Tông Thứ MAXIMUM ILLUD-Đức Giáo Hoàng Benedicto XV

Tông Thư MAXIMUM ILLUD

Về việc truyền bá Đức Tin trên khắp thế giới

Nhập đề

1. Trước khi trở về cùng Cha Người, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã nói với các môn đệ những lời này: “Anh em hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Với những lời này, Người đã uỷ thác cho họ một bổn phận, một trách nhiệm quan trọng và thánh thiện, trách nhiệm này không kết thúc với cái chết của các Tông Đồ, nhưng sẽ ràng buộc các vị kế nhiệm các ngài, vị này kế tiếp vị khác, cho tới ngày tận thế -nghĩa là bao lâu trên thế giới này vẫn còn những con người mà sự thật có thể giải phóng họ. Được uỷ thác nhiệm vụ này, “các ông đi khắp nơi loan báo” (Mc 16:20) lời Thiên Chúa, khiến cho “tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18:5). Từ đó trở đi, qua các thế kỷ, Hội Thánh chưa bao giờ quên lệnh truyền của Thiên Chúa, và chưa bao giờ ngưng sai đi đến khắp cùng thế giới các sứ giả loan truyền giáo lý Người đã uỷ thác cho Hội Thánh, và các thừa tác viên phân phát ơn cứu độ đời đời Người đã ban cho loài người nhờ Đức Kitô.

Các Tông Đồ vĩ đại của Tin Mừng

2. Ngay cả trong ba thế kỷ đầu, khi mà các cuộc bách hại do Ma Quỉ xúi giục, đã liên tục giáng xuống trên Hội Thánh mới sinh, nhằm tiêu diệt Hội Thánh, khi mà toàn thể nền văn minh tràn ngập máu người Kitô hữu, thì ở những vùng xa xôi ngoài biên cương của Đế Quốc, các sứ giả Tin Mừng vẫn đi đây đó loan báo tin vui của họ. Rồi, sau khi hoà bình và tự do tôn giáo được chính thức ban cho Hội Thánh, hoạt động tông đồ của Hội Thánh cho thế giới đã có những bước tiến bộ lớn hơn. Trong sự thành tựu này, một số nhân vật có sự thánh thiện nổi bật đã đóng những vai trò quan trọng. Một trong số đó là Grêgôriô, Người Chiếu Sáng đã đem đức tin đến Armênia. Một người khác là Victorinô, tông đồ của Styria. Người thứ ba là Frumentiô, loan báo Tin Mừng cho Êtiôpia. Sau này, có Patriciô sinh ra dân Ai Len trong Đức Kitô. Augustinô đem đức tin đến với dân tộc Anh; và Columba và Palladiô giảng Tin Mừng cho người Tô Cách Lan. Về sau nữa, còn có Clêmentê Willibrord, giám mục tiên khởi của Utrecht, đem ánh sáng Tin Mừng đến Hà Lan. Bônifaciô và Anagar đem đức tin đến cho dân Đức; và Cyrillô và Mêtôđiô chinh phục xứ Slavơ cho Hội Thánh.

Mở rộng các công cuộc truyền giáo

3. Với thời gian, bắt đầu xuất hiện một cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la. William Rubruck cho thấy điều đó khi ông đem lửa đức tin đến cho dân Mông Cổ. Không lâu sau, Thánh Grêgôriô X sai các nhà truyền giáo đầu tiên tới Trung Quốc. Các môn đệ của Thánh Phanxicô Assisi tiếp bước họ và thành lập tại Trung Quốc một cộng đoàn Kitô hữu khá lớn, nhưng tiếc thay, sau một thời gian ngắn đã suy tàn vì một cuộc bách hại khốc liệt.

4. Khi có cuộc khám phá Châu Mỹ, một đạo quân tông đồ lên đường đến Tân Thế Giới. Đạo quân lớn này, trong đó có người con vinh quang của Thánh Đaminh, Bartôlômêo de Las Casas, đã thực hiện tại đó hai nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ các dân bản địa kém may mắn khỏi sự áp bức của con người và đấu tranh để họ không bị nghiền nát dưới thế lực của bóng tối.

Cùng thời kỳ này có hoạt động của Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo xứng đáng được sánh ví với chính các Thánh Tông Đồ. Vì vinh quang Chúa Kitô và phần rỗi các linh hồn, ngài đã tiêu hao cuộc đời không ngơi nghỉ của ngài tại Ấn Độ và Nhật Bản. Và ngài qua đời ở ngưỡng cửa của Đế Chế Trung Hoa khi đang cố gắng đi vào xứ sở này. Có thể nói, ngài đã trả giá bằng cái chết của mình để mở đường cho Tin Mừng đi vào những lãnh thổ rộng lớn mà trong những năm sắp tới sẽ là đấu trường, nơi rất đông các dòng tu và tu hội truyền giáo trong khi theo đuổi sứ vụ tông đồ của họ đã phải đấu tranh chống lại tất cả những trở ngại to lớn được dựng lên bởi những điều kiện sống thay đổi và những hoàn cảnh khác nhau.

Lịch sử cận đại

5. Những năm gần đây đã chứng kiến những vùng đất mới cuối cùng chưa từng được biết đến – Châu Úc và bên trong lục địa Châu Phi – phát sinh những cuộc tấn công không ngừng nghỉ của cuộc khai phá thời cận đại. Những năm này cũng đã chứng kiến các sứ giả của Hội Thánh đi theo những nẻo đường mới mở để vào các vùng đất mới. Trong toàn thể các vùng rộng lớn của Thái Bình Dương, bây giờ sẽ khó có thể tìm thấy một hải đảo xa xôi nào mà các nhà truyền giáo của chúng ta không thể đặt chân đến và hăng hái thi hành sứ vụ. Tuy nhiên, khi nói về những thành quả này, chúng ta không được bỏ qua một sự kiện rất có ý nghĩa về những con người đã làm nên chúng. Rất nhiều những con người này, trong khi làm việc cho phần rỗi của anh chị em mình, bản thân các vị này đã đạt tới những đỉnh cao của sự thánh thiện, giống như các vị Tông Đồ đã làm trước họ. Và nhiều vị cũng đã tôn vinh việc tông đồ của họ bằng cái chết tử đạo vinh quang, lấy máu đào của mình để bảo vệ Đức Tin.

6. Bất cứ ai nghiên cứu những sự kiện của câu truyện tuyệt vời này không thể không cảm thấy bị ấn tượng sâu xa: bằng tất cả những nỗi vất vả đáng sợ mà các nhà truyền giáo của chúng ta đã trải qua để mở mang đức tin, sự sốt sắng tuyệt vời mà họ đã chứng tỏ, và vô vàn những gương sáng về sự dũng cảm chịu đựng mà họ đã cống hiến cho chúng ta.

