Xả thân nếu muốn theo Thầy
Vác cây khổ giá hằng ngày mà theo.
(Mt 16,24)
- LƯỢC SỬ LỄ KÍNH THÁNH GIÁ.
- Suy tôn thánh giá Chúa.
Dưới thời hoàng đế HérachiusI, những người Ba tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène, mẹ của hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại thánh giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của vua dược Chúa chấp nhận, ngài đã đánh bại được quân Ba tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành olive, những ngọn đuốc cháy sáng, thánh giá thật của Chúa được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem với thánh giá này sau mười bốn năm lưu lạc. Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zacharie hô lớn : “Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng hợp với cảnh nghèo nàn và khiêm nhường của Chúa Giêsu khi vác thánh giá”. Hérachius vội cởi bỏ mọi phẩm phục sang trọng, và thay vào bằng bộ áo quần nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng… và để tỏ ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy. Từ đó, lễ kính thánh giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhở cho các thế hệ kỷ niệm này.
- Cây khổ giá của Chúa.
Theo nhiều nhà nghiên cứu Thánh kinh, người ta cho biết một số đặc điểm về cây thánh giá ấy. Cây thánh giá này bằng gỗ tùng rất nặng. Cây dọc 4 thước rưỡi, cây ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 ký. Vác kéo lê thì giảm sức nặng đi 30 ký. Như vậy, Chúa còn bị sức nặng 70 ký đè trên thân xác yếu ớt vì đòn vọt, và vác khệ nệ trên con đường dai 700 thước. Quãng giữa thánh giá, thường đóng một miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một đinh. Nay các nhà kỹ thuật đã hạ miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ chân, và hai chân đóng chụm lại cho đẹp.
- Ý NGHĨA CÂY THÁNH GIÁ.
- Đối với dân ngoại.
Thập giá là một dụng cụ để xử tử phạm nhân mà người Phênixi đã dùng trước hết, kế đó người La mã cũng dùng. Nhưng chính phủ La mã chỉ dùng hình phạt này cho kẻ nô lệ, dân bị trị, những người thấp hèn và những người phạm các giống tội bị coi là nặng nề nhất như trộm cướp, ít khi áp dụng cho công dân La mã. Đóng đinh trên thập giá là một hình phạt đau đớn, nhục nhã và độc dữ nhất. Bàn về hình khổ đó, nhà hùng biện trứ danh La mã xưa, ông Cicéron, đã kêu lên :”crudelissimum et teterrimum supplicium” (cực hình ghê rợn và độc dữ nhất). Trước hết, phạm nhân bị đánh đòn cách tàn nhẫn, rồi cả tay và chân đều bị những mũi đinh to xuyên qua và dính vào thanh gỗ. Bây giờ thập giá được dựng lên. Máu ra nhiều, nhiệt độ trong người gia tăng thành một cơn sốt rất nặng, phạm nhân bị kiệt sức, lưỡi bị khô cứng, các mạch máu sưng lên, các đường gân căng thẳng, toàn thân nhức nhối vô cùng. Thường thường phạm nhân bị thống khổ như vậy đôi ba ngày, hoặc một tuần rồi mới chết. Thời gian ấy câm bằng bao thế kỷ ! Như vậy, cây thập giá là dịp vấp phạm cho người ngoại. Thánh Phaolo đã nhận xét : “Trong khi người Do thái đòi dấu lạ, và người Hy lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô đã bị đóng đinh vào thập giá, cớ vấp phạm cho người Do thái, sự điên rồ đối với người dân ngoại (Hy lạp)” (1Cr 1,22-23). Tại sao có thể xưng nhận một người chịu chết nhuốc khổ đến thế là Chúa? Nếu Ngài toàn năng, sao Ngài đành thinh lặng trước thái độ ngỗ nghịch của bao kẻ khôn ngoan. Thế lực gì kẻ bị chết trần truồng không mảnh vải che thân: đó, lý luận của người đời. Với trí suy hiểu tự nhiên, họ không thể thấy cao nhìn xa hơn được nữa. Cái chết của Ngài có thể coi như một sự chúc dữ của Thiên Chúa (Dt 21,22). Ngài đã nhận cực hình của kẻ nô lệ (Gl 3,13). Nói đúng hơn, không những là cực hình nhưng còn là khổ nhục nữa (xem thêm Phil 2,8; Dt 12,2 và 13,3; Mt 27,42; Lc 23,39).
- Đối với Kitô hữu.
