Nền tảng nên thánh trong đời sống vợ chồng cũng giống như trong đời sống thánh hiến.
Cặp đôi yêu nhau muốn cử hành lễ kết hôn trong nhà thờ có nhận ra rằng khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối họ được kêu gọi nên thánh không?
Có lẽ họ sẽ nói “Sự thánh thiện không dành cho chúng tôi”
Nhưng có chắc sự thánh thiện không dành cho đời sống vợ chồng không?
Phần đông chúng ta có lẽ vẫn quan niệm khác xa rằng cách duy nhất để nên thánh là sống đời độc thân thánh hiến, và đời sống vợ chồng chỉ là điều bất đắc dĩ cho những người “không thể làm tốt hơn”.
Bằng cách phong chân phước cho hai cặp vợ chồng vào năm 2001 và 2008, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tái khẳng định mạnh mẽ rằng hôn nhân là con đường nên thánh.
Nên thánh không phải là độc quyền dành riêng cho những linh mục, tu sĩ hoặc nhà thông thái. Đó là ơn gọi phổ quát dành cho mọi người. Người ta có thể nên thánh trong bất cứ hoàn cảnh và bậc sống nào.
Những chi thể thánh của Chúa Kitô và Hội Thánh
Trong Nghi Thức Thánh Lễ Hôn Phối, theo bản dịch mới của Ủy Ban Phụng Tự
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 1993, người ta đọc thấy những lời nguyện sau:
“Lạy Cha chí thánh, Cha đã tạo ra người nam và người nữ để họ cùng nhau tạo nên hình ảnh của Cha trong sự hợp nhất giữa xác thịt và trái tim, và do đó hoàn thành sứ mệnh của họ trên thế giới. Xin cho những người vợ / chồng mới này được hiệp nhất trong cùng một tình yêu và tiến tới cùng một sự thánh thiện.”
Cũng trong nghi thức ấy, người ta đọc thấy những lời nguyện tín hữu sau:
“Lạy Cha chí thánh, Cha đã muốn kết hợp hai người nam nữ bằng hôn ước để họ suốt đời gắn bó yêu thương và sống hòa thuận trong tình nghĩa vợ chồng, để nhờ cuộc hôn nhân thánh thiện con cái Cha ngày thêm đông đảo”.
“Lạy Cha, Cha dùng bí tích cao trọng thánh hóa tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh”.
“Lạy Cha, xin cho đôi tân hôn này được kiên trì giữ vững đức tin, và thiết tha yêu mến luật Cha; được trọn tình chung thuỷ với nhau để nêu gương một đời sống thánh thiện”.
Vậy sự thánh thiện là gì?
Chúng ta ngay lập tức phải nhớ rằng một vị thánh không phải là một người hoàn hảo!
Con người không thể hoàn hảo, và Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta đạt được những mục đích mà chúng ta không thể đạt được.
Nhưng thế nào là một vị thánh?
Sự thánh thiện là mong đợi tất cả từ Thiên Chúa. Việc tìm cách trở thành chứng nhân nhờ thực hiện một đời sống đạo đức hoàn hảo không phải là vấn đề gì khác hơn là để Thiên Chúa sống trong chúng ta và thay đổi tâm hồn chúng ta.
Thánh nhân là người cố gắng, với tấm lòng chân thành, yêu mến Thiên Chúa và rao truyền Tình yêu thương của Ngài giữa loài người, để làm chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương và an ủi của Thiên Chúa.
Chính trong tình yêu mà những người nam và những người nữ đã đặt vào đó những hành động êm dịu nhất mà qua đó chúng ta có thể cảm nhận được sự thánh thiện của họ.
Tuy nhiên, gương mẫu tốt nhất về sự thánh khiết luôn luôn là và mãi mãi sẽ là gương mẫu của Chúa Kitô. Do đó, chính khi bước theo Ngài mà người ta nên thánh.