Và bất cứ ai suy gẫm về những sự kiện này thì không thể không choáng váng khi thấy rằng ngay bây giờ, trên thế giới vẫn còn những đám đông vô kể những con người đang ở trong chốn tối tăm và trong bóng tối sự chết. Theo một ước tính mới đây, những người không có đức tin trên thế giới đã lên đến con số xấp xỉ một tỉ người.

Mục đích của Tông Thư này

7. Số phận đáng thương của vô số linh hồn này là nguồn gây đau buồn khôn tả cho Tôi. Từ những ngày đầu tiên lãnh nhận trọng trách tông toà này, Tôi đã ước ao chia sẻ những phúc lành cứu chuộc của Thiên Chúa với những con người bất hạnh này. Vì thế, Tôi hết sức vui mừng khi thấy rằng, dưới sự linh hứng của Thần Khí Thiên Chúa, các cố gắng cổ vũ và phát triển các công cuộc truyền giáo ở hải ngoại đã gia tăng về số lượng và cường độ tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của Tôi là nâng đỡ và làm hết sức mình để khuyến khích các công cuộc này; và bổn phận này hoàn toàn trùng khớp với các ước muốn sâu xa nhất của chính Tôi.

Trước khi viết thư này, thưa Chư Huynh đáng kính, Tôi cầu xin Chúa ban ánh sáng và ơn trợ giúp của Người. Khi viết thư này, Tôi nghĩ đến hai mục đích: khích lệ Chư Huynh, hàng linh mục của Chư Huynh, và dân của Chư Huynh trong các cố gắng này, và thứ hai, vạch ra các phương pháp Chư Huynh có thể sử dụng để đẩy mạnh việc hoàn thành công cuộc vô cùng quan trọng này.

Với các vị đặc trách các xứ truyền giáo

8. Trước tiên, Tôi muốn nói với những vị đặc trách các xứ truyền giáo, là các Giám Mục hay các vị Đại Diện hay Phủ Doãn Tông Toà. Tất cả trách nhiệm truyền bá đức tin được đặt trực tiếp trên vai họ, và chính họ là những người được Hội Thánh uỷ thác cho việc mở rộng Hội Thánh trong tương lai. Tôi biết rất rõ nhiệt tình cháy bừng của họ đối với việc tông đồ, và Tôi cũng biết rõ vô vàn khó khăn họ phải vượt qua và các khủng hoảng họ phải đối diện, đặc biệt trong ít năm qua. Đây là cái giá họ phải trả để ở lại nơi tiền đồn xa xôi và tiếp tục mở mang Nước Chúa. Và họ đã vui lòng trả cái giá ấy.

Vai trò của các Bề Trên truyền giáo

9. Tuy nhiên, Tôi cũng biết rõ sự kính trọng và sự tận tuỵ các vị ấy dành cho Tông Toà này, nên Tôi không ngại cư xử với họ trong tình cha con, và mở lòng mình ra cho họ. Tôi muốn họ lấy điều này làm nguyên tắc dẫn đường, đó là mỗi người phải là linh hồn của công cuộc truyền giáo dưới sự chăm sóc của họ, có thể nói như thế. Họ phải quan tâm sâu xa tới công việc của các linh mục, cũng như của tất cả những người trợ giúp họ trong việc chu toàn bổn phận. Họ phải sử dụng mọi phương tiện họ có – lời nói, hành động, viết lách – để khuyến khích và kích thích những người trợ giúp này đạt được những thành quả ngày càng cao hơn. Bất cứ ai làm việc trong bất cứ khả năng nào trong vườn nho riêng của Chúa mà họ trông coi đều phải biết bằng kinh nghiệm cá nhân, và phải biết với sự xác tín hoàn toàn, rằng việc cai quản công cuộc truyền giáo nằm trong tay của một người cha thực sự – một con người tỉnh táo, hiệu quả, một con người đầy lòng bác ái, quan tâm sâu sắc tới mọi người và mọi sự, một người vui mừng khi mọi chuyện xảy ra tốt đẹp cho các người thuộc quyền mình, và biết cảm thông khi những chuyện không hay xảy ra cho họ. Họ phải tạo điều kiện thuận lợi và cổ vũ những kế hoạch và những công việc đáng được họ ủng hộ. Nói tóm lại, họ phải lo sao để biết để mắt đến tất cả những gì liên quan đến những người thuộc cấp như thể cũng liên quan đến chính mình vậy.

Bề Trên và sự thành công của việc truyền giáo

10. Tình trạng và sự thành công của các công cuộc truyền giáo tuỳ thuộc vào cách mà chúng được điều hành, đó là điều không thể tranh cãi. Chúng có thể rất tệ hại nếu một người được giao nhiêm vụ này không có đủ khả năng cho công việc hay không phù hợp về một phương diện nào đó. Cá nhân người truyền giáo đã từ bỏ xứ sở và gia đình mình để giúp truyền bá đức tin. Trên nguyên tắc, họ khởi hành chuyến hành trình dài và thường đầy nguy hiểm, nhưng rất háo hức và sẵn sàng đương đầu với những gian nan ghê gớm nhất, với chỉ một ước muốn duy nhất là có cơ hội chinh phục thật nhiều linh hồn về cho Đức Kitô. Vậy, nếu một người như thế mà gặp được một bề trên quan tâm tới họ, luôn cư xử với họ bằng tình bác ái và sự khôn ngoan, công việc của họ không thể không đạt được kết quả. Nhưng nếu ngược lại, chắc chắn chúng ta có mọi lý do để sợ rằng các khó khăn vất vả họ gặp sẽ dần dần làm họ mệt mỏi, để rồi cuối cùng nản lòng và không còn muốn làm gì nữa.

Một quan tâm hàng đầu

11. Hơn nữa, bề trên của một công cuộc truyền giáo phải coi một trong các mối quan tâm chính của mình là mở mang và phát triển đầy đủ công cuộc truyền giáo của mình. Cả vùng lãnh thổ thuộc công cuộc truyền giáo của họ đã được uỷ thác cho sự chăm sóc của họ. Do đó, họ phải làm việc vì sự cứu rỗi đời đời của mọi người sống trong vùng này. Nếu giữa một đám dân đông đúc bao la mà họ cải hoá được một vài ngàn người, họ không được vì thế mà tự mãn.

Họ phải trở thành người hướng dẫn và bảo vệ cho những đứa con này mà họ đã sinh ra trong Đức Giêsu Kitô; họ cũng phải chăm lo lương thực thiêng liêng cho những người này và không được để một người nào sa ngã và hư mất. Nhưng, họ còn phải làm nhiều hơn thế. Họ không được nghĩ rằng mình đang chu toàn các bổn phận chức vụ của mình, trừ khi họ không ngừng làm việc với tất cả sức lực để đưa những cư dân khác trong vùng, còn đông đảo hơn rất nhiều, tới chỗ được chia sẻ chân lý Kitô giáo và đời sống Kitô hữu.

