất bằng sự chia sẻ cụ thể.

  1. Vì thế, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào lời mời gọi của Chúa : « Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng » (Mc 1, 15). Sự hoán cải này trước hết hệ tại mở rộng tâm hồn chúng ta để nhận ra những biểu hiện muôn mặt của sự nghèo đói và biểu lộ Nước Thiên Chúa bằng một lối sống phù hợp với đức tin mà chúng ta tuyên xưng. Người nghèo thường được coi như là những người bị tách rời, như một phạm trù đòi hỏi một việc phục vụ từ thiện đặc biệt. Về phương diện này, bước theo Chúa Giêsu ngụ ý một sự thay đổi não trạng, tức là chấp nhận thách đố của việc chia sẻ và tham dự. Trở nên môn đệ của Ngài ngụ ý sự chọn lựa không tích trữ kho tàng trên trần gian, vốn mang lại ảo tưởng an toàn, mà trên thực tế là mong manh và chóng qua.

Trái lại, điều đó đòi hỏi sự sẵn sàng giải thoát mình khỏi mọi mối liên hệ ngăn cản đạt tới niềm hạnh phúc và phúc kiến đích thực, để nhìn nhận những gì là bền vững và không thể bị phá hủy bởi bất cứ điều gì và bất cứ ai (x. Mt 6, 19-20).

Ở đây, giáo huấn của Chúa Giêsu cũng lội ngược dòng, vì Ngài hứa những gì mà chỉ đôi mắt đức tin mới có thể nhìn thấy và cảm nghiệm bằng một niềm xác tín hoàn toàn : « Ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp » (Mt 19, 29). Nếu chúng ta không chọn trở nên nghèo khó về của cải chóng qua, về quyền lực thế gian và về thói khoe khoang, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiến mạng sống mình vì tình yêu ; chúng ta sẽ sống một cuộc sống phân mảnh, đầy những ý định tốt lành, nhưng không hữu hiệu để biến đổi thế giới. Vì thế, vấn đề là dứt khoát mở lòng ra cho ân sủng của Chúa Kitô, Đấng có thể biến chúng ta thành những chứng nhân cho tình yêu vô bờ bến của Ngài và mang lại tính khả tín cho sự hiện diện của chúng ta trong thế giới.

  1. Tin Mừng của Chúa Kitô thúc giục quan tâm đặc biệt đến người nghèo và đòi hỏi nhận ra nhiều hình thức, quá nhiều hình thức hỗn độn luân lý và xã hội vốn luôn tạo ra những hình thức nghèo đói mới. Quan niệm cho rằng người nghèo không chỉ chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của họ nhưng còn là một gánh nặng không chịu nổi đối với một hệ thống kinh tế vốn đặt lợi ích của một số nhóm đặc quyền đặc lợi ở trung tâm, dường như đạt đích điểm. Một thị trường không biết đến hoặc chọn lọc những nguyên tắc đạo đức sẽ tạo ra những điều kiện phi nhân vốn tác động đến những người đang sống trong những hoàn cảnh bấp bênh. Như thế, chúng ta đang chứng kiến việc tạo ra những cái bẫy luôn luôn mới mẻ về sự khốn khổ và loại trừ, được tạo nên bởi các tác nhân kinh tế và tài chính vô đạo đức, thiếu đi ý thức nhân đạo và trách nhiệm xã hội.

Năm vừa rồi, một tai họa khác đã được thêm vào, càng làm nhân tăng những người nghèo khổ : cơn đại dịch. Nó tiếp tục gõ cửa hàng triệu người và, khi nó không mang lại đau khổ và cái chết cùng với nó, thì dù sao nó vẫn mang đến sự nghèo đói. Con số người nghèo đã gia tăng quá nhiều và, thật không may, nó sẽ còn tiếp tục trong những tháng tới. Một số nước đang phải chịu những hậu quả rất nghiêm trọng của đại dịch, đến độ những người dễ bị tổn thương nhất thấy mình bị tước đi những thiện ích thiết yếu hàng đầu. Những hàng dài chờ đợi trước căng tin dành cho người nghèo là dấu hiệu hữu hình của sự gia trọng này. Việc xem xét chăm chú đòi hỏi chúng ta tìm ra những giải pháp thích hợp nhất để đấu tranh chống lại virút này trên toàn thế giới, mà không nhắm đến lợi ích đảng phái. Cách đặc biệt, điều cấp bách là mang lại những câu trả lời cụ thể cho những người đang chịu thất nghiệp, tác động cách thê thảm đến nhiều người cha gia đình, người nữ và người trẻ. Tình liên đới xã hội và lòng quảng đại mà nhiều người, nhờ ơn Chúa, có khả năng đó, được kết hợp với các kế hoạch sáng suốt thăng tiến con người, đang và sẽ mang lại một sự đóng góp rất quan trọng về phương diện này.

