NHÂN NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 36” – 21/11/2021.
Bạn trẻ mến,
Tâm tình gửi bạn – không phải vì người viết có chút trách nhiệm riêng biệt chi với Giới Trẻ …bởi người viết đã nghỉ hưu lâu rồi – nhưng chỉ vì là …
Cũng trên trang mạng Conggiaovietnam.net này, người viết đang đọc lại với bạn Tông Huấn “Đức Kitô Đang Sống – Christus Vivit” ở mỗi tuần, và – tuần XXVII/TN/B này – chúng ta bắt đầu sang chương Tám – chương trao đổi về Ơn Gọi… Chương 9 cuối cùng sẽ bàn về Phân Định – một kỹ thuật bao gồm việc “biết đọc lịch sử bản thân, các chuyển động nội tâm và các động cơ bên trong” để giúp nhận ra Ơn Gọi (C. Giuse Nguyễn Trọng Sơn)… Đấy cũng là lý do người viết muốn có chút tâm tình về “Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 36” này cử hành vào Chúa Nhật ngày 21/11/2021: Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua – và cũng là ngày kết thúc năm Phụng Vụ 2021… mà trên nửa năm vừa qua – cũng như ở thời gian trước nữa – chúng ta ở trong tình trạng dâng Thánh Lễ và có một vài cử hành Phụng Vụ “trực tuyến do giãn cách xã hội” vì Dịch…
Dĩ nhiên người viết đang gõ cho bạn ở thời gian đầu tháng 10 – nghĩa là chưa chắc chắn gì về tình trạng dịch bệnh sẽ như thế nào trong vòng gần hai tháng tới, nhưng – qua những gì đang xảy ra trong xã hội – thì chúng ta cũng hiểu rằng: con người trên thế giới dần dần tìm cách – dù muốn hay không – để đưa nhau trở lại trạng thái bình thường mà người ta gọi là “trạng thái bình thường MỚI!!!”…Bởi nếu không thì vấn đề kinh tế – vấn đề sống còn của con người – sẽ không có giải pháp tích cực nào. Và như vậy nghĩa là Giáo Hội toàn cầu cũng như tại các địa phương đã bắt đầu phải nghĩ đến hai chuyện: – chuyện BÌNH THƯỜNG; – và chuyện BÌNH THƯỜNG MỚI…
Đức Thánh Cha lấy chủ đề cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2021 này từ câu gợi hứng trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Hãy trỗi dậy. Ta chọn ngươi làm chứng về những điều ngươi đã thấy” (x. Cv 26, 16)…Và bạn cũng biết rồi đấy, câu nói ấy là của Chúa Giêsu – Đấng SỐNG – LẠI và Ở – VỚI – CHÚA CHA – Ngài đã thẳng thừng trao đổi với chàng thanh niên Biệt Phái hiếu thắng và rất đỗi nhiệt tình… trên con đường đi “tiêu diệt” bọn “đạo mới” hoàn toàn xa lạ với Đạo truyền thống. Anh chàng đã bị kéo ngã xuống khỏi yên ngựa. Chắc là con ngựa phải hý lên, cất vó… và hất anh ta xuống. Choáng váng và hãi sợ, anh ta nghe có tiếng cật vấn: “Sa -un, Sa-un , tại sao ngươi bắt bớ Ta?”, để rồi cuối cùng anh được nghe một sứ điệp “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ… Nhưng ngươi hãy trỗi dậy, đứng thẳng lên, Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra và tỏ cho ngươi biết” (Cv 26 , 15 – 16).