Bí tích hôn nhân
“Bí tích Hôn phối biểu thị sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Ngài ban cho vợ chồng ân sủng để yêu nhau bằng tình yêu mà Đức Kitô đã yêu Giáo hội của Người; Nhờ đó, ân sủng của Bí tích hoàn thiện tình yêu nhân bản của vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ và thánh hóa họ trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1661)
Hôn nhân được xem là một kết ước giữa một người nam và một người nữ để chung tay gắn kết xây dựng cuộc sống. Hôn nhân là một ơn gọi ấp ủ, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp đối với các cặp vợ chồng và theo lẽ tự nhiên sẽ đưa tới sự sinh sôi nảy nở và giáo dục con cái. Hôn nhân là một bí tích, như điều mà Thánh Phaolô đã nhắc đến trong Tân Ước:
“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Ngài là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Ngài. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Ngài thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Ngài, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Ngài. Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng” (Êphêsô 5: 21-33).
Theo quy định của Giáo Hội về hôn phối, đôi vợ chồng bắt buộc phải được tự do và có chủ ý quyết định tiến tới hôn nhân. Đó chính là “Sự ưng thuận kết hôn.” Bày tỏ ý định ưng thuận tại thời điểm kết hôn là nghi lễ cốt yếu để sự ưng thuận kết hôn trở nên có hiệu lực, để thiết lập một mối tương giao không thể tách rời giữa người chồng và người vợ, và đó cũng chính là bí tích hôn phối. Bản chất của Bí tích Hôn phối là sự ưng thuận lẫn nhau như thế.
Khi cử hành nghi lễ Bí tích Hôn phối, Linh mục chủ sự hòi đôi hôn phối và họ trả lời trước mặt cộng đoàn như sau:
Chủ tế hỏi:
Anh chị có hoàn toàn tự ý và tự do không?
Đôi hôn phối từng người lần lượt trả lời :
Thưa có.
Chủ tế hỏi:
Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?
Đôi hôn phối từng người lần lượt trả lời :
Thưa có.
Chủ tế hỏi:
Anh chị có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội thánh không?
Đôi hôn phối từng người lần lượt trả lời :
Thưa có.
Như vậy, qua ba lần nói tiếng “Thưa Có”, đôi hôn phối công khai cam kết trao ban trọn cuộc đời mình cho nhau và thiết lập một mối tương giao mãi mãi không thể tách rời.
Bí tích Hôn phối là dấu hiệu hữu hình của một thực tại vô hình. Vì vậy, các cặp đôi hôn phối đưa ra dấu chỉ hữu hình của tình yêu của họ để nó trở thành hình ảnh của tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội của Người, tình yêu này là vô hạn và sẽ không bao giờ lấy lại được.
Qua Bí tích Hôn phối, Giáo hội bảo đảm sự hiện diện của Chúa Kitô trong chính trái tim của đôi vợ chồng. Sự hiện diện này của Chúa Kitô là sự hiện diện của niềm vui, bình an và hòa giải trong mối quan hệ yêu thương của hai vợ chồng.
Nhưng chúng ta đừng quên rằng hôn nhân là sự kết hợp của hai hữu thể bị thống trị bởi các khuynh hướng tội lỗi, và sớm muộn họ không thể tránh khỏi chuyện gây ra cho nhau ít nhiều những thương tích tâm hồn, thậm chí cả thể xác, mà những thương tích ấy chỉ có thể chữa lành khi hai vợ chồng biết chạy đến Chúa Kitô một lần nữa, với mong ước hoán cải và hòa giải thật lòng.
Đây không phải là một chuyện dễ dàng, vì nó đòi hỏi mỗi bên phải có sức mạnh tâm hồn đủ để “dẹp bỏ tự ái của cái tôi riêng”, “hy sinh quên mình”, “vác thập giá theo Chúa Kitô”. Chính đây là lúc đôi vợ chồng biểu lộ cách cụ thể và rõ ràng nhất “sự thánh thiện” tiềm tàng trong bí tích hôn nhân, theo gương mẫu của Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận cuộc khổ nạn, chết đi và mai táng trong mố, nhưng Ngài đã sống lại trong vinh quang mừng vui.