Một phương tiện hiệu quả

Về phương diện này, việc rao giảng Tin Mừng có thể được đem đến trực tiếp hơn và hiệu quả hơn cho mọi người trong vùng nếu có nhiều giáo điểm truyền giáo hơn được thiết lập ngay khi việc này trở thành khả thi. Rồi, khi đến lúc phân chia khu vực truyền giáo, các giáo điểm này sẽ sẵn sàng trở thành các trung tâm cho các Đại Diện Tông Toà và Phủ Doãn Tông Toà mới. Khi nói về đề tài này, Tôi muốn biểu dương một số vị Đại Diện Tông Toà đã làm được điều này một cách mỹ mãn: những vị đã luôn luôn quan tâm tới sự phát triển tương lai này và đang không ngừng dấn thân làm việc để sẵn sàng có các tỉnh mới cho Nước Chúa. Nếu các vị ấy thấy dòng tu hay tu hội của mình không cung cấp đủ nhân sự cho công việc, họ hoàn toàn sẵn sàng mời gọi sự giúp đỡ từ các dòng tu hay tu hội khác.

12. Ngược lại, Tôi không thể khen ngợi người nào lấy mảnh vườn Chúa đã giao cho mình chăm sóc rồi bắt đầu coi nó như là tài sản riêng của mình, một lãnh địa mà không một người ngoài nào được đụng tay vào. Chúng ta hãy thử hình dung trong chốc lát sự phán xét nghiêm khắc của Chúa đối với một hạng người như thế, đặc biệt nếu là trường hợp cụ thể giống như một số vụ việc mà thỉnh thoảng Tôi được biết đến – một cộng đoàn tín hữu khá nhỏ ở giữa một đám đông bao la những người ngoại đạo mà bề trên truyền giáo không thể dạy giáo lý cho họ vì không có đủ người lo việc này, nhưng lại từ chối sự giúp đỡ của những người khác. Người được giao việc truyền giáo của Công Giáo, nếu biết toàn tâm toàn ý lo cho vinh quang của Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn, thì sẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào cần thiết và tìm kiếm ở bất cứ đâu những người trợ giúp cho sứ vụ thánh thiện của mình; người ấy không bận tâm chuyện những tu sĩ ấy thuộc dòng này hay dòng khác, thuộc quốc tịch này hay quốc tịch khác, “miễn là bằng mọi cách… Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1:18). Và cũng không chỉ đón nhận các nam tu sĩ. Họ sẽ đón nhận các nữ tu để giúp mở trường học, cô nhi viện, và bệnh viện, mở các lưu xá và thiết lập các cơ sở từ thiện khác. Họ vui mừng và hăng hái làm điều này, vì họ hiểu rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, những công việc loại này sẽ góp phần tuyệt vời biết bao để làm cho đức tin được lan truyền rộng rãi.

13. Trong khi theo đuổi các mục tiêu của mình, một bề trên truyền giáo tận tâm cũng sẽ không được hạn hẹp các mối quan tâm của mình vào các ranh giới của giáo điểm mình, cũng không được coi mọi chuyện xảy ra ở nơi khác như không hề liên quan đến mình. Cháy bỏng lòng yêu mến Chúa Kitô, họ cảm thấy rằng những gì chạm đến vinh quang Đức Kitô thì cũng chạm đến chính mình, nên họ làm hết sức mình để phát triển các mối quan hệ gần gũi và thân thiết với các đồng nghiệp của mình tại các vùng lân cận. Bởi vì, thường xuyên xuất hiện các hoàn cảnh ảnh hưởng tới tất cả các khu vực truyền giáo trong một vùng nào đó, và điều này đòi hỏi phải có hành động liên hợp thì mới thành công được. Nhưng ngoài trường hợp này ra, Hội Thánh vẫn có thể được lợi ích rất lớn nếu các vị hữu trách truyền giáo gặp gỡ nhau thường xuyên bao nhiêu có thể để trao đổi và khích lệ lẫn nhau.

Hàng giáo sĩ địa phương

14. Còn một điểm cuối cùng và rất quan trọng đối với bất cứ ai chịu trách nhiệm một công cuộc truyền giáo. Họ phải đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm và đào tạo các ứng sinh cho thừa tác vụ thánh. Hi vọng lớn nhất của các giáo hội tân lập hệ tại điều này. Bởi vì người linh mục địa phương là một với đồng bào mình do sinh quán, bản tính, các mối đồng cảm và các khát vọng, nên họ đặc biệt hiệu quả trong việc tác động đến lối suy nghĩ của dân chúng và nhờ đó lôi kéo dân đến với đức tin. Hơn bất cứ ai khác, họ biết dân sẽ dễ dàng nghe theo kiểu lý luận nào, và do đó họ có thể dễ dàng đi đến những nơi mà một linh mục ngoại quốc khó có thể được chấp nhận.

15. Tuy nhiên, để hàng giáo sĩ bản địa có thể đạt được những kết quả mà chúng ta mong đợi, điều cần thiết tuyệt đối là họ phải được đào tạo và chuẩn bị tốt. Tôi không nói đến một sự chuẩn bị sơ đẳng và cẩu thả, tối thiểu để thụ phong linh mục. Không, việc đào luyện của họ phải đầy đủ và hoàn bị, xuất sắc trong mọi giai đoạn, tương tự với việc đào luyện linh mục mà một người Châu Âu nhận lãnh. Vì người linh mục địa phương được đào tạo không phải để chỉ thi hành một số bổn phận khiêm nhường của thừa tác vụ, nhằm phụ giúp các linh mục ngoại quốc. Không, họ phải đảm nhận công việc của Thiên Chúa trong tư cách những người ngang hàng, để một ngày kia họ có thể đảm nhận trọng trách lãnh đạo thiêng liêng cho dân của họ.

Hội Thánh không phải người lạ

16. Hội Thánh Công Giáo không phải một người đi xâm lược một đất nước nào; Hội Thánh cũng không phải người lạ đối với bất cứ dân tộc nào. Vì vậy, điều hợp lý là những người thi hành tác vụ thánh phải đến từ mọi quốc gia, để đồng bào của họ có thể tìm đến họ để được học hỏi về lề luật Chúa và được họ hướng dẫn trên con đường cứu độ. Hễ nơi đâu hàng giáo sĩ địa phương có đủ sĩ số, và được đào tạo thích hợp và xứng đáng với ơn gọi của họ, thì ở đó Chư Huynh có thể có lý để tin rằng công cuộc truyền giáo ở đó đã thành công và Hội Thánh đã đặt vững nền tảng của mình. Và một khi những nền tảng này đã vững và những gốc rễ đã cắm sâu, thì không có lý do gì phải sợ Hội Thánh không thể đứng vững nếu có xảy ra cuộc bách hại nào nhằm tiêu diệt Hội Thánh.