  1. Tuy nhiên, câu hỏi, vốn không hiển nhiên về bất cứ mặt nào, vẫn còn bỏ ngỏ : làm thế nào chúng ta có thể mang lại một câu trả lời xác thực cho hàng triệu người nghèo vốn thường tìm thấy sự dửng dưng như là câu trả lời duy nhất, nếu không phải là sự bực tức khó chịu? Con đường công lý nào cần phải đi theo để những bất công xã hội có thể được khắc phục và để phẩm giá con người, rất thường bị chà đạp, được tái lập? Lối sống cá nhân chủ nghĩa là đồng lõa với sự nghèo đói, và thường trút lên vai người nghèo mọi trách nhiệm về thân phận của họ. Nhưng sự nghèo đói không phải là kết quả của số phận, nó là một hậu quả của tính ích kỷ. Vì thế, điều quan trọng là đưa vào những tiến trình phát triển nâng cao giá trị các khả năng của mọi người, để sự bổ túc các năng lực và sự đa dạng các vai trò dẫn đến một nguồn lực tham gia chung. Nhiều cái nghèo của « người giàu » có thể được chữa lành bằng sự giàu có của « người nghèo », nếu ít ra họ được gặp gỡ và hiểu biết nhau ! Không ai nghèo đến nỗi không thể cho đi một điều gì đó của chính mình trong sự hỗ tương. Người nghèo không chỉ là những người nhận ; họ phải được đặt trong điều kiện có thể cho đi, bởi vì họ biết rõ làm điều đó như thế nào. Trước mắt chúng ta có biết bao mẫu gương chia sẻ ! Người nghèo thường dạy chúng ta về tình liên đới và sự chia sẻ. Đúng thế, những người này thiếu điều gì đó, họ thường thiếu nhiều và thậm chí cái cần thiết, nhưng họ không thiếu tất cả, bởi vì họ bảo toàn phẩm giá con cái Thiên Chúa của họ mà không gì và không ai có thể lấy đi.
  2. Đó là lý do tại sao một lối tiếp cận khác về sự nghèo đói là cần thiết. Đó là một thách đố mà các chính phủ và các tổ chức toàn cầu phải đối mặt với một mô hình xã hội hướng đến tương lai, có khả năng đối mặt với những hình thức nghèo đói mới đang tác động đến thế giới và sẽ đánh dấu cách quyết định những thập niên sắp tới. Nếu người nghèo bị gạt sang bên lề xã hội, như thể họ chịu trách nhiệm về thân phận của họ, thì như thế chính khái niệm về dân chủ sẽ bị khủng hoảng và mỗi chính sách xã hội sẽ trở nên suy yếu. Chúng ta phải hết sức khiêm tốn thừa nhận rằng chúng ta thường thiếu khả năng trước người nghèo. Chúng ta nói về họ cách trừu tượng, chúng ta dừng lại ở các số liệu thống kê và mủi lòng trước bộ phim tài liệu nào đó. Trái lại, sự nghèo đói phải dẫn đến một quan niệm sáng tạo, cho phép gia tăng sự tự do hữu hiệu có thể thể hiện cuộc sống với những khả năng riêng của mỗi người. Cần phải tránh xa ảo tưởng nghĩ rằng sự tự do đạt được và lớn lên nhờ việc sở hữu tiền bạc. Phục vụ người nghèo cách hữu hiệu khơi gợi hành động và cho phép tìm ra những hình thức thích hợp nhất để nâng cao và thăng tiến bộ phận này của nhân loại vốn quá thường vô danh và không có tiếng nói, nhưng đã in sâu nơi nó khuôn mặt của Đấng Cứu Độ mà đòi hỏi sự trợ giúp.
  3. « Người nghèo, các ông sẽ luôn có bên mình » (Mc 14, 7). Đó là một lời mời gọi đừng bao giờ đánh mất cơ hội làm điều thiện. Đằng sau đó, chúng ta có thể thấy lệnh truyền xưa trong Thánh Kinh : « Nếu giữa anh em có một người anh em nghèo […], thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng, nhưng phải mở rộng tay và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu. […] Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng. Thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa Thiên Chúa của anh em sẽ chúc phúc cho anh em trong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em : hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em» (Đnl 15, 7-8.10-11, bản dịch CGKPV). Trên cùng bước sóng đó, thánh Phaolô Tông đồ đã khuyến khích các Kitô hữu của các cộng đoàn của ngài giúp đỡ người nghèo của cộng đoàn Giêrusalem đầu tiên và làm điều đó mà « không hối tiếc và không miễn cưỡng, vì Thiên Chúa yêu thích người nào cho đi cách vui tươi» (2Cr 9,7). Vấn đề không phải là xoa dịu lương tâm của chúng ta bằng cách làm một vài bố thí, nhưng đúng hơn là đối lập với nền văn hóa dửng dưng và bất công mà người ta đặt mình đối với người nghèo.

