Nhận thức về lòng nhân ái
Lm Thái Nguyên
Nhân ái là nhận biết rằng mọi người đều thực sự thuộc về mình. Lòng nhân ái khai sinh, không phải từ nỗi băn khoăn người khác nghĩ gì về mình, mà từ nhận thức đơn giản rằng, lòng nhân ái tự nó là quà tặng cho mọi người, và nguồn suối ngọt ngào đó ở nơi ta. “Quà tặng phải đưa vào tận con tim chứ không phải chỉ trên đôi tay” (Paul Claudel). Sống với mọi người có nghĩa là trao tặng lòng nhân ái của mình cho họ. Nhờ vậy, đi tới đâu ta cũng dễ cảm thấy tình yêu đang chờ đợi mình, đang chào đón mình. Lòng nhân ái của ta là một khung trời bao la cho phép mình và người khác được sống tự do để thể hiện chính mình mà không phải quá câu nệ, dè dặt hay sợ bị đánh giá. Khi lòng nhân ái thật sự được mở rộng thì ta có thể dung chứa được mọi lối sống, mọi kiểu cách, mọi quan điểm, mọi phê bình … của người khác mà không cảm thấy dị ứng, bực bội hay khó chịu. Trái lại ta còn có khả năng hướng mình và người khác tới một đồng cảm gần gũi hơn, thâm sâu hơn, cho dù bên ngoài có những khác biệt về cách thức thể hiện. Chính lòng nhân ái cho ta ý thức và cảm nhận trong đức tin rằng, chính Chúa vẫn đang tác tạo và làm mới lại mọi sự nơi mọi người. Với những người có lòng từ ái bao dung thì cả vũ trụ này là quê nhà yêu dấu, và tất cả mọi người dù là những kẻ bệ rạc nhất cũng đều là những người anh em đáng được hưởng tình yêu thương. Không có gì có thể ngăn cản được lòng nhân ái đích thực để làm nên một cuộc sống an vui cho con người. Kiêu căng, ích kỷ, oán ghét, hận thù… cũng sẽ tiêu tan trước sức mạnh của lòng nhân ái. Con người là cái mình có, thêm cái mình trở nên, cộng với những gì mình sẽ làm. Cái sẽ làm chính là thể hiện lòng nhân ái: điều mà mỗi người đã có tự thâm tâm, để làm cho con người trở nên người hơn. Thể hiện lòng nhân ái là ơn gọi đã được định hướng do công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Con người sẽ không lớn nổi thành người và càng không trở nên con người của Thiên Chúa nếu từ chối phát triển ơn gọi này mỗi ngày cao độ hơn.
Nhìn ngắm Chúa Giêsu thể hiện lòng nhân ái
Khi đọc và suy gẫm Tin Mừng, chúng ta dễ cảm nhận sâu xa lòng nhân ái của Đức Giêsu: Ngài bồng ẳm các em bé vào lòng, chúc lành cho chúng, và Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống như chúng (Mc 10, 14). Ngài sống tình nghĩa thâm giao với các bạn hữu của mình, cảm thương bạn mình đến mức độ sa nước mắt (Ga 11, 35). Chính Ngài từng nếm cảm nỗi đói khát, cô đơn và buồn sầu. Ngài là Thiên Chúa và là con người trọn vẹn, nhưng thần tính của Ngài không hề làm giảm sút nhân tính chút nào. Lòng nhân ái của Đức Giêsu được nhìn thấy rõ nhất nơi tấm lòng trắc ẩn của Ngài. “Trắc ẩn” không chỉ là cảm thương, mà còn là cảm nếm nỗi đau khổ của người khác; là đau cái nỗi đau của họ, khổ cái nỗi khổ của họ. Cũng như nhà thần bí thời Tung Cổ đã nói: “Thiên Chúa đã đưa lưng để hứng trọn lấy những đòn roi đau buốt quất vào chúng ta”. Đức Giêsu đã cảm nhận cơn đói mệt lã của đám đông đi theo Ngài trong hoang địa (Mc 6, 35). Trái tim trắc ẩn của Ngài đã hoàn toàn đồng cảm và mang lấy nỗi buồn đau thấu tận con tim của người quả phụ đang khóc thương vì mất đưa con trai duy nhất của mình (Lc 7, 11). Người góa phụ này đã không xin Chúa Giêsu làm một phép lạ, nhưng chính Ngài đã quyết định làm thế. Phải chăng Ngài nhìn thấy trước nơi người góa phụ ấy hình