Quan tâm đào tạo hàng giáo sĩ địa phương

17. Tông Toà vẫn luôn luôn thúc giục các giám đốc truyền giáo hiểu rằng đây là một bổn phận rất nghiêm khắc thuộc chức vụ của họ, và phải mạnh mẽ đi vào hành động. Ngay tại Rôma này, các Học Viện – cũ cũng như mới – chuyên đào tạo các linh mục cho các xứ truyền giáo, đã chứng tỏ sự nghiêm túc trong vấn đề này. Điều này đặc biệt đúng đối với các học viện đào tạo các ứng sinh cho các Giáo Hội thuộc nghi lễ Đông Phương. Nhưng cũng có một sự kiện đáng buồn là, cả sau khi các Giáo Hoàng đã liên tục yêu cầu, vẫn còn một số vùng trên thế giới mặc dù đã được nghe rao giảng đức tin trong nhiều thế kỷ nhưng vẫn có một hàng giáo sĩ địa phương kém chất lượng. Đúng là cũng có một số nước đã được ánh sáng đức tin thấm nhuần sâu xa, và ngoài ra, cũng đã đạt tới một trình độ văn minh có thể sinh sản ra những nhân vật lỗi lạc trong mọi lãnh vực của đời sống thế tục – thế nhưng, mặc dù họ đã sống dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Hội Thánh và Tin Mừng trong hàng trăm năm, họ vẫn chưa sản sinh ra được những giám mục cho việc quản trị đời sống thiêng liêng hay những linh mục cho việc hướng dẫn thiêng liêng. Từ những sự kiện này, ta thấy rõ rằng tại một số nơi hệ thống thông thường được sử dụng từ trước đến giờ để đào tạo các nhà truyền giáo tương lai vẫn còn yếu và kém.

Để sửa sai điều khó khăn này, Tôi đang truyền cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin áp dụng các phương thuốc thích hợp với các vùng khác nhau trên thế giới, và trông coi việc thiết lập các chủng viện cho mỗi vùng cũng như cho mỗi nhóm giáo phận. Tại những nơi đã có các chủng viện, Thánh Bộ này sẽ xem xét để chúng được điều hành thích đáng. Tuy nhiên, nhiệm vụ mà Thánh Bộ phải chăm lo đặc biệt là giám sát sự tăng trưởng và phát triển của hàng giáo sĩ địa phương trong các Đại Diện Tông Toà và các vùng truyền giáo khác của chúng ta.

Với các Thừa Sai

18. Bây giờ Cha muốn ngỏ lời với các con, những người con yêu dấu, là những người thợ trong vườn nho của Chúa. Các con nắm trong tay trách nhiệm trực tiếp loan truyền sự khôn ngoan của Đức Kitô, và với trách nhiệm này là sự cứu rỗi của vô số các linh hồn. Lời cảnh báo đầu tiên của Cha là: Các con đừng một giây phút nào quên tính chất cao vời và rực rỡ của nhiệm vụ mà các con đã cam kết dấn thân. Nhiệm vụ của các con là một nhiệm vụ linh thiêng, vượt quá tầm của lý trí con người. Các con đã được gọi để đem ánh sáng đến cho những người đang ngồi trong bóng tối sự chết và mở đường lên trời cho những linh hồn đang lao xuống hố huỷ diệt. Hãy xác tín rằng Chúa đã nói với các con, với từng người các con, khi Người nói: “Hãy quên đi dân ngươi, quên đi nhà cha ngươi” (Tv 44:11). Hãy nhớ rằng bổn phận của các con không phải là mở rộng một bờ cõi của loài người, nhưng mở rộng bờ cõi của Đức Kitô; và cũng hãy nhớ rằng mục tiêu của các con là giành được các công dân cho một quê hương trên trời, không phải cho một quê hương dưới đất.

Một mục tiêu thiêng liêng

19. Quả thật, sẽ là thảm kịch nếu các thừa sai của chúng ta hoàn toàn quên mất sự cao cả của chức vụ của họ khiến họ chỉ bận tâm tới những lợi ích của quê hương trần thế của họ mà sao nhãng những bổn phận của quê hương trên trời. Sẽ là thảm kịch nếu một người tông đồ tiêu hao bản thân mình chỉ để gia tăng hay tôn vinh uy tín của quê hương mình sau khi đã rời bỏ nó. Một thái độ như thế sẽ làm ô nhiễm việc tông đồ của họ như một dịch bệnh. Nó sẽ tiêu diệt nơi họ – người đại diện của Tin Mừng – sức mạnh tình yêu của họ đối với các linh hồn, và tiêu diệt danh tiếng họ nơi dân chúng. Vì dù một dân tộc có thể là man rợ và thô lỗ, họ vẫn biết rõ người truyền giáo đang làm gì tại đất nước họ và muốn gì nơi họ. Họ sẽ có cách của họ để điều tra, và nếu người truyền giáo có một mục tiêu nào không phải là lợi ích thiêng liêng của họ, họ sẽ khám phá ra điều đó. Giả sử họ thấy rõ rằng người truyền giáo đang dính vào một kế hoạch thế tục nào đó, và cũng đang phục vụ cho mẫu quốc của họ thay vì hoàn toàn hiến mình cho công việc tông đồ. Lập tức, dân chúng sẽ nghi ngờ mọi việc người truyền giáo làm. Thêm vào đó, một tình huống như thế có thể khiến người ta tin chắc rằng Kitô giáo là đạo của một dân tộc ngoại bang nào đó và bất cứ ai cải theo đạo này là đang từ bỏ sự trung thành với dân tộc của mình để phục vụ cho những tham vọng và quyền thống trị của một thế lực ngoại bang.

20. Tôi hết sức đau buồn vì một số chuyện vừa xảy ra trong đời sống truyền giáo, những chuyện cho thấy người ta hành động nhiệt tình vì lợi ích của một quốc gia nào đó hơn là vì sự lớn mạnh của Nước Chúa. Tôi sửng sốt trước sự dửng dưng của những người này trước mức độ thù nghịch mà các việc làm của họ đã khơi dậy trong tâm trí những người không có đức tin. Đây không phải là cách làm của người Thừa Sai Công Giáo nếu muốn xứng với danh xưng này. Không, người Thừa Sai đích thực luôn luôn ý thức rằng mình không phải là một đại diện của quốc gia mình, nhưng là một sứ giả của Đức Kitô. Hành vi của người Thừa Sai phải làm sao để bất cứ ai nhìn vào họ đều có thể thấy tỏ tường rằng họ đại diện cho một đức tin không xa lạ với bất cứ quốc gia nào, vì đức tin này ôm ấp mọi người tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật, một đức tin trong đó “không có sự phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Ðức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3:11).

