Ngày 21 tháng 1 năm 2016, Đức giáo hoàng Phanxico đã chính thức công bố và ký sắc lệnh phong chân phước cho Võ sĩ Giusto Takayama Ukon. Lễ phong chân phước sẽ được tổ chức ngày 7 tháng 2 năm 2017 tại Osaka nơi võ sĩ Ukon sinh trưởng. Ukon từ trần ngày 3 tháng 2 năm1615 trong lúc sống lưu vong tại Phi, nhưng quá trình phong chân phước cho ngài giống như một vị tử đạo.
Takayama Ukon là ai?
Ukon là một võ sĩ chấp nhận bị ngược đãi, từ chối quyền lực, từ bỏ danh vọng và của cải chứ không phản bội lại lương tâm và đức tin Công giáo.
Ukon sinh năm 1552 từ một gia đình võ sĩ tại Settsu-no-kuni (Toyono-Osaka) trong thời chiến quốc Nhật Bản. Ukon cùng với cha là võ sĩ Takayama Tomoteru trở lại đạo Công giáo năm lên 12 tuổi và nhận tên thánh là Giusto, nghĩa là “công chính”.
Thời chiến quốc cũng là thời loạn, các lãnh chúa và tướng quân dùng mưu mẹo và vũ lực để gom góp quyền lực. Người tài giỏi không còn muốn phục vụ kẻ lãnh đạo bạc nhược nữa. Người dân là những con “chốt” đổi mạng cho các trận chiến đâẫm máu và trở thành “tế vật” cho những mưu mẹo chính trị.
Sống trong hoàn cảnh đó, cũng như các bạn bè cùng đẳng cấp, Ukon nhìn thấy những hứa hẹn rực rở và một tương lại đầy hy vọng. Năm 21 tuổi tướng quân Nobunaga công nhận tài văn võ kiện toàn của Ukon, và nâng ông lên làm lãnh chúa vùng Takatsuki (Takatsuki-Osaka). Thời kỳ Ukon cai quản lãnh thổ Takatsuki, ông xây cất nhà thờ, mời các nhà truyền giáo đến nâng đỡ giáo dân cũng như rao giảng tin mừng cho dân trong lãnh thổ của ông. Chính Ukon là người hướng dẫn, dạy giáo lý cho nhiều võ sĩ và đưa nhiều người vào đạo.
Để dân trong lãnh thổ Takatsuki sống theo tinh thần yêu thương phúc âm, công bằng và bác ái, ông tổ chức chương trình giảm khổ xóa nghèo bằng cách tạo việc làm cho dân cùng các sinh hoạt thiện nguyện chia sẻ cơm áo v.v… Tuy Ukon là một lãnh chúa, nhưng ông luôn sống giản dị và hòa đồng với mọi người. Có chuyện kể về ông: Ngày nọ ông đi dạo trong lãnh thổ, nhìn thấy đám tang xa xa. Ông động lòng thương con dân, vội chân đến gần. Ukon cầu nguyện cho người quá cố, an ủi người gia đình rồi ông xin được vác hòm người quá cố một đoạn đường.
Hạ mình xuống là lối sống của Ukon. Biết bao nhiêu bạn bè cùng đẳng cấp với ông chọn quyền lực, gom góp của cải và danh vọng. Còn Ukon thì không. Ông chọn một lối sống khác. Lối sống của Phúc âm. Lối sống của Chúa Giêsu. “Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải dành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!” (Philip 2,6-8)
Nam Du ký
(Còn tiếp)