Sr. Bach Mai
Nhắc đến trái tim Chúa Giê-su, chúng ta nghĩ ngay đến trái tim Rất Thánh, Cực Thánh. Đó là một trái tim diệu hiền và khiêm nhường; đó là trái tim trao ban tình yêu và sự sống cho con người; đó là trái tim mà người ki-tô hữu thường hay gọi và tôn vinh là Thánh Tâm mà chúng ta long trọng mừng lễ vào ngày thứ sáu sau lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô.
Khi nói về trái tim rất thánh của Chúa Giê-su, chúng ta không thể không nhắc đến đoạn kinh thánh Ga 19,31-34, nói về trái tim của Chúa Giê-su là nguồn mạnh tình yêu và sự sống của con người, thế nhưng cũng chính con người lại lấy lưỡi đòng đâm thâu trái tim của Đấng đã trao ban tình yêu và sự sống cho mình. Dù tội bất trung và những hành vi tội lỗi của con người có ghê gớm đến mức độ nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn yêu thương con người, vẫn tuôn trào và trao ban tình yêu và sự sống cho con người bởi vì Chúa Giê-su, Đấng sở hữu một trái tim khiêm nhường và dịu hiền, sở hữu trái tim là nguồn cội của tình yêu và sự sống. Chúa Giê-su là Đấng khởi nguyên và tận cùng của mọi sự, nhưng vì yêu thương con người và muốn con người được sống nên Người đã sẵn sàng trao ban tất cả mọi sự cho người, trao ban cho con người đến giọt máu và nước cuối cùng nơi trái tim của Người.
Giống như chúng ta đã giới thiệu ở trên, đoạn tin mừng Ga 19, 31-43 được coi là bằng chứng hay dữ liệu quan trọng để chúng ta suy tư và chiêm ngắm về trái tim cực thánh của Chúa Giê-su. Dù bản văn không một từ nào nhắc đến trái tim của Chúa Giê-su, thế nhưng thánh sử Gioan đã trình bày một cách rõ ràng chính nơi cạnh sườn của Chúa Giê-su, nơi mà ngay khi tên lính lấy lưỡi đòng đâm thọc vào thì nước và máu tuôn trào dù lúc đó Người đã chút hơi thở cuối cùng: “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra”(Gn 19,31-43).
Thật là tuyệt vời hay nói cách khác thật là mầu nhiệm về trái tim của Chúa Giê-su giống như tựa đề mà chúng ta muốn đặt ra cho bài viết này vì chính từ nơi trái tim của Đấng đã chết và bị tên lính đâm thâu bởi một lưỡi đòng để kiểm tra cái chết của tên tử tội lại mở ra cho con người một sự sống mới, một sự sống vĩnh cửu.
Quả thật, khi đọc đoạn tin mừng trên, chúng ta không chỉ hiểu theo nghĩa thực mà chúng ta cần phải hiểu, suy nghĩ theo nghĩa ẩn dụ nữa. Trái tim không chỉ là một bộ phận, cơ quan quan trọng tạo điều kiện cho sự sống sinh học của con người, nhưng trái tim còn là một biểu tượng của tình yêu, của tất cả những cái quan trọng về nội tâm và tinh thần của con người. Chúng ta sẽ sớm nhận ra sự tinh tế về cách mưu tả của thánh Gioan khi trình bày và diễn tả cho chúng ta về mầu nhiệm của trái tim rất thánh của Chúa Giê-su giống như ngài đã khẳng định và làm chúng cho điều này trong câu tiếp theo: “Họ đã nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Giáo Hội vẫn coi các bí tích, một kho tàng quí báu của Giáo Hội và là nguồn ơn cứu độ của con người được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa Giê-su bị đâm thâu. Cũng chính nơi bị đâm thâu này, máu và nước đã chảy ra đem lại sự sống mới cho con người. Đó là sự sống vĩnh cửu. Và chúng ta có thể hiểu Máu là máu của bí tích Thánh Thể, là của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, là bảo chứng đảm bảo cho chúng ta có sự sống đời đời, cho phép chúng ta được thông phần vào sự sống của Đấng Thánh, tức sự sống của Đấng Phục Sinh. Còn Nước là nước của bí tích Thánh Tẩy (bí tích Rửa Tội). Thánh Gioan, cũng đã miêu tả và nhắc lại lời của Chúa Giê-su về lời hứa ban Nước Hằng Sống một cách chắc chắn rằng: từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su Ki-tô đó đã chảy ra dòng nước mà Người đã hứa ban nhân loại trước đây: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39). Chúng ta có thể khẳng định nguồn nước ban sự sống đó chính là Thần Khí của sự sống mà Người đã trao ban cho nhân loại khi gục đầu tắt thở (Ga 19,30).