Làm việc vô vị lợi

21. Còn một khuyết điểm nữa mà người truyền giáo phải cẩn thận xa tránh, đó là ước muốn tìm kiếm lợi lộc vượt ra ngoài việc chinh phục các linh hồn. Đương nhiên, chúng ta không cần nói nhiều về điểm này. Nếu một người là nạn nhân của ước muốn tìm kiếm lợi lộc tài chánh thì làm sao họ có thể toàn tâm toàn ý chu toàn bổn phận tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa? Và làm sao họ có thể làm tăng vinh quang Thiên Chúa, có thể luôn sẵn sàng hi sinh mọi sự mình có, kể cả mạng sống, cho việc kêu gọi người khác trở lại trạng thái tốt lành của đời sống thiêng liêng được? Cũng có một sự thật là sự yếu đuối này sẽ bắt họ phải trả giá về ảnh hưởng của họ đối với những người không có đức tin – một sự thật đặc biệt sẽ là tất yếu nếu ước muốn lợi lộc này của họ xuống thấp tới mức độ của sự bần tiện, như thường có xu hướng xảy ra. Vì theo cách đánh giá của người đời, đây là thói xấu hèn hạ nhất. Không gì bất xứng hơn với Nước Thiên Chúa! Vì vậy trong vấn đề này, người tông đồ đích thực phải theo lời khuyên của Tông Đồ các Dân Ngoại, như được viết trong một đoạn nổi tiếng của lá thư gửi cho Timôthê: “Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1 Tm 6:8). Người tông đồ đích thực cũng phải nhớ rằng chính Thánh Phaolô đã sống một sự từ bỏ mình lớn lao đến mức bất chấp những đòi hỏi của việc thi hành sứ vụ đầy gian khổ, ngài vẫn quen sống bằng chính việc lao động chân tay của mình.

Việc đào tạo

22. Trước khi bước vào đời hoạt động tông đồ của mình, người truyền giáo phải có một sự đào tạo rất cẩn thận. Điều này đúng cả khi người ta có thể vấn nạn rằng một người được kêu gọi để rao giảng Đức Kitô tại những nơi xa cách nền văn minh thì không cần một trình độ giáo dục cao siêu. Đương nhiên, chắc chắn là đối với việc cải hoá tâm hồn người ta, sự trau giồi nhân đức thì quí giá hơn là một sự hiểu biết về những điểm tinh tế của văn chương. Tuy nhiên, nếu một người đã không được cung cấp một vốn hiểu biết đáng tin, người ấy sẽ thường xuyên nhận ra rằng mình đang thiếu những gì có thể là một tài sản quan trọng để thi hành một cách hiệu quả công việc tông đồ của mình. Không hiếm trường hợp một người truyền giáo rơi vào hoàn cảnh không có sách vở gì cả và không có cơ hội tham khảo ý kiến một người khác có hiểu biết hơn họ. Nhưng họ buộc phải trả lời cho bất cứ luận cứ nào chống lại đức tin được đặt ra cho họ và họ thường được yêu cầu phải trả lời cho những câu hỏi rất khó. Trong những trường hợp như thế, họ càng chứng tỏ có kiến thức bao nhiêu thì danh tiếng và uy tín của họ càng cao bấy nhiêu, đặc biệt nếu họ đang đối diện với những người rất coi trọng trình độ hàn lâm và sự hiểu biết. Trong những tình huống như thế, sẽ là một cú sốc bất thường khi chứng kiến những người được uỷ thác việc truyền đạt sứ điệp chân lý ấy bị những thầy dạy lầm lạc đánh bại.

Thông thạo mọi ngành tri thức

23. Vì những đòi hỏi này của việc tông đồ, các sinh viên mà Chúa đã kêu gọi để học các môn học thánh phải đạt được sự thông thạo mọi ngành kiến thức đang khi chuẩn bị cho công việc tương lai của họ. Các ngành này sẽ bao gồm cả các môn học thánh và các môn học thế tục, bất cứ môn học nào có thể cần thiết tại các xứ truyền giáo. Tôi muốn cách làm này được theo một cách thích hợp tại Đại Học Giáo Hoàng Urbanianum của Bộ Truyền Bá Đức Tin. Tôi cũng truyền cho các giám đốc của đại học này có các dự liệu cho việc dạy khoa truyền giáo học, một ngành học từ nay sẽ được đưa vào chương trình học của họ.

Thông thạo ngôn ngữ

24. Trong số những mục tiêu cần thiết cho đời sống một người truyền giáo, đương nhiên phải dành một vị trí tối quan trọng cho ngôn ngữ của những người mà nhà truyền giáo hiến mình để đem đến ơn cứu rỗi. Họ không được bằng lòng với một sự hiểu biết hời hợt về ngôn ngữ, nhưng phải có khả năng nói ngôn ngữ ấy một cách lưu loát và thông thạo. Vì về phương diện này, họ có nghĩa vụ đối với tất cả những người mà họ tiếp xúc, với những người có học cũng như những người vô học, và họ sẽ sớm nhận ra lợi ích mà việc thông thạo ngôn ngữ cống hiến cho họ trong nhiệm vụ chinh phục sự tin tưởng của dân chúng. Nếu nghiêm túc trong công việc của mình, họ sẽ không dễ dàng khoán trắng cho các giáo lý viên công việc giảng dạy giáo lý Kitô giáo. Họ sẽ cố gắng dành bổn phận này cho chính mình. Suy cho cùng, vì họ đã được sai đến các nơi truyền giáo không phải vì một mục đích nào khác hơn là rao giảng Tin Mừng, nên họ thậm chí sẽ coi những giờ giảng dạy này như là phần quan trọng nhất trong công việc của họ. Trong vai trò là người đại diện và diễn giải đức tin của chúng ta, họ sẽ có những dịp phải tiếp xúc với giới chức của địa phương. Hoặc, họ có thể được mời xuất hiện tại các cuộc hội họp có tính học thuật. Làm sao họ có thể giữ được vị thế của mình trong những hoàn cảnh này nếu họ không thể phát biểu vì không biết ngôn ngữ?

25. Một ít thời gian trước, Tôi đã có một sự dự liệu cho nhu cầu này khi Tôi đang có kế hoạch gia tăng và mở rộng Hội Thánh tại Phương Đông. Tôi đã thiết lập tại Rôma này một học viện đặc biệt cho những người sẽ được sai đi hoạt động tông đồ tại vùng này trên thế giới. Họ sẽ học thành thạo các ngôn ngữ Phương Đông và một sự hiểu biết sâu về văn hoá Phương Đông, đồng thời có sự thành thạo các kỹ năng khác có ích cho họ. Sự phấn khởi của Tôi về các lợi ích mà công việc của học viện này cung cấp đã thúc đẩy Tôi lợi dụng cơ hội này để thúc đẩy các bề trên của tất cả các dòng tu truyền giáo đang hoạt động truyền giáo tận dụng việc đào tạo này và sử dụng nó để phát triển đầy đủ các khả năng của những sinh viên của họ đã được chọn cho các xứ truyền giáo này.