ảnh của chính Mẹ yêu dấu của Ngài sẽ đón nhận vào vòng tay mình tấm thi thể tan nát của chính Ngài sau này? Ngài cảm nhận được lòng thống hối của người đàn bà tội lỗi đang sa nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc mà lau chân Ngài: dấu chứng của một trái tim chứa chan tình yêu mến. Lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Ngài đi đến gặp gỡ và ngay cả động chạm đến những người mà xã hội liệt vào hạng ô uế không được phép động chạm đến (Mc 1, 14). Lòng nhân ái của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài có thể đi vào trong mối quan hệ với từng người và với tất cả: những người đau ốm và những người khốn khổ, những người nghèo cũng như những kẻ giàu có, những người quyền thế cũng như những người bị áp bức, những người tội lỗi cũng như những người lành thánh. Mặc dù Ngài tiếp xúc với đám đông quần chúng, Ngài vẫn không bao giờ quên các cá nhân và nhu cẩu riêng tư của họ, nên Ngài đã dừng chân lại với anh chàng ăn xin Bartimê (Mc 10, 46). Cả một đám đông chen lấn xô đẩy Ngài, nhưng Ngài vẫn cảm nhận được đức tin của người phụ nữ đang cố kín đáo động chạm đến mép áo Ngài để được chữa lành chứng bệnh băng huyết của chị ( (Mc 5, 30). Ngài đã cảm kích bởi lòng quảng đại của bà góa nghèo dâng cúng hai đồng bạc vào hòm tiền của Đền Thờ, tức trọn số tiền mà bà đang có (Lc 21, 2). Cuối cùng, lòng nhân ái vô độ của Đức Giêsu đã kết hợp muôn người trong hy tế thập giá của Ngài để giao hòa và liên kết tất cả trong một Thần Khí (Ep 2, 14-18), để ban cho họ ơn tái sinh (Rm 7, 4), và sự sống thần linh (Ep 2, 4-6).
Lòng nhân ái trong đời sống Kitô hữu
Là những Kitô hữu, chúng ta không thể vô cảm, vô can, hay thờ ơ lãnh đạm đối với bao nỗi đau buồn thất vọng và những nổ lực đấu tranh của bao con người xung quanh chúng ta . Niềm vui và nỗi khổ của họ phải có một âm vang trong cõi lòng chúng ta. Để nên giống với Đức Kitô, chúng ta cần phải làm triển nở sâu rộng tấm lòng nhân ái và trắc ẩn như Ngài, để biết cảm xúc với người ta, vì người ta, và trong người ta, nhất là những người đau khổ trong thân xác và trong tâm hồn. Để nên giống với Đức Kitô, Giáo hội khuyên chúng ta phải biết cảm nhận “những vui mừng và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những người đau khổ” (GS 1). Đặc biệt, chúng ta được kêu gọi nên giống Đức Kitô trong tấm lòng và cách thái của Người Samaritanô Nhân Hậu, bởi vì “dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu thuộc về Tin Mừng khổ lụy. Quả thật, dụ ngôn này vạch cho chúng ta thấy mối tương quan giữa chúng ta và những anh chị em đau khổ xung quanh đời mình phải như thế nào”. Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc được trong khi có biết bao người đang đau khổ. Chỉ có ai quên hạnh phúc của mình để tìm hạnh phúc cho kẻ khác, mới có thể gặp lại hạnh phúc của mình tràn đầy. Hạnh phúc tiềm tàng trong ước mắt của người mà ta đã lau khô, trong nụ cười của người mà ta đã làm tươi nở, trong những kẻ mà ta đã ủi an khích lệ… “Chỉ cuộc đời sống cho người khác mới là cuộc đời đáng sống” (Einstein). Có thể người ta cho mà không thương, nhưng không thể thương mà không cho. Trong khi đó, sống tình thương là qui luật tối thượng, là sứ mạng Tin Mừng của Kitô hữu. Sứ mạng đó là trở nên gần gũi thân thiết với những người “lân cận” để thấu hiểu nỗi niềm và biết cách để sống với họ và cho họ. Chúng