Trong thực tế, chính trong hành vi tàn nhẫn của người lính đâm thủng cạnh sườn của Chúa Giê-su bởi một ngọn giáo sắc bén thì người ki-tô hữu qua mọi thế hệ hiểu và học cách đọc ra mầu nhiệm của Trái Tim rất thánh của Người mà chính họ đã đâm thâu. Đó là Trái Tim tràn đầy sự yêu thương và giầu lòng thương xót. Đó là Trái Tim cực thánh của Chúa Giê-su. Người là Con Thiên Chúa, Đấng luôn hết lòng yêu thương con người, Đấng đã hy sinh chính mạng sống của mình để cứu chuộc con người.
Tất nhiên, sự hiểu biết về mầu nhiệm của Trái Tim rất thánh của Chúa Giê-su thật đa dạng. Tuy nhiên điều mà mỗi người chúng ta cần phải hiểu và đọc ra đó là sự giầu có, sự phong nhiêu hay nói đúng hơn là những ơn huệ lớn lao được phát xuất từ kho tàng quí báu nơi Trái Tim đầy lòng yêu thương và giầu lòng thương xót của Chúa Giê-su. Chính Trái Tim này đã biến đổi các môn đệ và làm cho các ông trở thành những chứng nhân đích thực của Trái Tim huyền nhiệm đó. Chúng ta, những người ki-tô hưu, những môn đệ của Chúa Giê-su, chắc chắn chúng ta cũng được Trái Tim rất thánh và mầu nhiệm đó biến đổi và làm cho chúng ta trở nên những nhân chứng sống động của Người. Tất nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần phải luôn tin tưởng, và không ngừng chiêm ngắm Trái Tim cực thánh đó, đồng thời cũng phải biết mở rộng con tim của mình để cảm nghiệm và đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Đấng sở hữu Trái Tim Rất Thánh đó trao ban, cũng như biết học yêu và trao ban tinh yêu như Chính Đấng đã yêu và trao ban tình yêu cho chúng ta.
Có lẽ, các môn đệ của Chúa Giê-su, những môn đệ của Đấng sở hữu Trái Tim giầu lòng thương xót đã từng cảm nhận được, từng chứng kiến và trải nghiệm thực tế về những ơn huệ lớn lao và mầu nhiệm này. Thánh Phao-lô, người muôn đệ đã được chính Trái Tim rất thánh đó biến đổi từ một người bắt bớ Chúa trở thành một tông đồ sống động và nhiệt thành của Chúa. Qua lá thư gởi cho các tín hữu thành Ê-phê-sô, ông đã chia sẻ cho chúng ta cảm nghiệm về những ơn huệ lớn lao và sự huyền nhiệm mà ông đã lãnh nhận nơi Trái Tim cực thánh của Chúa Giê-su Ki-tô: “Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật” (Ep 3,8-9).
Cũng vậy, sự giầu có của Trái Tim rất thánh của Chúa Giê-su Ki-tô được khẳng định là kế hoạch cứu độ từ muôn ngàn đời của Thiên Chúa, điều mà Chúa Thánh Thần đã luôn hướng dẫn nơi tận sẩu thẳm bên trong tâm hồn của con người, vì thế qua đức tin, Đức Ki-tô cưu ngụ nơi trái tim của chúng ta. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và qua đức tin, chúng ta cảm nhận được sự cưu ngụ của Chúa Giê-su trong trái tim của nhân loại, của mỗi người ki-tô hữu chúng ta. Chính nhờ điều này, trái tim nhân loại của chúng ta mới đủ sức để thấu hiểu mọi kích thước của chiều dài, chiều rộng, chiều cao, chiều sâu, và nhận biết tình thương của Đức Giê-su Ki-tô, là tình thương yêu vượt quá sự hiểu biết của con người (cf. Ef 3, 18-19).