Cần có sự thánh thiện

26. Nhưng có một thuộc tính không thể thiếu đối với những người bước vào đời sống tông đồ. Một điều tối quan trọng và thiết yếu, đó là họ phải có đời sống thánh thiện. Bởi vì, ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Chúa. Ai khuyên người khác chê ghét tội lỗi thì chính mình phải chê ghét tội lỗi. Giảng bằng gương sáng thì hiệu quả hơn nhiều so với giảng bằng lời, đặc biệt khi giảng cho những người không tin, họ dễ bị ấn tượng bởi những gì mắt họ nhìn thấy hơn là bằng những lý luận được trình bày cho họ. Nếu có thể, cứ cho người truyền giáo mọi tài năng tinh thần và trí tuệ có thể tưởng tượng ra được, cứ cho họ những kiến thức sâu rộng nhất và nền văn hoá xuất sắc nhất. Nhưng nếu những đức tính này không được kèm theo tính toàn vẹn tinh thần, chúng sẽ ít hoặc chẳng có giá trị gì cho việc tông đồ. Trái lại, chúng có thể là nguyên nhân gây ra tai hoạ cho bản thân họ và cho người khác.

27. Vì vậy, họ hãy là một gương sáng cho những người họ gặp. Họ hãy sống khiêm nhường, vâng phục và khiết tịnh. Và đặc biệt họ hãy là một người sốt sắng đạo đức, chăm chỉ cầu nguyện và liên lỷ kết hợp với Thiên Chúa, một người đến trước mặt Đấng Uy Nghi và sốt sắng cầu xin cho các linh hồn. Vì họ càng gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, họ sẽ càng nhận được ân sủng và sự trợ giúp của Thiên Chúa nhiều hơn. Các lời của Thánh Phaolô được áp dụng một cách đặc biệt ở đây: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Cl 3:12). Với những nhân đức này, người truyền giáo sẽ mở ra cho đức tin mà họ rao giảng một con đường bằng phẳng và không có trở ngại để đi vào lòng của người ta. Mọi trở ngại sẽ tiêu tan trên con đường này, vì không có ai đủ cứng lòng để thản nhiên chống lại sức lôi cuốn của các nhân đức này.

Mẫu gương của người truyền giáo

28. Giống như Chúa Giêsu, mẫu gương của mình, người truyền giáo tốt lành cháy lửa bác ái, và họ kể vào hàng con cái Thiên Chúa cả những người không có đức tin bị bỏ rơi nhất, được cứu chuộc như mọi người bằng giá máu thánh Chúa. Sự khác biệt thấp hèn của họ không làm cho người truyền giáo thất vọng; sự vô đạo đức của họ không làm cho người truyền giáo nản lòng. Người truyền giáo không cư xử với họ một cách khinh mạn, bới móc hay thô bạo. Trái lại, họ dùng tất cả nghệ thuật của sự tử tế Kitô giáo để lôi cuốn họ đến với mình, để rốt cuộc có thể dẫn đưa họ vào trong vòng tay của Đức Kitô, trong cái ôm của Người Mục Tử Nhân Hậu. Họ có thói quen suy gẫm tư tưởng được diễn tả trong Sách Thánh: “Quả vậy, lạy Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật. Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa… Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12:1-2.18). Có trở ngại nào xuất hiện, có sự buồn phiền hay nguy hiểm nào tồn tại mà có thể làm cho sứ giả này của Đức Kitô từ bỏ việc chu toàn công việc họ đã bắt đầu? Không một điều gì. Người này, người đã đạt được ân nghĩa với Thiên Chúa vì đã tự do chọn lựa công việc cao cả mà mình đã đảm nhận, sẽ vui vẻ chịu đựng bất cứ nghịch cảnh hay khó khăn nào xảy đến cho mình. Lao nhọc, thiếu thốn, đói khát, thậm chí cái chết ghê sợ – họ sẽ vui vẻ chấp nhật tất cả, bao lâu họ còn có hi vọng mong manh có thể cứu thoát dù chỉ một linh hồn khỏi móng vuốt hoả ngục.

29. Người truyền giáo nào được soi sáng và thúc đẩy bởi gương Chúa Kitô Chúa chúng ta và của các Tông Đồ thì có thể tin tưởng ra đi thi hành thừa tác vụ của mình. Nhưng họ phải nhận ra rằng cơ sở của sự tin tưởng này hoàn toàn nằm ở nơi Thiên Chúa. Như Tôi đã nói trên, toàn thể công việc này là công việc của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa có thể đi vào lòng những con người và soi sáng tâm trí họ bằng ánh sáng rực rỡ của chân lý; chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm bùng cháy ý chí họ bằng tia lửa của nhân đức; chỉ một mình Thiên Chúa có thể ban cho họ sức mạnh để theo đuổi chân lý và làm việc lành. Người thừa sai có làm gì cũng vô ích nếu Chúa không trợ giúp khi họ làm việc. Nhưng họ có lý do để can đảm dấn thân vào công việc được giao cho họ, vì họ có thể dựa vào ơn thánh vốn luôn được ban cho người kêu xin.

Ca ngợi các nữ tu

30. Trước khi đi xa hơn, chúng ta phải nói đôi điều về công việc mà các phụ nữ đang làm, vì ngay từ những ngày đầu tiên của Hội Thánh, các phụ nữ luôn luôn tỏ ra nổi bật về sự chu đáo và nhiệt tình trong việc trợ giúp các vị rao giảng Tin Mừng. Với những lời ca ngợi đẹp đẽ nhất, Tôi muốn nêu lên ở đây nhiều phụ nữ đã hiến dâng đời sống trinh khiết của mình cho Thiên Chúa và đã theo đuổi ơn gọi của mình để đến làm việc tại các xứ truyền giáo. Tại đó, họ hiến thân lo việc giáo dục các trẻ em và rất nhiều người khác chuyên lo các công cuộc bác ái và đạo đức. Tôi hi vọng rằng việc nhìn nhận những thành quả tốt lành này của họ sẽ khuyến khích các chị em nữ tu và thúc đẩy họ cố gắng nhiều hơn nữa để phục vụ Hội Thánh. Tôi cũng hi vọng họ sẽ vững vàng trong niềm xác tín rằng lợi ích công việc của họ sẽ gia tăng tương xứng với việc họ chăm lo cho sự trọn lành thiêng liêng của chính họ.

