Dịu dàng và yêu thương sự yếu đuối của mình
“Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8).
Khi chịu phép rửa tội là chúng ta đã trở nên con cái Chúa và là môn đệ của Đức Ki-tô. Việc làm của chúng ta bây giờ là phải sinh nhiều hoa trái. Vậy chúng ta phải sinh hoa trái thế nào đây? Chúng ta cùng tìm hiểu và suy gẫm về số 2, trong Tông thư “Bằng trái tim người cha” của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Năm thánh Giu-se, có tựa đề là “Một người cha dịu dàng và yêu thương”.
Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Chúa đã làm với Israel thế nào, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu như vậy: “Ngài dạy Người bước đi, cầm tay Người; ngài đối với Người như một người cha nâng đứa con thơ lên má, cúi xuống cho con ăn”. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu thấy tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa: “Như người cha thương con cái, Chúa xót thương những ai kính sợ Người”.
Như Đức Giê-su, chúng ta cũng phải lớn lên, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. Để nơi chúng ta, người ta thấy được tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Thông thường, chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ làm việc qua những phần tốt hơn của chúng ta, nhưng hầu hết các kế hoạch của Người đều được thể hiện, bất chấp sự yếu đuối của chúng ta”. Đúng vậy, Thiên Chúa còn làm việc qua những yếu đuối của chúng ta nữa. Điển hình nơi thánh Phao-lô: “để tôi khỏi tự cao tự đại, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”(2Cr 12, 9).
“Cái dằm” nơi thân xác, có thể là một khiếm khuyết hay một căn bệnh nào
đó. Ví dụ nơi thánh Phao-lô, dù ngài có những tư tưởng rất hay, viết cũng rất giỏi, nhưng khoa ăn nói của ngài lại không “ra hồn”:”Có kẻ nói rằng: Trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ, nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn”(x. 2Cor 10,10).
Một căn bệnh, như hay bị lở miệng chẳng hạn; vì ai mà bị căn bệnh này thì việc nói năng lưu loát là rất khó; nhất là nói tiếng nước ngoài nữa thì…..khó cực kỳ. Nó mà lở trên lưỡi hay dưới lưỡi, nếu không có thuốc đặc trị xức vào thì không thể nói năng gì được. Nói không được mà ăn uống cũng vô cùng đau đớn nữa.
“Một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt”, theo tôi nghĩ đó có thể là những người hay làm khó làm dễ mình; hay bắt bẻ, công kích hoặc chê bai chỉ trích những công việc chúng ta làm, dù chúng ta chẳng làm gì sai.
Tất cả những sự khiếm khuyết, những căn bệnh là những yếu đuối của chúng ta đó, giúp cho chúng ta đừng có kiêu ngạo; đừng có tự cao tự đại mà mất hết mọi công phúc trước mặt Chúa. Chúng ta có cố gắng làm gì đi nữa thì cũng nhờ ơn Chúa giúp, điều đó giúp cho mỗi người chúng ta biết tự khiêm tự hạ; không chê bai, chỉ trích ai; cũng không khinh khi một ai.
Nhiều khi, với bản tính con người, chúng ta không chấp nhận những sự yếu đuối đó, cứ xin Chúa cất đi cho con nhờ. Thế nhưng, Chúa sẽ nói với chúng ta như đã nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”(2Cor 12,9).
Theo Đức Phan-xi-cô thì “Đây là một phần của toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi, chúng ta phải học cách nhìn vào những điểm yếu của mình với lòng thương xót dịu dàng. Kẻ Ác khiến chúng ta thấy và lên án sự yếu đuối của chúng ta, trong khi Chúa Thánh Thần đem nó tới ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Sự dịu dàng là cách tốt nhất để đụng tới sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không có khả năng chấp nhận các điểm yếu của chúng ta, sự yếu đuối của chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo”.
Đối với thánh Phao-lô, trong trường hợp đó, Ngài “rất vui mừng và tự hào
vì những yếu đuối của mình, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong ngài” (x. 2Cor 12,9). Trên đời này, đâu có ai vui mừng và tự hào về những sự yếu đuối của bản thân đâu. Thế nhưng đối với người tín hữu công giáo chúng ta, chúng ta phải vui mừng, tự hào và yêu mến sự yếu đuối của mình. Vì nó giúp chúng ta nên thánh nên thiện.
Người hay bị lở miệng, thì có thể tự hào gọi đó là “ơn sủng của Thiên Chúa” và vui mừng “sống chung với lở”, như người ta sống chung với lũ vậy. Cứ một tháng nó lở một lần; một lần khoảng 10 ngày mới hết. Điều này liên tưởng đến chị em phụ nữ. Chị em nào mà không có “chuyện ấy” thì cũng hơi mệt, dù rằng có thì cũng mệt đấy, nhưng có vẫn tốt hơn là không có. Bởi đó, chị em nào “còn và có” thì hãy vui mừng và tự hào. Nếu mà nó đã “mãn” rồi thì đành chấp nhận vậy.
Ngoài ra, chúng ta còn có biết bao điều sợ hãi nữa. Nào là sợ làm ăn thất bại; nào là sợ đau, sợ khổ; nào là sợ bị chỉ trích, chê bai; nào là sợ sự góp ý, phê bình; trong dịch Cô-vit này, chúng ta sẽ ra sao, sống thế nào; vv….
“Ngay cả qua nỗi sợ hãi của Thánh Giuse, ý muốn của Thiên Chúa, lịch sử và kế hoạch của Người vẫn hoạt động. Do đó, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin nơi Thiên Chúa hệ ở việc tin rằng Người có thể hoạt động qua cả nỗi sợ hãi của chúng ta, sự yếu ớt và các yếu đuối của chúng ta. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những sóng bão của cuộc sống, chúng ta đừng bao giờ sợ hãi để Chúa hướng dẫn đường đi của chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn hoàn toàn kiểm soát, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh lớn hơn”.
Quả thực, con người chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát hết tất cả mọi thứ được; vì con người chúng ta hèn mọn, yếu đuối, giới hạn và thiển cận lắm; không biết nhìn xa trông rộng. Nên chúng ta hãy noi gương thánh Cả Giu-se để trở nên người cha dịu dàng và yêu thương. Trước hết, chúng ta nên dịu dàng và yêu thương chính sự yếu đuối và hèn mọn của mình; dịu dàng và yêu thương những bệnh và những tật của mình; dịu dàng và yêu thương những khiếm khuyết và tình trạng mình hiện có; để rồi chúng ta cũng dịu dàng và yêu thương những yếu đuối, những bệnh tật; những khiếm khuyết của người khác. Thiên Chúa sẽ hoạt động qua tất cả những điều đó của chúng ta, làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái.
Lm. Bosco Dương Trung Tín