Chúa Giêsu đã dùng cây thánh giá để chuộc tội cho nhân loại, nhờ cây thánh giá mà nhân loại được sống. Như thế, đối với chúng ta, cây thánh giá không còn đáng ghê tởm và kinh khiếp nữa, trái lại, nó là niềm kiêu hãnh của chúng ta. Thánh Tông đồ dân ngoại kể như mình đã bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Giêsu, khoe về thập giá của Chúa Giêsu và lấy làm vinh dự rao truyền thập giá ấy bất cứ nơi nào. Ngài đã múc được sự khôn ngoan trong thánh giá Đức Kitô, một thứ khôn ngoan mà người thông thái trần gian không có: “Lời giảng về thập giá Chúa Kitô, quả thực, đối với những kẻ hư hỏng (cứng lòng tin) là điều điên rồ, nhưng đối với những ai được cứu rỗi như chúng ta, lại là sức mạnh của Thiên Chúa, vì có lời chép: “Ta sẽ hủy diiệt sự thông thái của người thông thái, và phế bỏ sự khôn ngoan của người khôn ngoan (Is 29,14). Người khôn đâu? Văn sĩ đâu? Người biện lý thế gian đâu ? Nào Thiên Chúa đã chẳng khiến sự khôn ngoan của thế gian này ra ngu ngốc sao? Vì thế gian chẳng theo sự khôn ngoan Thiên Chúa để nhận biết Thiên Chúa, mà chỉ theo sự khôn ngoan riêng mình, nên Thiên Chúa muốn dùng lời giảng điên rồ ( về thập giá Chúa Kitô ) để cứu rỗi những ai tin theo ! Người Do thái đòi phép lạ, người Hy lạp tìm triết lý: còn chúng tô lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh: Đấng người Do thái cho là gương xấu, còn dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với những người Do thái va Hy lạp đã được Chúa gọi, thì Đức Kitô lại là sức mạnh và sự khôn sáng của Thiên Chúa: Vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn khôn sáng hơn sự khôn sáng của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn lực lượng hơn sức mạnh của loài người” (1Cr 1,18-25).
Chính vì cây thánh giá đã đem đến cho nhân loại ơn cứu rỗi, nên Giáo hội đã xưng tụng: O crux, ave, spes unica: kính chào cây thánh giá là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi. Trong bài ca vãn ngày thứ sáu tuần thánh cũng có câu: Ôi, thánh giá trung tín, là cây cao qúi hơn mọi cây: không rừng nào có cây lá, hoa trái như vậy. Ôi gỗ êm ái, gỗ mang thân nặng đóng đinh dịu dàng ! Hỡi miệng lưỡi, hãy ca hát chiến thắng vinh hiển, hãy công bố cuộc chiến thắng oai hùng trên thập giá : Đấng cứu độ thế gian tự hiến tế đã toàn thắng.
- Thập giá và vinh quang.
Chúa có thể cứu rỗi chúng ta bằng nhiều cách, chỉ một giọt mồ hôi của Chúa đổ ra cũng đủ dư để cứu chuộc nhân loại, nhưng Chúa Giêsu không muốn thế, Ngài muốn dùng một hình phạt ghê sợ nhất để thực hiện công cuộc cứu chuộc. Nhờ cây thập giá mà Chúa Giêsu đã lôi kéo mọi sự và mọi người về với Chúa: “ Khi nào chịu treo trên thập giá, Ta sẽ kéo mọi sự về với Ta”. Nhờ cái chết đau thương ô nhục mà Chúa Giêsu đã phục sinh vinh thắng để đem lại cho ta sự sống dồi dào. Phải chết đi rồi mới sống lại được, không chết thì phục sinh làm sao ? Hạt giống không mục nát ra, làm sao có thể trổ mầm và sinh hoa kết quả được ? Chúa Giêsu đã nói như vậy :
Này Ta bảo thật các con,
Hạt kia nếu chẳng xuống bùn chết di,
Một mình nó được ích gì !
Còn như nó chết tức thì sinh ra
Muôn ngàn những quả cùng hoa.
(Ga 12,14)
Trong đời sống hằng ngày, ai cũng có kinh nghiệm về những thành công của mình hoặc của người: không có thành công nào mà không được mua bằng hy sinh. Ông Corneille đã nói rất đúng: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh thắng”.
Truyện : hoàng tử và thanh kiếm
Vua Charles V một lần kêu hoàng tử đến và cho hoàng tử được lựa chọn. Trên bàn vua đặt một thanh kiếm và một triều thiên.
Vua nói: Con chọn cái nào ?
Ngần ngừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm.
Vua cha hỏi: Sao con lại chọn thanh kiếm ?
Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện và đáp: Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được triều thiên kia .
Chúng ta cũng phải bắt chước gương hoàng tử để chịu khó ở đời này, phần thưởng đời sau của chúng ta chỉ có thể mua được bằng thanh kiếm của những sự khó nhọc vất vả, những hy sinh hằng ngày, những công việc không tên tuổi, những công việc đều đều nhàm chán, những sự từ bỏ mình liên miên, vì :
Lúc vất vả, lúc thanh nhàn,
Không dưng ai bỗng đem tàn che cho. (ca dao)
- Cây thập giá và đức tin.
Chúng ta đã biết, cây thập giá đối với người ngoại, đối với những người không có đức tin thì đó là cả một vật kinh tởm, một sự thất bại và nhục nhã ê chề của một Giêsu chịu đóng đinh, người mà dân chúng đã tố cáo là một tên phản loạn. Nhưng đối với chúng ta, với con mắt dức tin, ta thấy trong thập giá Đức Kitô cả một nguồn tài sản phong phú, một nguồn ơn dồi dào vô biên, một nguồn suối không bao giờ cạn, một kho tàng lớn lao không gì có thể chứa nổi. Những cái đó, người thông thái thế gian với con mắt thịt không bao giờ có thể trông thấy được.
Truyện : kho tàng và hạt kim cương.