Với mọi người Công Giáo

31. Và bây giờ Tôi muốn ngỏ lời với tất cả những người mà lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho họ đức tin chân thật và được thông phần vào những lợi ích vô biên từ đức tin ấy. Trước hết Tôi muốn chỉ ra rằng việc giúp đỡ những người ngoại trở lại cũng là bổn phận thánh của họ. Vì “Người (Thiên Chúa) truyền cho ai nấy phải thi hành bổn phận đối với tha nhân” (Gv 17:14); và mức độ nghiêm trọng của lệnh truyền này tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các nhu cầu của tha nhân. Vậy, có hạng người nào cần được sự giúp đỡ huynh đệ nhiều hơn những người ngoại, những người sống mà không biết đến Thiên Chúa và do đó bị trói buộc bởi những xiềng xích của sự mù tối và các ước muốn mãnh liệt của họ, bị giam cầm trong tình trạng nô lệ ghê tởm nhất, nô lệ cho Satan? Vì vậy, bất cứ ai góp phần bằng bất cứ việc phục vụ nào mình có thể để đem ánh sáng đức tin đến cho những người ấy – và phương thế tốt nhất là giúp đỡ các công cuộc truyền giáo – thì người ấy hoàn thành cùng một lúc hai mục đích: Họ chu toàn nghĩa vụ của mình trong vấn đề quan trọng này, và họ cũng đang tạ ơn Thiên Chúa một cách đặc biệt vì đức tin Chúa đã ban cho họ.

Ba cách trợ giúp

32. Có ba cách chung mà một người Công Giáo có thể trợ giúp cố gắng truyền giáo, và chính các nhà truyền giáo cũng thường xuyên nhắc nhở chúng ta về các cách này. Cách thứ nhất nằm trong khả năng của mỗi người. Đó là cầu nguyện, cầu nguyện xin Chúa thương ban sự trợ giúp cho các công cuộc truyền giáo. Tôi đã nhấn mạnh ở trên rằng sự lao nhọc của các nhà truyền giáo sẽ trở nên vô ích và vô hiệu nếu ơn Chúa không làm cho nó trở nên sinh động và hiệu quả. Thánh Phaolô nói đến điều này khi ngài nói, “Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa là Đấng làm cho cây lớn lên” (1Cr 3:6). Tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng chúng ta có một cách để nhận được ơn này, đó là khiêm tốn và kiên trì cầu nguyện. Như Chúa chúng ta nói, “… hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18:19).

Loại kinh nguyện này không thể thất bại, đặc biệt vì lý do này. Vì không lý do nào đẹp lòng Chúa hơn lý do này. Trong khi dân Ít-ra-en đánh nhau với quân Amalếch, ông Môsê đứng trên một ngọn núi cao, giang hai tay lên cầu xin Chúa phù giúp dân. Các vị rao giảng Tin Mừng đang mạnh mẽ làm việc trong vườn nho Chúa, và bổn phận của mọi tín hữu là noi gương ông Môsê, và nâng đỡ các vị rao giảng Tin Mừng bằng lời cầu nguyện.

Vai trò của nhóm Tông Đồ Cầu Nguyện

33. Phong trào Tông Đồ Cầu Nguyện đã được tổ chức cũng chính là vì lý do này, và Tôi nhiệt liệt giới thiệu nó với mọi Kitô hữu sốt sắng. Tôi mong rằng không ai sẽ từ chối tham gia phong trào này. Tôi cầu xin để mọi người muốn tham gia cố gắng truyền giáo, và nếu họ không thể trợ giúp tại thực địa, họ vẫn có thể đóng góp nhiệt tình và lòng sốt sắng của họ.

Nuôi dưỡng các Ơn Gọi

34. Thứ hai, phải làm một điều gì đó trước tình trạng khan hiếm các thừa sai. Số lượng các thừa sai trong ít năm qua tương đối còn ít, nhưng bây giờ, kể từ thời chiến tranh, con số ấy đã suy giảm quá nhiều khiến cho nhiều vùng của vườn nho Chúa không có thợ. Chư Huynh đáng kính, Tôi kêu gọi Chư Huynh có một cách giải quyết mạnh mẽ cho vấn đề này. Chư Huynh sẽ thể hiện một việc phục vụ tuyệt vời xứng với lòng yêu mến đức tin của mình nếu Chư Huynh ra sức nuôi dưỡng mọi dấu hiệu của một ơn gọi truyền giáo xuất hiện giữa các linh mục và chủng sinh của Chư Huynh. Đừng để mình bị đánh lừa bởi một sự thận trọng sai lạc; đừng để kiểu lý luận nhân loại làm Chư Huynh sợ hãi khi nghĩ rằng gửi người đi các xứ truyền giáo sẽ làm mất nguồn nhân lực trong giáo phận của Chư Huynh. Thay cho mỗi linh mục mà Chư Huynh gửi đi, Thiên Chúa sẽ ban cho Chư Huynh nhiều linh mục, và là những linh mục rất tài năng để làm việc tại giáo phận nhà.

35. Với các Bề Trên các dòng tu và tu hội đang phục vụ các xứ truyền giáo, Tôi thiết tha yêu cầu quí vị chỉ chọn cho nhiệm vụ quan trọng này những người tốt nhất, những người nổi bật về nhân đức, đầy lòng sốt sắng và nhiệt tình đối với các linh hồn. Và bất cứ khi nào quí vị thấy rõ các thừa sai đã thành công trong việc cải hoá một dân tộc khỏi thói mê tín dị đoan để trở về với sự khôn ngoan thánh của Kitô giáo, và thấy rằng Hội Thánh đã được thiết lập vững vàng tại đó, thì đây là lúc để các bề trên sai những người truyền giáo này đi tiếp, để đoàn quân tuyển chọn này của Chúa Kitô có thể giải phóng một dân tộc khác khỏi nanh vuốt ma quỷ. Chiến thắng của họ là chiến thắng cho Chúa Kitô. Đừng ngại để cho hoa màu được thu hoạch bởi những người khác. Và hãy nhớ rằng cách làm này, việc chuẩn bị liên tục cho mùa gặt, sẽ đem đến cho Tu Hội của quí vị những ân huệ dồi dào của lòng nhân hậu Chúa.

Trợ giúp kinh tế

36. Sau cùng, các xứ truyền giáo cần được trợ giúp kinh tế, và cần rất nhiều. Chiến tranh đã làm gia tăng ghê gớm các khó khăn của các xứ truyền giáo. Nó đã tàn phá rất nhiều trường học, bệnh viện và lưu xá, đã tiêu diệt các tổ chức từ thiện và xoá sổ nhiều loại tổ chức khác đã từng hoạt động. Trong tình trạng khủng hoảng này, Tôi kêu gọi sự hào phóng của mọi Kitô hữu tốt lành tuỳ theo khả năng đóng góp của họ. “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17). Khi nói điều này, Tông Đồ Gioan đang nói về những người thiếu thốn vật chất. Nhưng chẳng phải là luật bác ái còn ràng buộc nghiêm khắc hơn khi vấn đề thậm chí còn cấp bách hơn cả việc cứu vô số người khỏi đói nghèo và các hình thức đau khổ vật chất khác sao? Chẳng phải là luật này còn ràng buộc chúng ta nghiêm khắc hơn khi vấn đề cũng là, và chủ yếu là, giải cứu vô số linh hồn khỏi ách thống trị ngạo nghễ của Satan để đưa họ vào trong sự tự do của con cái Thiên Chúa sao?