Chúa Kitô hiện diện, cả trong cuộc sống công khai của đôi vợ chồng, trong các mối tương quan của họ với những người khác, và trong cuộc sống thân mật nhất của họ, nếu đôi bạn dành một chỗ cho Ngài, như đôi bạn trong tiệc cưới Cana khi xưa! Bí tích Hôn phối chỉ hao mòn khi nó không được dùng đến, nghĩa là khi đôi vợ chồng không còn nghĩ đến Đấng đã đứng ra chứng kiến, chúc phúc cho lễ thành hôn của họ và vẫn còn đang cùng đi với họ trong từng giây phút của cuộc sống ơn gọi hôn nhân của họ!
Nếu không có Chúa kitô thì không thể có sự thánh thiện, cho bất cứ ơn gọi nào. Trái lại, khi có Chúa Kitô thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào thời nào, trong ơn gọi nào, người ta đều có thể dần dần trở nên giống Chúa Kitô, trở nên thánh: “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài… Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rôma 13: 29-30), nếu “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rôma 13: 13-14).
Sự thánh thiện của đôi vợ chồng
Một đôi vợ chồng đồng ý biến ngôi nhà của họ thành một “Giáo Hội nhỏ” thì họ trở thành sự phản chiếu có một không hai của khuôn mặt Thiên Chúa: lòng trung thành, sự trao ban rộng rãi sự sống, lòng hiếu khách, sự mở lòng với người khác bất chấp mọi lo lắng, tinh thần khen ngợi và vui vẻ, ngay cả trong thử thách, trung thành với sự kết hợp, giữa những khó khăn trong hôn nhân, kiên trì hiến thân, sống điều độ, tiếp đón người nghèo, v.v. Đây chính là ý nghĩa chính yếu của Bí tích Hôn phối.
Nhờ những ân huệ của Thiên Chúa, một tình yêu con người trở thành dấu chỉ của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Trong thư Rôma , Thánh Phaolô khuyên bảo và dặn dò các tín hữu:
“Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rôma 12: 9).
“Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rôma 14: 13).
“Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người” (Rôma 15: 3).
“Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (Rôma 15: 10-11).
Đời sống đôi lứa là một phòng thực nghiệm đời sống Phúc âm hóa.
Chúng ta đọc trong Tin Mừng Thánh Gioan : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13: 34).
Câu Tin Mừng này thường được đọc trong các lễ cưới. Và vì những lẽ đã rõ! Một đôi vợ chồng được hình thành và bồi đắp từng chút một, qua những biến cố của cuộc đời.
Khi sự gần gũi tăng lên, sự hưng phấn buổi ban đầu được sàng lọc qua việc vợ chồng đối mặt với những hạn chế và tính mong manh dễ bị tổn thương của họ. Liệu họ có học được cách yêu thương và thực sự đón nhận nhau một khi hình ảnh lý tưởng mà họ từng có về nhau bây giờ vỡ vụn vì tiếp cận với thực tế?
Thật không dễ yêu một người mà ta đã biết rõ những thiếu sót, những tật xấu, những yếu đuối của người ấy. Không dễ dàng để bản thân bị soi sét, để khi không trang điểm mà vẫn tin rằng mình được người kia yêu mến.
Chính Chúa Kitô đã khuyến khích tất cả những ai muốn bước theo Ngài, không phân biệt: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mátthêu 5: 44-48).
Vợ chồng chắc chắn không phải kẻ thù hoặc những kẻ ngược đãi nhau ngay buổi ban đầu, mà nếu sau này lỡ xẩy ra như thế, thì chỉ có thể nói cả hai người đã quên Lời nói trên của Chúa Kitô lâu rồi. Ngay buổi ban đầu, đôi hôn nhân nên cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, suy niệm, cầu nguyện rồi khiêm tốn tự điều chỉnh chính mình và giúp nhau sửa đổi từ từ, trong yêu thương, tôn trọng khác biệt của nhau, vì sự thanh thản chung, bình an chung, hoàn thiện chung và nên thánh chung.
Việc sai lỗi và xúc phạm nhau không phải chuyện hiếm trong cuộc sống chung vợ chồng, vấn đề chỉ trở nên trầm trọng khi một trong hai vợ chồng khăng khăng cố chấp cho mình là phải, thậm chí coi chồng hay vợ mình là “đối thủ” cần phải “ăn thua đủ” mà không kịp nghĩ mình sẽ được gì và mất gì khi muốn “áp đặt” người bạn đồng hành suốt đời của mình, ngay cả khi phần đúng thuộc về mình! Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài như thế này: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mátthêu 6: 12-15).
Để học cách yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương chúng ta, vợ chồng thường xuyên bị thử thách vượt qua chính mình. Nói cách khác, thực tế đơn giản là khi vợ chồng tìm mọi cách để yêu nhau một cách trọn vẹn và đích thực thì họ sẽ thăng tiến: “Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rôma 14: 19).
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói: “Tình yêu đối với tha nhân là khả thi theo ý nghĩa được chính Thánh Kinh xác định và do Đức Giêsu công bố. Tình yêu đó cốt tại chính điều này là, trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chi bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô. Vượt qua dáng vẻ bên ngoài, tôi thấy được nơi tha nhân sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm mà tôi cho họ, không chỉ qua những cơ quan được tổ chức vì mục đích ấy, chấp nhận họ như một nhu cầu chính trị. Tôi nhìn với đôi mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho tha nhân nhiều hơn là những vật cần thiết bên ngoài: đó là cái nhìn của tình yêu mà họ cần. Ở đây chúng ta thấy được tác động hỗ tương cần thiết giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người mà Thư thứ nhất của Thánh Gioan nhấn mạnh dường ấy. Nếu cuộc đời tôi hoàn toàn thiếu vắng việc tiếp xúc với Thiên Chúa, lúc ấy tôi sẽ nhìn người khác như một kẻ xa lạ và không thể nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi họ. Nhưng nếu tôi loại bỏ hoàn toàn ra khỏi đời tôi việc hướng đến kẻ khác, để chỉ trở thành “đạo đức”, chỉ để thực hiện những “phận vụ tôn giáo” của tôi, thì liên hệ với Thiên Chúa sẽ khô héo ở nơi tôi. Liên hệ này có thể “đúng đắn”, nhưng không có tình yêu. Chính sự sẵn sàng của tôi đến với người thân cận, để minh chứng tình yêu đối với họ, sẽ làm cho tôi dễ cảm nghiệm Thiên Chúa” (Thông Điệp Deus Caritas Est, Tháng Hai, 2006).
Vợ chồng còn hơn thế nữa, kết hôn rồi lại càng phải đối xử tốt hơn với nhau, quan tâm yêu thương nhau nhiều hơn. Một người đàn ông sau khi kết hôn cần đối xử tốt với vợ hơn cả khi trước, và người vợ của người đó cũng sẽ làm như vậy.
Trong một buổi liên hoan, tất cả bạn bè của người chồng đều cười nhạo anh vì họ biết anh luôn tìm mọi cách đối xử tốt với vợ của mình: “Đã kết hôn rồi sao lại còn phải mệt mỏi như vậy”. Người đàn ông khẽ mỉm cười, nói rằng: “Trước khi kết hôn, có nhiều chàng trai muốn theo đuổi cô ấy, có nhiều chàng trai đối xử tốt với cô ấy, và tôi chỉ có thể chinh phục được cô ấy bằng cách đối xử tốt hơn tất cả những chàng trai đó”.