Trong khung cảnh này, cũng nên nhớ lại những lời của thánh Gioan Kim Khẩu : « Người quảng đại không cần yêu cầu giải thích về hạnh kiểm, nhưng chỉ cải thiện tình trạng nghèo đói và thỏa mãn nhu cầu. Người nghèo chỉ có một sự phòng vệ duy nhất : sự nghèo đói và tình trạng túng thiếu của họ. Đừng đòi hỏi họ điều gì khác. Nhưng người tồi tệ nhất thế giới, nếu anh ta thiếu thức ăn cần thiết, cần được giải thoát khỏi sự đói khát. […] Người có lòng thương xót là một bến cảng cho những người túng thiếu : bến cảng đón tiếp và giải thoát những người bị đắm khỏi mối hiểm nguy ; cho dù họ là kẻ gian ác, người tốt lành hay đang gặp hiểm nguy, thì bến cảng sẽ che chở họ bên trong vịnh của nó. Vì thế, bạn cũng vậy, khi bạn thấy một người trên trần gian đắm chìm trong khốn khổ, đừng phán xét, đừng yêu cầu giải thích về hạnh kiểm của người ấy, nhưng hãy giải thoát người ấy khỏi nỗi bất hạnh » (Diễn từ về người nghèo Ladarô, II, 5).

  1. Điều quyết định là gia tăng sự nhạy cảm của chúng ta để hiểu những nhu cầu của người nghèo, luôn đang biến động như những điều kiện sống của họ vậy. Quả thế, ngày nay, ở các khu vực kinh tế phát triển hơn trên thế giới, người ta ít sẵn sàng đối mặt với sự nghèo đói hơn trong quá khứ. Tình trạng sung túc tương đối mà người ta đã quen với, càng làm cho khó khăn hơn việc chấp nhận những hy sinh và thiếu thốn. Vì thế, người ta rơi vào các hình thức thù oán, dễ bị kích động, những đòi hỏi dẫn đến sợ hãi, cô đơn tuyệt vọng và, trong một số trường hợp, dẫn đến bạo lực. Đó không phải là tiêu chí xây dựng tương lai ; thế nhưng, đó cũng là những hình thức nghèo khổ mà chúng ta không thể quay lưng lại. Chúng ta phải cởi mở để đọc các dấu chỉ thời đại vốn diễn tả những cách thức mới mẻ để trở thành người loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại. Sự trợ giúp tức thời để đáp ứng những nhu cầu của người nghèo không được ngăn cản trở nên sáng suốt để thể hiện những dấu chỉ mới của tình yêu và của đức ái Kitô giáo, như là câu trả lời cho những sự nghèo khổ mới mà nhân loại ngày nay đang trải qua.

Tôi hy vọng rằng Ngày thế giới người nghèo, được cử hành lần thứ V, sẽ có thể càng ngày càng bén rễ vào tâm hồn các Giáo hội địa phương của chúng ta và khơi dậy một chuyển động loan báo Tin Mừng, trước tiên gặp gỡ người nghèo ở nơi đâu họ được tìm thấy. Chúng ta không thể mong chờ họ gõ cửa chúng ta, điều cấp bách là chúng ta phải đến với họ nơi nhà của họ, nơi các bệnh viện và các nhà chăm sóc, trên các đường phố và nơi những góc tối tăm mà họ đôi khi ẩn náy, nơi các trung tâm tỵ nạn và đón tiếp…Điều quan trọng là hiểu những gì họ cảm thấy, những gì họ đang trải qua và đâu là những ước ao trong tâm hồn của họ. Hãy biến thành của chúng ta những lời cấp bách của Don Primo Mazzolari : « Tôi xin các bạn đừng hỏi tôi có người nghèo không, họ là ai và bao nhiêu người, bởi vì tôi sợ rằng những câu hỏi như thế biểu lộ sự sơ suất hay cái cớ để xa rời với chỉ dẫn rõ ràng của lương tâm và trái tim. […] Tôi đã không bao giờ đếm họ, những người nghèo, vì chúng ta không thể đếm họ : phải ôm lấy người nghèo, chứ không đếm họ » (Adesso n. 7, 15/4/1949). Người nghèo ở giữa chúng ta. Thật là Tin Mừng dường nào nếu chúng ta có thể nói trong tất cả sự thật : chúng ta nghèo khổ, chúng ta cũng thế, và chỉ bằng cách này mà chúng ta mới thành công trong việc nhìn nhận họ thực sự và làm cho họ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta và trở thành dụng cụ cứu độ.

Ban hành tại Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 13/6/2021, lễ nhớ thánh Antôn Pađua.

Phanxicô Giáo Hoàng

Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ

THÁNH CẢ GIU-SE VỚI CHUỖI MÂN CÔI

Là người Công Giáo, hầu hết chúng ta đều yêu mến Đức Mẹ, siêng năng lần hạt Mân Côi, nhất là vào tháng Mười. Vì mỗi khi suy gẫm Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta dường như được tháp nhập vào cuộc đời của Mẹ, của Đức Giê-su, và dĩ nhiên cũng liên quan ít nhiều đến cuộc đời của Thánh Cả Giu-se, vì Ngài là trụ cột trong gia đình Thánh Gia Thất.

Quay ngược thời gian về khoảng thế kỷ XIX, thời Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII, vị Giáo Hoàng thứ 256, tại vị từ năm 1878 đến 1903. Ngài được mệnh danh là Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi, và đã từng minh định rằng: “Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất và là phương cách hiệu quả nhất để đạt tới sự sống đời đời. Đó là phương thuốc cho tội lỗi của chúng ta, và là nguồn gốc phúc lành cho chúng ta. Không có cách cầu nguyện nào tuyệt vời hơn.” Ngài là vị Giáo Hoàng thọ nhất trong lịch sử Giáo Hội – qua đời lúc 93 tuổi, với tài năng chắp bút sắc bén, thi sĩ thông minh, thần học gia nổi trội, và người sáng lập Học viện Giáo hoàng Thánh Tô-ma A-qui-nô năm 1879 – nay là Đại học Giáo hoàng Thánh Tô-ma A-qui-nô, hoặc Angelicum tại Rô-ma.

Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã ấn định tháng Mười là tháng Mân Côi, ban nhiều ân xá cho người đọc Kinh Mân Côi, ủng hộ việc xây dựng Thánh Đường Mân Côi tại Lộ Đức, thêm danh xưng “Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi” vào Kinh Cầu Đức Bà, và ngài cũng ban bố việc đọc kinh cầu Thánh Giu-se, bổn mạng toàn thể Giáo Hội, sau khi lần chuỗi Mân Côi. Vì ngài ước mong và tin rằng: mỗi lúc siêng năng lần hạt, các tín hữu không quên suy niệm về Thánh Giu-se, bạn trăm năm Đức Ma-ri-a, và là dưỡng phụ của Chúa Giê-su. Từ thời điểm đó trở đi, cứ sau chuỗi Mân Côi, kinh cầu ông Thánh Giu-se được vang lên, và chắc hẳn chúng ta sẽ được lãnh nhận nhiều ơn lành đặc biệt qua lời bầu chữa uy quyền của Ngài.

Tuy nhiên, trong một gia đình nọ, ông bố không cùng tín ngưỡng với vợ con. Ông thuộc giáo phái Tin Lành, còn vợ và các con là tín hữu Công Giáo. Hằng ngày, vợ con ông đều tề tụ trước tượng ảnh Đức Mẹ, cùng nhau lần hạt Mân Côi; nhưng mỗi lần về tới nhà, nhìn thấy cảnh đó, ông trở nên tức giận, quát tháo. Một đêm kia, theo lẽ thường khi xong việc, ông về nhà thì lặng lẽ bước vào phòng riêng; tuy nhiên, không hiểu lí do gì ông lại bắt vợ và các con ông dừng việc đọc kinh Mân Côi. Người vợ tế nhị, kéo ông ra ngoài nói chuyện riêng với ông: “Em không thể bắt các con ngưng việc lần chuỗi được. Vả lại, đây là điều đẹp lòng Chúa, nên anh đừng ngang ngược vậy!”

Nghe thế, ông lại càng giận dữ, đóng sầm cửa bỏ ra ngoài; nhưng lát sau, ông trở về phòng, ngã lưng trên giường, rồi ngủ thiếp đi lúc nào cũng chẳng hay. Nhưng điều đặc biệt, đêm ấy ông mơ thấy một cụ già hiền lành đang chờ ông trước cổng. Khi thấy ông, cụ già ấy liền nhẹ nhàng ôm ông vào lòng và dìu đi, leo lên một ngọn núi cao. Đi được một đoạn dài, ông dừng lại, muốn bỏ về vì trước mặt ông là ngọn núi cao chót vót, khiến ông nhụt chí, đầu hàng. Nhưng cụ già hiền từ ấy không cho phép ngừng, vẫn nắm tay ông, kéo mạnh tiến về phía trước. Khi đã vượt qua đoạn cao chót vót ấy, cụ già liền nói với ông: “Hãy nhìn về phía sau mà xem!”. Tức thì, ông quay lại, bỗng trông thấy một con vật vô cùng xấu xí, nhưng từ miệng, nó phun lửa xua đuổi họ. Ông bèn sợ hãi, kêu cứu cụ già hiền lành. Thế là cuộc hành trình cứ tiếp tục cho đến khi tới đỉnh núi. Thật bao la hùng vĩ lạ thường! Nhưng trước mắt ông ấy có một cánh cửa đẹp lộng lẫy, mê hồn hơn nhiều. Cụ già liền nhẹ nhàng mở khẽ, mời ông bước vô. Vừa tiến vào, ông sửng sốt vì chứng kiến cảnh tượng một ngôi thánh đường đẹp diễm lệ tựa như thiên cung. Ở giữa thánh đường, một người phụ nữ hiền hậu ngồi trên chiếc ngai cao sang, xung quanh vô số các trinh nữ trong phẩm phục đầy màu sắc, trên tay cầm chiếc lá vạn tuế xanh tươi, và hoà giọng với nhau lần chuỗi Mân Côi. Thấy thế, ông ấy cúi chào họ, và cụ già nói với ông nhìn lên trên cao. Thay vì trần nhà, ông lại thấy luồng ánh sáng toả chiếu rực rỡ, và tức thì một tia sáng dường như thẩm thấu tâm hồn ông; liền lúc ấy, ông choàng bừng tỉnh, thức giấc. Tuy nhiên, hình ảnh ông cụ già trong giấc mơ vẫn còn vương vấn trong tâm trí, và ông chưa nhận ra là ai!

Bước ra khỏi phòng, thấy cậu con trai, ông liền hỏi: “Tối hôm qua, mấy mẹ con nói gì về bố vậy hả?”. Cậu đáp: “Có nói gì đâu bố, chỉ lần chuỗi Mân Côi thôi ạ!”. Nhưng ông cứ gặn hỏi, nên cậu bé đáp: “Thật ra, sau khi lần hạt xong, mẹ con con đọc kinh cầu ông Thánh Giu-se…”.

  • “Thế kinh đó đọc như thế nào?” ông hỏi.
  • “Mẹ và con khấn xin Thánh Giu-se ban cho bố được ơn hoán cải, trở lại đạo ạ!”

Câu trả lời của cậu con trai dường như đã giải toả thắc mắc trong tâm trí ông về hình ảnh người cụ già trong giấc mơ tối hôm qua, nên khuôn mặt ông trở nên rạng rỡ, vui tươi khó tả, rồi buộc miệng nói rằng: “Mau gọi mẹ con và em con lại đây, chúng ta cùng nhau lần chuỗi Mân Côi nào!”. Trước phản ứng kỳ lạ của bố, cậu con trai không biết chuyện gì đã xảy ra đêm qua, nhưng vẫn chạy đi gọi mẹ và đứa em như bố nói.

Ai trong chúng ta đều cho là khó tin vào chuyện này, nhưng nó lại xảy ra một cách tự nhiên, với lời bầu cử đắc lực, đầy uy quyền của Thánh Cả Giu-se. Mỗi lần chúng ta cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, và sau đó biết chạy đến khẩn cầu với Thánh Giu-se, thì chắc chắn chúng ta sẽ được lãnh nhận vô vàn ơn lành, nhiều ân sủng mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới.

Giu-se Thánh Cả hiển vinh

Đơn sơ, giản dị, lặng thinh nguyện cầu.

Với Mẹ thuỷ trung trước sau

Chở che Con Chúa, bên nhau quây quần.

Hằng ngày lời kinh ân cần

Siêng năng lần chuỗi, xếp vần yêu thương.

Là nơi chốn con tựa nương

Hăng say sống đạo, can trường vượt qua.

Nhờ lời bầu chữa thiết tha

Ra đi chan chứa bao la tình Ngài.

 

Lm. Xuân Hy Vọng