Theo tài liệu sử cho biết : năm 1662 một chiếc tầu Tây ban nha chở đầy vàng đã bị chìm xuống đáy biển… Người ta đã bỏ ra hơn hai triệu Mỹ kim để tìm kho tàng ấy nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Chúa Giêsu cũng ví Nước Trời giống như kho tàng chôn dưới đất, một người biết được đã bán tất cả để mua cho được thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như hạt kim cương quí giá tìm được (x. Mt 13,44-46). Hiện nay cục kim cương lớn nhất thế giới đuợc tìm thấy tại Nam phi năm 1917. Cục kim cương này nặng 3200 cara. Người ta đã chia cục kim cương này thành 105 miếng nhỏ và trong số đó vẫn còn hai cục được kể là lớn nhất thế giới. Cục kim cương trên đã dâng cho Anh hoàng là Edward VII.
Nhiều mgười khôn ngoan đã đi tìm sự khôn ngoan trong thập giá của Chúa nhưng chẳng bao giờ tìm được vì họ còn thiếu điều kiện “sine qua non”, đó là đức tin. Họ chỉ nhìn thập giá dưới khía cạnh vật chất thì làm sao có thể tìm thấy được ý nghĩa thiêng liêng của nó. Họ giống như một ông lão ở nước Ba tư, nghe lời khuyên của một đạo sĩ đi tìm vàng. Ông đã bán hết gia sản, đi khắp nơi để tìm, nhưng… công dã tràng. Ông buồn bực nên đã tự tử. Một người nông dân đã mua nông trại của lão và sau đã khám phá ra, đó là một mỏ kim cương lớn. Và trong đó người ta cũng tìm thấy hai hạt kim cương lớn nhất thế giới của Nga hoàng và Anh hoàng.
III. TẠI SAO NGƯỜI TA YÊU THÁNH GIÁ ?
- Ai khôn, ai dại ?
Trong đời sống hằng ngày, người nào cũng muốn cho mình là khôn, ai cũng muốn cho mình là thầy của thiên hạ, mình là cái túi khôn muôn đời, nhưng thử hỏi có mấy người khôn thật, có mấy người có con mắt tinh đời để nhìn sự vật cho đúng? Người ta hay đánh giá sự vật theo cái vỏ bên ngoài mà quên cái bản chất của nó nhiều khi “sù sì da cóc trong bọc trứng tiên” bởi vì nó “xanh vỏ đỏ lòng” ai ngờ được. Chỉ có những người chuyên môn và có con mắt tinh đời mới nhìn đúng sự vật.
Truyện : Ngọc Biện Hòa.
Đời chiến quốc bên Tàu, có người nước Sở tên Biện Hoà tìm được ở núi Kim sơn một viên ngọc qúi đem dâng vua Lệ Vương, vua trao cho thợ xem thử, thợ bảo là đá. Biện Hoà bị khép tội khi quân và bị chặt một chân. Đời vua sau là Bảo Vương, Hoà cũng đem dâng như trước và lại bị chặt thêm chân nữa. Tới đời Sở Văn Vương, Hòa định đem dâng, ngặt vì cụt hai chân không đi được. Hòa ngồi khóc ba ngày, có người hỏi, Hòa đáp :“Không phải tôi muốn dâng công mà chỉ vì không có kẻ nhìn ra ngọc qúi”. Sở văn Vương nghe được liền sai người đập đá ra, quả thấy ngọc ở trong. Từ đó đặt là ngọc Biện Hòa.
(Hương liệu, Sàigòn, 1975, tr 196)
Biện Hòa là người có con mắt tinh anh, biết nhìn ra giá trị của viên đá, bề ngoài xem ra chỉ là hòn đá, nhưng bên trong thực sự đã có sẵn viên ngọc. Biện Hòa bị chặt hai chân chỉ vì không có ai nhìn ra được viên ngọc ở trong thôi. Ở đời thiếu gì những cảnh tượng như thế xẩy ra chung quanh chúng ta.
Trong đời sống thiêng liêng, số người như thế lại càng nhiều. Nếu người ta chỉ nhìn mọi vật theo chiều hướng vật chất thì làm sao người ta có thể tìm ra được cái ý nghĩa thiêng liêng cao quý tàng ẩn trong đó. Nếu người ta chỉ nhìn thấy cây thập giá với con mắt vật chất thì cây thập giá ấy chẳng có nghĩa lý gì, mà còn làm trò cười cho thiên hạ. Và những ai yêu mến cây thập giá thì đúng là NHỮNG KẺ ĐIÊN, kẻ khùng, kẻ nông nổi, mê tín dị đoan. Nhưng với con mắt đức tin, người ta mới tìm ra sự khôn ngoan vô cùng đã chứa sẵn trong cây thập giá đó, giống như Biện Hòa đã tìm ra ngọc quý trong viên đá tầm thường đó.
- Thằng Bờm khôn hay dại?
Không ai trong chúng ta lại chưa nghe bài ca dao về thằng Bờm! Ai cũng cho thằng Bờm thuộc vào típ người khờ dại, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi. Đúng thế, chính tôi xưa nay vẫn hiểu như vậy vì ý nghĩa của nó qúa rõ ràng: thằng Bờm chỉ có cái quạt mo thôi, thế mà phú ông lần lượt đổi cho nó: ba bò chín trâu, ao sâu ca mè, một bè gỗ lim, đôi chim đồi mồi, nhưng Bờm ta nhất định không đổi. Sau cùng phú ông đổi cho nắm xôi, thì Bờm cười ưng thuận ngay!.