ta không giống với Đức Kitô ở chỗ mình không có quyền năng để chữa trị các anh chị em đau yếu, tật nguyền. Có thể chúng ta không xóa được nỗi thống khổ của người ta, nhưng chính sự hiện diện của chúng ta trong nỗi thống khổ của họ sẽ đem lại cho họ niềm hy vọng và sự chữa trị. Chúng ta không thể bù đắp cho họ hết những thiếu thốn và mất mát do những bất công xã hội gây ra, nhưng sự chia sẻ của chúng ta sẽ làm vơi đi những tủi nhục và cay đắng trong đời họ. Chúng ta không thể tạo cho họ một tâm hồn tươi mới, nhưng sự đồng hành gần gũi với họ trong cuộc sống sẽ làm cho họ phai nhạt dần những mặc cảm, u uất, có khi là những căm phẩn, hận thù. Khi sống như vậy, chính chúng ta cũng nhận được sự nâng đỡ lớn lao từ nơi họ, đồng thời tìm thấy niềm vui tinh thần và nguồn nghị lực dâng cao từ chính lòng nhân ái của mình. Suốt đời chúng ta phải theo đuổi cái cốt yếu là đem lòng nhân hậu của Thiên Chúa vào các tương quan gia đình và láng giềng, phục vụ cho công lý nơi đời sống xã hội và nghề nghiệp. Mỗi người chúng ta là nhịp đập của trái tim Chúa Giêsu, nên chúng ta phải sống thân thiết làm một với Ngài, và cũng để từ đó phát xuất chính lòng nhân ái của Ngài, chứ không phải chỉ là lòng nhân ái thuần túy của trái tim nhân loại.
Lòng nhân ái là thập giá trổ hoa
Cánh hoa của lòng nhân ái chỉ nở ra trên cậy thập giá, là kết tinh của những chuỗi ngày cắt tỉa có khi rất trơ trọi và thê lương, như chết đi nếp sống cũ để lối sống mới có thể thành hình. Thể hiện lòng nhân ái là phải chấp nhận đau thương, chấp nhận từ bỏ mình để có thể trao ban chính mình. Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Trao ban không có nghĩa là mất đi, nhưng đó là phương thức tốt nhất để giữ lại những gì mình đã cho đi, để trở nên chính mình hơn. Những gì mình thực sự sở hữu chính là những cái mình đã cho đi, mà sở hữu lớn lao nhất là chính sự sống mình. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10, 39). Như vậy, tiến bước mở rộng lòng nhân ái cũng chính là tiến bước trên con đường thập giá để hiến thân, cùng với Chúa Giêsu để cứu độ. Đó là niềm vinh hạnh của mỗi người chúng ta được dự phần với Chúa để mang lại bình an và hạnh phúc cho anh em mình, bởi vì chỉ có hy sinh mới đánh đổi được tình yêu; chỉ có đau thương mới mang lại hạnh phúc.
Lạy Chúa Giêsu, tha nhân cũng chính là bản thân con trong liên hệ thể chất lẫn tinh thần, trong tâm hồn cũng như nơi thân xác, và cùng được cứu chuộc bởi giá máu của Chúa. Chính Chúa đã thông phần sự sống cho chúng con để chúng con cũng biết thông chia sự sống cho nhau bằng tấm lòng nhân ái bao la như chính Chúa. Con chỉ kiện toàn được bản thân mình trong mối liên đới với thân phận của mọi người, từ những trắc trở lo âu hay những vui mừng và hy vọng của họ; từ những thất bại chán chường hay những thành công phấn khởi của họ; từ những sa lầy đau thương tội lỗi hay những nổ lực vươn lên rất can đảm và lành thánh của họ … Nhìn lại, lòng nhân ái của mỗi người chúng con còn bị truy cản bởi quá nhiều chướng ngại: tham, sân, si… của những chấp nhất và thiển cận, của những nông nỗi và nhẹ dạ dễ bị lung lạc bởi dư luận, thành kiến tạo nên ác cảm… của cả những tranh giành ảnh hưởng và danh giá bề ngoài. Xin cho mỗi người chúng con thật sự là nhịp đập của trái tim Chúa, biết cùng rung cảm chân tình và sâu xa về từng hiện trạng trong đời sống của nhau. Amen.