Động từ “trỗi dậy”… được dịch ở bản dịch khác là “chỗi dậy”… Người viết đã thử gợi ý để có đôi ba trao đổi về động từ này khi cùng anh em dùng cơm, nhưng có vẻ như anh em không quan tâm. Có người bảo rằng chẳng qua đấy là cách đọc chữ “tr” ở miền này khác với miền kia…thế thôi… Người viết không nghĩ thế… Hai cách phát âm… có khác nhau ở cường độ… của hành động: “Chỗi dậy”… nghe có vẻ uể oải, từ từ… chống tay… rồi miễn cưỡng đứng lên… Thế nhưng “trỗi dậy” thì không như thế mà là đứng “phắt” dậy, thẳng người ngay lên trong tư thế sẵn sàng… cho một hành động nào đó…
Nơi Saun Phaolô là hành động được chữa đôi mắt bị mù khi bị xô xuống ngựa… để rõ ràng hơn… mà trở thành Tông Đồ… và có thể nói là ngay lập tức ông đã làm chứng về Chúa trước mặt vua quan ngoại Đạo.
Thưa bạn,
Người viết không nghĩ đến chuyện đọc lại nguyên văn “Sứ điệp” mà chỉ chọn một vài tư tưởng để chia sẻ, đồng thời mời bạn chịu khó đọc lại toàn bộ “Sứ điệp” qua MXH ở mọi thiết bị thông minh bạn có trên tay…
+ Điều đầu tiên người viết muốn chia sẻ với bạn là lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha về hai mặt của bất cứ sự kiện, bất cứ biến cố nào xảy ra…và tâm trạng của mỗi người trẻ chúng ta đứng trước sự kiện, biến cố ấy… Ngài nói với chúng ta rằng: Trên thế giới, chúng ta – và nhân loại – đã và đang phải chịu “nỗi đau vì mất rất nhiều người thân yêu và sự cô lập xã hội”… Riêng với bạn trẻ thì … “với bản chất tự nhiên là hướng ngoại – đi ra ngoài để đến trường hoặc đại học, đi làm và gặp gỡ nhau”, nhưng trong Dịch Bệnh, điều này là không thể…Vì thế cho nên…”các vấn đề của gia đình gia tăng… cùng với nạn thất nghiệp, trầm cảm, cô đơn và nghiện ngập, chưa kể đến căng thẳng tích tụ, sự tức giận bùng phát và bạo lực gia tăng”… Tuy nhiên – theo Đức Thánh Cha – thì “điều này chỉ là một mặt của đồng tiền. Nếu như thử thách tỏ cho chúng ta thấy sự yếu đuối mong manh của chúng ta… thì nó cũng bày tỏ những nhân đức của chúng ta, bao gồm khuynh hướng liên đới. Trên khắp thế giới, chúng ta đã thấy nhiều người, trong đó có nhiều người trẻ, chiến đấu vì sự sống, gieo mầm hy vọng, bảo vệ tự do và công bình, là những người kiến tạo hòa bình và xây dựng những cầu nối”…
Ngài có một quả quyết phải nói là tuyệt vời khi nói: “Bất cứ khi nào một người trẻ vấp ngã, theo một nghĩa nào đó, thì cũng là tất cả nhân loại đều ngã. Tuy nhiên, nó cũng đúng… là khi một người trẻ trỗi dậy, thì giống như cả thế giới cũng trỗi dậy”…
Cho nên – bạn trẻ – việc bạn “trỗi dậy”… và thóat ra khỏi những tiêu cực của hoàn cảnh, của bệnh hoạn… và tất cả mọi thử thách, gian nan… là để cả thế giới này cùng “trỗi dậy” trong sức mạnh hoàn sinh của người trẻ… Chính vì thế Đức Thánh Cha thẳng thắn nói với bạn: “Hôm nay cũng vậy, Thiên Chúa đang nói với mỗi người trong các con: “Hãy trỗi dậy!” … Cha tha thiết hy vọng rằng Sứ điệp này có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho thời đại mới và một trang mới trong lịch sử nhân loại…[…] Để trỗi dậy, thế giới cần sức mạnh của các con, sự nhiệt tình của các con, niềm đam mê của các con“…
+ Điều thứ hai người viết muốn chia sẻ với các bạn, đấy là suy nghĩ của Đức Thánh Cha về câu hỏi của Saun Phaolô ngay khi ông vừa bị hất xuống ngựa và nghe tiếng của Đấng-Từ-Trời : “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”… Ông đã hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai ?”…
Đức Thánh Cha bảo rằng đấy là “câu hỏi vô cùng quan trọng và tất cả chúng ta sớm muộn gì cũng phải hỏi”… Theo Đức Thánh Cha thì “nghe người khác nói về Chúa Kitô thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải nói chuyện với Ngài một cách cá nhân”… Nghĩa là từng con người nói chung và từng người trẻ nói riêng, chúng ta phải tự mình lên tiếng với Chúa vào một lúc nào đó rất riêng tư: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”… Chắc chắn là – cũng như với Phaolô – Ngài sẽ trả lời: “Ta là Giêsu…” Với Saun Phaolô thì là “Giêsu mà ngươi đang lùng bắt!” , nhưng với bạn… thì là “Giêsu… mà bạn không muốn biết đến hay chưa hề nghe nói đến, hoặc nghe nói đến rồi, nhưng chỉ nghĩ… như một thần tượng mơ hồ nào đó…” Cho nên bạn chưa rõ về Ngài…
Ở đây – cùng với Đức Thánh Cha – người viết muốn nhắc lại cho chính mình và cho các bạn rằng: hôm nay – phải – chính trong hôm nay, Chúa Giêsu lên tiếng với từng người trong chúng ta: “Hãy trỗi dậy! Trỗi dậy… để làm chứng về những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu hoàn thành trong cuộc sống của nhân loại, và của chính con”, đấy là:
-Trỗi dậy và làm chứng rằng – trong cuộc đời mình – chúng ta đã mù lòa, và đã được Chúa chữa lành, được nhìn thấy ánh sáng, sự tốt lành, vẻ đẹp của Thiên Chúa trong người trẻ, trong mọi người, trong Giáo Hội, và trong cuộc chiến thắng mọi sự đơn độc…
– Trỗi dậy và làm chứng cho tình yêu và sự tôn trọng trong các mối tương quan giữa con người, trong cuộc sống gia đình, trong việc đối thoại giữa cha mẹ/con cái, giữa người trẻ và người cao niên…
– Trỗi dậy và bảo vệ công bằng xã hội, sự thật, lẽ phải, nhân quyền, những người yếu thế dễ bị tổn thương, những người không có tiếng nói trong xã hội…
– Trỗi dậy và làm chứng cho cái nhìn mới khiến chúng ta chiêm ngắm thụ tạo bằng đôi mắt ngỡ ngàng… và – từ đó – chúng ta ra sức bảo vệ bằng mọi giá ngôi Nhà- Chung -Trái – Đất của chúng ta và hệ sinh thái dễ thương quanh mình…
-Trỗi dậy để làm chứng rằng mọi thất bại đều có thể được bắt đầu lại, người chết về mặt thiêng liêng có thể sống lại, những người sống kiếp nô lệ có thể trở lại tự do, những tâm hồn trĩu nặng sầu khổ có thể tìm lại hy vọng…
-Trỗi dậy để làm chứng cách vui tươi rằng Chúa Kitô Hằng Sống… và hãy vui vẻ truyền bá sứ điệp yêu thương và cứu độ của Ngài cho mọi người trong môi trường thực của mình, trong thế giới kỹ thuật số mình đang hoạt động… và ở bất cứ nơi đâu mình có mặt…
Và Đức Thánh Cha kết luận:
“Cha hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể sống những giai đoạn này như “những người hành hương thực sự” chứ không phải là “những khách du lịch đức tin”! Chúng ta hãy mở lòng mình trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa – Đấng muốn chiếu tỏa ánh sáng của Ngài trên hành trình của chúng ta. Chúng ta hãy mở lòng để lắng nghe tiếng nói của Ngài, cũng như… qua tiếng nói của anh chị em chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ giúp nhau “trỗi dậy”, và trong thời khắc lịch sử khó khăn này, chúng ta trở thành những “ngôn sứ của thời đại mới và tràn đầy hy vọng”… Xin Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc chuyển cầu cho chúng ta”.
Lm Giuse NGÔ MẠNH ĐIỆP
Giáo Phận Nha Trang