Chúng ta thấy diễn tiến câu chuyện thật là chặt chẽ: phú ông thích cái quạt mo của thằng Bờm quá, nên không ngần ngại đổi ngay cho nó ba bò chín trâu, một cái gia giản quá lớn lao đối với thằng Bờm. Nhưng lạ thay, thằng Bờm không thích, có lẽ to quá chăng? Phú ông liền hạ xuống ao sâu cá mè. Bờm cũng không chịu. Phú ông hạ xuống nữa, và sau cùng, ông tưởng là thằng Bờm này khờ dại nên thử đổi cho nó nắm xôi xem sao. Đúng tủ, thằng Bờm cười khoái trá, nhận lấy. Mọi người thấy thái độ của thằng Bờm đúng là thái độ của một đứa khùng, tiền của nhiều không đổi, lại đi đổi lấy nắm xôi. Khờ ơi là khờ! Nhưng nếu câu chuyện thằng Bờm chỉ có thế, và người ta thoả mãn ngay với câu kết: phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười để kết luận rằng thằng Bờm là thằng khờ, thì thiết tưởng người ta đã hiểu câu chuyện đó một cách quá đơn giản, ý nghĩa quá nông cạn. Riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ về cách kết cấu của bài này, tôi thấy bài ca dao Thằng Bờm hàm chứa cả một triết lý sâu sa về cuộc đời và một nền đạo đức căn bản cho đời sống tu trì của chúng ta. Trước tiên, ta thử hỏi: Tại sao phú ông lại thích cái quạt mo của thằng Bờm đến thế? Có cái gì hấp dẫn mà ông đã bỏ ngay ra ba bò chín trâu để đổi lấy, trong khi cái quạt mo chỉ là cái bẹ cau già cắt đi để làm quạt, một thứ quạt tầm thường và rẻ tiền của những người dân quê nghèo khổ! Nếu không thì phú ông lại chính là thằng khùng !
Sở dĩ phú ông đã làm một cuộc trao đổi như thế là vì phú ông tuy là người giầu có, nhưng trong lòng không bao giờ được thảnh thơi, thoải mái, đúng như người ta nói :
Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy,
Ăn cơm với cáy thì ngáy o o.
Phú ông luôn bon chen, kèn cựa với người khác để làm giầu và còn phải tìm cách để giữ của, vì thế, không lúc nào ông thấy thảnh thơi. Lúc này ông thấy thằng Bờm phe phẩy cái quạt mo ra vẻ ung dung, sung sướng làm cho phú ông phát thèm. Phú ông là người chỉ biết có tiền, có của, không biết niềm vui sướng thảnh thơi của thằng Bờm bởi đâu mà đến, ông tưởng rằng sự vô tư thảnh thơi của nó ở trong cái quạt nên ông mới đổi lấy để hòng có được lấy những phút thảnh thơi trong đời. Phú ông tưởng rằng bỏ ra một tài sản kếch sù như thế để đổi lấy cái quạt mo thì ăn chắc rồi. Nhưng ngược lại với điều ông suy tưởng: Bờm ta nhất định không đổi. Phú ông lại nghĩ: thằng này đúng là khờ rồi, tại sao không đổi, ừ, ta hạ xuống xem sao, hạ xuống, hạ nữa, sau cùng, mình đổi cho thằng khờ nắm xôi xem nó có đổi không! Đến đây ta thấy thằng Bờm nó cười. “Bờm cười”. Hai tiếng kết thúc bài thơ này cần cho chúng ta suy nghĩ. Bờm cười có nghĩa gì? Bờm ưng thuận hay Bờm từ chối? Đến đây tôi cho rằng: thằng Bờm đã từ chối. Cái cười của thằng Bờm hàm chứa một chút khinh bỉ đối với phú ông. Nó cho rằng: ông tưởng tôi là thằng khờ, nhưng tôi đâu phải là thằng khờ! Ông đổi cho tôi ba bò chín trâu, tôi còn chả lấy, lấy chi nắm xôi cho nó rẻ người ra. Sở dĩ tôi không muốn đổi lấy cái tài sản to tát của ông là vì tôi không muốn trở thành người giầu có bon chen như ông kẻo mất đi cái sự thanh thản của tâm hồn. Tôi không muốn tiền bạc của cải chi phối tôi, vì người ta thường nói : “Hoàng kim hắc nhân tâm” hay “Đồng tiền đổi trắng thay đen lòng người”. Tiền của đâu có làm cho người ta hạnh phúc. Anh chàng Bờm này khôn thật, anh đã thấy Chúa Giêsu nói lên một sự thật phũ phàng là của cải thường ám ảnh lòng trí con người khiến họ khó bề siêu thoát :
Nơi con chôn giấu kho tàng,
Trí lòng con hẳn tấc gang không lìa. (Mt 6,21)
- Chúng ta khôn hay dại ?