Hội “Truyền Bá Đức Tin”

37. Tôi nhiệt liệt khuyến khích người Công Giáo quảng đại giúp đỡ các tổ chức đã được thành lập để nâng đỡ các xứ truyền giáo. Tổ chức đầu tiên trong số này là Hội Truyền Bá Đức Tin, một tổ chức từng được các vị tiền nhiệm của Tôi không ngừng ca ngợi. Với hy vọng công cuộc của Hội sẽ còn hiệu quả hơn nữa trong tương lai, Tôi uỳ thác Hội cho sự lưu tâm đặc biệt của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin. Vì tổ chức này phải cung cấp một ngân quỹ lớn cho các xứ truyền giáo, cả các xứ truyền giáo đã được thiết lập và các xứ truyền giáo sẽ được tổ chức trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng trong thời đại hôm nay, khi những người đại diện cho các học thuyết sai lạc rất đông đảo và gây ảnh hưởng mạnh, thế giới Công Giáo không thể để cho các thừa sai của mình, những người gieo hạt chân lý, phải hoạt động mà không có các nguồn lực.

Hội Thánh nhi Truyền giáo, Hội Thánh Phêrô

38. Một tổ chức thứ hai Tôi nhiệt liệt giới thiệu cho lòng bác ái của mọi người Công Giáo là Hiệp Hội Thánh Nhi Truyền Giáo, một nhóm sắp xếp cho việc rửa tội các trẻ em đang hấp hối của các gia đình không phải Kitô hữu. Đây là một tổ chức đáng ca ngợi đặc biệt vì các thiếu nhi Công Giáo của chúng ta có thể tham gia và nhờ đó các em biết quí chuộng đức tin các em đã được ban cho mình. Tôi cũng muốn nhắc đến một tổ chức khác nữa là Hội Thánh Phêrô Tông Đồ, một tổ chức nhằm giúp đỡ việc giáo dục và đào tạo hàng giáo sĩ địa phương cho các xứ truyền giáo.

39. Vị tiền nhiệm đáng kính của Tôi, Đức Lêô XIII, đã qui định một phương tiện để giúp các tổ chức này, và Tôi muốn qui định này được trung thành tuân giữ. Tôi đang nói đến tập tục tổ chức một cuộc quyên góp tại tất cả các nhà thờ vào ngày Lễ Hiển Linh “để chuộc các tù nhân từ Châu Phi,” và gửi số tiền này về cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.

Hội Liên hiệp Giáo sĩ Truyền giáo

40. Nhưng thưa Chư Huynh đáng kính, để các niềm hy vọng này của Tôi có thể thành công lớn, Chư Huynh phải có một số biện pháp đặc biệt để hướng tư tưởng của hàng giáo sĩ của Chư Huynh về các xứ truyền giáo. Chung chung, các tín hữu luôn sẵn sàng và muốn giúp đỡ ước muốn này để các xứ truyền giáo được hưởng lợi nhiều bao nhiêu có thể. Để đạt mục đích này, Tôi ước muốn trong mọi giáo phận của thế giới Công Giáo thành lập một tổ chức gọi là Hội Liên Hiệp Giáo Sĩ Truyền Giáo. Tổ chức này nằm dưới sự hướng dẫn của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, và Tôi đã ban cho Thánh Bộ mọi thẩm quyền cần thiết cho công việc. Hiệp Hội này đã được thành lập tại Ý một thời gian ngắn trước đây, và đã mau chóng được thiết lập tại một số nơi khác. Công việc của Hội được sự phê chuẩn hoàn toàn của Tôi, và Tôi đã minh chứng việc phê chuẩn của Tông Toà bằng cách ban cho Hội một số đặc ân. Với lý do chính đáng, vì các phương pháp của Hiệp Hội phù hợp tuyệt vời với nhiệm vụ nuôi dưỡng nơi hàng giáo sĩ sự sẵn sàng và khả năng ghi tạc vào lòng người Kitô hữu một mối quan tâm tới phần rỗi của vô số người không Công Giáo và cổ vũ các công cuộc khác nhau mà Toà Thánh đã phê chuẩn là những kênh hiệu quả để trợ giúp các xứ truyền giáo.

Kết luận

41. Cho tới đây, thưa Chư Huynh đáng kính, Tôi đã nói lên điều Tôi muốn nói với Chư Huynh về công việc truyền bá Đức Tin Công Giáo trên thế giới. Nếu mọi người Công Giáo, cả các thừa sai tại thực địa cũng như các tín hữu tại quê nhà, đáp ứng các bổn phận của công việc này như họ phải đáp ứng, thì Tôi có lý do để hi vọng rằng các xứ truyền giáo của chúng ta sẽ mau chóng được chữa lành khỏi những tổn thương và mất mát nghiêm trọng do chiến tranh gây nên, và trong một thời gian ngắn họ sẽ phục hồi được sức mạnh và sinh lực đã có trước kia của họ. Đang khi nhìn tới tương lai, Tôi như nghe thấy tiếng Chúa thúc giục mình, “Hãy ra khơi thả lưới” (Lc 5:4), như xưa kia Người đã thúc giục ông Phêrô. Tình yêu hiền phụ của Tôi thúc đẩy Tôi làm việc để dẫn đưa vào trong vòng tay yêu thương của Người vô số những con người đang sống với Tôi trên thế giới này. Vì Hội Thánh được Thần Khí Thiên Chúa nâng đỡ, và dưới ảnh hưởng của Thần Khí này, Hội Thánh luôn luôn mạnh mẽ và đầy nghị lực. Và rồi công việc của hàng ngàn người tông đồ từng lao nhọc trong quá khứ và còn đang lao nhọc hôm nay để mở mang Hội Thánh nhất định phải đạt hiệu quả. Và gương sáng của họ sẽ thu hút đông đảo người khác noi gương họ ra đi, được nâng đỡ bởi lòng quảng đại và sốt sắng của các tín hữu tốt lành, để đem về cho Đức Kitô một mùa gặt dồi dào các linh hồn.

42. Nguyện xin Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương các Tông Đồ, nghe lời cầu nguyện đồng tâm của chúng con và chuyển cầu cho các sứ giả Tin Mừng để họ được đầy hồng ân Chúa Thánh Thần. Và để làm bằng chứng về các hồng ân này, thưa Chư Huynh đáng kính, và để tỏ lòng ưu ái của Tôi, Tôi thân ái ban phép lành Tông Toà cho Chư Huynh, và cho hàng giáo sĩ và tất cả những người được Chư Huynh chăm sóc.

Làm tại Đền Thánh Phêrô, Rôma, ngày 30/11/1919, Năm thứ sáu Triều Giáo Hoàng của Tôi.

Bênêđíctô XV

(Bản dịch của linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên)