TÌNH LÃNG-MẠN

Lãng-mạn là sóng tràn bờ. Đó là định-nghĩa tôi nhớ được khi học khoảng lớp đệ ngũ trong môn việt-văn. Dĩ nhiên cái nghĩa gốc ấy mà được dùng theo nghĩa đen thì nghe kém hẳn tính văn-chương. Đi đò bị sóng đánh mấp-mé mạn thuyền, đâu có ai nói: “Coi-chừng, lãng-mạn kìa!” Đi bộ bên bờ sông, gặp chỗ nước tràn, nếu có thằng bạn nào nói: “Lãng-mạn quá, ướt mẹ nó cả dép!” thì cả bọn sẽ được no một trận cười.
Thế nhưng tạ-ơn ngôn-ngữ, chữ là thế, nghĩa là thế nhưng cách sử-dụng đã đưa chúng ta đến những chân trời mới bằng những cảm-xúc mênh-mông hay tha-thiết. Ngôn-ngữ khi ấy trở nên phương-tiện chuyên-chở diễn-đạt. Cảm-xúc, hình-ảnh, âm-thanh và cả đến mùi vị cũng không còn bị giam trong phương-tiện chuyên-chở chúng nữa.
Trong bài hát Xuân Tha Hương, Phạm Đình Chương kéo thời-gian và không-gian của quá-khứ về gần, nhắn gởi mây trời niềm thương mẹ, nhớ làng quê và hoa cỏ ngày Tết. Tình quê của ông trào ra chan-chứa, không phải lãng-mạn sao:
Ngày xưa xuân thắm quê tôi bao nhánh hoa đời đẹp tươi,
Mẹ tôi sai uốn cây cành vun xới hoà màu xinh xinh…
Chiều nay lê bước phiêu du thầm nhớ xuân về làng cũ,
Tình quê chan chứa trong lòng…
Mây Tần ơi cho nhắn bao niềm thương…

Tô Vũ trong bài Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa cho thấy “sóng tràn bờ” ở nhiều khía-cạnh.
Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều.
Em đến thăm anh người em gái, tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến, sưởi ấm lòng anh…
Lời nghẹn lời, nhìn em bâng khuâng không nói một câu, …
Có hay lúc em về, gót chân bước đi âm thầm,
Trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh…
Ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về.

Tình yêu vốn thường lãng-mạn, nhưng ở đây con gái đi thăm con trai, vượt qua cách hành-sử thông-thường trong nền văn-hóa nước ta nhất là hàng thế-kỉ trước nên mức lãng-mạn còn cao hơn nhiều. Cô ấy chờ một buổi chiều mưa vắng người, lặn-lội đi tìm gặp người yêu. Dĩ nhiên cô ngại có ai nhìn thấy, nhưng sóng cảm-xúc đã tràn trái tim cô, thúc-giục cô cầm nón ra đi giữa ngàn xanh dù đường trơn ướt tiêu-điều… Thấy người yêu đến, chàng trai vui vô cùng nhưng quá cảm-động đến nghẹn lời, chỉ biết nhìn em mà lòng bâng-khuâng! Rồi cũng tới lúc em phải ra về kẻo tối, gót chân em đi ngoài mưa mà tưởng từng bước dẵm trong tim. Mưa ở đó mà như dạt-dào trong lòng anh… Anh cầu-mong em có thể đến khi trời chiều thêu nắng rực-rỡ trên ngàn cây, rải bóng hoa theo bước chân em, lòng không e-ngại, tim không cay-đắng và em không cần ra về!

Con Cún được sinh ra mà ba má nó ở trong tình-trạng mây trời hợp rồi tan, nói theo kiểu văn-chương như thế cho đẹp. Nó sinh ra thì không biết trở thành sợi dây buộc ba má nó lại hay món nợ, chỉ biết nó được đi gởi nuôi rất sớm cho anh chị Lâm, còn ba má nó đi làm việc riêng của mỗi người. Mẹ nó gọi hỏi thăm nó vài lần một tuần, có khi vài tuần một lần, thỉnh thoảng tới thăm con và trả tiền công gởi con. Ba nó đi biển một tháng mới về. Anh mua tã, sữa ôm đến thăm con được vài ngày rồi lại đi. Không thiếu những lần mẹ nó biến mất một thời-gian, rồi chuyện vợ chồng cãi-vã mà anh chị Lâm bị lôi kéo làm đồng-minh.
Trong bối-cảnh ấy, con Cún lớn lên như bông hoa giữa vườn hoang, may được có người chăm-sóc. Nó càng lớn càng dễ thương. Hằng ngày nó bám chị Lâm và kêu mẹ, mẹ. Buổi tối nó ra cửa ngóng anh Lâm đi làm về kêu ba, ba. Cuối tuần nào mẹ nó đến đón thì nó có thêm một mẹ nữa; khi nào ba nó về thì nó có thêm một ba nữa. Mẹ Lâm và mẹ Thy, ba Lâm và ba Hoàng. Đi nhà thờ Chúa nhật, anh Lâm chơi ghi-ta, con Cún ngồi bên cạnh ngoan-ngoãn nhìn ba Lâm nhiều hơn nhìn lên bàn thờ. Sáu tuổi, mẹ Thy mới bằng lòng cho anh chị Lâm mang nó đi chịu Phép Rửa vào đạo.
Con Cún đi học ở trường, học giáo-lí và việt-ngữ. Nó học gì không biết mà về khuyên ba Lâm nó:
– Ba đừng hút thuốc nữa, bịnh đó!
Anh Lâm nhìn con bé đang tròn xoe đôi mắt chờ đợi, không biết nói sao. Con bé thúc giục:
– Ba ừ đi ba!
Anh Lâm phải ừ hai ba lần cho thiệt rõ nó mới chịu. Chị Lâm mỉm cười vui trong bụng. Những buổi chiều sau đó, anh Lâm đi làm về thay quần áo rồi lẻn ra cửa. Con Cún hỏi với theo.
– Ba đi đâu đó ba?
– Ba ra ngoài … tưới cây chút. Con ngồi học bài đi.
– Con đi tưới cây với ba, chút con học tiếp.
Lâu nay chị Lâm thấy anh Lâm ít ho và khỏe-mạnh hơn. Chị khoe với bạn bè rằng chị thương con Cún hết sức!
Người ngoài không biết chuyện, chỉ khen anh chị Lâm già rồi mà có đứa con dễ thương quá. Với tôi, câu chuyện khiến tôi bâng khuâng xúc-cảm. Người ta nói về tính lãng-mạn trong câu: “Người dưng khác họ chẳng nọ thời kia…” mà không nói về tình ruột thịt. Cha mẹ thương con, con thương cha mẹ được coi là đương-nhiên, là bổn-phận, là phải làm hơn là cảm-xúc “tràn bờ”. Con Cún và anh chị Lâm không có dây ràng-buộc ruột thịt, chỉ là “người dưng khác họ” mà sao quấn-quít nhau còn hơn ruột thịt. “Tràn bờ” quá chứ, lãng-mạn quá phải không?
Nếu bạn vẫn không chịu thì tôi xin khêu lại cái cảm-xúc nhiều bạn có cũng như tôi hồi nhỏ. Hồi ấy giữa đám bạn hàng xóm, mình thường thân nhất một đứa, còn nhỏ nên không phân-biệt con trai hay con gái. Mình con trai mà chọn con gái thì… lãng-mạn hơn. Hai đứa ngoài lúc phải đi học, thường quấn quít bên nhau. Lặt rau chung, quay nước chung, băm rau heo chung, coi bếp chung. Bố mẹ lại coi cả hai đứa như con, chia quà chợ chung, gặp bữa thì cùng ăn luôn, mà bị la mắng thì cũng bị chung một lần! Bạn không cảm thấy lòng rung-động tuyệt-vời đó sao?
Ở đất Mỹ, tôi ít thấy những chuyện tình nhẹ-nhàng như của mình hồi xưa chỉ trừ khi đọc chuyện cũ. Chữ Romance/Romantic được dùng và được hiểu dành cho tình-yêu trai gái mà thôi. Nhưng tôi không hài lòng về ý-nghĩa hạn-hẹp đó nên phải nhờ tự-điển. Thì ra nghĩa của nó cũng rộng lắm, là tính-chất không bị ràng-buộc, không câu-nệ, thanh-thoát, tự-do trong cảm-xúc. Như thế thì nó cũng có nghĩa là lãng-mạn như của mình vậy.
Cảm-xúc bình-thường thì thường lắm, chỉ ở mức lãng-mạn mới đáng kể, mới đẹp. Cho nên ít người nghĩ rằng sẽ tìm được chuyện tình lãng-mạn trong tôn-giáo hoặc kinh-kệ. Tôi không chăm học Thánh Kinh lắm nhưng cũng đủ thấy ý-kiến trên là một thành-kiến nhầm-lẫn. Hầu kết các tôn-giáo dạy về tình yêu thương, riêng Thiên Chúa giáo đồng-hóa tình-yêu với Đấng Tạo Hóa hay Thiên Chúa. Đạo là tình-yêu, luật đạo là “mến Chúa yêu người”, chương-trình tạo-dựng và cứu-chuộc là chương-trình của tình-yêu, Chúa là Thiên Chúa của tình-yêu. Mối tình Thiên Chúa dành cho con người là mối tình lãng-mạn, không những tràn bờ mà còn mênh-mông vô bờ-bến.
Ngôn-sứ Hôsê được Thiên Chúa truyền để sống và loan-báo điều Ngài muốn dân của Ngài làm gì. Truyện được ghi-chép vừa có tính biểu-tượng vừa thực-tế. Đức Chúa truyền cho Hôsê cưới một cô gái điếm làm vợ. Sau khi sinh được ba đứa con, cô ta bỏ đi theo các tình-nhân cũ. Đức Chúa truyền cho Hôsê mang vợ ra tòa li-dị, tìm cách vạch mặt sự đĩ-thõa của cô ta và tạo mọi khó-khăn để các tình-nhân bỏ rơi. Cô ta quay về, được chồng tha-thứ và yêu-thương, được xưng-hô với chồng là “mình ơi” ngọt-ngào.
Đức Chúa truyền cho Hôsê lập hôn-ước vĩnh-cửu với vợ mình, không ruồng-bỏ con cái của cô ta nhưng yêu-thương, săn-sóc nuôi-nấng chúng. Nhưng rồi cô ta lại mơ-tưởng, liên-lạc rồi bỏ đi với các tình nhân. Hôsê phải bán lúa lấy tiền chuộc cô ta về, nài-nỉ cô ta ở vậy, đừng “tiếp khách” nữa! Cô ta ở rồi lại đi, một lòng hai dạ. Đức Chúa qua miệng Hô-sê phán:
“Ta sẽ như sư tử với nhà Giu-đa, vì chúng không tuân giữ giao ước của ta, và vi phạm luật Ta truyền-dạy.” (5:5)
“Vì dân Ta thờ ngẫu tượng, chúng làm Ta nổi giận. Chúng gieo gió thì gặt bão.”(8:5, 7)
Nhưng sau mỗi lần sửa dạy, Đức Chúa lại bày-tỏ lòng tha-thứ và yêu-thương.
“Hãy trở về với Đức Chúa mang theo lời cầu nguyện. Hãy thưa với người: Xin thứ tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen con dâng lên làm lễ vật. Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng. Ta sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ, cho bén rễ sâu như cây ngàn Li-băng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng ta, như dưới cây trắc bá xanh tươi, chính nhờ Ta mà chúng trổ sinh hoa trái.” (14:3-7)
Có mẹ chết cho con, con chết cho mẹ nhưng ít có vợ chết cho chồng hay chồng chết cho vợ khi người đó bất-trung, nhất là khi không phải một mà nhiều lần. Chuyện của Ngôn-sứ Hôsê là biểu-tượng của tình Thiên Chúa yêu con người cho dù con người có bất-trung quay mặt với đấng tạo nên mình. Như người cha hằng mong con trở về, ông theo-dõi, tạo điều-kiện cho nó.
“Sẽ xảy ra là trong ngày ấy, Ta sẽ nói với chúng rằng: ‘Ngươi là Con Dân Ta’. Và chúng sẽ thưa: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!’” (2:25)
“Ta lôi kéo chúng, với dây tình người, với thừng chão yêu thương. Với chúng, Ta ở như những người nhắc con đỏ lên tận má mình. Và cúi xuống trên nó, Ta mớm cho nó ăn.”(11:4)
“Ta sẽ cứu chúng khỏi tay âm phủ. Ta sẽ chuộc chúng thoát khỏi tử thần.” (13:14)

Các ngôn-sứ trong Cựu-Ước là những người loan-báo dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Con Thiên Chúa giáng sinh xuống trần để thể-hiện cuộc tình lãng-mạn vĩ-đại với con người. Dù con người đã sớm quay lưng bội-ước với Thiên Chúa Đấng dựng nên mình thì Thiên Chúa vẫn yêu thương. Dù con người bất-trung như người vợ bất-trung với chồng mình, hết lần này tới lần khác thì tình của Thiên Chúa vẫn đeo-đuổi cho đến ngày có thể ôm-ẵm hôn-hít yêu-thương nó bằng mối tình đam-mê lãng-mạn nhất mà cả con người lẫn Thiên Chúa có thể nghĩ tới. Ôi mầu-nhiệm Giáng Sinh, mối tình lãng-mạn diệu-kỳ!
Thông Gioakim