“Sau khi kết hôn, những chàng trai đó không còn có thể đối xử tốt với cô ấy nữa, chỉ mình tôi mới có thể tiếp tục đối xử tốt với cô ấy mà thôi, vậy tôi phải đối xử với cô ấy tốt hơn nữa để cô ấy không cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn lạc lõng. Tất cả những gì tôi làm chỉ để khiến cô ấy được hạnh phúc”.
Những đa đoan, khó khăn, thử thách đối với đời sống vợ chồng Kitô hữu lại càng phải tạo thành một động lực cụ thể để đời sống của cả hai cùng tăng trưởng, trở nên thánh thiện. Đó là một lời mời được ẩn giấu một cách kín đáo bên trong những sự kiện tưởng như vô thưởng vô phạt xảy ra hàng ngày mà không được lập trình sẵn.
Không giống như những khoảng thời gian cầu nguyện hoặc tiết chế mà đôi vợ chồng có thể lên kế hoạch quyết định trao ban bản thân mình và đưa vào danh sách các việc cần làm, thì những khoảng thời gian phát triển tâm linh mạnh mẽ trong đời sống vợ chồng lại nảy sinh một cách tự phát hơn. Do đó, điều quan trọng đầu tiên là phải chú ý và sẵn sàng cho những khoảng thời gian đó.
Còn bao nhiêu cơ hội phát triển chưa được khai thác, chỉ đơn giản là do thiếu chăm chú theo dõi! “Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rôma 14: 12).
Chính trong nhịp điệu không thể đoán trước được của cuộc sống hàng ngày mà vợ chồng chia sẻ sự quan tâm yêu thương nhau. Chính trong nhịp điệu đó mà các cặp vợ chồng nếu sống theo các giá trị Tin Mừng thì từng bước họ sẽ đạt đến một phẩm chất tình yêu lớn lao hơn, một phẩm chất hiện hữu lớn lao hơn, tóm lại, cả hai vợ chồng đạt đến sự thánh thiện.
Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Thánh thiện, đó không phải là món hàng xa xỉ chỉ dành cho một số người. Nó dành cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta. Nó là một bổn phận giản dị, vì nếu chúng ta biết yêu thương, chúng ta biết cách nên thánh thiện.”
Thật đẹp khi các đôi vợ chồng thường xuyên hướng lòng về Mẹ Maria và nài xin:
Lạy Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ nói với Chúa Giêsu, như xưa tại tiệc cưới Cana, “Họ hết rượu rồi” (Gioan 2: 3) để Con Mẹ đổ đầy loại rượu ngon của tình yêu vĩnh cửu nơi Thiên Chúa vào con tim của chúng con, vào cõi lòng đang cạn dần men say buổi yêu thương ban đầu và bắt đầu nhiễm bẩn những chất chua chát, đắng cay.
Xin Mẹ luôn để ánh nhìn đầy quan tâm chăm sóc của lòng Từ Mẫu Mẹ trên cuộc sống của chúng con, vì Mẹ hiện diện không như khách, nhưng như “người thân trong nhà” biết rõ “tình trạng thiếu rượu”, vốn luôn dẫn đến nguy cơ làm cạn kiện sức sống yêu thương của chúng con dành cho nhau.
Xin giúp chúng con đừng quên lời Mẹ dặn bảo: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo” (Gioan 2: 5) để nhờ ghi nhớ và làm theo Lời của Chúa Giêsu Con Mẹ mà cuộc sống trần thế của chúng con không chỉ trở nên tiệc cưới Cana,vì có Chúa và Mẹ ở cùng, mà còn là dấu chứng cho một tiệc cưới khác: Tiệc cưới Chiên Con, nơi chúng con được mời gọi tham dự ngay từ trần thế này: “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Ngài đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền. Thiên thần bảo tôi: “Hãy viết: Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!” (Khải huyền 2: 7-9).
Phêrô Phạm Văn Trung.
Nguồn: thanhlinh.net