Trong phạm vi siêu nhiên, không phải ai cũng có thể trông thấy những thực tại giống nhau, mà mỗi người thấy nhiều hay ít, rõ hay mờ, tùy ở mức độ Chúa cho biết, mà Chúa thường tỏ lộ cho kẻ khiêm nhường bé mọn: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ây cùng hạng người khôn ngoan thông thái, mà đã tỏ bầy tỏ cho người bé mọn”(Mt 11,25;Lc 10,21). Ai được Chúa cho biết những bí nhiệm Nước Trời, đó là người có phúc: “Phần các con, mắt các con có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe. Quả thật Thầy bảo các con: nhiều vị tiên tri, nhiều đấng công chính đã ao ước đuợc thấy điều các con thấy, mà không được thấy, nghe điều các con nghe, mà không được nghe”(Mt 13,16-17).
Chúng ta có phúc vì được hiểu những sự về Nước Trời, trong khi những người khôn ngoan trần thế này không được hiểu. Chúng ta đã đọc Phúc âm, ta còn nhớ: có một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu xem, anh phải làm việc gì lành để được sống đời đời? Chúa Giêsu đã không ngần ngại trả lời :
Nếu con muốn ở trọn lành, hãy về bán hết gia phần của con.
Phát cho quả phụ cô nhi, kho tàng thiên quốc con thì cầm tay.
(Mt 19,21)
Nghe lời khuyên này, chàng thanh niên tiu nghỉu, anh lặng lẽ bỏ ra đi mà không bao giờ trở lại. Lời khuyên của Chúa khó nghe vì nó không thích hợp với lối sống, với lối suy luận của con người xương thịt, của những con người còn bị vật chất chi phối quá nhiều. Nếu người ta lại phải nghe bài giảng Tám mối phúc thật ở trên núi (x.Mt 5,3-11) thì người ta có thể chấp nhận được không? Chắc người ta sẽ cho là lời nói chói tai, không thể chấp nhận được. Nhưng chỉ những người nào đuợc ơn hiểu thì mới có thể hiểu được.
Chúng ta đi tu, người ta nhìn người tu sĩ với con mắt ngỡ ngàng, khó hiểu. Người ta thắc mắc: tại sao những người này lại đi tu? Tại sao họ lại bỏ cả mọi sự đời mà chấp nhận một đời sống khắc khổ như vậy? Tại sao họ lại đi tu dòng Mến Thánh Giá, lý do nào thúc đẩy họ làm như thế? Phải chăng họ là những người khờ, NHỮNG NGƯỜI ĐIÊN, phải chăng đây là hiện thân của những thằng Bờm trong thời đại nguyên tử và phi thuyền này? Họ còn đặt nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời, vì họ không có con mắt đức tin để hiểu được những thực tại siêu nhiên. Chúng ta nhận mình là những thằng Bờm, nhưng là những thằng Bờm khôn ngoan, đó là bỏ đi tất cả để được tất cả: “Kẻ nào muốn cứu lấy mạng sống mình, thì sẽ mất, còn kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sống” (Mt 16,25).
- CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ?
- Yêu mến Thánh giá Chúa.
Thánh Augustinô nói: “Yêu ai thì nên giống ngưới ấy”. Chúng ta yêu mến Chúa Giêsu thì chúng ta cũng phải trở nên giống Người, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúa Giêsu đã được tiên tri Isaia mô tả là một tên tôi tớ rốt hèn, chịu đau thương (x. Is chương 53). Thánh Tông đồ dân ngoại lại mô tả: “Đức Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Chúng ta phải bắt chước Chúa ở chỗ phải đóng đinh xác thịt mình vào thánh giá Chúa để được nên giống như Người. Và muốn để dễ nhớ đến Người, chúng ta đã đeo thánh giá Chúa ngay ở trước ngực. Chúng ta đeo thánh giá không phải để trang hoàng nhưng để nhắc nhở chúng ta về Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Truyện : đeo thánh giá vàng.
Gia đình kia có cô con gái 18 cái xuân xanh được cha mẹ hết sức nuông chiều nâng niu, vì là đứa con một hiếm hoi. Mặc dầu nhà nghèo, hai ông bà cố gắng kiếm tiền nuôi sống và cung cấp cho con ăn mặc để lên mày lên mặt với chị em. Cô đòi cha mẹ phải sắm cho cô một tượng thánh giá bằng vàng đeo vào cổ để làm đồ trang sức cho hơp thời trang. Vì được quá nuông chiều nên cô làm phách lối, hơi bị trái ý một tí là cô la hét, chửi bới không biết nể lời. Cổ cô đeo thánh giá thật đấy nhưng không bao giờ cô nghĩ tới thánh giá để làm một vài việc hy sinh hãm mình để theo gương Chúa. Một hôm người cha nói với cô: “Con ơi, nhiều ngày cha vác những bao than nặng nề trên vai, trèo lên những nhà cao năm, sáu tầng, vai cha tê cứng, và cha tưởng nhở đến Chúa Giêsu cũng chịu khốn khổ trên vai vì cây thánh giá quá nặng mà Người phải vác. Cha liền dâng lên cho Chúa những sự cực khổ của cha để xin cho con cái cha được theo Chúa giữ đạo cho sốt sắng. Này con, có phải mang thánh giá vàng đeo vào cổ là đủ đâu? Có phải đó là trọn lời Chúa đã khuyên: “Hãy vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chăng” (Mt 16,24). Đến đây, cô con gái mới sực tỉnh về thái độ vô ý thức của mình và mới hiểu lời khuyên bảo của người cha.. Từ đấy cô đã sửa đổi được cuộc sống, cô bán tượng thánh giá vàng đi, phân phát cho kẻ khó và chỉ đeo tượng thánh giá thường thôi, không phải đeo để trang hoàng, nhưng đeo để nhắc nhở cô luôn biết theo Chúa, vác thánh giá Chúa hằng ngày bằng cách chấp nhận cuộc sống với bao hy sinh, bao đau khổ và nhẫn nhục chịu đựng mọi trái ý hằng ngày, có ý kết hợp vào sự thương khó của Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn.
Người dân Việt nam luôn có đầu óc sùng kính những gì đáng cho là sùng kính. Từ tên cha mẹ, ông bà cho đến một ông vua, thời quân chủ, không bao giờ họ dám gọi tên thật. Họ lấy tên người con trưởng để gọi thế tên cha, hay nói chại cái tên đi, ví dụ: nếu tên Cảnh thì gọi là Kiểng. Nhiều ông đồ, vì tính gàn cứ dùng tên húy của vua, của bà con dòng họ vua, là bị đạp vỏ chuối ngay. Có khi còn bị ăn cơm vắt phèn. Đó là cái tên gọi. Còn chữ viết, các người theo đạo Khổng Mạnh hay Phật giáo, ho quý trọng đạo cho đến chữ viết cũng quý. Đi giữa đường, gặp tờ giấy chữ nho, hay một trang kinh sách chữ nho, họ liền cúi xuống, kính cẩn nhặt bỏ túi đem về đốt. Lòng sùng kính chân thật của họ được biểu lộ dưới nhiều hình thức. Tất cả những hình thức ngay thẳng, chân thành đều đáng cho ta lưu ý.
Trở lại câu hỏi : Thánh giá dùng để làm gì? Có phải dùng để trang sức không?
Ông bà cha mẹ ta, một khi qua đời, để lại cho ta một vật gì quý báu nhất? Tấm hình, được để trên bàn thờ hương khói hằng ngày, dù nó chỉ là miếng giấy không hơn không kém. Nhưng trong miếng giấy ấy có cái gì linh thiêng nhất? Đó là hình dáng ông bà cha mẹ, đôi mắt dịu hiền, nụ cười tươi tắn, bàn tay mềm mại, nhưng đã nuôi nấng, dạy dỗ, gầy dựng cho ta thành người. Còn cây thánh giá, tại sao không đeo chỗ khác, như trong cổ tay chẳng hạn, mà lại đeo trên cổ trên ngực? Để làm gì? Để đêm ngày kính nhớ Chúa Giêsu đã hy sinh tất cả cho ta, đem lại cho linh hồn ta một đời sống sung mãn. Trên cây thánh giá có hình ai? Ta nhìn Đấng bị đónh đinh trên thánh giá lòng ta lo nghĩ ra sao? Ta đeo tượng thánh giá trước ngực để luôn ghi tạc vào lòng, vào trí não bổn phận ta đối với Chúa, gắng ở làm sao cho Người được vui lòng, để đền đáp lại một phần nào các ơn thiêng liêng Người đã ban cho ta hưởng nhờ. (Khắc Minh, báo Việt tiến số, tr 30)
2.Vác thánh giá Chúa.
Yêu ai mà chỉ thấy thương mến không, chưa đủ. Đặc tính của tình yêu là hy sinh, là cho đi. Thiếu yếu tố hy sinh thì tình yêu chưa thể được coi như thứ tình yêu thật, tình yêu không hy sinh chỉ là tình yêu vị kỷ chứ chưa phải là vị tha. Muốn tỏ lòng yêu Chúa, ta phải theo Chúa, vác đỡ thánh giá cho Người. Ông Simong không tự ý mình vác thánh giá, người ta cưỡng bách ông phải vác đỡ Chúa. Thế mà giá ông ta biết rằng hàng mấy ngàn năm và muôn muôn ức ức người ghen với ông ta mấy phút nhọc mệt ấy. Ôi, họ cũng vậy, giá họ có thể được giúp Chúa đẫm máu. Khi nghe thuật lại lúc Chúa Giêsu chịu nạn, vua Clovis, một vua ngoại giáo, đập vào gươm than rằng: “Ôi Đấng Kitô trơ trọi. Ôi, tại sao lúc đó ta và bọn lính của ta không ở đấy”! Lời than này có nghĩa là: Phải, nếu tôi ở đấy, tôi sẽ không để ông ta chịu đau đớn như thế. Ngày xưa Chúa đã vác thánh giá lên núi Sọ, con đường lên núi Sọ dài có 700 mét và Chúa Giêsu chỉ đi được 1321 bước (theo kinh nguyện của dòng Ba Đa minh), Chúa đã vác thánh giá, Người đã chịu chết trên thánh giá. Nhưng ngày nay, Người vẫn còn tiếp tục vác thánh giá mà những con cái của Người đè lên vai Người bởi những tội lỗi người ta phạm hằng ngày. Chúng ta hãy cố gắng thi hành lời Chúa khuyên từng người chúng ta:
Xả thân nếu muôn theo Thầy,
Vác cây khổ giá hằng ngày mà theo. (Mt 16,24)
Theo Chúa là phải vác thánh giá. Thánh giá nói lên sự từ bỏ mình. Chúa Giêsu còn nói mạnh thêm : “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, kẻ đó không xứng đáng là môn đệ Ta” (Lc 14,27).