Để hiểu biết được trái tim của Chúa Giê-su, trái tim của mỗi người chúng ta phải được mở để đón nhận tình yêu và sự trao ban của Trái Tim rất thánh của Đấng đã bị lên án và bị đóng đinh trên đồi Calve. Nói cách khác, muốn hiểu được Trái Tim cực thánh của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải thật sự yêu mến Ngài, tức chúng ta cũng phải lấy tình yêu đáp lại tình yêu, lấy trái tim đáp lại trái tim. Tất nhiên, cần hiểu rằng dù chúng ta có yêu thương Chúa đến chừng nào đi nữa, thì chúng ta cũng không đền đáp hết được những ơn lành và những điều tốt đẹp mà Chúa đã và đang dành và trao tặng cho chúng ta. Dó đó, tốt hơn hết, chúng ta hãy khiêm tốn, tin tưởng và phó thác mợi sự trong tay Chúa, đặc trái tim của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và xin Ngài liệu cho chúng theo thánh ý của Ngài (1Ga 3,19-20). Và quả thật, Trái Tim của Thiên Chúa không phán xét trái con người. Ngược lại, Ngài luôn yêu thương con người và giầu lòng thương xót đối với tất cả mọi người. Đó là Trái tim của Đấng luôn kêu gọi và mời gọi con người đến với Ngài để Ngài yêu thương, để Ngài tha thứ và để Ngài cứu chuộc, tức để Ngài chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và sự sống vĩnh cứu với Ngài. Đó chính là trái tim được mởi ra bởi lưỡi đòng của người lính để đem lại sự sống vĩnh cửu cho con người.
Như vậy, mầu nhiệm của Trái Tim rất thánh của Chúa Giê-su đã được mở ra qua những vết thương hay thương tích của thân xác; mở ra mầu nhiệm vĩ đại và sự sâu thẳm của lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hơn nữa, mầu nhiệm trái tim của Chúa Giê-su còn được thể hiện qua sự hiền từ và nhân lành: Hãy đên với Ta và hãy học Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Cf. Mt 11,19). Có lẽ chính đặc điểm hiền lành và khiêm nhường này nơi trái tim rất thánh của Chúa Giê-su đa thu phục được lòng người và biến đổi họ trở thánh những người tốt hơn và xứng đáng được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Sự khiêm nhường và nhân hiền thật sự nó đã bao trùm lên tất cả nội dung, ý nghĩa và tất cả sự giầu có, sự phong nhiêu của Trái Tim rất thánh của Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Cũng vậy, sự khiêm nhường và hiền lành này diễn tả sự trọn hảo của Ngài, và đồng thời nó giúp chúng ta hiểu và chấp nhận mầu nhiệm của Trái Tim cực thánh của Thiên Chúa một cách tốt hơn và dễ dàng hơn. Đó chính là Trái tim mà chúng ta phải suy phục và tôn thờ. Và đó chinh là Trái Tim của nguồn sự sống, sự thánh thiện và ơn cứu độ của nhân loại.
Suy tư về mầu nhiệm của trái tim của Chúa Giê-su, mỗi người chúng ta không chỉ tôn thờ Trái Tim cực thánh của Ngài, mà còn biết ơn Ngài vì sự yêu thương, sự cứu chuộc và biết bao ơn lành khác mà Ngài đã ban tặng chúng ta, đồng thời chúng ta cũng phải khao khát biến đổi cuộc đời của mình để có được trái tim ngày càng trở nên giống trái tim của Chúa nhiều hơn. Như vậy, để tinh luyện con tim của mình, chúng ta hãy thường xuyên nhìn lên thập giá Đức Giê-su, chiêm ngắm Trái Tim rất thánh của Đấng đã bị đâm thâu để học hỏi nơi Ngài như Ngài đã từng nói: “Anh em hãy học nơi Tôi, vì tôi có một trái tim hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).