Ngày nay được dùng theo ý nghĩa phổ thông, từ ngữ “THẬP GIÁ” đã mất đi phần nào ý nghĩa nguyên ngữ của nó. Một ít khổ đau, bất hạnh, thử thách đều có thể là một thánh giá. Khi nói rằng ai không vác thập giá thì không xứng đáng làm môn đệ Người, Chúa Giêsu muốn chỉ đến một hành động quyết liệt dứt khoát hơn. Hẳn Người đang nghĩ đến các hình ảnh khủng khiếp của những hình khổ lúc bấy giờ. Người La mã thường dùng thập giá như một khổ hình. Người Palestine đã quá quen thuộc từng đoàn người vác thập giá của mình đến nơi họ sẽ bị treo lên. Thập giá có nghĩa là người vác nó đã bị kết án vào một cái chết nhục nhã. Vác sự nhục nhã đi qua giữa đô thị là một lời cảnh cáo cho dân chúng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên những gì mà bản tính nhân loại của chúng ta sẽ gặp phải. Về sau, hình ảnh này đã mang lấy ý nghĩa cao đẹp khi trở thành biểu trưng của sự Cứu rỗi. Người Kitô hữu, nhất là người tu sĩ, một khi đã chọn Chúa, phải từ bỏ mình. Phải đi qua cuộc sống như một người đặc biệt, làm đối tượng cho sự nhạo báng, thù ghét của người trần gian. Chúa Giêsu muốn làm nổi bật tương phản giữa người Kitô hữu và trần gian, người Kitô hữu là người bị kết án.
(Pascal Foresi, Con đường thăng tiến, 1974, tr 17-18)
- Thái độ trước đau khổ.
Vác thánh giá là một hình khổ. Hình khổ dĩ nhiên sẽ tạo nên đau khổ. Đau khổ lại man vàn trong đời sống hằng ngày. Thi hào DANTE đã gọi là “Terra lacrymosa” (quả đất đẫm lệ). Thánh vịnh lại gọi quả đất là thung lũng nước mắt (Tv 79,83). Sách Khôn ngon nói : “Như tất cả mọi người trên trần, tôi đã cất tiếng kêu đầu tiên pha hoà trong nước mắt” (Kn 7,3). Ý tưởng sách Khôn ngoan rất phù hơp với câu tục ngữ Việt nam : “Cất tiếng khóc chào đời”. Người ta không chào đời bằng tiếng cười mà lại bằng tiếng khóc. Thi sĩ Nguyễn gia Thiều đã nói :
Thảo nào khi mới chôn nhau,
đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
(Cung oán ngâm khúc )
Thi sĩ Cao bá Quát cũng đồng quan điểm như trên :
Vừa sinh ra sao đà khóc chóe.
Đời có vui sao chẳng cười khì.
Trần gian đầy đau khổ, đó là một sự kiện, một thực tại phũ phàng mà mọi người phải chấp nhận. Nhưng xét cho kỹ, các đau khổ ấy cũng có cứu cánh của nó chứ không phải phi lý. Khổng giáo chuẩn bị Kitô giáo bằng cái nhìn sâu sắc về đau khổ, xem như phương thế hữu hiệu để hoàn bị hóa con người. Đức Khổng Thử nói: “Khi Trời muốn trao cho ai một sứ mạng cao cả, trước hết Ngài đổ cay đắng vào tâm hồn họ, làm gân cốt họ ra suy nhược, buộc cơ thể họ phải nếm mùi đói khát, đưa họ đến chỗ tận cùng của đau khổ, cản trở và lật đổ những gì họ xây đắp. Có như vậy mới làm sống lại trong con người những tâm tình tốt đẹp, củng cố đức kiên nhẫn và mang lại cho con người những gì còn thiều sót”. Thì luân lý Tin Mừng cũng tuyên bố : “Nếu hạt giống không chết đi, ngươi không thể thấy thân mình nảy nở trong một đời Kitô hữu hoàn toàn”. Vì rằng, sự đổi mới của Chúa Giêsu không làm đảolộn đời sống con người, không hủy bỏ đau khổ và sự chết, nhưng mặc cho đau khổ cái công dụng giúp con người và vũ trụ tân tiến. Nếu ta theo ý định của Chúa, nhận sự đau khổ và sự chết trong đức vâng lời. và vì lòng mến Chúa và thương yêu anh em, thì đau khổ và sự chết hóa nên con đường độc nhất đưa đến sự sống lại vinh hiển, vĩnh viễn cho ta và cho cả vạn vật.
(Nữ tu Thiên Phước, báo Nhà Chúa số 6, tr 41)
Khó khăn, đau đớn xảy đến cho con người như cơm bữa: “ Đêm ngày nước mắt đã trở thành bánh con ăn” (Tv 42,4). Như vậy, đau khổ xẩy đến không quan hệ, mà chỉ quan hệ ở chỗ là thái độ của chúng ta thế nào trước những đau khổ ấy? Ta nghĩ thế nào về hạt cát? Hạt cát có lợi hay có hại cho ta? Phải chấp nhận nó hay phủi nó đi? Nếu hạt cát rơi vào mắt ta, chắc chắn ta phải tìm cách phủi đi ngay vì nó chỉ làm ta đau khổ. Nhưng nếu hạt cát đó lại rơi vào miệng con sò thì sao? Con sò sẽ tiết ra một chất nhờn bao bọc lấy hạt cát và sẽ biến nó thành hạt ngọc. Vì thế, người ta thường tìm sò hến để kiếm ngọc. Người ta kể sự cấu tạo ngọc trai như sau: khi một vật lạ, chẳng hạn như hạt cát, rơi vào cơ thể tức phần ruột trong vỏ con trai, vào ngay giữa lớp nhuyễn mạc của phần vỏ ngoài con trai. Sau đó nhuyễn mạc sẽ cong lên và tạo thành một cái túi, hạt cát lọt vào trong túi ấy, việc nhuyễn mạc cong lên này cốt chỉ để ngăn chặn sự cọ sát có thể làm trai đau đớn. Dần dần nhuyễn mạc nhả vào trong túi càng ngày càng nhiều để tránh sự đau đớn, nhuyễn mạc bao quanh hạt cát và vô tình tạo thành ngọc cho loài người. Việc cấu tạo thành ngọc trai có thể xẩy ra từ ba, bốn, năm năm là viên ngọc đã tròn và sáng. Ngọc để lâu trong con trai càng lâu càng chắc và đẹp. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó một dòng nước có mang những vi sinh vật làm hại trai, có thể đến với những con trai có mang ngọc, lúc ấy viên ngọc sẽ chết và không còn giá trị. Xem như thế, chúng ta thấy: đau khổ có thể trở thành dịp tốt cho ta, nếu ta biết lợi dụng nó. Đau khổ trở nên tốt hay xấu là do thái độ của ta đối với nó. Vậy ta có thái độ nào?
- Tìm cách đẩy lui nó với thái độ bất mãn khó chịu.
- Đón nhận vui vẻ và biến nó trở thành những hạt ngọc sáng chói. Chính những đau khổ ấy sẽ trở nên hòn ngọc quý giá là những công phúc mà chúng ta bỏ vào kho trên trời. Chúng ta đã theo Chúa, vác thánh giá với Chúa, nhưng chúng ta có thể trung thành với Người không, hay giữa đường đứt gánh? Chúng ta có bị liệt vào những hạng thiếu nữ tân thời, thay chồng như thay áo, những người chỉ chú trọng vào những thú vui đê hèn hay chỉ tìm khai thác tiền của, đến khi nhạt nhẽo thì bỏ, đến nỗi thi sĩ Thế Lữ phải than :
Tình người thay đổi,
Thay đổi tình người,
Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Chắc chúng ta không muốn bị liệt vào những hạng gái xấu nết này. Chị em đã chọn Chúa Giêsu làm bạn trăm năm của mình thì quyết trung thành với Người, dù đắng cay trăm phần cũng chịu :
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam. (ca dao)
Chúng ta hãy dùng cây thánh giá để được sức mạnh can đảm mà chịu đựng, mà chấp nhận cảnh sống hiện tại với bao hy sinh đau khổ. Hãy quý mến thánh giá như gương của tướng Carreau. Người ta kể rằng: tướng Carreau bị tử thương. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm cây thánh giá mà vợ ông đã đeo vào cổ ông, rồi nói với các bạn: “Các bạn hãy can đảm lên. Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của các bạn, đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi, và ta thật vô phúc nếu sau khi chết, ta thấy rằng ta không hiểu biết, thờ lạy và bênh vực Chúa Kitô”.
(Nguyễn hài Đồng, Tự điển câu truyện, 1969, tr 139)
KẾT LUẬN
Ta hãnh diện vì mình được mang Thánh giá. Mỗi khi làm dấu Thánh giá anh chị em phải hiểu ý nghĩa tượng trưng của nó :
NHÂN DANH CHA: tay để trên trán, dạy ta phải hiểu rằng Chúa đã dùng cây thánh giá mà chuộc tội cho nhân loại.
VÀ CON: tay để ở ngực, ở trái tim, dạy ta phải yêu mến thánh giá Chúa, phải ôm lấy thánh giá Chúa vào lòng, phải yêu mến sự hy sinh hãm mình : per crucem ad lucem.
VÀ THÁNH THẦN: tay để ở hai vai, dạy ta phải vác đỡ thánh giá Chúa, hai vai thay nhau mà vác.
AMEN: chắp hai tay, cúi đầu xuống, dạy ta hãy tôn kính thánh giá Chúa. Hoặc tay xếp hình thánh giá để vào miệng, dạy ta hãy tôn kính và dùng môi miệng mình để cao rao Chúa Kitô chịu đóng đinh như thánh Phaolô đã tuyên xưng: “Praedicamus Jesum cruxifixum” (1Cr 1,23): Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để thực sự có lòng yêu mến thánh giá Chúa, tìm thấy sự khôn ngoan trong thánh giá, sự khôn ngoan đã bị che khuất mắt những người thông thái thế gian, để chúng ta không còn mặc cảm mình là những kẻ khờ, người điên. Cho dù bị gọi là người điên trước mặt người ta nhưng trước mặt Chúa là những người khôn ngoan. Hãy suy niệm lời thánh Phaolô để yên ủi mình: “Nếu ta đã chết với Đức Kitô, ta tin tưởng cũng sẽ được cùng sống với Người” (Rm 6,8).
Lm Giuse Đinh lập
Giáo xứ Kim Phát
Lễ kính Thánh Giá